2.1. Khái quát tổ chức và hoạt động TGPL ở Việt Nam giai đoạn trước khi ban
2.1.2. Khái quát tổ chức và hoạt động TGPL ở Việt Nam giai đoạn từ năm 1997 đến
năm 1997 đến năm 2006
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ triển khai thí điểm thành lập
02 Trung tâm TGPL của Nhà nước tại 02 tỉnh (Tỉnh Cần Thơ thành lập ngày 13/7/1996; tỉnh Hà Tây thành lập ngày 28/01/1997). Nhân dân Cần Thơ và Hà Tây hoan nghênh chủ trương này của Đảng và Nhà nước, đón nhận TGPL như một chính sách xã hội rộng lớn. Bước đầu hoạt động TGPL tại 02 địa phương thí điểm này đã thu được một số kết quả đáng khích lệ (trên 700 vụ/2 địa phương), số vụ việc ngày càng tăng, nhiều đối tượng đã gửi thư cảm ơn. Lãnh đạo hai tỉnh đánh giá cao và coi đây là một trong những loại hình đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống hiệu quả. Kết quả thí điểm là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của hệ thống TGPL ở Việt Nam. Tại kỳ họp lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ngày 18/6/1997, lần đầu tiên trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo định hướng triển khai công tác TGPL: “Tổ chức
hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí” [50].
Đây là cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng trong việc bảo đảm quyền được tiếp cận pháp luật của người nghèo, phù hợp với truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta trong việc thực hiện dân chủ, hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, tạo thuận lợi cho dân trong tiếp cận pháp luật. Đồng thời, thực hiện nhất quán quan điểm quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân theo pháp luật và cũng phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Đặc biệt, trong điều kiện xu hướng phân hoá giàu nghèo, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng và các tầng lớp dân cư, sự khác nhau về trình độ dân trí đang tạo nên sự chênh lệch về điều kiện tiếp cận pháp luật. Do đó, cùng với việc củng cố và hoàn thiện hoạt động luật sư theo hướng chuyên nghiệp hoá nhằm xây dựng một đội ngũ luật sư có kiến thức và kỹ năng hành nghề phù hợp với mức độ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ
mới thì việc hình thành hệ thống tổ chức TGPL miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách là một yêu cầu cần thiết và khách quan.
Từ những yêu cầu trên, ngày 06/9/1997 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg thành lập hệ thống tổ chức TGPL cho người nghèo, đối tượng chính sách tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời hệ thống tổ chức TGPL của Nhà nước. Theo đó, ở Trung ương, Cục TGPL thuộc Bộ Tư pháp được thành lập; ở địa phương các Trung tâm TGPL của Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy,từ chủ trương ban đầu của Đảng về việc nghiên cứu tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo khi tổ chức triển khai thực hiện đã được mở rộng thành TGPL (bao gồm cả tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự trong tố tụng, đại diện ngoài tố tụng miễn phí) cho cả người nghèo và đối tượng chính sách.
Nhằm tăng cường hoạt động phối hợp giữa các ngành, các cấp trong hoạt động TGPL, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa hoạt động TGPL về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, ngày 01/3/2000 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg về việc tăng cường công tác TGPL. Để thực hiện Quyết định này, Bộ Tư pháp đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành ban hành 16 văn bản hướng dẫn thi hành. Ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thi hành. Theo đó, tổ chức TGPL thuộc Sở Tư pháp được quy định tên gọi chính thức là Trung tâm TGPL của Nhà nước kèm theo tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đối tượng TGPL là người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng khác.
Tính đến hết năm 2005, qua gần 08 năm thực hiện Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành, cùng với việc củng cố, kiện toàn các Trung tâm TGPL thuộc Sở Tư pháp các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện chủ trương hướng công tác TGPL về cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận với hoạt động TGPL, hệ thống tổ chức TGPL đã được mở rộng, phát triển đến tận cấp huyện và cấp xã, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa. Cùng với việc mở rộng hệ thống TGPL trong cả nước, đội ngũ cán bộ, chuyên viên và CTV TGPL từng bước được kiện toàn về số lượng và chất lượng. Kết quả sau 08 năm triển khai thực hiện công tác TGPL như sau:
- Về tổ chức TGPL
+ Ở Trung ương: Bộ máy tổ chức của Cục TGPL đã cơ bản được kiện toàn với 18 biên chế và 09 đầu mối đơn vị trực thuộc (Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Quản lý và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Phòng Kế toán, Trung tâm TGPL thuộc Cục, Văn phòng TGPL cho phụ nữ, Quỹ TGPL, Đặc san TGPL, Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh quản lý công tác TGPL các tỉnh phía Nam, Chi nhánh tại tỉnh Hoà Bình để TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc). Cùng với việc chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng tổ chức TGPL, Cục TGPL tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn 07 Trung tâm điểm (với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của tổ chức Novib – Hà Lan) trong việc kiện toàn tổ chức, mở rộng đội ngũ CTV, chủ động tập trung thực hiện việc giải quyết các vụ việc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL, san sẻ kinh nghiệm hoạt động với các Trung tâm khác; hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn tài trợ theo đúng quy định chung của Nhà nước.
+ Ở địa phương: Tính đến năm 2003, trong toàn quốc, 61 Trung tâm TGPL/61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập, với tổng biên chế hơn 400 người, trung bình mỗi Trung tâm có từ 5 - 6 biên chế. Với phương châm hướng về cơ sở, lấy hoạt động TGPL tại cơ sở làm trọng tâm, các Trung tâm đã chủ động tìm ra các phương thức TGPL tại cơ sở cho phù hợp. Đồng thời, nhằm đáp ứng yêu cầu TGPL đa dạng của người dân và thực
hiện xã hội hoá hoạt động TGPL, các tổ chức TGPL quan tâm xây dựng đội ngũ CTV TGPL. Đó là những người làm công tác pháp luật đang làm việc trong các cơ quan pháp luật hoặc đã nghỉ hưu; các luật sư hoặc các chuyên gia chuyên ngành có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề; tự nguyện tham gia làm CTV TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách. Tính đến năm 2003 trên toàn quốc có 500 Chi nhánh - Tổ CTV ở cấp huyện và cấp xã và đội ngũ CTV đông đảo với 4.194 người.
- Về hoạt động TGPL: Từ khi thành lập đến năm 2005, Cục TGPL và
các Trung tâm thực hiện được 806.870 vụ việc cho 805.998 đối tượng, trong đó 17.015 vụ đại diện, 27.997 vụ bào chữa, 734.450 vụ tư vấn, 10.188 vụ kiến nghị, 17.120 vụ hòa giải. Trong số 805.998 đối tượng được TGPL có 406.141 người nghèo, 118.639 đối tượng chính sách, 109.308 dân tộc thiểu số, 41.110 trẻ em, còn lại là các đối tượng khác. Trong số này có một số đối tượng đặc thù trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế như nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ, người chưa thành niên... Đa số các vụ việc tập trung trong các lĩnh vực pháp luật về đất đai, dân sự, hôn nhân – gia đình, hành chính, khiếu nại, tố cáo, hình sự, chế độ chính sách, lao động… Cụ thể, pháp luật dân sự 181.153 vụ, đất đai – nhà ở 294.601 vụ; hành chính 100.921 vụ, hôn nhân – gia đình 92.722 vụ, hình sự 52.050 vụ, lao động – việc làm 21.743 vụ và lĩnh vực pháp luật khác 63678 vụ. Ngoài ra, Cục đã in ấn hàng trăm nghìn tờ gấp, tờ rơi có nội dung cụ thể, đơn giản, dễ hiểu về các lĩnh vực pháp luật khác nhau để phát miễn phí cho người dân. Nhiều địa phương đã tổ chức được các chuyên trang, chuyên mục TGPL trên các báo, đài tiếng nói, đài truyền hình, loa phóng thanh… để đưa TGPL đến với nhiều người dân hơn. Để triển khai công tác TGPL trong thực tiễn đời sống của người dân các tổ chức TGPL đã chủ động bám dân, bám cơ sở thông qua TGPL lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, Tổ TGPL, Điểm TGPL… để tìm đến người dân
có nhu cầu TGPL với 9.140 đợt tại 16.460 xã, thực hiện được 553.256 vụ việc.
Có thể nói, qua gần 08 năm triển khai hoạt động, hệ thống TGPL trong cả nước đã từng bước trưởng thành và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống xã hội. Ngoài việc củng cố, kiện toàn các Trung tâm TGPL thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mặc dù chưa có văn bản pháp quy quy định cụ thể nhưng với sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của Cục TGPL, Bộ Tư pháp và sự chủ động của các địa phương mạng lưới TGPL đã vươn tới tận các bản làng, thôn, xóm, đặc biệt là tại các vùng cao, vùng sâu, vùng xa bằng nhiều hình thức. Cùng với việc mở rộng hệ thống TGPL trong cả nước thì đội ngũ cán bộ, chuyên viên, CTV TGPL được quan tâm kiện toàn cả về số lượng và chất lượng.
Đánh giá chung về công tác TGPL giai đoạn này:
Có thể nói, công tác TGPL trong khoảng thời gian từ năm 1997 – năm 2005 đã góp phần quan trọng trong việc giải tỏa các vướng mắc pháp luật trong nhân dân, nâng cao tri thức hiểu biết pháp luật, góp phần vào việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giải tỏa các xung đột giữa chính quyền với dân, giữa người dân với nhau, hạn chế phần nào tình trạng khiếu kiện vượt cấp, tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp người dân sống và làm việc theo pháp luật, góp phần giữ gìn ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Để đạt được kết quả bước đầu như trên, vai trò nòng cốt của Nhà nước và kết quả của huy động tham gia, đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; sự hỗ trợ của nước ngoài đã tạo ra sức mạnh tổng hợp khắc phục khó khăn, bỡ ngỡ của công tác TGPL những bước đi ban đầu, không ngừng phát triển đi lên.
Tuy nhiên, trước sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao của đất nước thì tổ chức và hoạt động về TGPL đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, tồn
tại như sau: Các văn bản về công tác TGPL mới ở mức quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên còn thiếu cơ chế pháp lý có hiệu lực cao bảo đảm cho hoạt động TGPL. Các văn bản pháp luật về TGPL chưa điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động TGPL như hoạt động TGPL của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp chưa được điều chỉnh chi tiết, chủ yếu là việc làm tự phát, mang tính nhân đạo, từ thiện; diện người được TGPL còn hạn chế, chưa có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tiếp cận với tổ chức TGPL, hoạt động đại diện, bào chữa cho các đối tượng tại các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục điều chỉnh; tổ chức TGPL ở cấp huyện và cấp xã chưa được quy định cụ thể, vì vậy không có cơ sở pháp lý thống nhất nên việc thành lập các tổ chức TGPL ở cấp cơ sở chưa được tiến hành một cách đồng bộ, phụ thuộc nhiều vào tính chủ động của từng địa phương. Mặt khác, đối với vấn đề quản lý nhà nước chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL, đặc biệt trong việc bảo đảm biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và kinh phí hoạt động cho các tổ chức TGPL, làm hạn chế kết quả hoạt động của tổ chức TGPL. Hơn nữa, trước yêu cầu của tình hình mới, tổ chức, hoạt động TGPL chưa đáp ứng được, số lượng vụ việc thực hiện được còn ít mới chỉ đáp ứng được một tỷ lệ rất nhỏ nhu cầu của người dân trong xã hội.