Một số nét cơ bản về mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số vấn đề về luật tục và mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật ở việt nam luận văn ths luật 60 38 01 (Trang 32 - 36)

2.2. Sự tác động qua lại giữa luật tục và pháp luật trong thực tiễn

2.2.1.Một số nét cơ bản về mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật

Qua những nghiên cứu luật tục và pháp luật cả trong quá khứ lẫn hiện tại, chúng tôi nhận thấy giữa luật tục và pháp luật có một mối liên hệ hết sức hữu cơ với nhau và chúng đều giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Xét một cách tổng thể về mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật ở Việt Nam, chúng tôi thấy nổi bật lên một số nét cơ bản sau:

Thứ nhất, luật tục tồn tại song hành cùng với pháp luật.

Đây là một đặc điểm dễ thấy khi nghiên cứu về luật tục ở nước ta. Với đặc điểm là một quốc gia bao gồm rất nhiều dân tộc cùng chung sống với nhau trên khắp các vùng miền, Việt Nam là đất nước tồn tại rất nhiều các nền văn hoá tương ứng với các dân tộc, được kết tinh qua nhiều thế hệ và được trải nghiệm qua các thời kỳ lịch sử. Điều này cũng lý giải tại sao nước ta lại có một kho tàng luật tục dân gian hết sức phong phú và đa dạng, phản ánh đậm nét các mặt đời sống xã hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Không giống như ở một số quốc gia trên thế giới, những nơi mà cùng với sự xuất hiện của pháp luật là sự thu hẹp về phạm vi ảnh hưởng của các bộ luật tục, dần dần dẫn đến sự thay thế luật tục bằng pháp luật, các bộ luật tục ở Việt Nam đã cho thấy sức sống mãnh liệt của nó và vẫn còn phát huy tác dụng trong quản lý xã hội đối với cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Sở dĩ như vậy là vì nước ta là một quốc gia đa dân tộc với cơ cấu, đặc điểm của các mối quan hệ, tập quán văn hoá mang rất nhiều ảnh hưởng của dấu ấn vùng miền, với những nét hết sức đặc trưng của từng dân tộc, điều này vẫn còn chi phối mạnh mẽ đến những cách thức, phương pháp được sử dụng để quản lý cộng đồng, trong đó có việc sử dụng luật tục. Mặc dù đã có các quy định của pháp luật do nhà nước ban hành, nhưng rõ ràng trong từng bối cảnh cụ thể khi áp dụng pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ trong nội bộ của cộng đồng dân tộc nào đó là rất khó vì để làm được điều đó là cả một quá trình biến đổi về nhận thức của đồng bào, những người mà các quy định của luật tục đã được khắc sâu vào trong tiềm thức từ đời này sang đời khác. Chính vì vậy mà luật tục vẫn còn tồn tại song hành cùng với pháp luật ở nước ta hiện nay.

Thứ hai, về cơ bản nội dung các quy định của luật tục không trái với các nguyên tắc, quy định của pháp luật.

Vấn đề này được lý giải xuất phát từ sự tương đồng về nguồn gốc xuất xứ của luật tục và pháp luật, đó là chúng đều được hình thành từ những tập quán, thói quen của con người. Vì vậy chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các quy định về tập quán, thói quen đó trong các quy định của luật tục và pháp luật. Mặt khác, cả luật tục và pháp luật ở nước ta đều mong muốn truyền tải các giá trị đạo đức truyền thống, được thừa nhận chung trong toàn thể cộng đồng xã hội, qua đó biểu hiện bằng các quy định cụ thể để mọi người tuân theo, thông qua việc bảo

vệ, duy trì các giá trị đạo đức để từ đó tạo ra những nền tảng vững chắc cho một xã hội ổn định.

Một khía cạnh nữa cũng cần phải nhắc đến, đó là với sự hiện diện của pháp luật, các quy định lạc hậu, không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội trong các bộ luật tục dần bị loại trừ, từ đó tạo ra sự thống nhất về nội dung giữa các quy định của luật tục và pháp luật.

Thứ ba, luật tục có tác dụng hỗ trợ pháp luật trong vấn đề quản lý cộng đồng xã hội.

Như chúng ta đã biết, các quy định của pháp luật dù đầy đủ đến đâu cũng không thể bao quát, điều chỉnh hết các mối quan hệ trong xã hội, điều này tạo ra ranh giới về phạm vi điều chỉnh giữa các quy phạm pháp luật và các quy phạm xã hội khác, trong đó có quy phạm luật tục. Chính vì vậy, với đặc điểm là cực kỳ phong phú về nội dung và hết sức linh hoạt trong các hoàn cảnh cụ thể, có thể nói các quy định của luật tục đã thực hiện nốt các công việc mà pháp luật không làm được trong vấn đề điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, vô hình chung đã tạo ra sự hỗ trợ giữa luật tục và pháp luật trong việc quản lý cộng đồng.

Thứ tư, trong luật tục có những quy định làm cản trở đến việc áp dụng thống nhất pháp luật.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, sự tồn tại của luật tục cũng đã tạo ra những cản trở trong việc áp dụng thống nhất pháp luật. Trong rất nhiều trường hợp đã xảy ra sự xung đột giữa các quy phạm luật tục với các quy định của pháp luật khi cùng điều chỉnh một mối quan hệ xã hội và đôi khi người dân lại tự nguyện làm theo các quy định của luật tục chứ không thực thi theo những gì pháp luật quy định. Đó là vì các quy phạm luật tục đã có sự ăn sâu bén rễ vào trong nhận thức của người dân từ lâu đời, do vậy, đối với rất nhiều người dân tộc

thiểu số sống tại các vùng xa xôi hẻo lánh thì sự hiểu biết về pháp luật của họ còn hết sức mơ hồ và thật khó để có thể trong một sớm một chiều làm thay đổi những nhận thức đó. Chính điều này đã tạo ra những trở ngại không nhỏ đối với việc áp dụng thống nhất pháp luật trên mọi miền lãnh thổ ở Việt Nam.

Cho đến nay, nhiều quy phạm luật tục đã trở nên lạc hậu so với trình độ phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, mặt khác chính vì tính chất cục bộ, bó hẹp trong khuôn khổ một cộng đồng người riêng biệt đã càng làm cho luật tục trở nên không phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay và sự tồn tại của luật tục, trong một chừng mực nào đó đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình nhất thể hoá vai trò của pháp luật trong xã hội hiện đại.

Trong tình hình hiện nay, đứng trước yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng đòi hỏi tất yếu của việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, nhằm thoả mãn những đòi hỏi của quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế và tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam thì việc nhận thức đúng về mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật là hết sức cần thiết, một mặt phát huy vai trò hỗ trợ tích cực của luật tục đối với pháp luật trong quản lý xã hội, mặt khác loại bỏ dần những ảnh hưởng tiêu cực của luật tục đến quá trình xây dựng nền pháp luật thống nhất ở nước ta.

2.2.2. Sự tác động qua lại giữa luật tục và pháp luật trong thực tiễn

Về cấu trúc của luật tục, ngoại trừ trong những bộ luật tục thành văn đã có sự sắp xếp các quy định theo một trật tự nhất định (thường là nhóm các quy định theo đặc điểm của từng loại quan hệ xã hội), còn lại các luật tục khác do mang tính chất truyền khẩu hoặc là tập hợp của các thực hành xã hội nên các quy định luật tục tồn tại không theo sự sắp xếp nào cả mà chính trong quá trình sưu tầm về

luật tục, các nhà khoa học đã có sự ghi chép, sắp xếp lại chúng theo từng chế định để tiện cho việc nghiên cứu sau này. Ngược lại, các đạo luật của nhà nước thì luôn luôn được thể hiện dưới một cấu trúc chặt chẽ, logic, theo một trật tự nhất định và thường được phân chia theo từng chế định cụ thể.

Chính vì vậy, khi nói đến các chế định cơ bản của luật tục, thực chất là chúng tôi muốn phân tích các quy định của luật tục theo quan điểm của khoa học pháp lý hiện đại, đó là nhóm các quy định điều chỉnh các mối quan hệ xã hội có cùng tính chất vào thành từng chế định, đây cũng là cách sắp xếp rất phổ biến trong các đạo luật do nhà nước ban hành hiện nay. Sau đây chúng tôi xin nêu lên một số chế định cơ bản trong các bộ luật tục đã và đang còn tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, đồng thời phân tích về sự tác động qua lại giữa luật tục và pháp luật trên thực tế để qua đó làm sáng tỏ về mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật ở nước ta.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số vấn đề về luật tục và mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật ở việt nam luận văn ths luật 60 38 01 (Trang 32 - 36)