Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:
1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường
Việc quy định nguyên tắc chung về chế độ hôn sản trong Luật HN&GĐ là một bảo đảm pháp lý vững chắc về quyền bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ hôn nhân, trong việc thực hiện các quyền cũng như nghĩa vụ đối với hôn sản cũng như. Trên cơ sở các quy định mang tính nguyên tắc của luật, các hành vi liên quan đến tài sản của vợ chồng được pháp luật điều chỉnh ứng xử theo những khuôn mẫu nhất định, đảm bảo lợi ích của gia đình, của vợ chồng cũng như lợi ích của người thứ ba.
Trong lĩnh vực HN&GĐ, nhìn chung quyền bình đẳng giữa vợ và chồng được đề cập khá chi tiết trong các quy định của pháp luật và có xu hướng ngày càng hoàn thiện hơn.
Trong quan hệ tài sản, vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập [38, khoản 1,Điều 29]. Sự phân công lao động trong gia đình xét về trực quan thể hiện sự bất bình đẳng giữa người chồng và người vợ, người vợ luôn là người chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, xét về bản chất, đó là sự phân công lao động hợp lý, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi cặp vợ chồng và của gia đình. Vợ, chồng tùy theo khả năng và điều kiện của mình có quyền
và nghĩa vụ trực tiếp tham gia lao động, tạo ra thu nhập nhằm nuôi sống gia đình. Thu nhập đó có thể do hai vợ chồng hoặc chủ yếu do một bên vợ hoặc một bên chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng đều được ghi nhận là tài sản chung của hai vợ chồng. Vợ, chồng bình đẳng nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt khối tài sản chung đó mà không có sự phân biệt về công sức người làm ít, người làm nhiều; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. Gia đình là tổ ấm chung, vợ chồng có trách nhiệm phân công lao động cùng nhau xây dựng tổ ấm, có thể người này được phân công lao động để tạo ra tài sản còn người kia có nghĩa vụ thực hiện các công việc khác để đảm bảo sự ổn định của gia đình (như lo nội trợ, nuôi dạy con cái, chăm sóc bố mẹ già ..). Do đó, vợ và chồng mỗi người một công việc, mỗi người một thu nhập có sự nhiều ít khác nhau hoặc có thể không có nhưng đều góp công sức trong việc duy trì, ổn định và phát triển gia đình cả về vật chất lẫn tinh thần.
Hoạt động lao động, tạo lập tài sản của vợ chồng suy cho cùng, trước hết nhằm mục đích đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của gia đình. Pháp luật quy định, việc bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình chính là nghĩa vụ của vợ, chồng [38, khoản 2, Điều 29] mà không phụ thuộc vào ý chí (dù muốn hay không muốn) của nhân cá họ. Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình [39, Điều 3]. Các tiêu chí của nhu cầu sinh hoạt thiết yếu có thể thay đổi theo sự phát triển của xã hội tiêu thụ. Tính chất thiết yêu của nhu cầu sinh hoạt gắn liền với tính chất hợp lý của nhu cầu đó và của sự chi tiêu. Nói cách khác, việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình phải được thực hiện trong phạm vi cho phép của ngân sách ổn định của gia đình và vợ chồng có nghĩa vụ đảm bảo điều kiện để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu tối thiếu đó.
Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của gia đình và những nhu cầu khác của vợ, chồng. Với tư cách là một chủ thể độc lập trong các mối quan hệ và giao dịch dân sự khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường (khoản 3 Điều 29). Việc bồi thường thiệt hại được xem xét trên yếu tố lỗi để xác định tài sản thực hiện nghĩa vụ là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của vợ, chồng.