Nhân tố Mỹ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ thương mại việt nam hoa kỳ (giai đoạn 1995 2005) luận văn ths quốc tế học 60 31 40 (Trang 109 - 114)

- Các thị trường đang nổi và các nước đang phát triển

3.1.3. Nhân tố Mỹ

Sự phát triển của Mỹ ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ Việt - Mỹ và sự phát triển nước ta. Những ảnh hưởng trực tiếp, thứ nhất là định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ, nhất là chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, điều này liên quan đến vị trí ưu tiên của Mỹ trong chính sách đối ngoại, vai trò, vị trí của Mỹ trên thế giới và khu vực. Việt Nam cần xác định được khả năng khai thác chính sách đối ngoại Mỹ phục vụ cho các mối quan hệ quốc tế của mình cũng như sự phát triển bên trong của Việt Nam. Thứ hai, sự phát triển kinh tế và kinh tế đối ngoại Mỹ. Việt Nam cũng cần có chính sách và biện pháp thích hợp để tận dụng sức mạnh kinh tế Mỹ vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mình.

3.1.3.1. Chính sách đối ngoại Mỹ

Chính sách đối ngoại của Mỹ luôn phục vụ mục tiêu củng cố an ninh quốc gia và bảo vệ lợi ích quốc gia Mỹ, phát triển kinh tế đứng đầu thế giới và thiết lập dân chủ và kinh tế thị trường trên thế giới. Thúc đẩy tự do thương mại là một trong những mục tiêu cũng như là phương tiện để Mỹ thực hiện các lợi ích của mình trên thế giới. Do sự phát triển kinh tế hùng mạnh của

mình và với việc đứng đầu trong việc xây dựng nền kinh tế mới - tri thức mới, Mỹ luôn chủ trương thúc đẩy toàn cầu hoá và tự do thương mại trên thế giới, tiến hành vòng đàm phán mới của WTO, nhằm mở rộng hơn nữa cho thị trường hàng hoá, vốn và công nghệ của Mỹ và các nước. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt- Mỹ trong thời gian tới.

Chú trọng quan hệ với các nước lớn và mở rộng quan hệ với các khu vực quan trọng của thế giới cũng là điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ở Châu Âu, Mỹ cho rằng, "làm suy yếu NATO tức là làm suy yếu Châu Âu, cũng là làm suy yếu nước Mỹ". Chính vì vậy, Mỹ xem NATO là nền tảng của hoà bình và ổn định ở Châu Âu, là nền tảng cho quan hệ giữa Mỹ và Châu Âu. Sau chiến tranh lạnh, Mỹ vẫn chủ trương củng cố, tăng cường vai trò và mở rộng NATO. Bên cạnh củng cố quan hệ với các đồng minh trong NATO như Anh, Đức, Pháp...Mỹ chú trọng cải thiện quan hệ với Nga. Ngày nay, sau chiến tranh lạnh, những vấn đề có tầm chiến lược toàn cầu đang buộc Nga và Mỹ phải có mối quan hệ với nhau, đó là những vấn đề về phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, cắt giảm vũ khí hạt nhân, ngay cả việc ổn định và phát triển của Nga cũng buộc Mỹ phải quan tâm.

Ở Châu Á chính quyền Bush chú trọng nhất đến mối quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản. Nhật Bản là đồng minh của Mỹ, quan hệ với Nhật Bản là cơ sở vững chắc để Mỹ duy trì sự có mặt và mở rộng sự dính líu của Mỹ ở Châu Á. Hiện nay Mỹ duy trì khoảng 10 nghìn quân ở Nhật Bản và Hàn Quốc để đảm bảo sự cân bằng ở khu vực Đông Á nói riêng và Châu Á nói chung. Quan hệ với hai đồng minh này tạo điều kiện cho Mỹ có khả năng giải quyết các xung đột có thể xảy ra ở khu vực, cũng như giải quyết các vấn đề ở bán đảo Triều Tiên, nhất là đảm bảo lợi ích của Mỹ ở khu vực này.

Đối với Trung Quốc, Mỹ coi quan hệ với nước này là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất. Chính quyền Bush thấy rõ xu hướng phát triển đi lên tất yếu của Trung Quốc, do đó triển vọng có thể thấy được là Mỹ sẽ mở rộng hợp tác, giảm thiểu xung đột với Trung Quốc trên nhiều mặt, trước tiên là

kinh tế. Với việc Trung Quốc trở thành thành viên của WTO vào đầu tháng 11 năm 2001 và Trung Quốc tích cực tham gia chống khủng bố cùng Mỹ, các quan hệ kinh tế song phương Mỹ - Trung Quốc sẽ phát mạnh mẽ hơn, đồng thời những vấn đề nhân quyền, vấn đề eo biển Đài Loan sẽ được giải quyết một cách không căng thẳng như trước đây. Người ta coi đây là một thắng lợi lớn của cả hai phía. Mỹ thấy được một Trung Quốc phát triển ổn định và tuân thủ các quy tắc ứng xử quốc tế, có được quan hệ kinh tế mang lại nhiều tỉ đôla lợi nhuận với Trung Quốc. Trung Quốc có được thị trường Mỹ rộng lớn để xuất khẩu khối lượng hàng hoá khổng lồ của mình, có thể tiếp cận thị trường máy móc thiết bị công nghệ cao của Mỹ, thu hút được một lượng lớn đầu tư khổng lồ từ Mỹ, có thể giải quyết được các vấn đề vùng biên cương, hải đảo…

Khi tập trung vào các mối quan hệ quan trọng nêu trên, Mỹ vẫn duy trì các mối quan hệ tích cực với các nước Đông Nam Á. Sự ổn định của Đông Nam Á bảo đảm cho Mỹ có được mối quan hệ chiến lược có lợi cho sự mở rộng các quan hệ kinh tế, an ninh, chính trị của Mỹ ở khu vực. Các mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang tiến triển hết sức tích cực, tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ đã hoàn thành, mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ hai nước.

3.1.3.2. Triển vọng kinh tế Mỹ

Các chuyên gia của cơ quan dự báo kinh tế quốc tế Global Insight nhận định, năm 2007 kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng vừa phải từ 2,3% đến 3,3%, mức thấp hơn so với 3 năm kế trước. Do nước Mỹ đang phải đối mặt với những khó khăn như thâm hụt ngân sách lớn, thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất tăng cao. Tuy nhiên họ vẫn hy vọng nền kinh tế Mỹ sẽ phát triển theo đúng mục tiêu mà FED đề ra, đó là tốc độ phát triển kinh tế chậm nhưng vẫn kiềm chế được lạm phát và không gây xáo trộn nền kinh tế.

Trong năm 2007 nhiều ngành kinh tế của Mỹ sẽ gặp khó khăn. Các ngành liên quan đến nhà đất sẽ thiếu hơn một triệu việc làm trong 2 năm tới do thị trường nhà đất chững lại sau 5 năm bùng nổ kinh doanh [23]. Ngành

chế tạo ô tô cũng bị tác động do các hãng ô tô đã hoàn tất kế hoạch cắt giảm lượng lao động trước sự cạnh tranh của các hãng ô tô nước ngoài. Theo các nhà kinh tế, vào khoảng giữa năm nay, FED sẽ có các biện pháp đối phó với tỉ lệ thất nghiệp tăng cao bằng cách giảm lãi suất tiết kiệm để thúc đẩy nền kinh tế. Lúc đó tỉ lệ lạm phát sẽ được giữ ở mức 1 - 2% - tỉ lệ mà theo FED là thuộc phạm vi an toàn. Bên cạnh đó, một vấn đề đáng chú ý của nền kinh tế Mỹ là tình trạng thâm hụt ngân sách quá lớn đã khiến Quốc hội lưỡng viện Mỹ do Đảng Dân chủ chiếm đa số và Tổng thống Bush có những bất đồng về các giải pháp cân bằng ngân sách liên bang. Tổng thống Bush cho rằng chính sách cắt giảm thuế của ông đã tạo điều kiện cho nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh trong thời gian qua, trong khi thâm hụt ngân sách Mỹ đang từng bước được cắt giảm. Trong khi đó, chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi lại nói tới khả năng đưa ra dự luật tăng thuế đối với những người có thu nhập trên 250.000 USD/năm “Kinh tế 2006 - 2007 Việt Nam và Thế giới, Thời báo Kinh tế Việt Nam”. Đảng Dân chủ cũng đang gây sức ép đòi áp dụng chế độ thuế bất động sản, khi chương trình cắt giảm thuế hiện nay hết hạn vào 2010. Để có thể cân bằng ngân sách liên bang vào năm 2012, trong khi vẫn duy trì được các chương trình cắt giảm thuế hiện hành, cả Quốc hội Mỹ lẫn Nhà trắng đều phải cùng hạn chế chi tiêu .

Nhìn chung, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại trong năm 2006 do thị trường bất động sản chững lại và FED phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Theo Hiệp hội các nhà kinh tế và kinh doanh quốc gia (NABE), kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 3,1% trong năm 2006. Dự báo, trong năm 2007, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng lên so với mức trung bình (4,9%). Tuy nhiên, sức ép lạm phát giảm cũng có nghĩa là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không cần thiết phải tăng thêm lãi suất. Rất có thể FED sẽ giảm lãi suất hai lần (mỗi lần 0,25%) trong nửa cuối năm 2007. Do kinh tế tăng chậm, áp lực lưu kho chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, cầu đầu tư sẽ tăng chậm và nhu cầu đối với hàng nhập khẩu giảm khiến tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu năm 2007 chỉ còn

6,1%. Xuất khẩu vẫn sẽ tăng trong năm 2007(8,9%) do đồng đôla Mỹ tiếp tục giảm giá trong năm 2007 (đôla Mỹ giảm giá trong năm 2006 nhưng có độ trễ trong phát huy hiệu quả đối với tăng xuất khẩu). Nhờ đó xuất khẩu ròng của Mỹ trong năm 2007 sẽ được cải thiện (từ - 0,1% năm 2006 thành 0,0% năm 2007) [23]. Đây là một kích thích tốt đối với nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh cầu nội địa giảm sút (chỉ tăng 2,3% năm 2007).

Kinh tế chững lại sẽ khiến cho tốc độ tăng giá năm 2007 không còn đáng lo ngại. Từ tháng 8/2006, Fed đã không tăng lãi suất cho thấy họ đã không còn lo ngại về khả năng lạm phát. Trong nhiều năm trước mắt, dù có tăng trưởng hay suy thoái, tương quan vị thế Mỹ trên thế giới vẫn chưa có sự giảm sút nghiêm trọng, Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới và chi phối sự phát triển kinh tế của thế giới. Điểm đáng chú ý của nền kinh tế Mỹ khiến nó dù có đối diện với một cuộc suy thoái, vẫn có khả năng phục hồi nhanh hơn một số nền kinh tế khác, đó là do nền kinh tế này đang có những bước đột phá mới về công nghệ, định hướng mạnh về phát triển kinh tế tri thức, năng suất lao động có thể duy trì được ở mức cao (hiện nay đang ở mức cao hơn so với các nước công nghiệp phát triển khác), cơ cấu nền kinh tế có trọng tâm là ngành dịch vụ, mặc dù sản xuất công nghiệp với trình độ công nghệ cao vẫn hết sức quan trọng, bảo đảm ưu thế hơn hẳn của Mỹ về kinh tế đối với các nước khác, lạm phát thấp, tỷ lệ thất nghiệp thấp, số công ăn việc làm được tạo ra nhiều, nguồn vốn của công ty Mỹ không chỉ dựa vào các ngân hàng mà còn phụ thuộc ở mức độ lớn hơn vào thị trường vốn, trong khi đó hiện nay các cổ phiếu của Mỹ vẫn thuộc diện hấp dẫn, khiến khả năng hoạt động kinh doanh của công ty linh hoạt hơn. Có thể xuất phát từ những đặc điểm này, trong báo cáo kinh tế của tổng thống Mỹ trình quốc hội đã dự báo năm 2005 - 2010, nền kinh tế Mỹ có tốc độ tăng GDP đạt khoảng 2,9% - 3% hàng năm. Điều này cho thấy nếu nền kinh tế Mỹ không có những đột biến nghiêm trọng, sẽ phát triển bình thường với tốc độ tối ưu của mình.

Với triển vọng phát triển kinh tế như vậy cùng với những đặc điểm vốn có của thị trường Mỹ - thị trường rộng lớn, đa chủng tộc, nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, đa dạng, cần nhiều loại hàng hóa nhập khẩu với khối lượng lớn - một tiền đề lý tưởng và quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam khai thác và phát triển, một cơ sở lý tưởng cho quan hệ thương mại hai bên phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ thương mại việt nam hoa kỳ (giai đoạn 1995 2005) luận văn ths quốc tế học 60 31 40 (Trang 109 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)