3.2. Một số định hướng cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ
3.2.2. Cụ thể hóa nguyên tắc pháp định trong quản lý thuế
Ở Nhật Bản, Theo quy định tại Điều 29, 30. 84 Hiến pháp Nhật Bản ghi nhận nguyên tắc “Không có thuế mà không có pháp luật”, theo đó NNT có quyền từ chối trả những khoản thuế trái pháp luật vì vi phạm các quyền sở hữu của người dân [71].
Còn ở Việt Nam, các Luật thuế do Quốc hội thông qua quy định nghĩa vụ nộp thuế của các tổ chức, cá nhân. Có nghĩa là Nhà nước chỉ có thể thu thuế khi khoản thu đó được quy định trong luật. Còn Luật QLT là luật thủ tục để quản lý các loại thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN. NNT và Cơ quan thuế là hai đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật QLT. NNT có nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, có quyền yêu cầu hoàn thuế, giảm thuế, miễn thuế, gia hạn thuế.Trong khi đó, Cơ quan thuế có quyền ấn định thuế, quyết định hoàn thuế, giảm thuế, miễn thuế, gia hạn thuế, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt. Đặc biệt, cơ quan quản lý thuế còn có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và xử lý vi phạm pháp luật thuế. Quyền năng này của Cơ quan thuế nhân danh quyền lực nhà nước để thực hiện, nhưng cũng không nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật; mọi quyết định của Cơ quan quản lý thuế phải dựa trên cơ sở pháp luật. Các chủ thể tham gia thực hiện thẩm quyền thu thuế là cơ quan
thuế, hải quan, công chức thuế phải hiểu rõ trách nhiệm quản lý thu thuế. Trình tự, thủ tục thu thuế, quản lý thuế rõ ràng sẽ hạn chế được việc lạm dụng thẩm quyền giải thích pháp luật cũng như quyết định trái pháp luật của cơ quan quản lý thuế. Điều 4 Luật QLT cũng quy định trong nguyên tắc quản lý thuế là xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý thuế. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ được thực hiện khi quy trình thu, nộp, quản lý thuế rõ ràng, minh bạch.
Ngoài ra, lợi ích của NNT cũng chỉ có thể được bảo vệ bằng Luật QLT khi các điều kiện ấn định thuế, gia hạn thuế, hoàn thuế… được áp dụng gắn với quyền lực thực tế của NNT. Hay có thể nói, Luật QLT không chỉ coi là công cụ thực hiện quyền thu thuế mà đồng thời phải coi là công cụ để bảo vệ quyền của NNT trong quá trình nộp thuế và giám sát thực hiện quyền thu thuế. Thực chất, lợi ích của Nhà nước chỉ đạt được khi NNT tuân thủ các quy định Luật QLT. Sự tự giác nộp thuế sẽ góp phần làm giảm chi phí hành thu, bởi vậy, Luật QLT cần quy định chi tiết quyền và lợi ích của NNT trong quá trình thu nộp thuế để giảm thiểu sự bất lợi và làm tăng lợi ích kinh tế từ hành vi tuân thủ pháp luật của NNT.