Thuế đối kháng và tác động của việc đánh thuế đối kháng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO pháp luật của một số nước và thực tiễn ở việt nam (Trang 28 - 31)

1.2. BIỆN PHÁP ĐỐI KHÁNG

1.2.2. Thuế đối kháng và tác động của việc đánh thuế đối kháng

1.2.2.1. Thuế đối kháng

Tuỳ theo mục đích khác nhau, thuế đối kháng có thể được định nghĩa một cách khác nhau. Theo Điều VI GATT “Thuật ngữ thuế đối kháng được

hiểu là một khoản thuế đặc biệt áp dụng nhằm mục đích triệt tiêu mọi khoản ưu đãi hay trợ cấp dành trực tiếp hay gián tiếp cho công đoạn chế biến, sản xuất hay xuất khẩu bất cứ hàng hoá nào”[2]. Như vậy, thuế đối kháng (hay

còn gọi là thuế chống trợ cấp) là biện pháp đối kháng nhằm vào các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài được trợ cấp (thông qua thủ tục điều tra chống trợ cấp do nước nhập khẩu tiến hành) chứ không nhằm vào Chính phủ nước ngoài đã thực hiện việc trợ cấp.

Về mặt pháp lý, các nước thường dùng định nghĩa của WTO làm định nghĩa chuẩn cho thuế chống trợ cấp. Đây là định nghĩa chặt chẽ về mặt luật pháp và thường được các nước chấp nhận. Tuy nhiên, định nghĩa này phải được hiểu trong bối cảnh rộng của WTO, có nghĩa là các quy định của WTO liên quan đến quá trình điều tra, thủ tục áp dụng v.v. cũng phải được tuân thủ đầy đủ.

Về mặt quản lý nhà nước, thuế chống trợ cấp được coi là một biện pháp quản lý phi thuế quan. Phần lớn các tài liệu nghiên cứu chuyên ngành về các biện pháp phi thuế quan đều xếp thuế chống trợ cấp là một biện pháp phi thuế quan. Trong hệ thống phân loại của UNCTAD, thuế chống trợ cấp cũng được coi là một trong những biện pháp phi thuế quan. Mặc dù vậy, về hình thức bên ngoài, thuế chống trợ cấp lại có nhiều điểmtương đồng với thuế nhập khẩu. Vì vây, xét về mặt hình thức, ở một chừng mực nhất định cũng có thể coi thuế chống trợ cấp là một hình thức thuế nhập khẩu đặc biệt.

Thuế chống trợ cấp giống với thuế nhập khẩu ở các điểm sau: - Đối tượng chịu thuế là hàng nhập khẩu;

- Phương pháp quản lý thuế tương đối giống với thuế thông thường: cùng được cơ quan hải quan thu tại cửa khẩu;

- Tác động tương đối rõ ràng và minh bạch ở khâu áp dụng nếu so với các biện pháp phi thuế quan khác (mặc dù quá trình điều tra có thể bị các cơ quan áp dụng lạm dụng vì một số mục đích nhất định).

Tuy nhiên, thuế chống trợ cấp có một số điểm khác căn bản so với thuế nhập khẩu thông thường:

- Thuế nhập khẩu thông thường chủ yếu nhằm mục đích bảo hộ cho sản xuất trong nước còn thuế chống trợ cấp nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu;

- Thuế nhập khẩu thông thường mang tính ổn định, trong khi thuế chống trợ cấp mang tính tình huống rõ rệt. Dù là nhằm bảo hộ cho sản xuất trong nước, tạo nguồn thu cho ngân sách hay đảm bảo công bằng xã hội, thuế nhập khẩu đều được áp dụng theo một định hướng tương đối ổn định. Trong khi đó, thuế chống trợ cấp chỉ xuất hiện khi phát sinh trợ cấp làm ảnh hưởng đến nhà sản xuất trong nước. Thuế chống trợ cấp sẽ mất đi khi không còn trợ cấp nữa hay khi các nhà sản xuất trong nước không còn chịu ảnh hưởng bất lợi của hàng hoá được nước ngoài trợ cấp nữa.

Mặc dù có những điểm khác nhau trên, thuế chống trợ cấp thường được coi là một sắc thuế có mối liên hệ hết sức chặt chẽ đến thuế nhập khẩu, cả về mặt hình thức cũng như phương pháp quản lý việc thu thuế.

1.2.2.2. Thuế đối kháng tác động như một công cụ chính sách thương mại

Trong thương mại quốc tế, thuế đối kháng là công cụ tương đối khó áp dụng do tính chất phức tạp của nó. Tuy nhiên, khi áp dụng, loại thuế này là một công cụ chính sách thương mại tương đối hiệu quả.

- Thuế đối kháng là một công cụ hợp pháp, được luật thương mại quốc

tế cho phép, có tác động răn đe đáng kể đối với Chính phủ và nhà sản xuất nước ngoài.

Ví dụ: Nếu nước X trợ cấp để xuất khẩu hàng hoá sang nước Y, nước Y có thể không cần trợ cấp lại cho ngành sản xuất trong nước của mình mà chỉ cần áp dụng thuế đối kháng đối với hàng của nước X. Vì vậy, nếu biết chắc rằng nước Y sẽ đánh thuế chống trợ cấp đối với hàng của nước mình, nước X sẽ không tiến hành trợ cấp nữa. Đồng thời khi đó, các nhà kinh doanh khi muốn bán hàng của nước X vào nước Y sẽ tự động tăng giá ngang với giá trị thực của hàng hoá vì sợ bị đánh thuế chống trợ cấp. Như vậy, sản xuất trong nước tại nước Y không bị ảnh hưởng của khoản trợ cấp của nước X.

- Sử dụng thuế đối kháng giúp hạn chế và loại bỏ các tác động tiêu cực

của trợ cấp, giúp đảm bảo công bằng thương mại.

Thuế đối kháng khiến cho Chính phủ nước trợ cấp tránh được bảo hộ thái quá hoặc sai đối tượng. Đồng thời khiến giá cả hàng hóa gần với các chi phí thực, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tương tự.

1.2.2.3. Tác động đối với các bên liên quan

- Đối với Chính phủ nước áp dụng: thuế chống trợ cấp đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tuy chỉ chiếm một bộ phận không đáng kể. Bên cạnh đó, việc điều tra và quản lý khi đánh thuế tương đối phức tạp, tốn nhiều

kinh phí. Cho nên, việc đem lại nguồn thu chỉ có vai trò thứ yếu, thường không ảnh hưởng đến quyết định có đánh thuế chống trợ cấp hay không.

- Đối với Chính phủ nước xuất khẩu: Thuế chống trợ cấp có thể giúp

Chính phủ nước xuất khẩu tránh được việc bảo hộ thái quá hoặc sai đối tượng. Tuy nhiên, cũng có thể dẫn đến kết quả là hạn chế mức độ mở cửa thị trường.

- Đối với doanh nghiệp xuất khẩu: Khi đã đánh thuế chống trợ cấp thì

tác động của loại thuế này đối với hàng nhập khẩu không khác gì khi đánh thuế nhập khẩu thông thường: thuế chống trợ cấp làm tăng giá hàng nhập khẩu và giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm khác. Do vậy, doanh nghiêp có thể bị giảm lượng xuất khẩu.

- Đối với doanh nghiệp trong nước: nhà sản xuất mặt hàng bị đánh thuế hoặc nhà sản xuất các mặt hàng trực tiếp cạnh tranh với mặt hàng đó tại nước nhập khẩu sẽ được hưởng lợi. Có thể nói việc đánh thuế chống trợ cấp trong tất cả các trường hợp đều nhằm bảo vệ lợi ích cho các nhà sản xuất trong nước.

- Tác động đối với người tiêu thụ sản phẩm (người tiêu dùng hoặc người sử dụng sản phẩm nhập khẩu làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất):

Trước khi đánh thuế chống trợ cấp, người tiêu thụ được hưởng khoản trợ cấp của Chính phủ nước ngoài do được mua sản phẩm với giá rẻ. Sau khi đánh thuế, phần lợi đó đã được chuyển sang cho nhà sản xuất (và có thể một phần sang cho Chính phủ nước đánh thuế). Do vậy, Chính phủ cũng cần tính đến lợi ích của người tiêu thụ trước khi quyết định có đánh thuế chống trợ cấp hay không.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO pháp luật của một số nước và thực tiễn ở việt nam (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)