Tranh chấp trong quan hệ Việt – Mỹ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ thương mại việt nam hoa kỳ (giai đoạn 1995 2005) luận văn ths quốc tế học 60 31 40 (Trang 72 - 77)

Tranh chấp thương mại Việt - Mỹ là một tất yếu của chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Chính sách đó là cực kỳ mâu thuẫn. Một mặt Mỹ kêu gọi tự do thúc đẩy thương mại, ký kết các hiệp định thương mại song phương, cung cấp viện trợ cho các nước đang phát triển; mặt khác, dưới áp lực của những người theo chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước trên, các chính trị gia Mỹ đã và đang thực hiện một chính sách bảo hộ đối với các sản phẩm của mình qua hai hình thức chính: các chương trình trợ giá và nhiều rào cản phi thuế quan hạn chế nhập khẩu. Các ngành chủ yếu được bảo hộ là sản xuất nông nghiệp (như đường, bông, thuốc lá, đậu phộng), các ngành nuôi trồng tại các trang trại nông nghiệp (trong đó có tôm, cá catfish), rồi cả ngành dệt may. Sức ép bảo hộ ở Mỹ đã buộc chính quyền và Quốc hội Mỹ có những biện pháp mang tính răn đe cho đến các biện pháp mang tính trừng phạt đối với hàng hoá nhập khẩu với số lượng ngày càng tăng từ các nước đang phát triển. Trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ liên tục tăng, tình trạng việc làm tiếp tục giảm xuống, thì xu hướng bảo hộ mậu dịch ở Mỹ diễn biến phức tạp cũng là điều dễ hiểu. Tranh chấp thương mại vì thế dễ nảy sinh, và trên thực tế thì không phải Việt Nam mới gặp những tranh chấp trong quan hệ thương mại với Mỹ.

2.3.1.1. Vụ kiện cá Tra, cá Ba sa

Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ năm 1996. Số lượng xuất khẩu ngày càng tăng. Tháng 12 năm 2001, Hiệp hội các chủ trại cá da trơn Mỹ (Catfish Farmers of America - CFA), yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật khẳng định Cá da trơn Việt Nam không phải là catfish. Các nhà sản xuất Mỹ cũng tung ra tin là cá Việt Nam nuôi trong điều kiện rất thiếu vệ sinh. Song số lượng cá từ Việt Nam sang Mỹ, dưới tên basa, vẫn tiếp tục tăng.

Ngày 28/06/2002, CFA và một số các công ty chế biến cá da trơn tại Mỹ đệ đơn lên DOC yêu cầu mở điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng phi-lê cá đông lạnh từ Việt Nam, với lý do là các mặt hàng này, vì được nhập vào Mỹ dưới giá hợp lý, là mối đe doạ cho ngành sản xuất nội địa Mỹ và qua sự cạnh tranh bất chính này đã chiếm 20% thị trường của Mỹ.

Ngày 18/7/2002, DOC khởi đầu thủ tục điều tra và tiến hành các giai đoạn công bố, tập hợp ý kiến các bên. Bên nguyên là CFA và bên bị là các nhà sản xuất và chế biến Việt Nam được đại diện bởi Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam - VASEP. Ngày 8/1/2003, DOC thông báo quyết định coi Việt Nam là nước phi kinh tế thị trường (NME), sau khi đã nghiên cứu các nhận xét và ý kiến tranh luận của đôi bên. Bên nguyên đề nghị áp dụng quy chế NME cho Việt Nam. Ngược lại, ngoài VASEP, chính phủ Việt Nam, Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam, và một số công ty Mỹ hoạt động tại Việt Nam như Cargill, Unilever, CitiGroup, New York Life International, ủng hộ việc công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường.

DOC đi đến kết luận là Việt Nam vẫn chưa chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Các chức năng thị trường vẫn chưa đủ mạnh để thay thế chính quyền trong sự vận hành của nền kinh tế, chưa đủ để DOC sử dụng các giá cả và chi phí tại Việt Nam trong việc phân tích bán phá giá. Sau khi phản đối quyết định bất thuận lợi này, tháng 12/2002, VASEP chính thức đề nghị DOC dùng Bangladesh là nước thứ ba để tính các chi phí sản xuất.

Ngày 27/01/2003, DOC đưa ra phán quyết sơ bộ là các công ty Việt Nam bán phá giá cá tra tại Mỹ, và ấn định các biên độ phá giá từ 37.94% đến 61,88 % cho các công ty này, tùy theo trọng lượng của mỗi công ty, và một mức chung 63,88% cho toàn Việt Nam. Sau đó DOC trực tiếp điều tra thực trạng nuôi trồng cá basa tại Việt Nam và đề nghị Việt Nam thảo luận về thỏa thuận đình chỉ vụ kiện và thay bằng việc áp dụng hạn ngạch và giá đối với việc xuất khẩu mặt hàng này. Tuy thế, tháng 5/2003 thì thỏa thuận về đình chỉ

vụ kiện bị đổ vỡ và ngày 17/6, khi đại diện của VASEP có mặt tại phiên họp của ITC để điều trần thì DOC công bố quyết định mới, tăng trở lại các biên độ dumping cho hầu hết các công ty, tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp đối với công ty Nam Việt và đưa thêm một vài công ty vào trường hợp này.

Ngày 24/07/2003, USITC đưa ra phán quyết cuối cùng, khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam đã bán với giá thấp hơn giá thành và gây tổn hại cho ngành sản xuất của Mỹ, và ấn định mức thuế suất bán phá giá từ 36,84 đến 63,88%.

2.3.1.2. Vụ kiện bán phá giá tôm

Vụ kiện chính thức được bắt đầu vào ngày 31/12/2003 khi Liên minh tôm miền nam nước Mỹ (SSA) đệ đơn lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) kiện tôm nhập khẩu từ Việt Nam và 5 nước khác (Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Ecuador) bán phá giá tôm vào thị trường này, viện lý do tôm nhập khẩu đã làm thiệt hại nghiêm trọng ngành tôm nước Mỹ. Một kịch bản tương tự vụ kiện cá ba sa nhập khẩu từ Việt Nam năm 2003.

Ngày 17/02/2004, Uỷ ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) kết luận sơ bộ việc nhập khẩu một số sản phẩm tôm từ Việt Nam và 5 nước còn lại gây thiệt hại và đe doạ gây thiệt hại cho ngành sản xuất tôm Mỹ.

Ngày 7/7, DOC công bố mức thuế chống bán phá giá áp buộc cho 38 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam, dao động từ 12,11% đến 93,13%. Uỷ ban tôm VASEP lên tiếng phản đối và khẳng định quá trình đối chiếu với thực tế sản xuất ở Việt Nam cũng như nội dung khiếu kiện không đảm bảo tính trung thực. Mức áp thuế do đó mang tính áp đặt. VASEP và hãng luật đại diện cho Việt Nam tiếp tục gây sức ép đòi DOC phải tính toán và điều chỉnh hợp lý các mức thuế.

Rút kinh nghiệm từ vụ kiện cá tra, cá ba sa, những hành động phản đối của phía Việt Nam được tổ chức bài bản hơn giữa các nhà sản xuất, xuất khẩu

và các cơ quan chức năng liên quan. Hơn 2.500 nông dân đại diện cho 3,5 triệu người lao động liên quan đến ngành sản xuất tôm trên cả nước ký đơn phản đối; thông qua Tổ chức Action Aid Vietnam, các đại biểu Quốc hội đại diện cho các địa phương có doanh nghiệp nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm gửi thư kêu gọi các nghị sĩ Mỹ yêu cầu DOC xem xét và xử lý vụ kiện một cách khách quan. Dưới những tác động này, phán quyết cuối cùng của DOC công bố ngày 1/12/2004 đã thực tế hơn. Mức thuế chung cho các doanh nghiệp Việt Nam được kéo xuống còn 4,13% - 25,76%, thấp hơn rất nhiều mức thuế sơ bộ trong phán quyết sơ bộ và cũng thấp hơn mức thuế Thái Lan phải chịu. Như vậy, khả năng cạnh tranh của con tôm VN vào thị trường Mỹ vẫn còn.

Ngày 7/1/2005, USITC kết luận tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và 5 nước khác gây thiệt hại về vật chất cho ngành tôm Mỹ và sẽ chịu thuế chống bán phá giá theo mức mà Bộ Thương mại Mỹ đã ấn định tháng 12/2004. Tuy nhiên, tôm đóng hộp đã được loại ra khỏi phạm vi kiện bán phá giá và không chịu thuế phá giá khi nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế tôm Việt Nam phải chịu vẫn là 4,13% - 25,76%,

2.3.1.3. Tranh chấp trong lĩnh vực hàng dệt may

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam. Sau khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ liên tục tăng. Phía Mỹ muốn hạn chế việc nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam thông qua một Hiệp định dệt may giữa 2 nước. Hiệp định dệt may Việt - Mỹ có hiệu lực từ ngày 1/5/2003. Theo Hiệp định này, phía Mỹ áp đặt hạn ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ một năm khoảng 1,8 tỷ đô la từ năm 2003 cho đến khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Mặc dù mức hạn ngạch này sẽ tăng thêm 7% và 2% mỗi năm đối với các sản phẩm cotton và len, nhưng việc phía Mỹ hạn chế nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam bằng biện pháp hạn ngạch đã gây khó khăn

cho ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là từ 1/1/2005, các nước thành viên WTO, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan sẽ không bị hạn chế xuất khẩu sang Mỹ bởi hạn ngạch. Việt Nam hiện là nước duy nhất bị áp đặt hạnh ngạch khi xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ.

Trong đàm phán với Mỹ về việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, vấn đề xuất khẩu dệt may của Việt Nam được quan tâm đặc biệt. Để đi đến kết thúc đàm phán, phía Việt Nam đã phải chấp nhận từ bỏ trợ cấp đối với sản xuất dệt may trong nước thông qua Chiến lược phát triển ngành dệt may.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ thương mại việt nam hoa kỳ (giai đoạn 1995 2005) luận văn ths quốc tế học 60 31 40 (Trang 72 - 77)