Du lịch và tình trạng nghiện hút ở địa phương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du lịch cộng đồng vùng núi phía bắc việt nam ( nghiên cứu trường hợp bản sả séng, tả phìn, sapa, lào cai và bản lác, chiềng châu, mai châu, hòa bình) (Trang 132 - 137)

5. Bố cục luận văn

3.3. Sex và nghiện hút trong du lịch cộng đồng và tác động của nó

3.3.3. Du lịch và tình trạng nghiện hút ở địa phương

Quan hệ tình dục là một trong những con đường ngắn nhất dẫn đến lây nhiễm nhiều căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh giang mai, HIV/AIDS... Hiện tượng mại dâm, quan hệ tình dục ở các bản du lịch cộng đồng dù mờ nhạt hay rõ rệt, thì cũng đã đem đến những tác động không nhỏ đến sức khoẻ cộng đồng nơi có du lịch và các bản lân cận. Điều tệ hại hơn, nó đã làm băng hoại đạo đức, làm xói mòn nhiều bản sắc văn hoá truyền thống có giá trị.

Qua những khảo sát thực tế tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mai Châu, cho thấy, gần đây số lượng người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn huyện ngày càng tăng, tại thời điểm khảo sát (tháng 9/2009), Mai Châu có trên 200 người nhiễm HIV, còn nhiều trường hợp mang máu đi xét nghiệm nhưng chưa có kết quả, nhiều trường hợp chưa tự nguyện đi xét nghiệm. Trong đó lượng người chết do nhiễm HIV cũng gần 100 người. Trọng điểm của HIV/AIDS là Thị trấn Mai Châu, xã Mai

Hạ và xã Chiềng Châu. Con đường lây nhiễm chủ yếu qua con đường tiêm chích, lây nhiễm qua đường tình dục giữa vợ và chồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Mai Châu bùng nổ cơn bão AIDS là do huyện là nơi trung chuyển ngã ba Đông Dương qua Lào, Thanh Hoá, có tới 90% thanh niên lây nhiễm HIV là do tiêm chích ma tuý.

Bảng 3.13. Số người nhiễm HIV/AIDS tại huyện Mai Châu (theo cơ cấu xã)

STT Đơn vị 1998-2005 2006 2007 2008 2009 1. TT Mai Châu 33 41 48 52 52 2. Chiềng Châu 18 20 26 29 30 3. Mai Hạ 17 23 27 34 35 4. Vạn Mai 10 13 14 18 19 5. Xăm Khoè 8 10 11 15 15 6. Mai Hịch 6 10 12 16 16 7. Tòng Đậu 11 11 11 12 13 8. Tân Sơn 5 7 7 8 8 9. Đồng Bảng 3 4 5 5 5 10. Phúc Xạn 3 3 3 3 3 11. Thung Khe 1 1 1 1 1 12. Ba Khan 2 3 3 3 4 13. Nà Phòn 1 1 1 1 1 14. Bao La 1 1 1 1 1 15. Piềng Vế 1 1 1 1 1 16. Thung Pheo 1 2 2 2 2 Tổng 117 151 172 201 206

(Nguồn: Số liệu thống kê tại Khoa kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mai Châu)

- Theo cơ cấu nghề nghiệp: Phần lớn là lao động tự do, công chức, viên chức có 02 người (1 nam, 1 nữ).

- Theo cơ cấu độ tuổi: Phần đa là thanh niên, học sinh mới học xong THPT, không thi đỗ đại học, thất nghiệp, nghiện hút.

Bảng 3.14. Tình hình nghiện hút theo thôn bản tại xã Chiềng Châu Đơn vị Số người nhiễm HIV Số người nhiễm AIDS Luỹ tích người chết Luỹ tích người nhiễm HIVAIDS Mỏ 2 4 7 13 Nông Cụ 0 0 4 4 Chiềng Châu 1 2 6 9 Nà Sò 2 1 0 3 Lác 0 1 0 1 Nà Sài 0 0 0 0 Tổng số 5 8 17 30

(Nguồn: Trạm xá xã Chiềng Châu 2009)

- Cơ cấu theo dân tộc: 100% là dân tộc Thái

- Cơ cấu theo giới tính: + Số người còn sống: Nam: 7 người, nữ 7 người + Tổng số còn sống và đã chết: Nam 22 người, nữ 8 người - Cơ cấu theo độ tuổi: Tập trung ở độ tuổi từ 25 – 39 tuổi.

Đặc biệt, tại xã Chiềng Châu, nhiều gia đình đã bị xoá sổ vì AIDS: ở Mỏ có 3 gia đình, Chiềng Châu có 01 gia đình. Hiện còn 2 trường hợp chồng bị nhiễm và lây sang vợ.

Qua các số liệu tổng hợp trên cho thấy, tình hình nhiễm HIV/AIDS ở Chiềng Châu chủ yếu tập trung ở các bản Mỏ, Nông Cụ và Chiềng Châu. Số người nhiễm HIV/AIDS ở bản Lác chỉ có duy nhất một trường hợp. Theo lời kể của Trưởng trạm xá xã Chiềng Châu, trường hợp mắc nghiện ở bản Lác:

“Đó là một phụ nữ sinh năm 1981, là người ở bản Văn về làm dâu ở Lác 2. Xưa yêu một người ở bản Mỏ. Anh này đã từng yêu một cô ở Thị trấn và cô này bị nghiện. Đến khi cô gái kia bị chết về AIDS, anh này mới hoảng hốt, đi xét nghiệm thì phát hiện mình bị dương tính với HIV. Do hoảng loạn về tinh thần, sau 2 năm anh cũng bị chết theo. Cô gái ở bản Lác 2 lúc này đã từng quan hệ trước hôn nhân với anh ta. Hai người không lấy nhau, cô gái này lấy một anh ở Lác 2. Sau mấy năm mới có thai. Khi có thai do sức đề kháng kém, các sắc tố trong người bắt đầu thay đổi, chân tay, mặt mũi xuất hiện nhiều vết lở loét. Mọi người trong gia đình lại dự đoán cho là bị dị ứng nước nên không đi khám. Đến thời kỳ sinh, thai nhi bị già quá tháng nên phải đi mổ và tại ca mổ này, sau khi các bác sỹ thực hiện các xét

nghiệm mới phát hiện chị và đứa bé đã bị nhiễm HIV. Còn anh chồng đang trong thời kỳ phải theo dõi. Hiện đứa bé đã chết sau sinh một tháng, chị chuyển về ở cùng bố mẹ tại bản Văn. Hai vợ chồng ly thân và không quan hệ với nhau nữa”.

Như vậy, trường hợp mắc nghiện ở bản Lác không phải do người bản địa ở bản mà là người từ bản khác chuyển về. Bản Chiềng Châu và bản Văn là hai bản lân cận của bản Lác, số người nhiễm HIV/AIDS ở hai bản này khá cao, nó hoàn toàn khác với bức tranh thanh bình, yên ả ở bản Lác, trong khi ở bản Lác luôn luôn phải đón tiếp nhiều dòng người đến tham quan, du lịch và nghỉ tại cộng đồng. Phải chăng, chính sự phát triển du lịch trong một cộng đồng luôn có mối đoàn kết, cố kết cộng đồng cao đã giúp bản Lác "miễn dịch" được các yếu tố tác động xấu từ bên ngoài. Một câu hỏi đặt ra, sự phát triển du lịch ở bản Lác có góp phần làm tăng lượng người nhiễm HIV/AIDS ở các bản lân cận bản Lác?

Thực tế cho thấy, hai nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng nổ lượng người nhiễm HIV/AIDS ở Chiềng Châu chính là do xã nằm ở vị trí trung chuyển ngã ba Đông Dương qua Lào, Thanh Hoá, là con đường buôn bán ma tuý lớn của cả nước và qua con đường quan hệ tình dục giữa vợ và chồng. Do người dân ở đây còn ít hiểu biết về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và tâm lý chủ quan, ngại đi xét nghiệm đã dẫn tới nhiều gia đình bị xoá sổ từ con đường lây nhiễm này. Khởi nguồn con nghiện chính là từ các ông chồng. Phần lớn họ đi làm ăn xa, bị vấp ngã và vô tình truyền con bệnh sang cho vợ, con.

Ở Tả Phìn, Sapa, các thống kê về tình trạng nghiện hút, quan hệ mại dâm ở đây đều không cho kết quả rõ rệt. Trong cộng đồng chỉ có một vài trường hợp nghiện ma tuý do truyền thống để lại (ngày xưa người H'mông, Dao thường trồng cây thuốc phiện để sử dụng) nhưng nay những người đó đều đã già và mất. Một trường hợp nghiện khác, đó là một thanh niên người dưới xuôi lên Sả Séng, Tả Phìn làm ăn và lập nghiệp, lập gia đình tại đây. Anh này đã bị nhiễm HIV từ trước và vừa chết cách đây một năm. Đến nay, ở Sả Séng không có trường hợp nào bị nghiện hút. Về quan hệ mại dâm, không có biểu hiện rõ rệt ở Sả Séng mà hấu hết các nhu cầu muốn quan hệ mại dâm này đều dồn lên Sapa. Những em gái trẻ người Dao, phần lớn chỉ học hết cấp I, bỏ nhà lên Sapa làm hướng dẫn viên du lịch tại các nhà hàng, khách sạn, các công ty du lịch lữ hành. Với tuổi đời còn trẻ, tâm hồn còn trong

trắng, liệu các em có thể vượt qua được những cám dỗ của cuộc sống? Trong số 15 em của xã Tả Phìn lên Sapa bán hàng thổ cẩm, làm hướng dẫn viên du lịch đã có tới 3 em lỡ có bầu và không dám trở lại thôn bản. Bởi thế ở Sapa, hiện tượng "con lai" đang trở thành một vấn đề được bàn cãi. "Con lai" là chỉ những đứa bé da trắng, tóc xoăn, vàng, đôi mắt xanh được sinh ra từ những cuộc tình xuyên biên giới "Mông - Tây". Khách du lịch phương Tây họ chỉ thích phụ nữ người H'mông, bởi họ nói tiếng Anh khá thành thạo. Hàng ngày dẫn khách đi tham quan, hướng dẫn viên du lịch một công ty ở Sa Pa cho biết, người nước ngoài rất có cảm tình với phụ nữ người H'mông, mỗi lần khách quốc tế hỏi họ là dân tộc gì, dù là người Dao, Giáy, họ cũng hay nhận là người Mông. Khi đêm xuống, nhiều cặp tình nhân gồm chàng trai là người nước ngoài và cô gái là người H'mông mà dân bản địa hay gọi là cặp “Mông - Tây” hay ra quán đồ nướng ở trung tâm thị trấn Sa Pa ăn uống. “Trông họ rất tình tứ. Bằng cảm nhận thì mình nghĩ những đứa trẻ da trắng, tóc vàng, mắt xanh bắt gặp đâu đó ở vùng đất này đó là con lai. Nhưng chứng minh sự thật, thì khó

lắm” (Hướng dẫn viên du lịch ở Sapa). Theo những người sinh sống ở vùng đất du

lịch này, càng đi vào những địa điểm nhiều khách du lịch tham quan như Hầu Thào, Cát Cát, thung lũng Mường Hoa thì dễ tìm ra những đứa trẻ con lai. “Chỉ có Tây “đi bộ”, Tây balô mới có con rơi, khách tử tế không ai làm vậy cả” (Phụ nữ người Kinh bán đồ nướng ở thị trấn Sapa). Một nhân viên của Công ty Du lịch Lào Cai cho biết: “Sinh sống ở đây được sáu bảy năm, em biết ở Sa Pa có một số đứa trẻ lai Tây. Nhưng Tây tốt lắm, khi có con với phụ nữ dân tộc thì người ta không bỏ rơi con mình, nhưng do bà mẹ không cho đưa con ra nước ngoài nên hàng tháng họ vẫn gửi tiền về nuôi con”.

Qua những phân tích trên cho thấy, hiện tượng quan hệ tình dục ngoài cộng đồng, hiện tượng nghiện hút ma tuý Mai Châu và Sapa là có thực và nó đang diễn ra ngày càng rõ rệt. Song nếu ở Tả Phìn đã xuất hiện một số thành viên bị lôi cuốn vào những tác động tiêu cực do du lịch đem lại, do gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương chưa có biện pháp can thiệp và xử lý thì ở bản Lác, hiện tượng nghiện hút, quan hệ mại dâm không xuất hiện từ bản thân cộng đồng và nhanh chóng bị tính cố kết của cộng đồng chế ngự và tiêu diệt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du lịch cộng đồng vùng núi phía bắc việt nam ( nghiên cứu trường hợp bản sả séng, tả phìn, sapa, lào cai và bản lác, chiềng châu, mai châu, hòa bình) (Trang 132 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)