2. Một số giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật Việt Nam
2.1. Các biện pháp về pháp luật
Thứ nhất, phải rà soát hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam và loại bỏ các quy định chồng chéo với các quy định của WTO. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình khi tham gia vào sân chơi quốc tế. Biện pháp này phải được tiến hành thường xuyên và đạt kết quả. Khi rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam không chỉ tham chiếu các quy định cũng như các hiệp định của WTO mà còn cần phải tham chiếu tới các phán quyết của DSB, vì nó được các bên tôn trọng và được các thành viên coi như tiêu chuẩn trong xử sự chung của WTO. Sau khi chính thức trở thành thành viên của WTO, Quốc hội đã giao cho Chính phủ và Chính phủ đã có văn bản giao Bộ tư pháp phối hợp với các bộ, nghành liên quan, đưa ra nội dung và phương tiếp tục rà soát, đối chiếu đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam, liên quan đến các cam kết cụ thể của Việt Nam trong WTO. Qua quá trình đánh giá thì về luật và pháp lệnh, trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thì trong thời hạn ba năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO cần sửa đổi bổ sung luật thuế tiêu thụ đặc biệt để thực hiện cam kết đối với thuế rượu, bia; Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cần điều chỉnh một số quy định của bộ luật hình sự liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, năm năm sau khi gia nhập WTO cần điều chỉnh một số quy định của luật dầu khí là cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung ứng dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu khí…
Thứ hai, Ngoài việc rà soát và hủy bỏ các quy định chồng chéo thì cũng cần phải tập trung nguồn lực cho các hoạt động xây dựng luật, ban hành hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật. Cần chú trọng công tác “nội luật hóa” các quy
định của WTO, công việc này cần phải được tiến hành nhanh chóng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là phải thu hút được các chuyên gia tham gia vào việc nghiên cứu hoạch định chính sách pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các dự thảo văn bản pháp luật.
Thứ ba, kiện toàn về bộ máy nhất là cơ quan nhà nước về quản lý thương mại (đặc biệt là Thương mại Thế giới). Bộ Công Thương Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại trong đó có Thương mại Quốc tế. Theo quy định tại điểm c khoản 22 Điều 2 nghị định 189/2007/NĐ-CP thì Bộ Công Thương có nhiệm vụ: Đại diện lợi ích kinh tế - thương mại của Việt Nam, đề xuất phương án và tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến kinh tế thương mại của Việt Nam tại tổ chức Thương mại Thế giới WTO”. Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này là ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế và bộ phận công tác WTO trong phái đoàn thường trực của Việt Nam tại WTO. Sau 4 năm gia nhập WTO đã để lại cho chúng ta thấy, cần phải đánh giá lại vai trò và hiệu quả của Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế, từ đó xây dựng đề án về cơ chế và tổ chức phối hợp liên nghành bảo đảm hiệu quả phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới. Tổ chức đại diện của cơ quan Việt Nam tại WTO cần được đáp ứng đủ về số lượng, nâng cao chất lượng để phối hợp với các cơ quan trong nước, hoạt động hiệu quả và vững vàng khi tham gia đàm phán đa phương và song phương với các đối tác trong WTO. Các quyết định của cơ quan quản lý về thương mại có ảnh hưởng trực tiếp tới rất nhiều các doanh nghiệp, chính vì vậy các cơ quan này phải liên hệ mật thiết và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp. Cần hình thành một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các doanh nghiệp - hiệp hội nghành nghề - nhà nước để việc quản lý thương mại của nhà nước có hiệu quả hơn. Song song với việc kiện toàn về bộ máy nhà nước thì việc loại bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp cũng là việc làm cần thiết.
Thứ tư, nghiên cứu vận dụng những ưu đãi của WTO dành cho các nước đang phát triển. WTO có rất nhiều các quy định ưu đãi cho các nước đang phát triển và Việt Nam cũng là một nước đang phát triển nên việc nghiên cứu vận dụng các quy định này tốt, là một điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể bảo vệ quyền lợi cho mình khi tham gia sân chơi quốc tế. Chúng ta phải nghiên cứu thật kĩ các quy định về thời hạn, quy định về hỗ trợ pháp lý…của WTO dành cho các nước đang phát triển. Khi nghiên cứu chúng ta phải nghiên cứu dựa trên các vụ tranh chấp cụ thể đặc biệt là các vụ tranh chấp có sự tham gia của các nước đang phát triển. Bởi vì các vụ tranh chấp này để lại cho chúng ta rất nhiều bài học. Nhất là các lập luận của các bên, lập luận của Ban hội thẩm, các phán quyết được thông qua, cách các bên chuẩn bị cho vụ kiện…từ đó chúng ta có thể rút kinh nghiệm và học hỏi.
Thứ năm, chúng ta phải tăng cường nguồn nhân lực nhất là đội ngũ chuyên gia luật sư. Chúng ta không thể bảo vệ tốt quyền lợi của mình nếu như chúng ta không có đội ngũ có khả năng làm điều đó. Từ trước đến nay mỗi khi gặp vấn đề mang tính quốc tế, chúng ta thường hay nghĩ đến thuê một đội ngũ luật sư giỏi, các chuyên gia nước ngoài. Nhưng chi phí mà chúng ta phải bỏ ra để thuê họ là rất lớn, lại còn chi phí để tham gia vụ kiện. Vì vậy đây là một trở ngại lớn đối với các nước đang phát triển với tiềm lực tài chính còn hạn chế. Chính vì vậy để có thể chủ động tham gia giải quyết tranh chấp theo cơ chế của WTO, chúng ta phải chuẩn bị một đội ngũ luật sư và chuyên gia thật giỏi am hiểu về từng lĩnh vực của WTO. Để làm điều này chúng ta phải có sự quan tâm đúng mức vào việc xây dựng đội ngũ, nhất là đội ngũ về Thương mại Quốc tế. Trước mắt thì Việt Nam nên vận dụng tối ưu quyền được hỗ trợ pháp lý từ WTO. Còn về lâu dài chúng ta phải đào tạo một đội ngũ luật sư chuyên gia ở nước ngoài để có thể am hiểu luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như kĩ thuật khi tham gia các vụ kiện quốc tế.
Thứ sáu, phải tuyên truyền phổ biến kiến thức về WTO - Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Khi tham gia hội nhập Kinh tế Quốc tế thì không thể tránh khỏi việc cạnh tranh và tranh chấp quốc tế. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài, họ không những có tiềm lực kinh tế mạnh mà họ còn có đội ngũ chuyên gia pháp lý am hiểu pháp luật cũng như tập quán quốc tế, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực kinh tế hạn chế yếu thế hơn hẳn các công ty nước ngoài. Chính vì vậy để bảo vệ tốt quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam, thì không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu vận dụng tốt các quy định của WTO mà các doanh nghiệp cũng phải là người am hiểu, bởi điều này gắn liền với lợi ích của họ. Rõ ràng nếu các doanh nghiệp Việt Nam nắm chắc Pháp luật Quốc tế cũng như của WTO thì họ sẽ không bị kiện vì vi phạm, cũng như có khả năng bảo vệ mình khi bị kiện. Chính vì vậy mà công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật WTO, cũng như cách thức tham gia vào sân chơi quốc tế là điều mà rất cần thiết. Muốn như vậy thì nhà nước nên đầu tư dịch và xuất bản các quy định cũng như các tài liệu của WTO để mọi người có thể tiếp cận…