Địa điểm phạm tội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 57 - 59)

2.3. Các dấu hiệu khác thuộc mặt khách quan của tội phạm

2.3.4. Địa điểm phạm tội

Địa điểm phạm tội có thể được hiểu là lãnh thổ nhất định mà ở đó diễn ra sự kiện phạm tội. Địa điểm phạm tội có thể là nơi thực hiện hành vi phạm tội, nơi tội phạm kết thúc về mặt pháp lý hoặc nơi xảy ra hậu quả của tội phạm [8, tr.375]. Luật hình sự cũng có quy định địa điểm phạm tội là dấu hiệu định tội của một số tội phạm. Địa điểm phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội

phạm cơ bản nên hành vi được thực hiện tại không gian đó mới được coi là hành vi khách quan của tội phạm. Ví dụ: tội hoạt động phỉ (Điều 83 Bộ luật hình sự) quy định: “Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác…”, như vậy “vùng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác” là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội hoạt động phỉ. Địa điểm phạm tội này phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm và thể hiện bản chất của tội phạm. Người phạm tội lợi dụng tính phức tạp của vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác để tiến hành các hành vi giết người, cướp, phá tài sản nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc tiến hành các hoạt động vũ trang, tạo nên sự mất ổn định ở những nơi đó. Các hành vi này đe dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương nơi tội phạm hoạt động.[59, tr.346]. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội hoạt động phỉ được thể hiện qua địa điểm thực hiện tội phạm. Địa điểm phạm tội được quy định là dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản còn có ý nghĩa trong việc phân biệt các tội. Ví dụ: tội hoạt động phỉ khác với tội bạo loạn ở chỗ tội bạo loạn cũng là hoạt động vũ trang hay bạo lực có tổ chức nhưng hoạt động đó có thể xảy ra ở mọi nơi chứ không phải ở một địa điểm cụ thể nào cả.[59, tr.347].

Trong một số trường hợp, địa điểm phạm tội mà tính chất đặc biệt của nó phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cao hơn so với trường hợp phạm tội thông thường nên được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt. Nếu hành vi được thực hiện tại những địa điểm đó thì người phạm tội phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc hơn. Ví dụ: luật hình sự quy định “phạm tội trong khu vực có chiến sự” là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng đối với tội vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí quân dụng (khoản 2, Điều 333 Bộ luật hình sự). Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm là hành vi của người được trang bị vũ khí nhưng đã sử dụng không đúng mục đích gây thiệt hại cho khách thể, nếu hành vi đó được thực hiện trong khu vực có chiến sự thì rõ ràng tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được phản ánh ở mức

độ cao hơn. “Khu vực có chiến sự” cũng là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng đối với tội quấy nhiễu nhân dân (điểm c, khoản 2, Điều 338 Bộ luật hình sự). Hành vi quấy nhiễu nhân dân như phá phách, chửi bới, hạch sách, mắng mỏ, đánh đập sẽ bị xử lý theo cấu thành tội phạm tăng nặng nếu người phạm tội thực hiện hành vi ấy trong khu vực có chiến sự vì nó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội ở địa phương mà còn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ an ninh, quân đội của quốc gia và mối đoàn kết quân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)