c) Tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung; tài sản mà không có căn cứ chứng minh là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng
2.2.1.2. Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung
Trước thực tế các tranh chấp liên quan đến tài sản nói chung và tranh chấp tài sản vợ chồng nói riêng xảy ra phổ biến và phức tạp, việc pháp luật dự liệu quy định những loại tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng là một trong những biện pháp, là cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và chính xác, đảm bảo sự công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên. Do đó, việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung vợ chồng hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần đảm bảo sự công bằng, minh bạch cũng như bảo vệ các quyền lợi hợp pháp giữa và chồng đối với khối tài sản chung.
Trước đây, Luật HN&GĐ năm 1959 và Luật HN&GĐ năm 1986 không quy định vấn đề đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng, đã có nhiều hạn chế trong việc thực hiện và áp dụng Luật. Luật HN&GĐ năm 2000, tại khoản 2
Điều 27 đã quy định: “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà
pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng” [38]. Đây là quy định mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật HN&GĐ liên quan đến vấn đề quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng. Hướng dẫn cụ thể hơn những loại tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu trong quy định nêu trên tại khoản 2 Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 70/2001/NĐ–CP Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật HN&GĐ ngày 03 tháng 10 năm 2001, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 10 năm 2001 nêu rõ: “1. Các tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng khi đăng ký quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật HN&GĐ bao gồm: nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu”. [10, khoản 1 Điều 5]. Trên giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản đăng ký sẽ được ghi tên của cả hai vợ chồng theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với những tài sản chung pháp luật yêu cầu phải đăng ký là một thủ tục mang tính bắt buộc, nó vừa là quyền của vợ chồng được xác lập tên chủ sở hữu đối với tài sản, vừa là nghĩa vụ vợ chồng phải thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản mà pháp luật quy định là phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
Hiện nay, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sở dụng đối với tài sản chung của vợ chồng trong một điều luật riêng biệt mang tính cụ thể và rõ ràng hơn [38, Điều 34].
Về nội dung, tương tự như quy định trong Luật HN&GĐ năm 2000 trước đó, điều luật quy định đối với những tài sản chung vợ chồng mà theo quy định của pháp luật yêu cầu phải thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì vợ chồng có quyền và nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cùng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, không phải bất kỳ tài sản chung nào vợ chồng cũng phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng mà thủ tục trên chỉ được áp dụng cho những tài sản chung là quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu [ 11, khoản 1 Điều 12]. So với quy định về đăng ký tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 70/2001/NĐ-CP, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP đã bỏ cụm từ “nhà ở”, phù hợp với quy định mới của Luật Đất Đai năm 2013 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Ngoài ra, những tài sản khác mà pháp luật quy định đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu như ô tô, xe máytheo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, máy bay theo quy định tại Điều 13 Luật Hàng không dân dụng năm 2007; du thuyền theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hàng Hải Việt Nam năm 2015. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều năm trước đây việc đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng thường do một bên vợ hoặc chồng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu. Do đó, theo quy định mới tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ–CP :“ Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng” [11, khoản 2 Điều 12]
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo và tôn trọng quyền cá nhân của chủ sở hữu, quyền tự do quyết định đối với tài sản chung của vợ chồng quy định, trong trường hợp tài
sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân mà trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả vợ và chồng thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở văn bản thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định của Tòa án về chia tài sản chung [11, khoản 3 Điều 12].
Đối với những loại tài sản khác (như ô tô, mô tô, xe máy, máy bay, du thuyền) mà pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì những giao dịch liên quan đến tài sản này (như mua bán, tặng cho, thế chấp, cầm cố…) theo quy định tại Điều 26 Luật HN&GĐ năm 2014 sẽ được thực hiện thông qua hình thức đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng [38, Điều 26]. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác lâp theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014, Luật Dân sự và các luật khác có liên quan. Về phạm vi đại diện, Điều 25 Luật HN&GĐ năm 2014 cũng quy định cho phép vợ chồng có thể đại diện cho nhau trong quan hệ kinh doanh [38, Điều 25]. Nếu hai vợ chồng trực tiếp cùng nhau tham gia quan hệ kinh doanh chung thì theo quy định tại Điều 36 Luật HN& GĐ năm 2014 thì vợ, chồng là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó và khi vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên tham gia kinh doanh và đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung đó [38, Điều 36]. Để đảm bảo sự minh bạch trong việc quản lý tài sản cũng như bảo đảm quyền lợi của vợ chồng đối với tài sản chung, trường hợp thỏa thuận về tài sản chung đưa vào kinh doanh phải được thực hiện dưới hình thức bằng văn bản. Trong trường hợp trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì khoản 2 Điều 24 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định khi xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản chung đó vợ và chồng có thể ủy quyền cho nhau theo quy định về ủy quyền của pháp luật và việc ủy quyền và nhận ủy quyền phải được cả hai vợ chồng cùng đồng ý [38, khoản 2 Điều 24]..
Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó [38, Điều 24].
Trong thực tế giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản chung của vợ chồng, không ít trường hợp khi chia tài sản chung (khi ly hôn) bên có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản tranh chấp vì khẳng định đó là tài sản riêng của cá nhân. Điều này gây không ít khó khăn, phiền hà cho công tác giải quyết tranh chấp của Tòa án.
Trước tình hình đó, đối với trường hợp có tranh chấp về tài sản chung mà trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng, Luật HN&GĐ năm 2014 đã dự liệu và giải quyết theo hướng bên nào cho rằng tài sản đó là của cá nhân sẽ phải có nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản. Trường hợp vợ hoặc chồng không chứng minh được đó tài sản riêng thì tài sản đó được coi là tài sản chung của vợ chồng phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật HN&GĐ năm 2014. Đây là quy định mang tính thực tế, giúp cho công tác giải quyết tranh chấp được kịp thời, dễ dàng và hiệu quả.