Về lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số vấn đề về luật tục và mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật ở việt nam luận văn ths luật 60 38 01 (Trang 56)

2.2. Sự tác động qua lại giữa luật tục và pháp luật trong thực tiễn

2.2.2.3.Về lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Vấn đề duy trì, bảo vệ các mối quan hệ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình mang tính chất truyền thống luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Điều này cũng lý giải tại sao có rất nhiều các quy định liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình trong các bộ luật tục. Có lẽ cũng chính bởi vì các mối quan hệ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình luôn phản ánh đậm nét các tư tưởng, quan niệm sống, bản sắc văn hoá, phong tục, tập quán của từng dân tộc, cho nên các quy định của luật tục trong vấn đề này cũng trở nên đặc biệt phong phú và đa dạng.

Trong phần này, chúng tôi xin tập trung, phân tích về các chế định có liên quan đến một số vấn đề cơ bản trong luật tục về lĩnh vực hôn nhân và gia đình

đó là: chế định về kết hôn; chế định về quan hệ vợ chồng, quan hệ gia đình; chế định về tài sản trong hôn nhân; chế định về ly hôn.

a) Chế định về kết hôn

Trong các bộ luật tục, những quy định về kết hôn mang nhiều nét hết sức độc đáo, mỗi một dân tộc lại tự quy định cho mình những quy tắc riêng rất cụ thể và chặt chẽ đối với việc kết hôn, thể hiện trong các điều kiện kết hôn; các thủ tục, nghi lễ kết hôn … các quy tắc này là hết sức trang trọng, thiêng liêng đối với cộng đồng và nó đòi hỏi tất cả các thành viên đều phải tuân thủ một cách đầy đủ và nghiêm túc.

* Các quy định về điều kiện kết hôn:

- Hầu hết các dân tộc đều có các quy định ngăn cấm việc kết hôn đối với những người có quan hệ huyết thống với nhau, tuy rằng việc giới hạn này của từng dân tộc là rất khác nhau.

Một số ví dụ:

Luật tục Chăm có các quy định về cấm kết hôn đối với những người cùng dòng tộc bên mẹ, dù xa nhau mấy đời cũng không được lấy nhau:

"Người cùng dòng tộc cùng huyết thống Như một con đập chảy thành nhiều sông Như cổ tay bàn chân có nhiều ngón Là cùng một bà mẹ sinh ra

Phải nhìn nhận nhau cho thấu Để con cháu hạnh phúc mai sau."

Hoặc cấm kết hôn với chị em song song, tức là con chị em gái của mẹ hay anh em trai của cha sinh ra:

"Hôn nhân giữa các con anh em trai Cách nhau ba đời mới được kết hôn."

Người Chăm coi việc kết hôn giữa những người như vậy sẽ phạm vào tội loạn luân và có thể bị phạt tử hình bằng cách thả trôi ngoài biển.

Đối với người Êđê và M'nông thì người trong cùng một dòng họ, dù xa hay gần cũng không được kết hôn với nhau và khi cưới hỏi phải căn cứ vào gia phả của dòng họ hai bên. Nếu vi phạm điều này sẽ bị coi là loạn luân và bị phạt rất nặng, có thể phải ăn chung máng với gia súc.

Tập tục cổ truyền của người Cờ Ho tuyệt đối cấm kỵ việc kết hôn giữa những người có cùng một dòng họ, nhất là ở cùng một địa phương. Con chú, con bác, con dì, không được lấy nhau. Trái lại, con cô, con cậu từ hai phía có thể có quan hệ hôn nhân với nhau.

- Về cơ bản trong các bộ luật tục của người dân tộc thiểu số thường không có quy định về độ tuổi kết hôn, độ tuổi kết hôn phổ biến trong đồng bào dân tộc thường bắt đầu từ 15 - 16 tuổi, điều này dẫn đến tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc là khá nhiều. Tuy vậy, chúng ta cũng đã thấy có những quy định về độ tuổi kết hôn, ví dụ như luật tục của người dân tộc Chăm quy định độ tuổi được phép kết hôn là 18 tuổi đối với nam và 16 tuổi đối với nữ và nghiêm cấm việc tảo hôn. Người Chăm quan niệm nếu những người còn trẻ quá thì:

"Vú chưa mọc khỏi ngực (đối với người nữ) Chưa biết hỉ mũi cho sạch (đối với người nam)". Do vậy họ không được phép kết hôn với nhau.

- Ngoài ra trong luật tục còn có một số quy định về các điều kiện kết hôn khác như: cấm chồng được lấy con gái riêng của vợ và ngược lại cấm vợ không

được lấy con trai riêng của chồng; cấm người Chăm theo tôn giáo Bà la môn lấy người Chăm theo Hồi giáo Bà ni (luật tục Chăm) …

* Các quy định về thủ tục, nghi thức kết hôn:

- Trong các bộ luật tục thì những quy định về thủ tục, nghi thức kết hôn là cực kỳ phong phú, được xác định rất cụ thể và mang đậm bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Các quy định của luật tục về thủ tục, nghi thức kết hôn phải được cô dâu, chú rể cùng họ hàng hai bên tuân thủ đầy đủ trong suốt buổi lễ thành hôn trước sự chứng kiến của người chủ lễ và cả cộng đồng.

Sau đây là một vài ví dụ về thủ tục, nghi thức kết hôn của người dân tộc thiểu số:

Luật tục của người Thái ở Thanh Hoá:

Trước kia, nam nữ thanh niên dân tộc Thái 15-16 tuổi đã lấy nhau. Ngày nay, tuổi kết hôn của người Thái thường từ 20-24. Dân tộc Thái không ép buộc con cái phải lấy chồng hay lấy vợ theo ý muốn của cha mẹ, họ để cho con cái tự do tìm hiểu. Nếu hai bên nam nữ hợp nhau, người con trai lúc đó mới nói với bố mẹ để tiến tới hôn nhân. Để đi đến hôn nhân, người Thái ở đây phải trải qua nhiều các thủ tục, nghi lễ do luật tục quy định:

+ Khi người con trai nói với bố mẹ về quan hệ của hai người và mong muốn bố mẹ cho thành vợ, thành chồng, gia đình nhà trai sẽ nhờ ông (bà) mối đi thăm dò ý kiến nhà gái. Người Thái từ xưa cho tới ngày nay, khi chọn ông (bà) mối họ thường chọn người trung thực, con cái ngoãn ngoãn, gia đình hoà thuận. Nếu nhà gái đồng ý, bố mẹ chàng trai sẽ đến nói chuyện, gọi là chạm ngõ. Trước kia, khi nhà trai đến nhà gái nói chuyện mang theo vài quả cau, vài lá trầu làm quà. Ngày nay, còn có thêm rượu, bánh, kẹo, gia đình khá giả mang thêm gà sống, gạo..v.. v… Hai bên cha mẹ định ngày ăn hỏi, ngày cưới. Trong buổi gặp

gỡ này, nhà gái sẽ bàn với nhà trai lễ vật nhà trai cần mang đến nhà gái trong ngày ăn hỏi.

+ Đến ngày ăn hỏi nhà trai mang đến nhà gái lợn, gạo, cá sống, bánh chưng (làm nhỏ như cái chén), một bộ váy áo, một đôi vòng tay cho mẹ cô dâu gọi là trả nghĩa sinh thành, trầu cau, rượu, nồi sanh, nén rưỡi bạc trắng (tương đương với 18 đồng bạc). Nếu nhà trai nghèo, không có tiền dẫn cưới, chàng trai phải ở rể trong vòng 3-5 năm, sau đó cô gái mới theo chồng về nhà.

+ Trong ngày cưới, bên nhà trai, trừ ông mối, ông bố và chú rể, còn phải có 20 người đi cùng: gồm 4 chàng trai, 4 cô gái, 4 ông già, 4 bà già và 4 người gánh gạo, gánh bánh cùng trầu, rượu. Bên nhà gái đưa dâu về, trừ nàng dâu phải có từ 16-18 người. Tư trang của nàng dâu phải nhờ số trai gái bên nhà mình gánh về, không được mượn nhà trai, tư trang của cô gái mang về nhà chồngtuỳ thuộc vào số lượng chăn đệm, áo quần cô làm ra, ít nhất phải có từ 2 - 4 đôi dón (giỏ đeo bên hông) do bố hoặc anh trai làm tặng, 2 - 3 đôi chăn, 2 - 4 đôi gối. Càng nhiều đồ cô dâu mang về nhà chồng thì đám cưới càng to, nhưng các đồ vật đó phải có đôi, không được lẻ. Với người Thái, chăn gối đệm phải có đôi, vì cô dâu, chú rể khi đã thành vợ chồng sẽ sống suốt đời có đôi có lứa. Đám cưới to hay nhỏ phụ thuộc vào số đồ mang về nhà chồng. Càng nhiều đồ, cô dâu càng tự hào, hãnh diện về thành quả lao động, sự khéo léo, chăm chỉ của mình. Bố mẹ chồng cũng rất hài lòng khi con trai mình chọn được người vợ tốt nết, chăm chỉ. Ngày hôm sau, dâu rể mang ít xôi cùng trầu rượu về thăm bố mẹ vợ và cúng ma nhà và kể từ đây cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ chính thức bắt đầu.

Luật tục của người La Hủ thuộc tỉnh Lai Châu:

Tháng 11, 12 hàng năm - là dịp Tết của người La Hủ - cũng là mùa cưới của các đôi trai gái yêu nhau. Chàng trai tìm hiểu cô gái, đã tới độ "chín muồi",

anh có thể tới nhà cô gái ngủ một vài tối. Tục lệ cho phép anh, chị có thể ngủ chung giường.

Lễ na-nhí, tức lễ dạm hỏi như vùng xuôi, thường vào buổi tối. Ông "mối" cùng bố mẹ và anh em nhà trai sang nhà gái để "có lời". Lễ vật là rượu và một thứ "quà quý" của rừng - ("quà quý" này nhất thiết phải có thịt sóc rừng). Qua trò chuyện, nhà gái thấy bằng lòng thì hai bên cùng uống rượu, nhắm thịt sóc.

Sau lễ dạm là lễ hỏi, hai lễ này cách nhau khoảng bảy, tám ngày. Theo tục lệ, lễ hỏi gồm hai chai rượu và số con sóc phải là số chẵn chứ không được số lẻ, chừng 6 đến 8 con. Nhà trai phải "tuân theo" số lượng con sóc của nhà gái: 6 hoặc 8 con, vì theo lệ từ xưa, số sóc không được ít hơn 4 nhưng cũng không được nhiều hơn 8. Người làm mối trong lễ hỏi còn là người "đầu bếp", tự tay làm thịt sóc, trình bày các món ăn này sao cho ngon để mời nhà gái.

Trong khi ăn uống vui vẻ hai bên trao đổi về tiền cưới và thời gian ở rể. Ngày xưa, tiền cưới khá "nặng túi": những 70 đến 80 đồng bạc trắng. Trường hợp nhà rể nghèo, không có bạc trắng, thì anh phải ở lại làm rể ngay tối hôm đó. Thời gian ở rể bây giờ rút xuống còn từ 2 đến 4 năm, thời trước từ 8 đến 12 năm. Nếu lễ ăn hỏi có số con sóc phải chẵn, thì lễ cưới quy định: đoàn đi đón dâu phải là số lẻ, trong đó có hai ông "mối" và chàng rể. Khi nhà trai đón dâu đi, ông "mối" trao tiền cưới cho nhà gái. Trên đường đi, dù có nhớ bố mẹ, cô dâu cũng không được ngoảnh lại nhìn ngôi nhà cô sinh ra và lớn lên, vì nếu vấp ngã, e sau này vợ chồng có chuyện cãi cọ không hay.

Rước dâu về đến nhà, bà mẹ chồng đã đứng đợi ở cửa. Bà lấy một nắm gạo xoa lên lưng con dâu, ngụ ý "xóa hết cỏ để con dâu không mang cỏ về, trên nương sẽ không có nhiều cỏ mọc". Lại còn tục lệ: bà mẹ chồng trồng hai cây riềng ở hai bên cửa vào nhà, rồi buộc sợi chỉ trắng qua hai cây riềng. Lúc vào

nhà, cô dâu đi phía tay trái, chú rể đi phía tay phải, rồi chú rể dùng tay trái, cô dâu dùng tay phải "cắt" đứt sợi chỉ đó, bước vào nhà. Xong thủ tục này hai họ cùng nâng chén chúc những câu tốt lành và ăn uống vui vẻ.

Luật tục Chu ru:

Người con gái Chu ru đến tuổi trưởng thành (15-16 tuổi) khi chọn được bạn trai vừa ý sẽ về thưa với bố mẹ, nhờ người mai mối cùng với ông cậu hoặc người chị cả đem lễ vật đến nhà trai làm lễ xem mắt. Nếu nhà trai bằng lòng thì hai bên sẽ quy định ngày ăn hỏi. Đến ngày đã định, gia đình bên gái mang lễ vật đến nhà trai làm lễ ăn hỏi. Sau một tiệc rượu giữa những người đại diện cho hai bên gia đình, hai dòng họ, người mai mối nhà gái đeo nhẫn và vòng cườm cho chàng rể tương lai để thực hiện việc đính hôn. Phái đoàn của hai họ nhà trai, nhà gái tiếp tục bàn bạc về những nghi thức và ngày làm lễ thành hôn của đôi trai gái. Tiệc cưới thường được tổ chức thật linh đình, kéo dài từ 3 đến 4 ngày, tuỳ theo mức độ giầu có của gia đình người con gái.

Qua những ví dụ nói trên chúng ta có thể thấy rằng các quy định về thủ tục và nghi thức kết hôn theo luật tục thường bao gồm những chi tiết rất cụ thể. Nó mang ý nghĩa hết sức trang trọng, thiêng liêng và đã tạo nên mối quan hệ đặc biệt gắn bó giữa các cặp vợ chồng trong suốt quá trình chung sống sau này. Chính điều này cũng đã giải thích vì sao ở vùng dân tộc thiểu số các mối quan hệ gia đình đặc biệt bền vững và hiếm khi xảy ra trường hợp các cặp vợ chồng ly hôn, góp phần duy trì sự ổn định chung của cả cộng đồng. Tuy nhiên các quy định về thủ tục, nghi thức kết hôn như vậy xét trong bối cảnh hiện nay là không còn phù hợp do quá phức tạp và làm tốn kém nhiều về vật chất. Thực tế cho thấy hiện nay còn khá nhiều nơi đồng bào vẫn tuân theo các quy định của luật tục về thủ tục, nghi thức kết hôn mà chưa có được thói quen đăng ký kết hôn theo đúng

quy định của pháp luật, chính vì vậy mà trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2002/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng là để nhằm từng bước khắc phục tình trạng này.

b) Chế định về quan hệ vợ chồng, quan hệ gia đình

* Quan hệ vợ chồng

Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình thì mối quan hệ vợ chồng luôn giữ vai trò chủ đạo, chính vì vậy mà trong các bộ luật tục đều có sự chú trọng quy định đến vấn đề này.

Đối với hương ước của người Kinh thì mối quan hệ vợ chồng thường được đề cập ở một vài khía cạnh như: khuyến khích vợ chồng ăn ở thuận hoà; chồng không được phụ bạc vợ; vợ không được thất tiết với chồng (chủ yếu là giữ cho "trong ấm", theo quan niệm "vợ chồng đóng cửa bảo nhau"), còn trong luật tục của người dân tộc thiểu số thường quy định nhiều vấn đề cụ thể hơn, do bị chi phối bởi mối quan hệ họ tộc hai bên rất phức tạp, với rất nhiều thủ tục, nghi thức theo phong tục, tập quán (không những phải giữ cho "trong ấm" mà còn phải đảm bảo giữ để "ngoài êm").

Ví dụ:

Trong chế độ hôn nhân của người Mạ, những yếu tố của chế độ phụ quyền được biểu hiện khá rõ nét trên nhiều mặt, nhiều khía cạnh mà trước hết là ở vai trò chủ động của người đàn ông. Nếu như trong xã hội các dân tộc còn lưu giữ nhiều hình thức hôn nhân của thời kỳ chế độ mẫu hệ như Kơho, Churu, Raglai... người con trai dù đã đến tuổi trưởng thành vẫn phải "ngồi chờ" để có một cô gái nào đó đến "bắt chồng" thì trong xã hội người Mạ, chế độ "bắt chồng" đó đã được thay thế bằng chế độ "bắt vợ". Người thanh niên đến tuổi trưởng thành

(thông thường là 15 -16 tuổi) nếu ưng cô gái nào thì anh ta có quyền trình bày nguyện vọng đó cho cha mẹ của mình, nếu được cha mẹ chấp thuận thì nhờ người mai mối đi nói với bên nhà gái để tiến tới hôn nhân.

Do chế độ "bắt chồng" được thay thế bằng chế độ "bắt vợ" nên đã dẫn đến tục lệ cư trú bên chồng. Sau lễ cưới, nếu người chồng đã nộp đủ hôn lễ cho nhà gái thì chỉ cần ở lại nhà vợ 8 ngày hoặc một, hai năm là hai vợ chồng về ở hẳn bên nhà chồng. Lẽ dĩ nhiên cũng còn nhiều trường hợp người chồng phải ở tại nhà vợ lâu hơn, thể hiện những dấu ấn của thời kỳ mẫu hệ trong hiện tại. Từ khi đã ở hẳn bên gia đình nhà chồng, người vợ hoàn toàn phụ thuộc gia đình người chồng trong mọi lĩnh vực và thực sự được coi như một tài sản của gia đình nhà chồng. Người phụ nữ khi đã theo chồng thì hoàn toàn bị tách khỏi cộng đồng gia đình bố mẹ đẻ của mình để lao động, sinh sống cả về vật chất và tinh thần theo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số vấn đề về luật tục và mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật ở việt nam luận văn ths luật 60 38 01 (Trang 56)