NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN VỀ ĐẢNG CẦM QUYỀN Ở VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM TỚI
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, trong các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta luôn quán triệt tư tưởng xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là: “phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo CNMLN, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN” [72, t.1, tr.35].
Thực hiện được tư tưởng đó, Đảng ta phải coi trong công tác lý luận của Đảng nói chung, công tác nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền ở Việt Nam nói riêng. Bởi, công tác lý luận “là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ..., khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [71, tr.420]. Quan điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng là đội tiên phong của dân tộc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Sau khi tổng kết 20 năm Nghị quyết 01-NQ/TW, ngày 28/3/1992 của Bộ Chính trị khóa VII, Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 đã tiếp tục định hướng cho công tác lý luận trong thời gian tới cần phải kết hợp chặt chẽ nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, định hướng nghiên cứu trong từng thời kỳ. “Coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ đi đôi với nêu cao trách nhiệm chính trị của tổ chức và cá nhân hoạt động lý luận. Kiên trì thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, tiếp thu các thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại. Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; uốn nắn những nhận thức lệch lạc” [30].
Điều chỉnh, bổ sung 4 định hướng của Nghị quyết số 37-NQ/TWthành 6 định hướng nghiên cứu lớn như sau: Thứ nhất, về chủ nghĩa Mác-Lênin: Những vấn đề chung, những giá trị bền vững và những vấn đề bổ sung, phát triển. Thứ hai, về tư tưởng Hồ Chí Minh: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tư tưởng triết học Hồ Chí Minh; tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh về xã hội và quản lý xã hội; Hồ Chí Minh về kinh tế và phát triển kinh tế; Hồ Chí Minh về văn hóa và con người; những dự báo thiên tài của Hồ Chí Minh. Thứ ba, về CNXH: CNXH đặc sắc Trung Quốc; CNXH dân chủ Bắc Âu và kinh nghiệm cho Việt Nam; CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, những bài học kinh nghiệm về phòng chống suy thoái và “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu”, bạo loạn, lật đổ. Thứ tư, những vấn đề cơ bản, cập nhật về CNTB hiện đại, những bài học kinh nghiệm cho sự nghiệp xây dựng CNXH trên thế giới và Việt Nam. Thứ năm, nghiên cứu các học thuyết, lý thuyết mới, tư duy phát triển mới và những vấn đề thực tiễn mới trong thời đại ngày nay dựa trên quan điểm, nguyên lý, dự báo của chủ nghĩa Mác-Lênin, để làm cho những giá trị của học thuyết này ngày càng sinh động, sâu sắc. Thứ sáu, nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ công tác tham mưu, hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/2/2018 của Ban Bí Thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới được Đảng ta ban hành, nhằm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng hiệu quả việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới. Quan điểm chỉ đạo đó là: “Học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nội dung quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, vừa có vai trò nền tảng, vừa có vị trí then chốt trong tình hình hiện nay. Học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo phương châm cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại. Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách biện chứng, sáng tạo và cầu thị; đồng thời phòng, chống có hiệu quả các nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"” [7]. Nâng cao chất lượng công tác lý luận của Đảng nói chung, công tác nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền ở Việt Nam nói riêng, cần bổ sung các nhiệm vụ
định hướng công tác nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu: “Nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổng kết thực tiễn 40 năm đổi mới để bổ sung, phát triển lý luận của Đảng. Tiếp tục bổ sung, phát triển hệ thống các quan điểm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Củng cố các cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu các vấn đề lý luận khó, phức tạp phát sinh từ thực tiễn hoặc tồn tại trong thời gian dài; những vấn đề chưa rõ về cơ sở lý luận, còn có nhiều ý kiến khác nhau, mạnh dạn cho thí điểm, tổng kết kịp thời để có kết luận nhằm thống nhất về mặt nhận thức; tạo cơ chế, môi trường thuận lợi và bố trí nguồn lực cần thiết cho nghiên cứu lý luận. Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận; đầu tư xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận; có cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ cách chuyên gia đầu ngành…” [72, tr.234-235].
Trên cơ sở những định hướng, trong thời gian tới, nhiệm vụ rất lớn và quan trọng đối với công tác nghiên cứu lý luận của Đảng là, chặng đường 10 năm, 25 năm tới gắn liền với hai sự kiện trọng đại của đất nước: Năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; năm 2045 - kỷ niệm 100 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chặng đường tới mở ra thời cơ lớn cho hoạt động nghiên cứu lý luận với ý nghĩa đây là thời kỳ đại tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận. Đến năm 2025, công cuộc đổi mới sẽ gần tròn 40 năm, trải qua nhiều bước, nhiều giai đoạn với rất nhiều khó khăn, thử thách và đã minh chứng sự đúng đắn của đường lối đổi mới. Quy luật của đổi mới, của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã định hình rõ nét; cần thiết phải tiến hành tổng kết sâu rộng, toàn diện, khách quan, khoa học 40 năm đổi mới để làm phong phú hơn, đầy đủ hơn nhận thức lý luận về con đường phát triển Việt Nam. Đến năm 2030, vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, chúng ta đã qua gần 40 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và gần 20 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, chắc chắn phải tiến hành cuộc đại tổng kết quá trình thực hiện Cương lĩnh gắn với tổng kết 100 năm lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở những cuộc đại tổng kết đó, xây dựng hoàn chỉnh lý luận về đổi mới, về CNXH và con đường đi
lên CNXH ở Việt Nam; bổ sung nền tảng tư tưởng của Đảng, ban hành Cương lĩnh chính trị mới dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân vững bước tiến lên, thực hiện thành công mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Thập niên thứ ba của thế kỷ XXI có thể gọi là thập niên của nghiên cứu lý luận. Đây là thời cơ lớn, vận hội lớn không thể bỏ qua, do đó, luận án đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền ở Việt Nam trong những năm tới.