2.1. Pháp luật hình sự một số nước về bảo vệ quyền con người
2.1.2. Bảo vệ quyền con người theo pháp luật hình sự Nga
Bộ luật hình sự Nga [26] sửa đổi năm 2010 (hiện hành), đã khẳng định nhiệm vụ quan trọng của Bộ luật này là bảo vệ các quyền và tự do của con người (khoản 1 điều 2). Đồng thời, đã quy định về những hành gây nguy hiểm cho cá nhân sẽ bị coi là tội phạm (khoản 2 điều 2) [33]. Như vậy, Bộ luật hình sự Nga đã ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do của con người và của công dân, đồng thời quy định các loại hình phạt và những biện pháp mang tính chất pháp luật hình sự khác đối với việc thực hiện hành vi phạm tội.
Bảo vệ quyền con người là nhiệm vụ của Bộ luật hình sự Nga (điều 2), các nhà làm luật người Nga đã xác định cụ thể những hành vi xâm phạm đến tự do và an ninh cá nhân sau là tội phạm và sẽ bị trừng phạt. Điều đó đã được khẳng định cụ thể tài các điều: từ điều 105-128 chương 16 và chương 17; các điều: từ điều 131-134 chương 18; điều 357 chương 34:
Để bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sự, các điều luật nói trên của Bộ luật hình sự Nga đã quy định cụ thể về các tội khác nhau: giết người (điều 105); mẹ giết con mới đẻ (điều 106); giết người trong trạng thái bị kích động mạnh (điều 107); giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (điều 108); vô ý làm chết người (điều 109); tội bức tử (điều 110); tội cố ý gây tổn hại nghiêm trọng sức khỏe (điều 111); tội cố ý gây tổn hại sức khỏe rất nghiêm trọng (điều 112); tội cố ý gây tổn hại sức khỏe rất nghiêm trọng trong trạng thái bị kích động mạnh (điều 113); tội cố ý gây tổn hại sức khỏe ở mức độ nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc sử dụng quá mức biện pháp cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (điều 114); tội cố ý gây tổn hại ít nghiêm trọng đến sức khỏe (điều 115); tội hành hung (điều 116); tội nhục hình (điều 117); vô ý gây tổn hại rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác (điều 118); tội đe dọa giết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe (điều 119); tội cưỡng bức nhằm lấy bộ phận cơ thể của người bị hại để cấy ghép (điều 120); tội lây truyền bệnh truyền nhiễm (điều 121); tội lây truyền HIV (điều 122); tội nạo phá thai bất hợp pháp (điều 123); tội không cứu giúp người bệnh (điều 124): tội bỏ mặc người khác trong tình trạng nguy hiểm (điều 125); tội bắt cóc (điều 126); giam giữ người trái pháp luật (điều 127); tội buôn người (điều 127-1); tội đưa người vào bệnh viện tâm thần trái pháp luật (điều 128); tội hiếp dâm (điều 131); tội cưỡng dâm (điều 132); tội ép buộc người khác hoạt động tình dục (điều 133); tội giao cấu và thực hiện các hoạt động tình dục khác với người chưa đủ 16 tuổi (điều 134); tội diệt chủng (điều 357).
Như vậy, nếu đem so sánh Bộ luật hình sự của Nga với Bộ luật hình sự Việt Nam chúng ta thấy chúng có sự tương thích nhau cả về cấu trúc và nội dung. Tuy nhiên, cũng có các điểm khác biệt, như: Bộ luật hình sự Nga
bảo vệ tự do và an ninh cá nhân với tính chất phổ quát của các quyền con người (điều 2); hoặc Bộ luật hình sự Nga xử lý hành vi đe dọa an ninh cá nhân ở cả mức độ đe dọa tính mạng và đe dọa sự toàn vẹn thân thể (điều 119); hoặc Bộ luật hình sự Nga quy định hành vi bắt cóc nói chung là tội phạm (điều 126); hoặc Bộ luật hình sự Nga quy định xử lý đối với tội đưa người vào bệnh viện tâm thần trái pháp luật (điều 128).
Trên đây là những quy định còn khác biệt nếu đem so với Bộ luật hình sự Việt Nam.