Phân tích một cách tổng quan về vị trí, vai trò của luật tục trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, chúng ta có thể thấy nó mang nhiều giá trị rất tích cực như sau:
3.1.1. Duy trì trật tự ổn định trong cộng đồng.
Thực tế hiện nay ở nước ta cho thấy, trong một số cộng đồng cư dân, đặc biệt vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thì các quy định của luật tục vẫn đang còn tồn tại và đóng một vai trò khá quan trọng trong đời sống của người dân, trong đó có vấn đề duy trì trật tự ổn định trong cộng đồng, vì luật tục luôn có sự đề cao giá trị của các mối quan hệ truyền thống, sự đoàn kết của cả cộng đồng và luôn khuyến khích con người ta chung sống với nhau một cách hoà thuận.
Do được truyền từ đời này sang đời khác, các quy định của luật tục đã có sự ăn sâu, bén rễ vào trong tiềm thức của đồng bào các dân tộc thiểu số và được đồng bào tự giác tuân theo, vì vậy ảnh hưởng của nó đến cách ứng xử của đồng bào là rất lớn. Đây là một khía cạnh rất tích cực của luật tục đòi hỏi chúng ta cần phải có sự quan tâm nghiên cứu để từ đó có những biện pháp cụ thể để tiếp tục phát huy, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi mà không phải lúc nào pháp luật cũng có thể đảm đương một cách trọn vẹn vai trò là công cụ duy trì trật tự ổn định trong xã hội thì sự hiện diện của luật tục là rất cần thiết và sẽ góp phần không nhỏ để giữ gìn trật tự ổn định trong cộng đồng đối với những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi mà việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật gặp rất nhiều khó khăn, nhận thức về pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp các mâu thuẫn trong cộng đồng dân tộc thiểu số được giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả bằng con đường phân xử theo luật tục, tránh được những xung đột bùng phát đáng tiếc có thể xảy ra.
3.1.2. Gìn giữ bản sắc văn hoá, các giá trị đạo đức truyền thống
Luật tục luôn bị chi phối bởi bản sắc văn hoá của mỗi cộng đồng, trước hết là văn hoá ứng xử, sau đó là sự phản ánh các tập quán, truyền thống văn hoá trong các quy định của luật tục. Nói cách khác, luật tục là nơi lưu giữ rất nhiều các giá trị văn hoá của từng dân tộc như những vần thơ, các câu thành ngữ về cách xử sự của con người, những nghi thức văn hoá truyền thống … và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta vẫn thấy được ở nhiều nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các quy định luật tục đã chứng tỏ một vai trò rất quan trọng để gìn giữ các giá trị, bản sắc văn hoá, các mối quan hệ truyền thống lâu đời của đồng bào và nó góp phần to lớn trong việc giữ vững trật tự ổn định trong mỗi buôn làng. Tuy nhiên cùng với sự mở rộng các hoạt động giao lưu hợp tác về kinh tế diễn ra rất mạnh mẽ trên khắp các vùng miền trong cả nước, kéo theo nó là sự giao lưu, hội nhập của các nền văn hoá khác nhau, điều này cũng đã có nhiều ảnh hưởng không tốt đến đời sống xã hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nhịp sống sôi động của nền kinh tế thị trường phần nào đã làm mai một đi một số phong tục, tập quán văn hoá ở vùng dân tộc. Mặt khác nó cũng đã có một số tác động tiêu cực đến các giá trị đạo đức mang tính truyền thống vốn tồn tại từ rất lâu đời trong cộng đồng các dân tộc, điều này được biểu hiện ở chỗ các mâu thuẫn, tranh chấp và một số tệ nạn xã hội đã và đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là việc các quy định của luật tục nhằm bảo vệ các giá trị truyền thống về văn hoá, đạo đức của đồng bào hiện có xu hướng dần mất đi, dẫn đến sự thu hẹp về vai trò giáo dục của của cộng đồng đối với các cá nhân. Chính vì vậy rất cần phải có sự đầu tư nghiên cứu, sưu tầm
một cách đầy đủ hơn nhằm để bảo tồn các quy định của luật tục, qua đó phát huy các giá trị tích cực của nó trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá, đạo đức truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc.
3.1.3. Góp phần hoàn thiện pháp luật
Vấn đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng đang là một yêu cầu rất bức xúc ở nước ta. Có thể nói, quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập, một số nơi vai trò của pháp luật còn hết sức hạn chế, pháp luật chưa thực sự đi vào đời sống của người dân, thậm chí còn để xảy ra tình trạng có những "vùng trắng" về pháp luật. Điều này cũng một phần là do việc xây dựng, ban hành pháp luật còn chưa có sự cân nhắc đầy đủ về các đặc điểm, tập quán vùng miền, về đặc điểm tâm lý, về trình độ hiểu biết của người dân … từ đó dẫn đến việc một số các quy định của pháp luật đã không phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, vấn đề thực thi pháp luật cũng còn nhiều nhược điểm, thiếu những yếu tố linh hoạt cần thiết để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân tuân thủ pháp luật một cách có hiệu quả. Trong bối cảnh đó thì các quy định của luật tục lại phần nào cho thấy tính hợp lý của nó và việc người dân thay vì làm theo các quy định của pháp luật lại tự nguyện tuân thủ theo những gì mà luật tục quy định là một thực tế khách quan. Do vậy, chúng ta cũng rất cần phải có sự tìm hiểu và phân tích một cách kỹ lưỡng về vai trò của luật tục, về tính hợp lý của nó để từ đó chắt lọc được những giá trị phù hợp và đưa vào thành các nội dung của pháp luật, mặt khác cũng rất cần nghiên cứu các ưu thế của luật tục (dễ tiếp thu, dễ nhớ, dễ truyên truyền) để đổi mới các phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, qua đó làm cơ sở giúp cho việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn đạt hiệu quả cao.
3.1.4. Bảo vệ môi trƣờng
Như chúng tôi đã khẳng định, một trong những giá trị to lớn của luật tục đó là việc giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra luật tục còn chứa đựng những kinh nghiệm, tri thức dân gian, những tập quán, phương pháp gìn giữ và bảo vệ môi trường vô cùng phong phú mà chúng ta vẫn còn chưa biết. Với tình trạng lạm dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên; chặt phá rừng bừa bãi; làm ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đã đến mức báo động như hiện nay thì việc tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân là rất cần thiết. Do vậy rất cần tiếp tục có sự sưu tầm, phổ biến rộng rãi các quy định của luật tục trong vấn đề này, đồng thời nghiên cứu, phát triển các kinh nghiệm bảo vệ môi trường của đồng bào một cách khoa học để từ đó gìn giữ và tạo điều kiện cho môi trường thiên nhiên phát triển một cách bền vững.
3.1.5. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở
Có thể nói, sự tồn tại của luật tục trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số là một đặc thù cơ bản của một quốc gia đa dân tộc như nước ta. Nói cách khác, nó là một đặc điểm của kiến trúc thượng tầng vùng dân tộc thiểu số ở nước ta mà nhà nước cần phải tính đến. Trong nhiều năm qua, do thiếu sự nghiên cứu đầy đủ về yếu tố này đã dẫn đến tình trạng các cơ quan, cán bộ thuộc hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình còn chủ quan, nóng vội, việc áp dụng các chính sách còn nhiều cứng nhắc, thiếu sự quan tâm tìm hiểu về tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, đặc biệt là không tính đến sự hiện diện của luật tục trong đời sống xã hội vùng dân tộc thiểu số như là một tất yếu khách quan, từ đó đã tạo ra những xung đột, hiểu lầm đáng tiếc (ví dụ như: xung đột về vấn đề quy hoạch, sử dụng đất đai ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, xung đột về văn hoá, lịch sử ở vùng đồng bào
Chăm, Khơ me, H'Mông …) giữa đồng bào với chính quyền, đoàn thể địa phương, gây nên những "điểm nóng" ở vùng dân tộc và bị các thế lực thù địch nhân cơ hội đó lợi dụng, kích động đồng bào gây bạo loạn, làm mất ổn định về chính trị.
Xuất phát từ thực tế như vậy, chúng ta cần xác định rõ việc nghiên cứu, tìm hiểu để trang bị cho cán bộ công tác trong hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số các kiến thức cần thiết về luật tục là cực kỳ quan trọng, góp phần nâng cao kỹ năng dân vận của người cán bộ, có như vậy, đội ngũ cán bộ mới có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, thực sự bám sát và hiểu rõ đặc điểm tâm lý đồng bào, các phong tục tập quán truyền thống của đồng bào để từ đó có những phương pháp phù hợp đối với việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, phát huy các vai trò tích cực của luật tục, trong đó có việc đảm bảo thực hiện dân chủ trong cộng đồng, đây sẽ là những tiền đề hết sức cơ bản để thực hiện việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở đối với các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta.
* Hạn chế những ảnh hƣởng tiêu cực của luật tục
Bên cạnh những giá trị tích cực, sự tồn tại của luật tục cũng có một số ảnh hưởng tiêu cực mà chúng ta cũng cần phải tính đến, đó là:
- Luật tục còn chứa đựng những nội dung lạc hậu, làm kìm hãm sự phát triển về nhận thức của đồng bào ví dụ như: quan niệm về thần thánh, về thiên tai, dịch bệnh (là do thần linh trừng phạt) về các quan hệ sản xuất, tập quán giao dịch dân sự ...
- Trong luật tục còn ghi nhận các thủ tục lạc hậu, tốn kém, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đã còn có nhiều khó khăn (tục thách cưới, phạt vạ, ma chay ...), các thủ tục này đôi khi còn
mang màu sắc mê tín, dị đoan (tục tế lễ trừ ma lai, tục thử tội, tục cúng ma chữa bệnh ...) và đã có những hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với người dân khi làm theo các hủ tục này.
- Sự tồn tại của luật tục ở một mức độ nào đó đã tạo nêu tính cục bộ vùng miền, trong từng dân tộc và như vậy cũng là những yếu tố không phù hợp với xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay.
- Một số nội dung của luật tục còn có sự mâu thuẫn, xung đột với nội dung các quy định của pháp luật, do vậy cũng làm cản trở đến việc tuyên truyền, phổ biến và áp dụng pháp luật trong đời sống.
Những thực tế trên cũng đòi hỏi chúng ta cần có sự nghiên cứu một cách đầy đủ hơn về luật tục, qua đó nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của nó đối với đời sống xã hội, tạo điều kiện để phát triển đồng đều các mặt đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta.