2.1. Chế độ lương hưu hàng tháng theo quy định của Luật BHXH năm 2014
2.1.1. Lương hưu hàng tháng trong chế độ BHXH bắt buộc
Theo Khoản 2, Điều 3 Luật BHXH năm 2014: BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà NLĐ và NSDLĐ phải tham gia.
2.1.1.1. Đối tượng áp dụng lương hưu hàng tháng
Qua nhiều lần sửa đổi bổ sung các quy định của luật, đối tượng tham gia BHXH đã từng bước được mở rộng song mức độ bao phủ của BHXH bắt buộc vẫn còn thấp. Trước đây Luật BHXH năm 2006 quy định NLĐ tham gia BHXH bắt buộc và công dân Việt Nam bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên; Cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng
lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân; hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời
hạn; người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng BHXH.
Quy định trên đã hạn chế một bộ phận lớn NLĐ không được tham gia BHXH, vô hình trung trở thành rào cản cho việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội trong dài hạn. Theo thống kê đến cuối năm 2013 số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ chiếm khoảng 78% tổng số lao động có quan hệ lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật và chiếm khoảng hơn 20% lực lượng lao động. Trong khi đó có một lực lượng lớn NLĐ trên thực tế không thuộc diện tham gia BHXH, dẫn đến hao hụt về nguồn lực xây dựng quỹ bảo hiểm hưu trí nói riêng và quỹ BHXH nói chung. Xác định mục tiêu lâu dài của Đảng và Nhà nước là từng bước thực hiện BHXH đến mọi NLĐ nói riêng và toàn dân nói chung, Luật BHXH năm 2014 đã mở rộng đối tượng được tham gia BHXH bắt buộc, bao phủ gần như toàn bộ NLĐ có quan hệ lao động gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân;
- Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;
- Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng BHXH bắt buộc.
Đặc biệt Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung, mở rộng thêm 03 nhóm đối tượng so với Luật BHXH năm 2006:
- NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (áp dụng từ ngày 01/01/2018).
Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng nếu bổ sung nhóm này mỗi năm sẽ có thêm gần 06 triệu lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH so với hiện nay, bởi tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức và nông nghiệp tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 70% lực lượng lao động cả nước, khoảng từ 30% - 40% trong tổng số lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động [5, tr.6]. Nếu đơn thuần xét về yếu tố an sinh xã hội, việc mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc cho lao động “mùa vụ” là một bước tiến lớn, không chỉ góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHXH mà còn là một trong các biện pháp đảm bảo bình đẳng trong tham gia BHXH. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng khả năng mở rộng khó có thể làm được vì lao động thời vụ dưới 03 tháng thường không có hợp đồng bằng văn bản, quản lý thu – chi chế độ bảo hiểm đối với các đối tượng này là cực kỳ khó khăn. Chưa kể rằng nếu bắt buộc nhóm này phải tham gia BHXH thì sẽ mâu thuẫn với Luật Việc làm vì lao động nhóm này không thuộc đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 43 của Luật Việc làm.
- NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (áp dụng từ ngày 01/01/2018).
Việc bổ sung đối tượng này là phù hợp với quá trình phát triển thị trường lao động. Hiện nay một số nước trong khu vực ASEAN đã có quy định hợp tác quốc tế về BHXH, một số nước như Đức, Canada, Hàn Quốc đã đề nghị Việt Nam ký kết Hiệp định hợp tác song phương về lĩnh vực BHXH
nhằm tạo điều kiện cho NLĐ hai nước được tham gia BHXH khi sang làm việc ở nước kia.
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Đây là quy định hoàn toàn mới trong Luật BHXH năm 2014, thể hiện sự ghi nhận của xã hội đối với những đóng góp của thành phần cán bộ không chuyên trách trong sự phát triển chung. Thực tế nhiều trường hợp cán bộ không chuyên trách làm việc cả buổi tối hoặc làm việc nhiều năm không được nghỉ hưu nên cuộc sống rất vất vả. Bên cạnh đó việc mở rộng diện đóng bảo hiểm cho cán bộ không chuyên trách tại xã, phường còn là giải pháp cân đối nguồn lực lao động, bồi dưỡng cán bộ cho cấp xã phục vụ phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp - nông thôn.
2.1.1.2. Điều kiện hưởng bảo hiểm hưu trí hàng tháng
Điều kiện để hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hàng tháng bao gồm hai yếu tố độ tuổi và thời gian đóng bảo hiểm.
* Về độ tuổi:
Điều 54 Luật BHXH năm 2014 có sự điều chỉnh trong từng trường hợp cụ thể như sau:
- NLĐ quy định tại các điểm a, b, c , d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH năm 2014 có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi
Luật BHXH năm 2014 vẫn giữ nguyên quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ khối dân sự làm việc trong điều kiện bình thường, cụ thể là đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ như Luật BHXH năm 2006. Độ tuổi này được đánh giá là khá thấp so với các quốc gia trên thế giới, ví dụ: ở Mỹ độ tuổi nghỉ hưu ở cả hai giới là 65 tuổi, ở Anh độ tuổi nghỉ hưu của nam là 6 5 tuổi và nữ là 60 tuổi, ở Nhật tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi... [11, tr.19]. Riêng đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao,
NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với tuổi quy định. Những người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân do tính chất công việc đòi hỏi sự cơ động, khỏe mạnh, trẻ trung nên độ tuổi nghỉ hưu được giảm 05 tuổi so với quy định đối với NLĐ ở khu vực dân sự.
Như vậy, so sánh với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tuổi nghỉ hưu theo quy định của Việt Nam là tương đối thấp. Ở hầu hết các nước không có sự phân biệt về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ (trong khi ở Việt Nam từ trước đến nay, NLĐ nữ được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với NLĐ nam). Tuổi nghỉ hưu theo quy định đã thấp, tuổi nghỉ hưu thực tế còn thấp hơn. Điều này dẫn đến tình trạng thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng BHXH lại dài hơn, do đó quỹ BHXH sẽ mất cân đối thu chi và trong tương lai sẽ dẫn đến khả năng vỡ quỹ BHXH.
- NLĐ có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên: nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi.
NLĐ có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò: từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi.
Những môi trường làm việc khắc nghiệt và mang tính rủi ro cao được Luật BHXH năm 2014 quy định khá linh hoạt, có xem xét đến mối tương quan giữa tính chất công việc và sức khỏe của NLĐ. So với điều kiện bình thường, làm những công việc có tính chất nguy hiểm, độc hại đòi hỏi NLĐ phải bỏ ra nhiều công sức hơn, khả năng gặp các “rủi ro” cũng lớn hơn như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, suy giảm khả năng lao động... So với Luật BHXH năm 2006, Luật BHXH năm 2014 đã tách đối tượng làm việc
khai thác trong hầm lò ra khỏi nhóm nghề nghiệp nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu giảm hơn so với quy định chung (từ đủ 50 đến đủ 55) do môi trường làm việc quá khắc nghiệt và tính rủi ro cao. Bên cạnh đó luật không ấn định độ tuổi nghỉ hưu cụ thể mà đưa ra một khoảng thời gian, từ đó giúp NLĐ có thể lựa chọn độ tuổi nghỉ hưu căn cứ theo tình trạng sức khỏe của mình. Trong bối cảnh dân số Việt Nam có xu hướng già hóa như hiện nay thì những quy định mang tính chất mềm dẻo như vậy sẽ góp phần tạo ra tư duy mới về vấn đề hưu trí, tạo điều kiện và khuyến khích NLĐ tiếp tục làm việc, cống hiến sau khi nghỉ hưu nếu khả năng cho phép.
- Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên nếu không tiếp tục làm việc nữa. Đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Việc không quy định độ tuổi cụ thể được hưởng lương hưu mà chỉ quy định thời gian đóng BHXH với các đối tượng trên nhằm bảo vệ NLĐ trong trường hợp họ gặp rủi ro khi hoàn thành công vụ của mình, những rủi ro này xảy ra bất ngờ nên quy định này hoàn toàn hợp lý, thể hiện sự quan tâm, bảo vệ NLĐ của Nhà nước.
- Lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn có đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH: đủ 55 tuổi.
Đây là quy định mới được bổ sung thêm vào nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo khoản 3 Điều 15 Mục 3 Thông tư số 59/2015/TT- BLĐTBXH ban hành ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật BHXH về BHXH bắt buộc thì việc xác định người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn căn cứ vào thời điểm trước khi nghỉ việc hưởng chế độ BHXH và thời gian đóng BHXH
từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm là thời gian đóng BHXH bắt buộc.
Nhằm tạo điều kiện cho những NLĐ bị suy giảm khả năng lao động do tính chất công việc, đồng thời sử dụng có hiệu quả tối đa nguồn lao động, tránh tình trạng NLĐ xin nghỉ hưu sớm, Luật BHXH năm 2014 đã sửa đổi điều kiện về độ tuổi hưởng lương hưu cho người bị suy giảm khả năng lao động như sau:
- Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên:Từ ngày 01/01/2016 nam
đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi thì đủ điều kiện hưởng lương hưu. Sau đó tăng dần mỗi năm 01 tuổi cho đến năm 2020 trở đi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu (trước đây Luật BHXH năm 2006 quy định chung là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi).
- Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
Hiện nay do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên nên một số nước đang có xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ hoặc áp dụng chế độ hưu trí mềm dẻo với các biện pháp không chính thức khuyến khích NLĐ tiếp tục làm việc và nghỉ hưu muộn hơn. Thực tế thống kê hiện nay cho thấy trong số những người nghỉ việc hưởng lương hưu có khoảng 60% người nghỉ hưu trước tuổi quy định, trong đó phần lớn nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Đây là một trong các nguyên nhân làm cho tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế tại Việt Nam xuống thấp hơn so với quy định (tuổi nghỉ hưu bình quân là 53,2 tuổi; nam 55,1 tuổi; nữ 51,6 tuổi) [8]. Xu hướng già hóa dân số khiến tuổi thọ bình quân ngày càng tăng, năm 2012 tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu đã tăng lên 73,06 tuổi (nam 73,95 tuổi; nữ 71,2 tuổi) [8]. Tuổi nghỉ hưu thấp trong khi tuổi thọ trung bình cao đã gây sức ép lớn đối với khả năng cân đối của quỹ hưu trí và tử tuất. Tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của NLĐ và NSDLĐ hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Nếu như năm 2007 tỷ trọng số chi so với số thu chiếm 57,2% thì sang
năm 2012 là 68,65%, năm 2013 là 76,6% [24, tr.6]. Theo dự báo của ILO với các chính sách hiện hành thì quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để đảm bảo khả năng chi trả phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034 phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu. Mặc dù quy định tuổi nghỉ hưu như hiện nay có thể sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí dần dẫn đến mất khả năng chi trả nhưng việc tăng tuổi nghỉ hưu đã vấp phải nhiều ý kiến không tán thành tại hội thảo “Cải cách chính sách bảo hiểm hưu trí: Kinh nghiệm quốc tế và các
đề xuất, khuyến nghị đối với xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)” diễn ra
vào tối ngày 27/5/2014 do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và ILO ILO tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, lý do tăng tuổi nghỉ hưu tránh nguy cơ vỡ quỹ không những không thuyết phục mà còn đổ gánh nặng về phía người dân. Đại biểu Quốc hội Lê Hiền Vân cũng nhận xét kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến nguồn nhân lực không chất lượng và khiến họ trở thành gánh nặng cho xã hội.
Gần đây, Chính phủ vừa đưa Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ra lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, dự thảo đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ, bắt đầu từ năm 2016. Ở phương án 1, từ năm 2016 trở đi, công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi (cả năm và nữ). Từ năm 2020 trở đi các đối tượng còn lại 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi. Ở phương án 2, từ năm 2016 trở đi, công chức, viên chức 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại 3 năm tăng 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam.
Trên phương diện lý luận, việc quy định tuổi nghỉ hưu thường căn cứ vào 4 yếu tố: Tuổi thọ bình quân, cơ sở sinh học của người lao động, cung cầu lao động và điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
- Về tuổi thọ bình quân: Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống