Nghề dệt thổ cẩm – Tinh hoa của nghệ thuật trang trí

Một phần của tài liệu (SKKN mới NHẤT) một số BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ tổ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM THỰC tế tại địa PHƯƠNG CHO học VIÊN các lớp TIẾNG dân tộc THÁI (Trang 43 - 45)

PHẦN II PHẦN NỘI DUNG

4. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế

4.2. Chương trình trải nghiệm thực tế tại địa phương

4.2.2.1. Nghề dệt thổ cẩm – Tinh hoa của nghệ thuật trang trí

Trên nền tảng xã hội nông nghiệp như thế, các ngành nghề gần gũi, trước hết là nghề trồng bông dệt vải đã có điều kiện phát triển. Sự phân công lao động tự nhiên “gái dệt vải, trai đan chài” như hữu ý của tạo hóa đã để những người phụ nữ Thái từ dệt vải thường rồi sáng tạo ra những sản phẩm đẹp, có giá trị nghệ thuật. Sản phẩm thổ cẩm là một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Thái; không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, mua bán, trao đổi trong sinh hoạt, lao động hàng ngày mà còn có mặt ở mọi hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Thái, là chuẩn mực của vẻ đẹp người phụ nữ Thái cũng như tinh hoa của nghệ thuật trang trí, hiện thân sự sung túc, no ấm, bình yên của bản làng.

Tục ngữ Thái có câu “Úp bàn tay nên hoa, ngửa bàn tay thành bông” (khoăm mứ pên lái, hai mứ pên boók) ngợi khen đôi bàn tay khéo léo tài hoa của người phụ nữ Thái. Từ đôi tay ấy đã tạo ra biết bao sản phẩm quý giá thiết thực cho đời sống.

Phụ nữ Thái bên khung cửi dệt thổ cẩm

Đã từ lâu đời, những tấm thổ cẩm Thái nổi tiếng khắp vùng bởi nghệ thuật trang trí hoa văn. Trên những tấm thổ cấm ấy ta sẽ cảm nhận được màu xanh của cây cối, màu đỏ, trắng, hồng của hoa rừng và màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Kỹ thuật thêu dệt hoàn toàn thủ công nên rất chắc chắn, bền màu, đường nét tinh xảo, họa tiết sinh động. Nhìn vào những chiếc khăn piêu, mặt chăn/gối, hay váy, áo, địu, túi… sẽ hiện ra bức tranh thiên nhiên sống động, đa sắc màu và vô cùng phong phú. Hoa văn trang trí thổ cẩm thái được thêu dệt theo những mô típ chung nhưng lại cực kỳ phóng khoáng, đa dạng ở họa tiết, họa cảnh bởi nó được tái hiện bằng trí tưởng tượng phong phú và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người phụ nữ Thái. Họ không làm thành những bức tranh của chốn “bồng lai tiên cảnh”, hay khu vườn thượng uyển mà khắc họa rất đỗi sinh động những cảnh vật gần gũi đời thường, là dòng suối mát, rau cỏ bợ (phắc ban), là đóa hoa rừng, hoa xoan, hoa ban, hoa bầu hoa bí, quả trám rừng, hay những hình tượng trưng “khỉ đuôi dài”, “con chuồn chuồn”, khau cút thuồng luồng… đi vào đường nét trang trí với những ý nghĩa riêng, mang dấu ấn tư duy của dân tộc Thái.

Trong “bức tranh thiên nhiên” đầy sống động của miền sơn cước, thiếu nữ Thái không dấu nổi cảm xúc qua những gam màu tươi sáng, đường nét mềm mại như chính tâm hồn trong sáng, lãng mạn chất chứa nhiều cung bậc tình cảm, còn người phụ nữ lớn tuổi sẽ gửi vào thổ cẩm những gam màu trầm, đường nét rắn rỏi, giản dị và sâu lắng như một sự trải nghiệm qua những bước thăng trầm của cuộc đời. Cuộc sống có khó khăn vất vả, người phụ nữ xưa có chịu nhiều thiệt thòi họ vẫn không ngừng thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống mà thả sức sáng tạo, thổi hồn cho những sợi vải… làm nên một nét duyên hài hòa cho người con gái Thái. Mỗi cây, mỗi vật, mỗi cảnh đều được những bàn tay nghệ thuật khoác lên một ý nghĩa riêng song nó đều biểu hiện một sức sống mãnh liệt, mơ ước chinh phục thiên nhiên, hướng tới sự hòa hợp và một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào dân tộc Thái. Bởi lẽ đó, sức sống của thổ cẩm Thái mạnh mẽ từ đường nét tinh tế, sắc sảo của truyền thống dân tộc đến tâm hồn lắng đọng và giàu xúc cảm của người sáng tạo nên nó.

Ngày nay, nền kinh tế hiện đại khiến những tục lệ xưa không còn bó buộc người phụ nữ Thái phải biết dệt vải, thêu thùa tạo ra các sản phẩm phục vụ gia đình và làm của hồi môn trước khi về nhà chồng; nhiều người trong số họ đã bước ra khỏi khung cửi và tham gia vào nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác… song điều này lại khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi bởi sự thiếu vắng một nét đẹp hiếm có của văn hóa dân tộc - một nghề thủ công khiến ta trân trọng và khâm phục không chỉ ở nghệ thuật trang trí mà còn ở sức mạnh tư duy trừu tượng của nhân dân lao động Thái.

Một phần của tài liệu (SKKN mới NHẤT) một số BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ tổ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM THỰC tế tại địa PHƯƠNG CHO học VIÊN các lớp TIẾNG dân tộc THÁI (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)