3.2. Định hướng hoàn thiện và một số kiến nghị pháp luật điều chỉnh
3.2.1. Thứ nhất, về vốn hoạt động của VAMC
Để linh hoạt và đáp ứng được nhu cầu giải quyết nợ xấu cho hệ thống ngân hàng tại Việt Nam hiện nay, VAMC cần được tạo cơ chế linh hoạt trong việc áp dụng có thể thực hiện mua đứt các khoản nợ xấu mà không chỉ thực hiện theo phương thức mua và giữ hộ như hiện nay. Để thực hiện được hoạt động này, VAMC cần có thực lực về vốn. Hiện nay, với mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng không thể giúp VAMC mua đứt khoản nợ xấu, để bảo đảm thực hiện phương thức này, VAMC cần được bổ sung nguồn vốn phù hợp từ ngân sách nhà nước. Mặc dù, tác giả rất hiểu vì sao mô hình hoạt động của VAMC như hiện nay là để phù hợp với mục tiêu xử lý nợ xấu giúp tháo gỡ khó khăn cho các TCTD cũng như tạo lòng tin của người dân đối với thị trường tài chính nhưng không ảnh hưởng đến tình hình NSNN, nếu xét theo mục tiêu này thì mô hình của VAMC thực sự phù hợp, tuy nhiên lại không mang lại hiệu quả thực sự và đáp ứng được các kỳ vọng mà Chính phủ đã tự đặt ra. Do đó, trường hợp NSNN đang khó khăn, để giải quyết vấn đề vốn cho VAMC, Chính phủ cũng cần xem xét phương án cho phép VAMC huy động vốn góp từ các cổ đông trong và ngoài nước, có thể chuyển đổi mô hình hoạt động của VAMC sang mô hình công ty cổ phần, theo đó VAMC có khả năng tạo lập nguồn vốn tài chính bổ sung cho hoạt động mua bán nợ xấu. Việc chuyển sang mô hình công ty cổ phần sẽ giúp VAMC có thể thu hút sự tham gia góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, của các TCTD làm tăng cường vốn chủ sở hữu cho VAMC, tạo tiềm lực tài
chính vững mạnh. Mặt khác, công ty cổ phần cũng có nhiều hình thức để huy động vốn trên thị trường như phát hành trái phiếu. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề nhu cầu cấp thiết về vốn cho VAMC, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với tình hình NSNN hạn hẹp của Việt Nam hiện nay.
Trường hợp, tại thời điểm hiện nay, việc chuyển đổi mô hình doanh nghiệp của VAMC chưa thể thực hiện do có thể sẽ làm ảnh hưởng đến việc kiểm soát và can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hoạt động của VAMC (hoạt động của VAMC hiện nay do NHNN giám sát và theo sự chỉ đạo của NHNN) thì nên chăng Chính phủ cần tạo ra một cơ chế đặc biệt cho loại hình Công ty TNHH của VAMC, cho phép VAMC được phát hành trái phiếu để huy động vốn, trái phiếu do VAMC phát hành có thể được Chính phủ bảo lãnh và chủ sở hữu trái phiếu có thể mua bán trên thị trường. Đây cũng có thể coi là một kênh huy động vốn khả thi cho hoạt động của VAMC để thực hiện mục tiêu mua nợ xấu theo giá thị trường. Đồng thời, với việc có “tiền tươi thóc thật” khi tham gia sân chơi bán nợ cho VAMC, các TCTD cũng tích cực hơn khi xử lý nợ qua VAMC vì có thể có ngay nguồn vốn để tiếp tục đưa vào kinh doanh.
Tất nhiên, để thực hiện theo phương án nào nêu trên cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định, do đó, đòi hỏi Chính phủ cũng cần phải có sự xem xét thận trọng và tính toán trên cơ sở rất nhiều yếu tố, nhưng đối với thực tiễn hoạt động của VAMC và tình hình NSNN như hiện nay, Chính phủ cần phải thực sự quyết liệt trong bài toán vốn cho VAMC để giải quyết nhu cầu cấp thiết nhất hiện nay của VAMC, điều này sẽ góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của hoạt động xử lý nợ theo hình thức mua bán theo giá thị trường.