Chương 1 : TỔNG QUAN VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1. Đặc tính câu hỏi
1.1. Các đặc tính chung của câu hỏi trắc nghiệm cần có
Sự phù hợp của điều được trắc nghiệm (tầm quan trọng,tính hiện đại). Tính chính xác hoặc tính đúng đắn của kiến thức được trắc nghiệm (Tính đúng đắn của vấn đề hoặc câu hỏi cũng như tính chính xác của câu trả lời).
Tính công bằng với tập hợp học viên được trắc nghiệm (toàn bộ học viên có cơ hội như nhau để tiếp cận với các kiến thức được trắc nghiệm).
Tính nhạy cảm đối với các vấn đề dân tộc (phản ánh các khía cạnh tích cực của kinh nghiệm người dân tộc cũng như tránh các thuật ngữ có thể tỏ ra xúc phạm tới bất cứ nhóm người nào).
Tính dễ hiểu cho những người đọc câu hỏi trắc nghiệm (Tính rõ ràng, đơn giản của các từ vựng được sử dụng).
Xắp xếp các câu hỏi trắc nghiệm như thế nào để câu hỏi cuối cùng ứng với các mức khó nhất.
1.2. Đặc tính phần câu dẫn của câu hỏi trắc nghiệm
Tính rõ ràng và hoàn chỉnh của vấn đề hoặc nhiệm vụ được trình bày (bao gồm tất cả các thông tin cần thiết).
Tính ngắn gọn, xúc tích của câu dẫn (bao hàm chỉ các thông tin cần thiết để trả lời câu hỏi và tránh hiện tượng “Đánh lừa”.
Tính tập trung với các khẳng định dương tính (tránh các từ “ít nhất”,“không”, “ngoại trừ” v.v..).
1.3. Đặc tính với các câu lựa chọn của câu hỏi trắc nghiệm cần có
Tính chính xác của câu trả lời (Chỉ có một câu trả lời là chính xác – đúng). Tính hấp dẫn của câu nhiễu (Cần phải tỏ ra là câu nhiễu có vẻ hợp lí đối với những người không am hiểu hoặc hiểu không đúng).
Tính tương tự trong cấu trúc câu trả lời (cần phải để mỗi một phần có độ dài, lượng từ v.v.. tương tự như nhau).
Tránh được các từ đầu mối (như “ luôn luôn”, “ không bao giờ”, “chỉ ”, “tất cả”.v...).