PHẦN II PHẦN NỘI DUNG
4. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế
4.2. Chương trình trải nghiệm thực tế tại địa phương
4.2.3. Các trò chơi dân gian
4.2.3.1. Tung còn (ném còn)
Đây là trò chơi dân gian đã có từ lâu đời, mang nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, thông qua trò chơi này là dịp để người dân cầu chúc năm mới, mùa màng bội thu và cũng là cơ hội cho trai gái tìm hiểu, nên duyên.
Không ai biết trò chơi tung còn xuất hiện từ khi nào, chỉ biết trong các lễ hội, đặc biệt là vào dịp tết cổ truyền thì không thể thiếu trò chơi này. Từ xa xưa, khi người Thái đi làm ruộng, họ thường tung bó mạ cho nhau và dần xuất hiện trò chơi tung còn, cứ thế được truyền từ đời này sang đời khác.
Để chơi tung còn phải có quả còn, cây nêu và một khoảng sân rộng. Quả còn được làm bằng vải, những mảnh vải vụn cắt thành hình ô vuông có cạnh khoảng 15-18 cm, gấp chéo 4 góc vào nhau, bên trong nhồi bằng hạt bông hay hạt thóc với ý nghĩa thóc nuôi sống con người, thể hiện cầu mong sự nảy nở sinh sôi. Dây còn cũng được khâu bằng vải, dài độ nửa sải tay, một đầu đính vào điểm tâm giao của hình vuông quả còn, bốn góc của còn được đính thêm các tua vải nhiều màu trông khá đẹp mắt, giúp quả còn định hướng khi được tung lên, tạo thành biểu tượng như hình con rồng bay, mang niềm tin gửi gắm đem lại sự phồn thịnh, hạnh phúc. Để có được những quả còn đẹp, các bà, các mẹ thường phối vải màu xanh, đỏ, tím, vàng làm tua rua đều từ quả còn đến dây còn. Trò chơi tung còn thường được tổ chức tại một khoảng sân rộng, giữa sân dựng một cây tre, cây tre cao từ 15-20 m, trên đỉnh có một vòng tròn đường kính từ 45 đến 50 cm, có thể được dán giấy màu.
Nam nữ thanh niên Thái chơi còn trong dịp xuân về
Trò chơi tung còn có nhiều cách chơi, nhưng hiện nay chỉ còn có hai cách chơi phổ biến nhất. Cách thứ nhất: Thanh niên nam nữ chưa vợ, chưa chồng thì chơi theo tục tỏ tình, giao duyên. Nam đứng một bên, nữ đứng một bên, thoạt đầu còn tung sang nhau đại trà, sau dần dần, đôi nào phải lòng nhau tự khắc ném
cho nhau, hình thức này sau cùng là chơi từng đôi một, thông qua hội tung còn, các chàng trai, cô gái nên duyên vợ chồng. Cách thứ hai: Gọi là tung còn vòng, người chơi đứng ở hai bên cây tre cách tầm từ 15 đến 20 m, thay nhau ném quả còn đi qua vòng tròn trên đỉnh cây tre, người đối diện sẽ bắt lấy quả còn và ném lại. Cứ như vậy trò chơi sẽ kết thúc khi có người ném qua vòng tròn đó nhiều nhất thì sẽ giành chiến thắng. Cách chơi này dành cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Tưởng đơn giản nhưng trò tung còn cũng đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật, phải cầm gần cuối đoạn dây vải, quay quả còn vài vòng theo chiều kim đồng hồ rồi mới tung lên, hướng vào vòng tròn trên đỉnh cột tre, quả còn bay trúng vào trong vòng tròn thì lúc ấy mới được công nhận là thắng cuộc.
4.2.3.2. “Tò mạc Lẹ”
Tò mạc lẹ (có nơi gọi là Tò má lẹ) là trò chơi rất phổ biến của dân tộc Thái. Vật dụng để sử dụng trong trò chơi chính là quả lẹ, Đối tượng tham gia chủ yếu là nữ giới. Cách chơi rất đơn giản có thể dùng tay ném, đặt lên đùi hay quắp vào chân…làm sao cho quả Mạc lẹ chạm đổ quả ở vạch đích là ghi điểm. Đội nào càng ghi được nhiều điểm với các tư thế ném bóng khó sẽ thắng cuộc.
“Tò” trong tiếng Thái cổ có nghĩa là “chọi”, “đụng”,… “Mạc lẹ” là tên của một quả thuộc loài dây leo thường mọc trong rừng. Tuy khá phổ biến trong các dịp lễ tết và thu hút sự tham gia của rất nhiều người, nhất là chị em phụ nữ song đến nay, ít ai biết rõ trò chơi Tò mạc lẹ xuất hiện từ khi nào. Căn cứ vào các bài thơ cổ còn được lưu truyền và theo nhiều già làng kể lại thì trò chơi Tò mạc lẹ xuất hiện khá sớm trong chuyện dân gian của dân tộc Thái. Theo đó, trong một lần đi rừng hái củi, sau khi gánh củi đã đầy, những thiếu nữ Thái đảm đang rủ nhau cùng ngồi nghỉ dưới một tán cây lớn trước khi về bản. Những làn gió nhẹ bất ngờ thổi đến vô tình làm rơi một số hạt của quả Mạc lẹ ở trên cao. Điều lạ lùng là những hạt Mạc lẹ rơi đến đâu thì ở đó vang lên những âm thanh lách cách nghe rất lạ và vui tai. Các thiếu nữ cho rằng đây là món quà độc đáo mà đất trời đã ban tặng nên bảo nhau cùng nhặt những hạt Mạc lẹ đó và mang về bản. Sau đó, cứ mỗi khi công việc nương rẫy hoàn thành, họ lại rủ nhau mang những hạt Mạc lẹ ra chơi để xua tan những vất vả, mệt mỏi. Lâu dần, trò chơi Tò Mạc lẹ được nhân rộng ra các bản xung quanh và trở thành một trò chơi khá phổ biến trong cộng đồng dân tộc Thái nói chung.
Là một trò chơi dân gian ra đời trong lao động sản xuất nên các quy định về cách chơi Tò Mạc lẹ khá đơn giản. Mọi người, ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia chơi Tó Má lẹ nhưng phần lớn người chơi là chị em phụ nữ do trò chơi đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Không phải ngẫu nhiên Tò Mạc lẹ được coi là trò chơi ngày tết mang đậm tinh thần đoàn kết bởi trong mỗi lượt chơi chỉ có từng người
chơi thực hiện động tác “tò” của mình song thành tích lại được tính chung của
cả đội. Và đội thắng chung cuộc là đội có nhiều người chơi giỏi hơn. Theo đó, Tò Mạc lẹ thường được chị em phụ nữ Thái chơi vào các ngày lễ tết, các dịp vui của cộng đồng dân cư hay của từng gia đình như trong dịp lễ trọng của bản hoặc lễ mừng nhà mới, mừng đám cưới… Địa điểm chơi khá linh hoạt có thể là một bãi đất nhỏ ở ven rừng, một khoảng sân nhà hay thậm chí là mọi người có thể chơi Tò Mạc lẹ ở ngay dưới gầm ngôi nhà sàn của gia đình mình. Thời gian chơi không bị khống chế mà chủ yếu phụ thuộc vào số người tham gia trò chơi và mức độ khéo léo của từng đội, của mỗi người chơi. Điểm riêng của Tò Mạc lẹ so với nhiều trò chơi dân gian truyền thống khác của cộng đồng người Thái đó là khi chơi Tò Mạc lẹ, bắt buộc người chơi phải chia thành 2 đội. Số người chơi càng đông thì trò chơi sẽ càng sôi nổi. Thông thường, mỗi đội chơi sẽ có từ 5 - 7
thành viên. Và quá trình chơi, để giành được phần thắng, đòi hỏi thành viên mỗi đội phải thực sự khéo léo, đoàn kết trong từng lượt chơi, từng phần chơi.
Trên khu vực chơi Tò mạc lẹ đã xác định trước, người chơi sẽ tiến hành kẻ 3 vạnh ngang song song với nhau.Vạch thứ nhất còn gọi là vạch xuất phát được kẻ ở đầu sân, là vị trí đứng ban đầu của người chơi. Vạch thứ hai được kẻ cách vạch đầu tiên khoảng 3m được xác định là vạch để người chơi đánh dấu điểm đánh. Vạch còn lại được kẻ cách vạch thứ hai khoảng 1m.
Học cách chơi Tò Mạc lẹ không quá khó nhưng để giành được phần thắng trong mỗi lần chơi đòi hỏi từng thành viên và từng đội chơi phải thực sự khéo léo trong động tác cá nhân cũng như phải biết cách hiệp đồng, đoàn kết trong toàn đội. Bởi trò chơi Tó Má lẹ có 4 bước chơi chính.
Bước thứ nhất, người chơi đứng ở vạch xuất phát, quỳ gối, đặt hạt Mạc lẹ trên đầu gối sau đó dùng một que tre mềm và nhắm bắn vào hạt Mạc lẹ cái đặt ở điểm đánh là điểm nằm giữa vạch thứ hai. Lần lượt từng người bắn, nếu ai không bắn trúng thì sẽ không được tính điểm. Đội nào bắn trúng nhiều hơn tức được nhiều điểm hơn sẽ chiến thắng trong bước chơi này. Theo thỏa thuận, các
đội có thể cùng áp dụng hình thức “bắn tiếp sức” nếu người cuối cùng bắn
không trúng thì đội có thể cử ra một người bắn giúp. Đó cũng là chính là tính hiệp đồng, tinh thần đoàn kết trong trò chơi Tò Mạc lẹ.
Bước chơi thứ hai, người chơi cũng lần lượt bắn hạt Mạc lẹ như bước một nhưng lưu ý là đầu gối phải hạ thấp hơn lần thứ nhất. Mỗi lần người chơi bắn hạt Mạc lẹ là một lần các thành viên trong đội cũng như mọi người xung quanh cùng nhau hò reo cổ vũ sôi động cả khu vực chơi.
Đến bước thứ ba, nội dung chơi có sự đòi hỏi cao hơn về độ khéo léo nên cũng có phần kịch tính hơn. Đội nào thắng ở bước chơi thứ hai sẽ được chơi trước. Người chơi đứng ở vị trí xuất phát đặt hạt Mạc lẹ nên 5 ngón chân vừa nhảy vừa dùng chân văng hạt Mạc lẹ sao cho hạt Mạc lẹ bắn trúng vào hàng hạt Mạc lẹ của đội bạn đã được xếp sẵn ở phía trước. Bước thứ tư, hạt Mạc lẹ được đặt ở sát đất, rồi dùng que bật hạt Mạc lẹ về phía trước (vạch thứ ba) được xác định là đích. Cứ như vậy, từng đội chơi cho đến người cuối cùng. Sau bốn bước chơi, kết quả của 2 đội sẽ được cộng dồn lại và đội nào ghi được nhiều điểm hơn thì sẽ giành phần thắng.
Theo nhiều phụ nữ dân tộc Thái, sở dĩ trò chơi Tò Mạc lẹ thu hút được chị em tham gia bởi ngoài ý nghĩa nhân văn, Tò Mạc lẹ còn có tính của một môn thể thao đòi hỏi ở người chơi sự thông minh, khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì và tinh thần đoàn kết, hiệp đồng tập thể. Vì vậy, tuy việc chuẩn bị khá đơn giản, luật chơi không quá khó song mỗi khi Tò mạc lẹ được tổ chức thì sẽ thực sự trở thành cuộc thi tài tưng bừng, náo nhiệt, nhất là trong những dịp lễ tết truyền thống. Ở đó, những khoảng cách về tuổi tác, giàu nghèo giữa mọi người đã bị xóa nhòa; thay vào đó, mỗi người chơi đều nỗ lực thể hiện sự khéo léo của mình giữa tiếng reo hò, cỗ vũ náo nhiệt của mọi người xung quanh.
4.2.3.3. Bắn nỏ
Trong cuộc sống, người dân vùng cao chơi bắn nỏ để rèn luyện sức khoẻ và bảo vệ bản làng khi có giặc thù. Cánh nỏ và tên nỏ được làm từ gỗ cây già được vót nhẵn hơ trên lửa, dây nỏ được xoắn rất khéo bằng sợi lanh. Trong mỗi cuộc chơi của thanh niên bản, môn bắn nỏ có nhiều cách chơi phong phú như bắn trúng đích xa, gần. Điểm đích là bia hay chiếc lá, mảnh giấy có vẽ tâm. Không chỉ có nam giới mà nữ giới các dân tộc cũng rất mê bắn nỏ. Vì thế trong nhiều cuộc đua tranh ở bản làng hay tại ngày hội thể thao lớn trong vùng đều có đông đảo nam nữ tham gia.
Bắn nỏ luôn được coi là môn thể thao đặc biệt, bởi tên, nỏ, dây cung đều phải tự chế tạo theo kinh nghiệm mỗi người do dụng cụ tập luyện và thi đấu không bán sẵn. Để có dụng cụ tập và thi đấu, người chơi phải bỏ ra hàng tháng để tìm gỗ làm nỏ, cây gai làm dây cung và chỉnh sửa từ nỏ thô thành nỏ dùng bắn trong thi đấu sao cho chính xác. Việc vót tên cũng phải thật tỉ mỉ trong từng đường dao. Người bắn giỏi phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khỏe, đôi mắt tinh nhanh và tập các động tác bắn cho thật thuần thục. Người bắn nỏ đòi hỏi phải có thần kinh khỏe, tâm lý bình tĩnh, mắt sáng và tay chắc để giương cánh cung ngắm bắn chính xác vào tiêu điểm. Đây là môn đòi hỏi kỹ thuật, tính chính xác cao và sức mạnh.
4.3.3.4. Múa sạp
Trước kia nhiều nghiên cứu văn hóa ở sapa cho rằng nhảy sạp có nguồn gốc từ dân tộc Mường. Tuy nhiên, ngày này lại có nhiều nghiên cứu đã chứng minh và cho rằng không chỉ riêng dân tộc Mường mà múa sạp đã xuất hiện từ khá lâu ở nhiều dân tộc khác như Thái, Khơ Mú…..
Múa sạp, một nét văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội của người dân tộc Thái.
Điệu múa sạp cổ truyền của đồng bào Thái có từ xa xưa phản ánh đời sống nông nghiệp của đồng bào Thái. Đó là những chiếc chầy giã gạo xếp thành đôi trên những hàng gỗ. Người múa cứ múa, người vỗ nhịp chầy theo một tiết tấu rộn ràng và rất khí thế.
Thuở xưa, chưa có nhạc nền, chỉ có múa chưa có hát. Nhưng từng đôi, từng đôi nam nữ phải nhảy thế nào để không va vào chân. Dưới những hàng chầy gỗ đặt song song là những đôi chân đẹp của từng đôi nam thanh nữ tú. Ngày xuân, phụ nữ Thái mặc váy thêu, lưng đeo xà tích, quả táo bạc, đội piêu, trang sức đầy mình để nhảy với người bạn khác giới. Nhảy sạp không chỉ vui mà còn luyện cơ thể dẻo dai, khoẻ mạnh.
Múa xòe, múa sạp đều là những điệu múa dân gian độc đáo mang đến cho mọi người âm hưởng hưởng vui nhộn. Nó không những mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Thái mà còn chứa đựng bên trong đó là tình cảm, cốt cách, tâm hồn của con người dân tộc miền núi. Trong đó múa sạp hay còn được gọi là nhảy sạp được rất nhiều người thích thú .
Dù có nguồn gốc từ dân tộc nào thì cho tới nay múa sạp đã ngày càng trở nên phổ biến, có sức hút mạnh mẽ và dễ lôi cuốn nhiều người tham gia. Để có thể chuẩn bị cho các bước nhảy sạp hay nhất đẹp nhất trước tiên cần chuẩn bị các dụng cụ, đạo cụ cần thiết. Trong đó cần phải chuẩn bị sạp cái (2 cây tre to, dài và thẳng) và nhiều sạp con bằng nứa hoặc tre đều được có chiều dài từ 3 tới 4 m, kích thước đường kính từ 3 tới 4cm. Sạp được đặt trên một khoảng không gian trống, bằng phẳng để đủ chỗ cho cả những người tham gia múa và khán giả cổ vũ xung quanh
Để bắt đầu với các điệu nhảy sạp người ta sẽ đặt hai sạp cách nhau với một khoảng cách nhất định sau đó gác hai đầu với những cây sạp con đặt song song với nhau cứ như vậy xếp thành một hàng dài (khoảng cách giữa các cây sạp con khoảng bằng 1 gang tay vừa đủ chân nhảy được dễ dàng hơn).
Trong đó đội múa sạp sẽ chia ra làm 2 tốp: 1 tốp sẽ đảm nhận nhiệm vụ đập sạp và một tốp là nhảy sạp. Với tốp nhảy sạp đòi hỏi cách nhảy sạp vừa đúng nhịp điệu tiết tấu vừa phải có những động tác khéo léo của tay chân nếu không sẽ dẫm lên sạp và làm hỏng cả bài múa.
Còn đối với người đập sạp phải đưa rất đều tay, đúng nhịp với tốc độ vừa phải. Thông thường lúc đầu tốc độ đập sạp sẽ chậm để người nhảy dễ dàng nhập cuộc hơn nhưng càng về sau sẽ dồn dập nhanh hơn tăng độ khó từ đó khiến buổi múa sạp trở nên sinh động hấp dẫn người xem hơn.
Nhạc nhảy sạp rộn ràng trong tiếng nứa, tiếng thanh tre gõ dồn dập hòa chung với tiếng khèn, tiếng trống và tiếng cười vui đùa của người xem. Tất cả như bức tranh sống động báo hiệu một mùa xuân mới về, cầu mong một năm mới hạnh phúc và no đủ hơn.
4.3.3.5. Đi cà kheo
Trò chơi cà kheo của người Thái có từ xa xưa, nhưng lúc đó chỉ là trò chơi vui của đám thanh niên trai tráng trong các bản của đồng bào Thái, vì trước đây đường đi lối lại trong các bản vùng cao thường là đường đất, mùa mưa thì lầy lội nên bà con mới nghĩ ra cách làm cà kheo để đi lại khỏi bẩn chân. Cà kheo không chỉ để chơi vui mà để thi đua nhau ai khéo làm đẹp, bền chắc hơn.