Nguyên tắc của pháp luật bảo hiểm y tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật bảo hiểm y tế bắt buộc từ thực tiễn thi hành tại tỉnh Phú Thọ 07 (Trang 25 - 27)

1.2. Pháp luật về bảo hiểm y tế

1.2.3. Nguyên tắc của pháp luật bảo hiểm y tế

Nguyên tắc của pháp luật BHYT là những nguyên lý, tư tưởng chủ đạo xuyên suốt và chi phối toàn bộ các quy định pháp luật BHYT. Nội dung các nguyên tắc của pháp luật BHYT thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về quyền hưởng BHYT, được bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe và tiến tới mục tiêu thực hiện BHYT cho toàn dân. Tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật BHYT trong việc xây dựng cũng như áp dụng các quy phạm pháp luật BHYT sẻ đảm bảo cho việc thực thi hiệu quả pháp luật BHYT.

- Nguyên tắc thứ nhất: Mọi thành viên trong xã hội đều có quyền hưởng BHYT. Cơ sở của nguyên tắc này xuất phát từ sự ra đời và mục đích của an sinh xã hội là vì con người với tư cách là thành viên của xã hội. An sinh xã hội chỉ đạt được mục đích của mình khi bảo vệ được tất cả các thành viên trong xã hội mà không có sự phân biệt theo tiêu chí nào. Công ước số 102 quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội ngày 28/6/1952 khẳng định vấn đề chăm sóc y tế là một trong những nội dung quan trọng về quyền hưởng an sinh xã hội của con người. Trong phạm vi mỗi quốc gia, được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là một trong những quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận ở hầu hết trong hiến pháp các nước. Ở nước ta, quyền được chăm sóc sức khỏe được ghi nhận tại Điều 38, Hiến pháp 2013 như sau: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y

tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”. Như vậy, quyền được hưởng chế độ BHYT là một nguyên tắc hiến định. Nguyên tắc tham gia bắt buộc không chỉ giới hạn ở một số đối tượng mà tiêu chí cần hướng tới là mở rộng độ bao phủ tới toàn bộ dân chúng, thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân. Thực hiện chế độ đóng BHYT bắt buộc có chức năng hỗ trợ cho loại hình trợ cấp áp dụng đồng đều cho tất cả mọi người. Còn chế độ tự nguyện mang tính bổ trợ và bước đệm để mở rộng chế độ bắt buộc, mở rộng diện bao phủ tới toàn thể dân chúng.

- Nguyên tắc thứ hai: Nhà nước thống nhất quản lý về BHYT. Lịch sử ra đời của BHYT đã chứng minh một cách rõ nét nhất vai trò của Nhà nước trong hoạt động BHYT, không thể tồn tại hoạt động BHYT theo đúng nguyên lý của nó nếu thiếu đi vai trò quản lý của nhà nước. Không có sự can thiệp của nhà nước hoạt động BHYT chỉ là những phương thức bảo vệ truyền thống mang tính tự phát, chỉ bao quát được một nhóm đối tượng nhất định trong xã hội và thường là những người có điều kiện kinh tế, các đối tượng “yếu thế” cần được bảo vệ sẽ nằm ngoài phạm vi bao phủ của BHYT.

Sự can thiệp của nhà nước không chỉ xuất phát từ nhu cầu tất yếu đảm bảo sự ổn định, chắc chắn, công bằng trên diện rộng mà còn xuất phát từ chức năng xã hội của nhà nước. Cơ sở của nguyên tắc này nằm ngay trong chính chức năng xã hội của nhà nước, với vai trò là người đại diện quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Vai trò quản lý nhà nước đối với BHYT thể hiện ở việc nhà nước định ra các chính sách, ban hành các văn bản luật để điều chỉnh các quan hệ BHYT và đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế Nhà nước.

- Nguyên tắc thứ ba: Mức đóng theo thu nhập, mức hưởng theo mức độ bệnh tật và nhóm đối tượng. Đây là nguyên tắc đặc thù của BHYT, thể hiện bản chất xã hội của BHYT. Đóng theo khả năng, hưởng theo nhu cầu bệnh lý được xem là tư tưởng xuyên suốt để xây dựng các quy định về BHYT. Mức

đóng được xác định trên cơ sở mức thu nhập (tiền lương, tiền công), mức hưởng phụ thuộc vào mức độ bệnh lý và nhóm đối tượng. Bởi bản chất của BHYT là “lấy số đông bù số ít” nên việc xác định mức hưởng phải căn cứ vào tình trạng bệnh lý. Hơn nữa, BHYT dành cho mọi đối tượng, trong đó các nhóm đối tượng có sự chênh lệch nhau về điều kiện kinh tế, có những đối tượng cần có sự ưu đãi hơn như những đối tượng có công với cách mạng, đối tượng là trẻ em... Vì vậy, mức hưởng BHYT còn được xác định dựa trên từng nhóm đối tượng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật bảo hiểm y tế bắt buộc từ thực tiễn thi hành tại tỉnh Phú Thọ 07 (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)