Khái niệm về hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 37 - 39)

2.1. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm

2.1.1. Khái niệm về hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm

Như chúng ta đã biết, hành vi khách quan của tội phạm không phải là hành vi thông thường mà phải là hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội là khách thể được luật hình sự bảo vệ. Hành vi khách quan của tội phạm tác động lên các bộ phận của quan hệ xã hội không phải theo hướng có lợi mà là theo hướng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ đó. Đó chính là biểu hiện của tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Thiệt hại gây ra cho khách thể của tội phạm chính là hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Hậu quả của tội phạm là sự thiệt hại cụ thể nhất định và đáng kể do hành vi phạm tội gây ra cho các lợi ích (khách thể) được bảo vệ bằng pháp luật hình sự [13, tr.6].

Hậu quả của tội phạm là kết quả của hành vi khách quan, đồng thời là sự hiện thực hóa mục đích của người phạm tội trong trường hợp thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Nó là một trong những dấu hiệu gắn liền với hành vi khách quan của tội phạm, chỉ khi có hành vi khách quan trên thực tế thì hậu quả của tội phạm mới được xem xét. Bất kỳ một tội phạm nào cũng gây ra hoặc đe dọa gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội và thiệt hại nhất định cho khách thể. Tuy nhiên, dấu hiệu hậu quả của tội phạm không phải được mô tả trong tất cả các cấu thành tội phạm. Đối với các cấu thành tội phạm cố ý, dấu hiệu hậu quả chỉ được mô tả trong một số cấu thành tội phạm nhất định vì bản thân hành vi

được thực hiện với lỗi cố ý đã thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội, chủ thể thấy trước hậu quả xảy ra và có thái độ mong muốn hoặc tuy không mong muốn thì cũng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Thái độ chủ quan của người phạm tội là một yếu tố được xem xét khi đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. “Những cấu thành tội phạm đòi hỏi phải có sự mô tả dấu hiệu hậu quả là các trường hợp hành vi chỉ có tính nguy hiểm hoặc tính nguy hiểm đầy đủ của tội phạm khi hành vi cố ý đó đã gây ra hậu quả hoặc khi hậu quả ở mức độ nhất định”[29, tr.62]. Ví dụ: hành vi giết người thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội khi hành vi đó gây ra hậu quả chết người (hậu quả của hành vi tước đoạt tính mạng người khác một cách trái pháp luật). Đối với tội vô ý, dấu hiệu hậu quả cần phải được mô tả trong tất cả các cấu thành tội phạm. Người phạm tội với lỗi vô ý, vì không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi hoặc thấy trước nhưng tin hậu quả đó không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được hậu quả đó nên họ cũng không nhận thức được hành vi sẽ thực hiện là hành vi phạm tội. Vì vậy, những hành vi phạm tội với lỗi vô ý nói chung chỉ có tính chất nguy hiểm cho xã hội khi hành vi đó đã gây hậu quả trong thực tế ở mức độ nhất định.[59, tr.142]. Do thái độ tâm lý của chủ thể trong trường hợp này không mong muốn hậu quả xảy ra nên bản thân hành vi của họ chưa thể hiện đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội mà cần phải trong sự thống nhất ở mức độ gây ra hậu quả thì hành vi mới phản ánh đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Để đánh giá mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cần căn cứ vào quan hệ xã hội hay khách thể của tội phạm mà hành vi đó xâm hại tới vì “tính chất và mức độ của thiệt hại do tội phạm gây ra chịu sự quy định của tính chất của quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm và mức độ biến đổi các bộ phận cấu thành quan hệ xã hội ấy”[7, tr.152]. Hành vi phạm tội nhằm xâm hại và gây thiệt hại cho khách thể nên việc đánh giá tính chất của khách thể cũng như các bộ của khách thể sẽ phản ánh tính chất và mức độ của thiệt hại do tội phạm gây ra. Trong luật hình sự, có những cấu thành tội phạm quy định hậu quả xảy ra trong thực tế là dấu hiệu bắt buộc, đồng thời có những cấu thành tội phạm chỉ quy định khả năng gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi khách quan.

Đó phải là khả năng thực tế và cụ thể, tức là hậu quả tội phạm sẽ xảy ra là có thật và ở mức độ cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)