Niên đại và quá trình phát triển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhóm di tích hòn ngò núi hứa (quảng ninh) trong bối cảnh thời đại đá mới duyên hải đông bắc việt nam (Trang 66 - 69)

Chương 2 : Cấu tạo địa tầng và đặc trưng di vật

f. Cuội nguyên liệu

3.2. Niên đại và quá trình phát triển

Cho tới nay vẫn chưa có một niên đại tuyệt đối nào để xác định niên đại của nhóm di tích trên, tuy nhiên qua loại hình di vật thu được và nghiên cứu so sánh với hệ thống các di tích khác ở khu vực cũng đã có những quan điểm khác nhau về niên đại của nhóm di tích này. Về cơ bản có 4 luồng ý kiến khi xác định niên đại của nhóm di tích này: Ý kiến thứ nhất cho rằng Hòn Ngò có yếu tố sớm hơn Soi Nhụ và kéo dài tới lớp sớm thuộc văn hóa Hạ Long [18]. Ý kiến thứ hai cho rằng các di vật đá và gốm ở Hòn Ngò có niên đại vào giai đoạn sớm của văn hóa Hạ Long [24]. Ý kiến thứ ba cho rằng niên đại của nhóm di tích gồm 2 giai đoạn phát triển. Giai đoạn sớm thuộc trung kỳ thời đại đá mới, tương đương với đợt biển tiến Holocene trung. Giai đoạn muộn thuộc văn hóa Hạ Long. Ý kiến này được đa số các nhà nghiên cứu đồng nhất khi nghiên cứu dựa trên loại hình hiện vật đá ghè đẽo và đá mài.

Trong đợt điều tra lần thứ hai ở Núi Hứa, Hoàng Xuân Chinh cho rằng chủ nhân di tích này cư trú ngay tại nơi tìm thấy di vật, tầng văn hóa khảo cổ của họ đã bị nước biển phá hủy. Ông cũng chia những di vật tìm thấy thành hai nhóm: các công cụ ghè đẽo được ông xếp tương đương với giai đoạn muộn của Hòa Bình – Bắc Sơn với niên đại tương đối khoảng 6000 – 7000 năm cách ngày nay, các công cụ đá mài được ông xếp vào khung niên đại của văn hóa Hạ Long khoảng 3500 – 4000 năm cách ngày nay. Tuy nhiên ông cũng cho rằng nhóm công cụ này không giống công cụ văn hóa Hòa Bình; chúng khác và cổ hơn Thoi Giếng, Cái Bèo. Hai địa điểm này có nét gần với các di tích ở Triều An và Đông Hưng (Quảng Tây), niên đại khoảng 5000 – 6000 năm cách ngày nay [2]. Đồng quan điểm ý kiến này, qua kết quả khảo sát khu di tích Hòn Ngò và Núi Hứa, Trình Năng Chung cũng đã so sánh những di vật đá ở đây cùng với những công cụ đá ở nhóm di tích huyện Phòng Thành (Quảng Tây) và nhận thấy những mối quan hệ mật thiết giữa 2 nhóm di tích này. Những mảnh gốm thu được ở Hòn Ngò cũng có đặc điểm tương tự như ở Bối Giảo Sơn. Niên đại đưa ra được xác định khoảng trên dưới 7000 năm cách ngày nay [11].

Khi khảo sát di tích Hòn Ngò, Bùi Vinh cho rằng nhóm di tích này có 2 giai đoạn phát triển. Căn cứ vào sưu tập đá ở đây, đặc biệt là những công cụ mũi nhọn làm từ đá cuội rhyolit biến đổi có đặc điểm giống với Thoi Giếng, Cái Bèo và Hải Tân (Phòng Thành, Nam Ninh, Trung Quốc) [43, tr. 42-45].

Ý kiến thứ tư khác biệt hơn khi cho rằng niên đại của nhóm di tích này thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí. Nhà nghiên cứu Đào Quý Cảnh, đã xếp nhóm di tích này trong khung niên đại 3000 – 2500 năm BP [1]. Sở dĩ có niên đại này bởi vì ông đã căn cứ vào trình độ phát triển của những công cụ đá mài đã phát triển đến trình độ khá cao, tương đương giai đoạn văn hóa Hạ Long, ngoài ra tác giả còn dựa vào đặc điểm của viên đá tròn, cho rằng đó là loại hình công cụ của giai đoạn sơ kỳ kim khí, bên cạnh đó vì ông đã xếp nhóm di vật mài và ghè đẽo trong cùng một bộ phận trong khoảng một khung niên đại.

Theo ý kiến cá nhân của tôi, xét về đặc điểm môi trường cảnh quan, địa mạo và loại hình, đặc điểm hiện vật thì không thể cho rằng nhóm di tích Hòn Ngò – Núi Hứa có niên đại cùng với nhóm di tích Soi Nhụ hay vào giai đoạn cuối đá mới – đầu kim khí được. Bởi lẽ, những công cụ đá ở Soi Nhụ có chất liệu, hình dáng và kỹ thuật khác với Hòn Ngò – Núi Hứa, cấu tạo địa tầng khác nhau, hơn nữa cảnh quan môi trường khu vực Soi Nhụ cũng khác với Hòn Ngò – Núi Hứa. Còn xếp nhóm di tích này vào khung niên đại cuối đá mới – đầu kim khí lại càng khó chấp nhận được. Những công cụ đá, đặc biệt là công cụ mài có đặc điểm khác so với những công cụ thuộc giai đoạn văn hóa Hạ Long. Những rìu, bôn có vai có nấc không xuất hiện ở đây, mà ở khu vực này đặc trưng là loại rìu, bôn dáng dài, hình bầu dục và hình thang, một số rìu, bôn có vai, có nấc không thật được tinh xảo như ở các di tích văn hóa Hạ Long khác, mà đặc biệt loại hình gốm xốp không hề có mặt tại nhóm di tích này. Viên đá tròn như Đào Quý Cảnh đã xác định đó là loại di vật thường thấy trong các di tích thời địa kim khí thì lại càng khó để lấy hiện vật này xác định cho niên đại của di tích. Những hiện vật có hình tròn, có vết mài, thì từ giai đoạn đoạn đá mới đến kim khí đều xuất hiện, có thể cả giai đoạn gần đây, không có bằng chứng nào để xác định

rằng di vật này chỉ có ở thời đại kim khí. Tác giả chỉ dựa vào loại hình công cụ mài và viên đá tròn để xác định niên đại cho di tích mà không quan tâm về bối cảnh của những công cụ ghè đẽo, công cụ mũi nhọn – loại công cụ đặc trưng và dày đặc ở nhóm di tích này. Ngoài ra, chúng ra cũng không thể cho rằng niên đại của nhóm di tích này nằm trong khung niên đại văn hóa Hạ Long. Bởi lẽ, nếu nằm trong khung niên đại này thì ít nhiều những yếu tố của văn hóa Hạ Long đã được thể hiện ở đây, với trình độ phát triển của xã hội trong giai đoạn đó, những ảnh hưởng về mặt di vật, kể cả kỹ thuật mài và đồ gốm. Trong phạm vi phân bố của văn hóa Hạ Long kéo dài từ khu vực Móng Cái cho tới Hải Phòng.

Vì lẽ đó, căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau, từ địa hình, địa mạo, môi trường cảnh quan của di tích, sự dao động mực nước biển, đặc biệt qua bộ công cụ của nhóm di tích này cùng với những kỹ thuật trong trình độ chế tác và mối quan hệ giao lưu văn hóa, tôi cho rằng niên đại của nhóm di tích Hòn Ngò – Núi Hứa gồm 2 giai đoạn phát triển.

- Giai đoạn sớm (khoảng trên dưới 6500 năm BP) tương đương lớp dưới di chỉ Cái Bèo và nhóm di tích huyện Phòng Thành (Quảng Tây). Giai đoạn này phổ biến các loại hình công cụ ghè đẽo, đồ gốm chất liệu thô. Giai đoạn này tương đương với thời kỳ biến tiến Holocene mới bắt đầu tiến vào khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.

- Giai đoạn muộn (khoảng trên dưới 4500 năm BP) nằm trong giai đoạn sớm văn hoá Hạ Long, phổ biến các loại hình công cụ mài với chủ yếu là rìu hình bầu dục, đồ gốm khá mịn, kết hợp với gốm văn thừng, văn đan, chất liệu cứng, chắc, và đặc biệt không có sự xuất hiện của gốm xốp (loại đồ gốm đặc trưng của văn hóa Hạ Long). Giai đoạn này sau khi biển tiến cực đại rút dần đi có thể đã có một bộ phận cư dân nhỏ tới sinh sống và cư trú ở đây và vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động kinh tế khai thác biển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhóm di tích hòn ngò núi hứa (quảng ninh) trong bối cảnh thời đại đá mới duyên hải đông bắc việt nam (Trang 66 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)