Các dạng thể hiện hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 39 - 42)

2.1. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm

2.1.2. Các dạng thể hiện hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm

Tính chất và mức độ của thiệt hại (hậu quả xảy ra trong thực tế) được xác định bởi tính chất và mức độ biến đổi của đối tượng tác động - bộ phận cấu thành nên khách thể của tội phạm được luật hình sự bảo vệ. Do hành vi phạm tội xâm hại tới khách thể nhất định nên hành vi đó cũng gây thiệt hại cho chính khách thể và các bộ phận của khách thể đó. Ví dụ: tính chất và mức độ thiệt hại ở các tội xâm phạm sức khỏe được xác định bởi tính chất và mức độ biến đổi về sức khỏe của nạn nhân (sức khỏe bị tổn hại, bị giảm sút hay bị thương tích với mức độ nhất định…). Ngoài ra, “tính chất và mức độ của thiệt hại còn được xác định bởi những đặc điểm (về chất và lượng) của chính đối tượng tác động đã bị hành vi nguy hiểm cho xã hội làm biến đổi tình trạng”[59, tr.102]. Ví dụ: trong các tội chiếm đoạt tài sản (trộm cắp tài sản, tham ô tài sản…), giá trị của tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt bằng hành vi phạm tội thể hiện tính chất và mức độ của thiệt hại mà tội phạm gây ra trong thực tế. Đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận của khách thể bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nên hậu quả nguy hiểm cho xã hội trong các cấu thành tội phạm không được phản ánh trực tiếp mà được phản ánh thông qua đối tượng tác động của tội phạm. Thực tiễn áp dụng cho thấy việc xác định, đánh giá đặc điểm hoặc sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động phản ánh mức độ hậu quả và tính chất của thiệt hại do tội phạm gây ra.[59, tr.103]. Tuy nhiên, cần tránh quan điểm cho rằng sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động bị hành vi phạm tội tác động tới chính là hậu quả của tội phạm. Đây là hai khái niệm không thể đồng nhất bởi hậu quả của tội phạm là khái niệm chỉ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra còn “bất cứ sự biến đổi nào của đối tượng tác động dù được hoặc không được phản ánh trong cấu thành tội phạm cũng chỉ là hình thức biểu hiện của hậu quả nguy hiểm cho xã hội”[59, tr.103]. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội được thể hiện thông qua các thiệt hại trên một số phương diện như:

Thiệt hại về thể chất được biểu hiện thông qua “sự biến đổi tình trạng bình thường của thực thể tự nhiên của con người”[59, tr.103]. Dạng thiệt hại này được biểu hiện ở thiệt hại về tính mạng như ở tội giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự), thiệt hại về sức khỏe (gây thương tích hoặc các tổn hại về sức khỏe) như ở tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 Bộ luật hình sự).

Thiệt hại về tinh thần là những thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra cho nhân phẩm, danh dự, tự do của con người [7, tr. 154]. Ví dụ: thiệt hại gây ra bởi hành vi làm nhục người khác (Điều 121 Bộ luật hình sự) hoặc thiệt hại gây ra bởi hành vi vu khống (Điều 122 Bộ luật hình sự).

Thiệt hại về vật chất là thiệt hại do hành vi phạm tội làm thay đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm là những vật cụ thể [7, tr. 154]. Thiệt hại này có thể dưới dạng tài sản bị phá hoại (Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Điều 85 Bộ luật hình sự), tài sản bị phá hủy (Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia - Điều 231 Bộ luật hình sự), tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, mất đi một phần hoặc toàn bộ giá trị sử dụng (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” - Điều 143 Bộ luật hình sự). Ngoài ra, thiệt hại về vật chất còn được thể hiện dưới dạng tài sản bị chiếm đoạt như ở tội cướp tài sản (Điều 133 Bộ luật hình sự); tội trộm cắp tài sản (Điều 138 Bộ luật hình sự)…, dưới dạng tài sản bị sử dụng hoặc bị chiếm giữ trái phép được quy định ở tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 142 Bộ luật hình sự) và tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 141 Bộ luật hình sự).

Thiệt hại về chính trị là hậu quả do những hành vi phạm tội gây ra đối với sự tồn tại vững mạnh của chế độ xã hội, của nhà nước và an ninh quốc gia [7, tr. 154]. Có thể kể đến một số hoạt động phạm tội và gây ra thiệt hại về chính trị cho nền chính trị và chế độ xã hội của quốc gia như hoạt động nhằm lật đổ chính quyền (Điều 79 Bộ luật hình sự), chia rẽ khối đoàn kết toàn dân (Điều 87 Bộ luật hình sự), tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 88 Bộ luật hình sự). Do đặc điểm của dạng thiệt hại này rất khó xác

định mức độ cụ thể trong thực tiễn nên thường ít được mô tả trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, có thể thấy, hành vi khách quan được nêu ra trong điều luật đã thể hiện hậu quả hành vi phạm tội gây ra.

Sự biến dạng xử sự của con người: Một người có thể làm hoặc không làm một việc từ sự tác động của người khác, nghĩa là cách xử sự của họ đã bị biến dạng. “Xử sự đã bị làm biến dạng (làm hoặc không làm một việc) được coi là kết quả của hành vi khách quan đã thực hiện của người phạm tội”[29, tr.64]. Như vậy, có thể thấy rằng biểu hiện của một người trước sự tác động của người khác cũng được coi là một dạng hậu quả của hành vi phạm tội nếu hành vi của người tác động là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Xử sự của con người được mô tả trong cấu thành tội phạm dưới dạng hậu quả nguy hiểm cho xã hội bị gây ra bởi hành vi phạm tội của chủ thể. Ví dụ: xử sự tự sát là hậu quả của hành vi xúi giục người khác tự sát, cấu thành “tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” (Điều 101 Bộ luật hình sự) hoặc là hậu quả của hành vi bức tử, cấu thành “tội bức tử” (Điều 100 Bộ luật hình sự)...

Sự biến đổi từ tình trạng an toàn sang tình trạng nguy hiểm

Trong Bộ luật hình sự Việt Nam, cấu thành tội phạm của một số tội có quy định dấu hiệu hành vi khách quan với đặc điểm “có khả năng thực tế dẫn đến

hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. “Khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nói ở đây chính là tình trạng hết sức nguy hiểm mà hành vi vi phạm đã gây ra”[29, tr.65] và khả năng này được luật hình sự coi là một dạng biểu hiện của hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Và sự nguy hiểm đó được biểu hiện qua khả năng dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Khả năng dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng được mô tả ở đây phải là khả năng thực tế, cụ thể và do chính hành vi khách quan của tội phạm gây ra. Qua đây cũng có thể thấy rằng hậu quả của tội phạm không chỉ được biểu hiện qua những thiệt hại mà chúng ta nhìn thấy hay xác định được mà nó còn được biểu hiện thông qua khả năng xảy ra thiệt hại nghiêm trọng trong tương lai. Vì vậy, tình trạng hết sức nguy hiểm phải được coi là một dạng biểu hiện của hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)