cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX
Lịch sử phát triển của văn học là lịch sử của những cách tân. Tuy nhiên, trước những năm cuối của thế kỉ XIX, trong tiến trình lịch sử của văn học dân tộc hàng nghìn năm, chưa có một sự phủ định nào đáng kể mà nếu có thì cũng chưa đủ sức tạo nên những đột biến mang tính chất vạch thời đại để đưa văn học Việt Nam thoát ra khỏi phạm trù văn học trung đại. Phải đến những năm cuối thế kỉ XIX, hiện đại hoá văn học nước nhà mới được đặt ra và gánh nặng hiển nhiên thuộc về những nhà nho – chí sĩ đương thời, trong đó Huỳnh Thúc Kháng là một tên tuổi tiêu biểu và đóng vai trò tiên phong. Tuy nhiên, trước khi đi vào khảo sát cụ thể một cách đầy đủ cả những tác động tích cực cả những hạn chế trên quan điểm khách quan hoá văn nghiệp nhà chí sĩ với mong muốn có thể đưa ra một vài kết luận mang tính khả dĩ về những đóng góp của nhà chí sĩđối với tiến trình hiện đại hoá văn học nước nhà, tác giả luận văn thiết nghĩ cần điểm qua một số nét cơ bản về bối cảnh thời đại để xuất hiện nhu cầu hiện đại hoá văn học Việt Nam ở một giai đoạn nhất định của lịch sử mà không phải là sớm hơn hay muộn hơn vài chục năm. Từ văn nghiệp Huỳnh Thúc Kháng có thể khẳng định rằng : cũng như các nhà nho – chí sĩ đương thời, Huỳnh Thúc Kháng hiện diện trên văn đàn Việt Nam vừa với tư cách là một tác nhân vừa với tư cách là người chịu ảnh hưởng trực tiếp của những tác động lịch sử đang tác động mạnh mẽ đến sự vận động và phát triển của văn học Việt Nam. Chính vì thế, khi khảo sát cụ thể các sáng tác văn chương của nhà chí sĩ, chúng tôi nhận
thấy dấu ấn của những tác động lịch sử in đậm trong các tác phẩm của ông cũng chính là những vấn đề chung trong các sáng tác của các chí sĩđương thời.
Như đã nói, nghiên cứu văn học – bao gồm cả lí luận văn học và văn học sử – có mục đích nội tại là tìm hiểu phát hiện quy luật của tồn tại và phát triển văn học. Hiện đại hoá văn học là một vấn đề quan trọng của văn học sử. Ở phạm vi vùng, Âu hoá và hiện đại hoá văn học là một vấn đề được đặt ra đối với các nền văn học phương Đông, trong đó có Việt Nam. Quá trình ấy nếu so với văn học châu Âu thì diễn ra muộn hơn và ở các nền văn học khác nhau thì mức độ hiện đại hoá diễn ra không giống nhau do xuất phát điểm và bối cảnh lịch sử diễn ra quá trình ấy quy định.
Trước khi đi vào phần trọng tâm của chương này, thiết nghĩ cần phải làm rõ vấn đề đặt ra là quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam bắt đầu từ bao giờ và xét trong tương quan với các nền văn học khác thì hiện đại hoá văn học Việt Nam có những nét đặc thù nào tác động trực tiếp đến yếu tố đầu tiên và mang tính quyết định của văn học, đó là lực lượng sáng tác ?
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng văn học Việt Nam bước vào phạm trù văn học hiện đại từ đầu thế kỉ XX. Dưới cái nhìn biện chứng, chúng tôi cho rằng hiện đại hoá văn học là một quá trình phát triển liên tục, có khi đậm khi nhạt, khi lên khi xuống, nhưng bao giờ cũng là bắt đầu từ sự kiến tạo cho đến khi hoàn tất. Quá trình ấy diễn ra phức tạp, lâu dài, thậm chí có những sự đứt gãy nhưng cuối cùng đều tạo ra một sự thay đổi cơ bản, sâu sắc về chất, về diện mạo. Có quan điểm cho rằng, những mầm mống của “chất hiện đại” đã có trong văn xuôi quốc ngữ từ những năm cuối thế kỉ XIX, mà tiểu biểu là Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản in ở Sài Gòn năm 1887.
Vậy, vấn đềđặt ra là có tiêu chí nào đặt ra cho quá trình hiện đại hoá văn học hay không ? Các nghiên cứu về văn học sử thường hình dung quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam những năm đầu thế kỉ trên các bình diện như : ý thức
cá nhân nghệ sĩ, quan niệm văn học, quan điểm thẩm mĩ, hệ thống hình tượng, thể loại, ngôn ngữ văn học,… Tuy nhiên, trên thực tế ngay cả những bình diện trên cũng chịu sự tác động của các nhân tố lịch sử khách quan. Đây là những vấn đề chung của lí luận văn học mà nếu bỏ qua những tiêu chí này thì việc đánh giá về hiện đại hoá văn học sẽ trở nên thiếu cơ sở và thiếu khách quan.
Hiện đại hoá văn học xuất hiện ở Việt Nam vào những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX vừa như một tất yếu lịch sử trong cuộc tiếp xúc với văn hoá phương Tây, nhất là văn hoá và văn học Pháp ; vừa như một yêu cầu của chính bản thân sự phát triển nội tại của nền văn học.
Trước tiên, đó là sự ra đời và nhanh chóng đi vào đời sống văn học của chữ quốc ngữ. Sự xuất hiện của chữ quốc ngữ là thành quả to lớn nhất của cuộc tiếp xúc Đông – Tây ngay từ thế kỉ XVI. Đây là một trong những nhân tốđóng vai trò kích thích sự vận động của nền văn học nước nhà.
Cuộc chiến tranh xâm lược và quá trình đặt ách thống trị của thực dân Pháp trên lãnh thổ nước ta đã đưa đến những biến đổi to lớn trong đời sống xã hội : kinh tế, khoa học – kĩ thuật (máy in), văn hoá, tâm lí xã hội, đặc biệt là sự xuất hiện của các đô thị. Sự ra đời của các đô thị và đời sống đô thị theo hướng hiện đại hoá và tư sản hoá cùng với lớp trí thức tân học đưa đến một đội ngũ tác giả và độc giả “sống theo lối mới”. Chính nhu cầu của họ về văn hoá, tinh thần là một nhân tố thúc đẩy quá trình hiện đại hoá văn học. Công chúng văn học chủ yếu là tầng lớp thị dân và học sinh sinh viên, trí thức tiểu tư sản mới ra đời theo nhịp độ phát triển của các đô thị. Cùng với sự ra đời của tầng lớp độc giả thị dân, sự phát triển nhanh chóng của kĩ thuật in ấn đã đưa văn chương bắt đầu và nhanh chóng trở thành hàng hoá như mọi hàng hoá khác. Nghề văn trở thành một nghềđể sinh sống.
Như vậy, rõ ràng hiện đại hoá văn học cũng chính là quá trình “dân chủ hoá”, “bình dân hoá” văn chương. Hiện đại hoá văn học Việt Nam giai đoạn này
tất nhiên dẫn đến hệ quả là có sự phân hoá về lực lượng sáng tác : một số không nhỏ tác giả lựa chọn những đề tài ở tầm “vi mô”, sáng tác của họ thường đề cập đến những vấn đề cá nhân, viết những tác phẩm phục vụ cho thị hiếu người đọc, và lẽ đương nhiên các sáng tác này dễ dàng được bạn đọc tiếp nhận. Loại hình tác giả thứ hai chỉ có số ít, đó là những đại diện tiêu biểu nhất của thời đại mà cụ thể trong giai đoạn này là các nhà nho – chí sĩ giàu tâm huyết với vận mệnh non sông đất nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng,… với ý thức công dân và tinh thần tự nhiệm cao, họ chọn văn chương làm vũ khí để làm cách mạng, do đó, các sáng tác của họ thường đề cập đến những chuyện “vĩ mô”, những vấn đề mang tính thời sự của quốc gia, của thời đại. Những nhà nho làm cách mạng như Huỳnh Thúc Kháng thường lãnh trên vai sứ mệnh của người “thế đạo nhân tâm”, họ tự nguuyện và đủ tư cách làm người đại diện cho tiếng nói của nhân dân, dân tộc và cao hơn là của thời đại. Với những tác phẩm này, đối tượng bạn đọc dường như hẹp hơn bởi không mấy phù hợp với thị hiếu và khả năng lĩnh hội của số đông độc giả. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, nếu thiếu vắng những sáng tác giàu tính chiến đấu, tính hiện đại và tinh thần phản biện xã hội của họ thì tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam chắc sẽ chậm lại nhiều năm.
Tuy nhiên, trong mọi sự vận động, phát triển của các trào lưu văn học đều phải xuất phát từ một nhân tốđóng vai trò quyết định, nhân tố đội ngũ sáng tác. Nhưđã nói, những người tham gia vào đội ngũ sáng tác trong giai đoạn này vẫn chủ yếu là những nhà nho, trong đó có nhiều danh nho – chí sĩ tiêu biểu của thời đại. Với những nhà nho – chí sĩ này, phần lớn trong số họ chịu ảnh hưởng của các sách tân thư, tân văn của Phương Tây (cụ thể là văn hoá và văn học Trung Quốc và Pháp) qua các bản dịch Hán văn, cũng có trường hợp xuất thân từ hệ thống giáo dục của nhà trường Pháp – Việt. Có thể nói, chính những nhà nho chí sĩ – những người thâm nhiễm văn hoá truyền thống lại là những người sớm
thức tỉnh và can đảm lãnh nhận vai trò đi tiên phong trong việc phủ nhận nền cựu học lỗi thời, hướng tới xây dựng một nền văn hoá, văn học hiện đại.
Như vậy, chúng ta thấy rằng hiện đại hoá nền văn học là một tất yếu nếu xét từ góc độ yêu cầu và sự vận động nội tại của nền văn học dân tộc với nỗ lực duy tân của các chí sĩ đương thời. Còn nếu xét ở phạm vi những nhân tố khách quan thì đó là kết quả tất yếu của một cuộc tiếp xúc dai dẳng và toàn diện với văn hoá, văn học phương Tây nhất là văn học Pháp thông qua quá trình đặt ách đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta.
Tuy nhiên, thực tế vận động của văn học Việt Nam đã nảy sinh một vấn đề là : vài thập kỉ gia nhập vào quỹ đạo hiện đại hóa, cũng chính là quá trình dân chủ hóa văn học Việt Nam lại tương ứng với vài thế kỉ phát triển trong văn học Châu Âu, vì thế tất yếu nảy sinh một số hệ quả sau : văn học Việt Nam giai đoạn này phát triển theo lối lược thuật (không theo trình tự, có những bước nhảy vọt,..) ; không hiện đại hóa hoàn hảo ; để lại nhiều di chứng ; lắm vết đứt gẫy và mất mát. Không những thế, hiện đại hóa văn học Việt Nam lại diễn ra trong bối cảnh không có tự do, chịu nhiều tác động không mong muốn. Những hệ quả trên đã tác động mạnh mẽ đến mọi nhà nho – chí sĩ tham gia vào tiến trình hiện đại hóa văn học nước nhà, trong đó, Huỳnh Thúc Kháng nổi lên không chỉ với tư cách một tác giả tiêu biểu, một tác nhân có quyền uy, mà còn là người trực tiếp chịu ảnh hưởng của những tác động, biến đổi khách quan của thời đại.