2.3. Một số giải pháp đảm bảo vai trò của Tòa án trong giải thích pháp
2.3.2. Phát triển án lệ, đăng tải công khai các bản án,quyết định của Tòa án
Ở Việt Nam, mặc dù Điều 14 Bộ luật dân sự 1995 đã thừa nhận tập quán pháp và tiền lệ pháp nhưng từ đó đến nay thì các án lệ không được tập hợp và xuất bản. Đâu đó có tồn tại án lệ thì cũng rất khó tìm kiếm đối với giới nghiên cứu và luật sư chứ chưa nói gì đến công dân bình thường. Điều này có lẽ xuất phát từ chỗ Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng pháp luật của Pháp và Liên Xô (cũ). Cả hai nước này đều thuộc hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, quá nhấn mạnh loại nguồn là văn bản quy phạm pháp luật. Ngày nay, ở các quốc gia thuộc hệ thống pháp luật này đang diễn ra việc tiếp nhận mạnh mẽ hệ thống án lệ. Bởi vì án lệ sẽ bù đắp, sửa chữa những khiếm khuyết do sự xơ cứng của loại nguồn là văn bản quy phạm pháp luật gây ra. Trước đây, các bản án của Tòa án Việt Nam mang đặc điểm của hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, các bản án viết rất đơn giản. Muốn người khác hiểu được các “nguyên tắc”, “quy phạm” được thể hiện trong bản án, bên cạnh nội dung chi tiết của vụ án và phần quyết định thì bản án cần thể hiện đầy đủ các lập luận dẫn đến việc lựa chọn các quy phạm pháp luật đem áp dụng và việc giải thích nội dung quy phạm đã lựa chọn thể hiện phù hợp với các tình tiết của vụ việc. Không chỉ lập luận của đa số thành viên hội đồng xét xử mà lập luận của các thành
viên thiểu số và của luật sư, các đương sự, người buộc tội cần phải được ghi vào bản án. Bản án chính là “luật sống”, vì vậy việc công bố nó sẽ góp phần minh bạch hóa hệ thống pháp luật.
“Phát triển án lệ” là một trong những nội dung được Nghị quyết 49/NQ-TW, 2005 đề cập; Quyết định số 74/QĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân Tối cao về việc phê duyệt đề án “Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân Tối cao” Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã và đang có những nhìn nhận cởi mở hơn về hình thức pháp luật này. Điều này xuất phát từ bản thân những ưu điểm không thể phủ nhận của án lệ, cũng như sự biến đổi khách quan của thực tiễn pháp lý Việt Nam. Án lệ là những bản án, quyết định của Tòa án trong khi xét xử những vụ việc cụ thể, được nhà nước thừa nhận làm khuôn mẫu để xét xử những vụ việc tương tự về sau. Định hướng phát triển và thừa nhận án lệ ở nước ta là một thay đổi hoàn toàn phù hợp cả về nhận thức và thực tiễn, bởi đây sẽ là điều kiện để nâng cao năng lực của thẩm phán, thống nhất được việc áp dụng pháp luật trong hệ thống tòa án nước ta. Việc Tòa án được sử dụng án lệ và có nghĩa vụ trong việc xây dựng án lệ là một trong những điều kiện quan trọng để Tòa án được giao quyền giải thích pháp luật và chứng minh năng lực giải thích pháp luật.
Bản án và quyết định của tòa án là kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật của nhà nước vào những vụ việc, tình huống cụ thể. Bản án thường chứa đựng những nội dung, tình tiết quan trọng đã được cân nhắc, lựa chọn, những phân tích, lập luận của thẩm phán đối với những tình tiết quan trọng của vụ việc cũng như các quy phạm pháp luật đã được lựa chọn để áp dụng tương ứng cho vụ việc cụ thể (nếu không có quy phạm pháp luật trực tiếp để áp dụng thì thẩm phán sẽ phải đưa ra các lập luận thỏa đáng để áp dụng tương tự quy phạm pháp luật hoặc áp dụng tương tự pháp luật), và sau cùng là toàn văn nội dung quyết định của thẩm phán về giải quyết vụ việc. Như vậy, qua những nội dung chính yếu được thể hiện trong bản án, trong quyết định của Tòa án, thì bản án hay quyết định của Tòa án chính là: “Quan điểm chính thức của cơ quan duy nhất được trao quyền xét xử, giải quyết vụ việc có liên quan đến hầu hết mọi vấn đề phát sinh trong xã hội và nó có giá trị pháp lý sau cùng; Nó nói lên quy phạm pháp luật được áp dụng trong trường hợp cụ thể như thế nào. Hay nói cách khác, nếu quy phạm pháp luật đã được nhà làm luật xây dựng dựa trên sự dự liệu những quan hệ hay vấn đề phát sinh trong xã hội thì bản án
phản ánh những dự liệu đó ứng dụng trong cuộc sống như thế nào. Như vậy, có thể nói ở góc độ nào đó, bản án là hình thức chuyển tải các quy phạm pháp luật ở trạng thái “tĩnh” sang trạng thái “động” của cuộc sống” [57, tr. 513].
Do đó, việc được tiếp cận trực tiếp đối với bản án là một nhu cầu, một quyền lợi của cá nhân, tổ chức chứ không chỉ đơn thuần đối với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Về phần Tòa án, chính vì những giá trị, những nội dung cần phải thể hiện trong bản án, quyết định của mình, chính vì nghĩa vụ phải công khai hóa, vì sự “phán xét tiếp theo” của đại bộ phận dân chúng, cơ quan, tổ chức và các thiết chế kiểm soát có thẩm quyền khác đối với sản phẩm xét xử của mình, sẽ buộc phải cân nhắc, buộc phải cẩn trọng, kín kẽ hơn trong tất cả các công đoạn, từ lập luận, giải thích cho đến việc ra phán quyết cuối cùng.
Việc đăng tải công khai bản án, quyết định của Tòa án là phù hợp với một nguyên tắc truyền thống của các luật tố tụng đã được Hiến pháp và các đạo luật quan trọng ghi nhận (Hiến pháp 2013, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 và Luật Tố tụng Hành chính năm 2011): “Tòa án xét xử công khai, trừ một số trường hợp do luật định”.
Hiện nay, việc đăng tải công khai các bản án, quyết định của Tòa án đang là vấn đề được Tòa án nhân dân Tối cao quan tâm, các Thẩm phán khi tuyên án phải đọc bản án công khai, đưa vào quản lý, lưu trữ trên mạng để mọi người quan tâm đều thể tìm hiểu. Việc đăng tải công khai các bản án, quyết định của Tòa án góp phần nâng cao chất lượng bản án, quyết định một cách rõ rệt. Hơn thế nữa, chính việc đăng tải công khai bản án, quyết định là một yếu tố để kỹ năng giải thích pháp luật của người Thẩm phán được nâng lên rõ rệt, chất lượng giải thích pháp luật nhất thiết phải tốt hơn.