Như đã phân tích trên, TGPL ở Việt Nam ngoài những đặc điểm chung trên thế giới còn có những đặc trưng riêng phù hợp với điều kiện thực tiễn bao gồm:
- TGPL là một loại dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. TGPL được
xác định là một trong những chức năng xã hội của Nhà nước; đối tượng được hưởng TGPL là những người yếu thế, không có đủ điều kiện tiếp cận với các loại dịch vụ pháp lý có thu phí, cần có sự trợ giúp của Nhà nước; các chi phí cho hoạt động TGPL do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Đây là một loại hình dịch vụ pháp lý cấu thành nên thị trường pháp lý, do những người có trình độ am hiểu pháp luật thực hiện trên cơ sở pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu giúp đỡ pháp luật của người nghèo và đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế khác trong xã hội thông qua việc tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài
tố tụng, giúp đỡ thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại…
- TGPL là một dịch vụ mang đậm tính nhân văn, bởi mục tiêu hướng
tới, đối tượng phục vụ là những người có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm người nghèo, người có công và các đối tượng yếu thế khác cần phải được Nhà nước và xã hội quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ. Sự hỗ trợ này sẽ làm giảm bớt những khó khăn của nhóm đối tượng yếu thế, góp phần tạo sự công bằng trong xã hội.
- TGPL là hoạt động mang tính pháp lý, thể hiện qua phương thức hoạt
động và mục đích hướng tới của nó. Đây là một trong các biện pháp thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống bởi Nhà nước phải có trách nhiệm tạo ra các cơ chế để giúp người dân biết các quy định pháp luật để thực hiện, sử dụng, tuân thủ trong cuộc sống để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay khi Nhà nước tăng cường thực hiện việc quản lý xã hội bằng pháp luật và giải quyết các vấn đề phát sinh hàng ngày trên cơ sở pháp luật thì yêu cầu cần phải giúp cho người dân hiểu biết pháp luật trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
- TGPL mang tính chất miễn phí dành cho người được TGPL: Tính chất
miễn phí được ghi nhận trong Luật TGPL ngay tại khái niệm “TGPL là việc
cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL” [34, Điều 3];
nguyên tắc hoạt động “ Không thu phí, lệ phí, thù lao từ người được TGPL” [34, Điều 4] và là một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “Nhận, đòi hỏi
bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người được TGPL; sách nhiễu người được TGPL” [34, Điều 9]. Tính chất miễn phí ở đây nghĩa là đối tượng
thụ hưởng dịch vụ này không hề mất một khoản chi phí nào, kể cả chi phí thủ tục, giấy tờ yêu cầu được TGPL. Pháp luật TGPL nghiêm cấm tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người được TGPL. Các chi phí thực hiện do ngân sách Nhà
nước bảo đảm và huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, đây là một đặc điểm ghi nhận sự cố gắng của Đảng và Nhà nước trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
- TGPL thể hiện tính chính trị - xã hội: TGPL được xác định là trách
nhiệm của Nhà nước, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt nhằm góp phần khắc phục sự bất bình đẳng trong tiếp cận với pháp luật và xóa nghèo về pháp luật. Thông qua đó, góp phần thiết lập sự ổn định chính trị, bảo vệ chế độ chính trị và các quan hệ xã hội theo ý chí của Nhà nước, làm tăng niềm tin của người dân vào chế độ. Do đó, nó là một trong những phương thức có hiệu quả để Nhà nước bảo đảm ổn định trật tự và an toàn xã hội. Đồng thời, đây là một trong những biện pháp bảo vệ quyền con người, quyền công dân đối với nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, là một bộ phận cấu thành nên chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực thi chính sách người có công và chính sách dân tộc của Nhà nước.