1.3.1. Sơ lược về địa bàn nghiên cứu
Thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên 1.255,253 km2 , chiếm 0,39% diện tích cả nước, có 6 quận (Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn) và 2 huyện (Hòa Vang, và huyện đảo Hoàng Sa). Phía bắc cách thủ đô Hà Nội 759 km, phía nam cách thành phố Hồ Chí Minh 960 km. Phía bắc tiếp giáp với tỉnh Thừa Thiên Huế, phía nam và phía tây nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp với biển đông.
Thành phố Đà Nẵng nằm trên trục giao thông bắc nam về đường bộ (quốc lộ 1A), đường sắt, đường biển, đường hàng không. Quốc lộ 14B nối cảng Tiên Sa với các tỉnh Tây Nguyên và nối hệ thống đường xuyên Á qua Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan, Myanma. Là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước trên đến với các nước vùng Đông Bắc Á. Là cửa ngõ phía đông của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.
Vị trí địa lý của thành phố cảng là một lợi thế quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố mở rộng giao lưu kinh tế với các tỉnh trong vùng Duyên Hải, Tây Nguyên, cả nước và với nước ngoài, là tiền đề quan trọng góp phần để các ngành kinh tế của thành phố phát triển, tạo động lực để thành phố trở thành một trong những trung tâm phát triển của vùng trọng điểm Miền Trung.
Chính những điều kiện tự nhiên thuận lợi đó, tự nó là sự hấp dẫn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giỏi về đây. Đồng thời cũng là điều kiện để phát triển công tác đào tạo có chất lượng nhờ giao lưu với các luồng văn hóa trong nước và văn minh của nước ngoài.
Thành phố Đà Nẵng có vị trí quan trọng ở miền Trung Việt Nam. Vị trí địa lý, môi trường cảnh quan, khí hậu của Đà Nẵng đã tạo thuận lợi quan trọng để mở rộng giao lưu kinh tế, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch trong nước và quốc tế, phát triển nhanh các lĩnh
vực KT-XH, tạo cho Đà Nẵng trở thành vùng kinh tế trọng điểm của Miền Trung, là động lực cho cả khu vực phát triển. Như vậy với đặc điểm thuận lợi về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, thành phố Đà Nẵng có lợi thế so sánh rất lớn trong phát triển kinh tế, trong đó tác động và chi phối đến chất lượng và hiệu quả đào tạo. Với vị trí vai trò quan trọng như vậy, Đà Nẵng đã được quan tâm đầu tư xây dựng cả về cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Trong đó giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực được tập trung đầu tư nhiều nhất.
Đà Nẵng là một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo lớn nhất của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 13 trường đại học, học viện; 18 trường cao đẳng; 50 trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề và gần 300 trường học từ mầm non đến phổ thông.
Theo số liệu Thống kê Tiểu học năm 2012, Đà Nẵng có 100 trường tiểu học với 2066 lớp gồm cả 5 khối lớp. Tổng thể học sinh là 69388 em, gần 5000 em tham gia học 2 buổi/ ngày. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên gồm 3969 người. Để đáp ứng nhu cầu học tập của thành phố, ngành GD&ĐT Đà Nẵng trang bị hơn 2000 phòng học, trong đó có 89 phòng tin học rãi đều ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Hầu hết các trường tiểu học đều có phòng máy vi tính để phục vụ việc học Tin học của học sinh, riêng tại huyện Hòa Vang là một huyện miền núi nên có một vài trường chưa được trang bị phòng máy vi tính. Vì vậy, các em học sinh của trường này được học ghép môn tin học tự chọn với các trường có phòng máy gần đó. (Phụ lục 7)
1.3.2. Chương trình giảng dạy Tin học cấp tiểu học
Nội dung chương trình giảng dạy Tin học tự chọn cấp tiểu học gồm 3 phần với khuyến nghị dạy tương ứng cho các lớp 3, 4, 5. Mỗi phần ứng với 70 tiết. Phần 1: Thông tin xung quanh ta, bước đầu làm quen với máy tính, sử dụng phần mềm trò chơi, kỹ năng sử dụng những thiết bị thông dụng, soạn
thảo văn bản đơn giản, phần mềm đồ họa, khai thác phần mềm học tập; phần 2: Kỹ năng sử dụng những thiết bị thông dụng, soạn thảo văn bản đơn giản, phần mềm đồ họa, khai thác phần mềm học tập, kỹ năng sử dụng những thiết bị thông dụng, khai thác phần mềm học tập, soạn thảo văn bản, sử dụng phần mềm đồ họa, phần mềm âm nhạc, khai thác phầm mềm vi thế giới; phần 3: Khai thác phần mềm học tập, sử dụng phần mềm đồ họa, soạn thảo văn bản, trình diễn đa phương tiện, khai thác phần mềm vi thế giới, bước đầu làm quen với Internet và Email. (Phụ lục 2)
Chương trình này giúp cho HS tiểu học bước đầu làm quen với cách giải quyết vấn đề có ứng dụng công cụ Tin học, bồi dưỡng năng lực trí tuệ, thấy được vai trò của máy tính điện tử trong đời sống và rèn luyện một số phẩm chất của con người hiện đại: tính cẩn thận, tỷ mỉ, chính xác, thói quen tự kiểm tra…
Tóm tắt chương 1: Chương 1 đã thu thập, xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho đề tài nghiên cứu và tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan. Các kết quả nghiên cứu trong phần cơ sở lý luận cho thấy các yếu tố thuộc về gia đình, nhà trường và cá nhân HS... ảnh hưởng đến kết quả học tập của HS. Phần tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan, đề tài đã tập trung phân tích các nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước có nội dung liên quan đến các yếu tố tác động đến kết quả học tập của HS.