5. Bố cục luận văn
3.1. Văn hoá tộc người trong du lịch cộng đồng
3.1.2. Lối sống của tộc người và du lịch
Du khách khi đã tham gia vào du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng luôn có nhu cầu được khám phá cái mới, cái lạ và văn hoá các tộc người bản địa nói chung, phong tục tập quán nói riêng luôn có sức thu hút lớn đối với khách du lịch. Mà đặc trưng cơ bản của du lịch cộng đồng là khách du lịch cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với cộng đồng địa phương. Trong bối cảnh đó, văn hoá truyền thống nói chung và phong tục tập quán của cộng đồng nói riêng cũng trở thành một nguồn lực quan trọng của hoạt động du lịch.
Đồng bào Thái, Dao ở hai bản nghiên cứu còn lưu giữ, bảo tồn nhiều phong tục tập quán truyền thống có giá trị. Đó là những tập tục trong sinh hoạt hàng ngày, trong lễ cưới, tang ma, trong văn hoá ẩm thực, trong quan hệ cộng đồng... Mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng, mang bản sắc tộc người và muốn tìm hiểu, khám phá văn hoá tộc người, trước tiên phải tìm hiểu về phong tục tập quán của dân tộc đó. Chính phong tục tập quán của dân tộc là khởi nguồn cho các ham muốn khám phá, tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc, là sức mê hoặc của du lịch cộng đồng.
Người Dao Lào Cai có các phong tục tập quán, đời sống tín ngưỡng tâm linh phong phú, toát lên những nét văn hoá riêng, đặc sắc của dân tộc. Đó là tục kiêng không ăn thịt chó. Nguyên nhân là do Bàn Vương là thuỷ tổ của người Dao. Trước khi được phong Bàn Vương, người được nhận nhiệm vụ đi đánh Cao Vương ở nước nọ. Người đã hóa thân thành một con chó (long khuyển) để chui vào cung điện của vua Cao Vương, cắn chết vua, ngoặm đầu mang về trình vua Bình Vương. Sau khi người chết, vua Bình Vương mới truy phong cho người là Bàn Vương. Người Dao luôn tôn trọng và thờ cúng Bàn Vương muôn đời. Vì vậy họ không được ăn thịt chó. Về mặt tâm lý, con chó là con vật giữ nhà, bảo vệ tài sản cho con người, là con vật có công lao, con người không nỡ ăn thịt nó. Trong sinh hoạt hàng ngày, người Dao có nếp sống buổi sáng dậy phải rửa mặt rửa tay bằng nước nóng, buổi tối trước khi đi ngủ phải rửa chân cũng bằng nước nóng. Khi có khách đến nhà, người nhà (thường là đàn bà, con gái) phải bưng chậu nước đến tận nơi cho khách rửa mặt và chân tay. Đợi khách rửa xong lại bưng đi đổ. Khi ăn cơm thì đàn bà con gái phải túc trực đằng sau người nhà hoặc người khách để lấy thêm thức ăn, hoặc đổi thức ăn cho nóng và lấy cơm cho người nhà hoặc khách. Điều đó thể hiện tấm lòng rất hiếu
khách của người Dao. Hay tập quán tắm nước thuốc vẫn được người Dao gìn giữ đến tận hôm nay. Đây là một tập quán đặc trưng của người Dao, bài thuốc này gần như phải sử dụng hàng ngày, nhất là đối với người đàn bà đang ở cữ. Bài thuốc tắm của người Dao khá đơn giản. Nó bao gồm hơn một chục vị thuốc lá hoặc thân cây lấy từ trong rừng. Người biết mặt thuốc đi vào rừng kiếm khoảng một ngày là đủ một thang. Có vị thuốc hiếm thì họ phải hái từ trước để giành trên gác. Việc tắm thuốc đối với đàn bà đang ở cữ là điều bắt buộc. Trong cữ phải tắm thuốc đủ năm lần. Sau khi đẻ ba ngày tắm một lần, bảy ngày tắm lần thứ hai, mười bốn ngày tắm lần thứ ba, hai mươi ngày tắm lần thứ tư, khi đầy tháng tắm lần thứ năm. Người bình thường thì một năm tắm hai ba lần để “khí huyết lưu thông, âm dương thăng bằng”, dãn xương cốt. Với người có bệnh (đau cột sống, đau nhức xương, hoặc bị cảm mạo không ra được mồ hôi,…) thì bị lúc nào thì tắm lúc đó. Người Dao Lào Cai còn lưu giữ một tập quán đặc trưng khác đó là tục bà đẻ phải ăn rượu nếp (rượu cái). Trước khi ở cữ khoảng một tuần, người ta làm sẵn rượu nếp để ở trong chum. Khi vừa đẻ xong, tắm rửa xong, người ta cho sản phụ ăn cơm với món thức ăn đặc biệt: rượu nếp nấu với thịt gà (hoặc trứng gà) cộng gừng tươi đập nhỏ, nấu thành canh hơi đặc. Trong tuần đầu, ngày ba bữa phải ăn món thức ăn này. Sau đó hàng ngày mỗi ngày phải có một bữa dùng thức ăn này cho tới khi hết vò rượu (hoặc hết ở cữ). Tác dụng của món này ăn này là để cho cơ thể sản phụ luôn luôn nóng, khí hư bài tiết ra ngoài, tránh bệnh hậu sản, để sản phụ có nhiều sữa cho con bú.
Người Thái Mai Châu cũng còn bảo lưu nhiều phong tục tập quán phong phú, mang đậm bản sắc của dân tộc. Một trong số đó chính là phong tục dựng "hượn nọi" để cho người phụ nữ thờ Cha, Mẹ và tộc ngoại. Nhờ có "hượn nọi" mà người phụ nữ Thái có thể đường hoàng thờ phụng, tưởng nhớ đến công ơn bậc sinh thành, đây chính là thông điệp đầy tính người cao cả của phong tục dựng "hượn nọi" nhắn nhủ lại cho con cháu.
Xuất phát từ quan niệm về thế giớu tâm linh của người Thái cho rằng linh hồn con người được chia thành 70 phần nhỏ, gồm có 30 minh và 40 khon. Khi có một phần minh hoặc khon rời bỏ cơ thể, con người ta sẽ gặp phải ốm đau, bệnh tật. Vì thế cần phải gọi linh hồn về, sau đó buộc chỉ vào cổ tay để giữ lại. Lễ gọi hồn về, rồi buộc chỉ vào cổ tay cho người ốm người Thái gọi là lễ "hặp khon". Còn một
trường hợp phổ biến nữa là tục làm lễ buộc chỉ cổ tay cho trẻ. Người Thái cho rằng
không chỉ có nhân vật siêu hình là các bà mụ (Me bảu, me nàng) mới bảo trợ cho sự
trưởng thành của trẻ, mà ngay cả những người già cũng có thể chia tuổi thọ, chia sức khoẻ cho chúng. Nên khi đứa trẻ bị còi cọc, sài đẹn, khóc quấy, họ sẽ mời một người già (là đàn bà) đến để làm lễ buộc chỉ cổ tay. Đây chính là một phần rất quan trọng trong thế giới tâm linh của người Thái...
Chỉ những phác hoạ sơ lược trên đây cũng đủ cho chúng ta thấy, kho tàng văn hoá truyền thống, trong đó có phong tục tập quán của các dân tộc là vô cùng phong phú. Đó chính là một nguồn tài nguyên văn hoá nhân văn rất có giá trị và đang được người dân địa phương khai thác, phát huy phục vụ kinh doanh du lịch. Dưới sự tác động của làn sóng du lịch, các phong tục tập quán đó, đặc biệt là các tục kiêng kị của đồng bào có bị biến tấu, bào mòn đi? Đây là một vấn đề lớn mà tác giả sẽ giải đáp ở những phân tích dưới đây.