Tác động lên môi trường sinh thái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du lịch cộng đồng vùng núi phía bắc việt nam ( nghiên cứu trường hợp bản sả séng, tả phìn, sapa, lào cai và bản lác, chiềng châu, mai châu, hòa bình) (Trang 88 - 92)

5. Bố cục luận văn

2.3. Tác động lên môi trường sinh thái

2.3.1. Nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương

Cùng với sự gia tăng lượng khách về các bản làng không chỉ gây ra những thay đổi trong sản xuất kinh tế, văn hoá mà còn tạo nên những tác động nhất định đến môi trường sinh thái tại địa phương. Sự xuất hiện nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của du khách là một quan hệ tất yếu trong hoạt động du lịch, đó là chìa khoá để tạo ra sức hấp dẫn của điểm đến. Song chính sự gia tăng lượng khách về các bản làng kéo theo sự mở rộng sản xuất và các hoạt động dịch vụ du lịch của địa phương đã tạo nên những áp lực lớn đến môi trường sinh thái, từ đó dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.

Ta thử làm một phép tính đơn giản về sự mở rộng sản xuất của Công ty khai thác các sản phẩm bản địa Sapa - Sapa Napro: Cứ mỗi tuần công ty nấu 3-4 nồi thuốc, mỗi nồi khoảng 50kg cây thuốc. Trung bình mỗi tháng có khoảng 600-800 cây thuốc bị khai thác. Và mỗi năm sẽ có khoảng gần 10 tấn cây thuốc bị khai thác.

Cây thuốc trong rừng không phải là vô hạn, nếu khai thác tận thu, tức là nhổ cả gốc cây thuốc, thì sớm muộn nguồn cây thuốc có trong tự nhiên sẽ hết và đồng nghĩa với nó Công ty sẽ hết nguồn nguyên liệu và phải dừng hoạt động. Đó còn chưa kể lượng cây thuốc do các gia đình khai thác để phục vụ nhu cầu bản thân và phục vụ khách du lịch.

Xác định được nguồn cây thuốc trong rừng không phải là vô hạn, nếu cứ khai thác và không biết cách ươm cây trồng thuốc thì sớm muộn Công ty cũng sẽ hết nguồn nguyên liệu sản xuất. Từ năm 2007, Công ty đã vận động nhân dân trong bản nhân giống những loài cây có nguy cơ tuyệt chủng, đến nay đã trồng được gần 10 ha rừng thuốc tái sinh. Dưới sự giúp đỡ của Trường Đại học Dược Hà Nội, người dân ở đây vẫn đang tiếp tục nhân giống các loài thuốc sẵn có và hiếm có trong rừng Tả Phìn để phục vu cho sản xuất. Đây là một việc làm có ý nghĩa quan trọng để duy trì sản xuất ổn định và bền vững.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác nấm hương, phong lan cũng diễn ra ngày càng nhiều. Nhận thức được giá trị kinh tế của các loại thực vật quý này, nhiều gia đình người Dao đỏ ở Sả Séng đã lên rừng tìm, khai thác nấm hương, phong lan để bán cho khách du lịch. Hoạt động đó cũng làm giảm đáng kể lượng nấm hương, phong lan có trong tự nhiên.

Một phân tích nhỏ tại bản Lác của người Thái cũng cho thấy: Do lượng khách về bản ngày càng đông, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm cũng theo đó tăng nhanh. Đặc biệt, du khách về bản thường có nhu cầu tiêu dùng các loại lương thực, thực phẩm là đặc sản của địa phương như: Các loại thịt thú rừng: lợn mường, hoẵng, cầy, lợn rừng, gà đồi, chim cút, lửng, gấu đất... hoàn toàn khai thác trong rừng; Các loại thú nuôi gồm: cá dầm xanh (cá sông Mã), gà đồi... Các loại rau: măng (được khai thác trên rừng), khoai sọ, su su, cải mèo... Cơm lam, sôi đồ... Rượu cần, rượu Mai Hạ… Trung bình mỗi ngày bản Lác tiêu thụ hàng chục kg các loại thịt thú rừng, đặc biệt măng là món ăn ưa thích của mọi du khách mỗi khi về bản. Đồng nghĩa với nó, lượng thú rừng, măng rừng được khai thác phục vụ khách du lịch mỗi ngày là tương đối lớn, nó đang làm cạn kiệt dần số lượng các loài động thực vật sẵn có trong tự nhiên. Đó còn chưa kể lượng ống tre, ống bương được người dân chặt trong rừng về để làm ống cơm lam phục vụ khách du lịch cũng ngày một tăng theo nhu cầu của khách. Các hoạt động này đang làm cạn kiệt dần số lượng các loài động, thực vật có trong tự nhiên.

2.3.2. Nguy cơ rác thải và ô nhiễm môi trường

Du lịch cộng đồng phát triển không chỉ tạo ra nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương mà kéo theo đó còn là nguy cơ rác thải và sự ô nhiễm môi trường.

Một khảo sát thực tế tại Lác 2, cho thấy, những hố vàng được tạo nên từ những cuộc đào vàng của những năm 1990 nay đã trở thành những hố “rác vàng”, nằm lộ liễu giữa đất trời, cách hộ gia đình cuối cùng của bản chừng 50m. Vào những ngày nắng nóng thì bốc mùi nồng nặc, những ngày mưa thì nước thải chảy tràn xuống dòng suối Nà Từm dẫn nước về bản. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân địa phương, nhất là với những hộ gia đình sống gần bãi rác. Đặc biệt tại Lác 2, còn xuất hiện một lò gạch thủ công, bao quanh là những cây chuối khô rạc lá, cánh đồng lúa ngả sang màu đỏ úa, không phát triển được. Một ngôi nhà sàn nằm đối diện lò gạch, phỏng vấn chị chủ nhà, được biết:

“Vào những ngày đốt gạch, chị phải cho các cháu sơ tán sang nhà bà ngoại ở Lác 1 ở nhờ, ở nhà phải đóng hết cửa mà vẫn ngạt thở vì khói lò. Cây cối quanh vườn khô rạc đi. Đến người còn khô héo huống hồ cây cối. Chẳng biết tình trạng này kéo dài đến khi nào nữa. Nhân dân cũng nhiều lần viết đơn kiện nhưng chính quyền vẫn lặng im không giải quyết” (Phụ nữ người Thái, 35 tuổi, bản Lác 2).

Ở Sả Séng, vấn đề rác thải và nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng đang trở nên báo động. Mặc dù ở bản đã được đầu tư hệ thống thùng đựng rác phân bố đều khắp trong bản, song do ý thức của người dân, việc xả rác bừa bãi trong lòng và cả bên vệ đường vẫn diễn ra thường xuyên. Vấn đề xử lý rác thải đang trở nên cấp bách.

Mặc dù vậy, có một thực tế không thể phủ nhận là nhờ có du lịch phát triển, nhận thức của cộng đồng địa phương về bảo vệ môi trường sinh thái được cải thiện. Người dân đã ý thức được rằng, cần bảo vệ môi trường sinh thái trong lành, nhà cửa phong quang, sạch sẽ thì mới thu hút được khách đến nghỉ nhà mình, đến thăm bản mình, do đó, người Dao đỏ ở Sả Séng cũng như người Thái ở bản Lác đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Tiêu biểu là đường làng ngõ xóm trở nên sạch sẽ hơn, rác thải được để gọn gàng hơn. Môi trường sinh hoạt được cải thiện trong khi đó thói quen nuôi thú vật trong nhà của người Dao hay dưới gầm sàn của người Thái được loại trừ khiến cho nhà cửa sạch sẽ hơn.

Các gia đình kinh doanh nhà nghỉ homestay ở hai bản đều đã đầu tư xây dựng hệ thống công trình vệ sinh tự hoại, bể phốt được thiết kế đảm bảo vệ sinh, gia súc, gia cầm được di chuyển xa khu vực nhà ở, do đó, vấn đề vệ sinh môi trường được đảm bảo tương đối sạch sẽ.

Hệ thống nước sạch đã được dẫn về bản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của trên 90% hộ dân trong bản, song so với lượng khách về bản ngày càng tăng như hiện nay thì hệ thống bể lọc trên lại là quá nhỏ, dẫn đến chất lượng nước lọc chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu khả năng xây dựng một hệ thống xử lý nước thải tại địa phương đang trở nên cấp bách vì số lượng khách du lịch tới bản ngày càng tăng nhanh trong khi đó khu vệ sinh không hề có hệ thống xử lý tại chỗ. Chất thải được đưa trực tiếp vào cống khiến cho nhân dân trong bản và các bản ở vùng thấp hơn cũng bị ảnh hưởng.

Như vậy, du lịch phát triển một mặt đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường sinh thái xanh sạch đẹp, nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp. Ngược lại, sự tăng nhanh lượng khách về bản cũng kéo theo nhiều vấn đề về môi trường nảy sinh, đặc biệt đó là sự quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng, nhu cầu lương thực thực phẩm… gây ra nhiều bất cập với môi trường. Để giải quyết vấn đề này, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường và chính quyền địa phương cần vào cuộc để phối hợp cùng nhân dân giải quyết những vấn đề nổi cộm trên.

Tiểu kết

Trong chương này tôi đã tập trung phân tích và đưa ra cái nhìn so sánh về hiện trạng phát triển du lịch cộng đồng và tác động của nó lên hoạt động kinh tế - môi trường tại địa phương ở hai điểm du lịch bản Sả Séng (Lào Cai) và bản Lác (Hoà Bình). Thông tin thu thập được cho thấy du lịch cộng đồng tại bản Lác (Hoà Bình) có tốc độ phát triển nhanh hơn, thu nhập từ du lịch chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu thu nhập của cộng đồng. Người Thái ở bản Lác làm du lịch chủ động hơn nhờ tính đoàn kết cộng đồng rất cao nên kiểm soát được nhiều tác động tiêu cực của du lịch lên cộng đồng. Ngược lại, trường hợp bản Sả Séng cho thấy các hộ trực tiếp làm du lịch hoặc tham gia vào quá trình du lịch chưa tạo ra sự đồng thuận về cách làm và phương thức tổ chức. Xu hướng áp đặt và thiểu vai trò tự tổ chức của cộng đồng đã làm hạn chế đế thu nhập của người tham gia dịch vụ du lịch và làm cho thu nhập của họ trở nên bấp bênh hơn.

Chương 3

DU LỊCH CỘNG ĐỒNG VÀ TÁC ĐỘNG LÊN ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ - XÃ HỘI Ở ĐỊA PHƯƠNG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du lịch cộng đồng vùng núi phía bắc việt nam ( nghiên cứu trường hợp bản sả séng, tả phìn, sapa, lào cai và bản lác, chiềng châu, mai châu, hòa bình) (Trang 88 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)