Kĩ năng đặt câu hỏi

Một phần của tài liệu (SKKN mới NHẤT) một số GIẢI PHÁP góp PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG tác tư vấn, hỗ TRỢ CHO học SINH TRONG dạy học và GIÁO dục ở TRƯỜNG THPT (Trang 33 - 34)

Phần I ĐẶT VẤN ĐỀ

3. Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ cho học

3.4. Sử dụng linh hoạt các kỹ năng tư vấn, hỗ trợ học sinh

3.4.2. Kĩ năng đặt câu hỏi

- Khái niệm: Kĩ năng đặt câu hỏi trong tư vấn và hỗ trợ học sinh là khả năng của giáo viên sử dụng các dạng câu hỏi (cách hỏi) để tập hợp thông tin từ phía học sinh, làm sáng tỏ những vấn đề còn chưa rõ, khuyến khích học sinh tự bộc lộ những suy nghĩ, xúc cảm của bản thân mình.

- Các dạng câu hỏi: Có hai dạng câu hỏi cơ bản gồm câu hỏi đóng và câu hỏi mở:

Câu hỏi đóng là câu hỏi đưa đến câu trả lời cụ thể, ngắn: “có” hoặc “không”; “đúng” hoặc “sai”. Tuy ít hiệu quả hơn nhưng dạng câu hỏi này cũng cần thiết khi cần thu thập thông tin nhanh, cụ thể hoặc giúp kết thúc câu chuyện dài dòng, tản mạn. Chẳng hạn, “Em có bực mình khi bạn ấy hay bắt nạt em không?”

Câu hỏi mở là dạng câu hỏi có hiệu quả trong tư vấn, hỗ trợ vì đưa đến nhiều thông tin cụ thể và phong phú; giúp khuyến khích học sinh bày tỏ nhiều hơn về cảm xúc và suy nghĩ của bản thân mình. Câu hỏi mở thường bắt đầu bằng các từ như “thế nào?”, “khi nào?” hay kết thúc bằng các từ “ra sao”, “như thế nào”. Chẳng hạn, “Em thấy học môn toán khó ở những chỗ nào?”

Ngoài ra còn có các dạng câu hỏi khác như: câu hỏi về nhận thức “Em nghĩ như thế nào về việc không làm bài tập về nhà?”; câu hỏi về cảm xúc: “Em cảm thấy thế nào khi các bạn không hay chơi với em?”; câu hỏi về hành vi “Em sẽ làm gì sau khi nhận ra lỗi của mình?”; câu hỏi về nguyên nhân “Điều gì khiến em không làm bài về nhà?”…

- Chỉ dẫn thực hiện kĩ năng:

Giáo viên vận dụng linh hoạt các dạng câu hỏi để tìm hiểu thông tin về học sinh và đặt câu hỏi đúng lúc, đúng thời điểm;

Câu hỏi đặt ra phải đi theo lôgic của sự kiện và tư duy của học sinh. Giáo viên giúp học sinh mô tả hiện trạng bằng cách trả lời câu hỏi như thế nào? Sau đó, yêu cầu phân tích, lí giải vì sao như thế? Cuối cùng, trả lời câu hỏi vấn đề là gì?

Nên sử dụng câu hỏi mở để khai thác thông tin về sự kiện (cái gì?); quá trình hay cảm xúc (như thế nào?), nguyên nhân (vì sao?)

Có thể sử dụng các câu hỏi giả định về những điều tích cực để hướng học sinh đến sự thay đổi (dạng câu hỏi “nếu - thì” hoặc “câu hỏi phép lạ”: Nếu có điều ước, thì em ước gì?)

Nên tránh: Hỏi nhiều câu hỏi “Tại sao”; hỏi tới tấp, nhiều câu hỏi cùng lúc; câu hỏi mang tính chất suy diễn…

Một phần của tài liệu (SKKN mới NHẤT) một số GIẢI PHÁP góp PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG tác tư vấn, hỗ TRỢ CHO học SINH TRONG dạy học và GIÁO dục ở TRƯỜNG THPT (Trang 33 - 34)