Vài nét về văn từ, văn chỉ ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn miếu và hệ thống văn từ, văn chỉ ở tỉnh nam định (1802 1919) (Trang 65 - 71)

Chương 2 : VĂN MIẾU NAM ĐỊNH DƯỚI THỜI NGUYỄN

3.1.1. Vài nét về văn từ, văn chỉ ở Việt Nam

Văn từ, văn chỉ là những công trình gắn liền với đời sống văn hóa làng xã Việt Nam, là nơi “khởi phát tốt lành của việc sùng văn chương, chuộng đạo lý” [9]. Theo Từ điển Tiếng Việt: “văn chỉ là nền và bệ để thờ ở các làng xã thời trước” [68, tr. 1062]. An Nam phong tục sách của Mai Viên Đoàn Triển cho biết thêm: “(nhà) có mái gọi là “từ”, có nền gọi là “chỉ” [70, tr. 30]. Tác giả Phan Kế Bính cũng ghi chép tương tự trong Việt Nam phong tục: “đàn lộ thiên gọi là văn chỉ, có lợp mái gọi là văn từ” [10, tr. 116]. Trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, nhà sử học Đào Duy Anh nhận định: “ở các phủ huyện, các tổng, các làng lại thường có những nhà thờ hay đàn thờ lộ thiên, gọi là văn từ và văn chỉ…” [1, tr. 261].

Văn chỉ là nơi thờ Khổng Tử, Tứ phối và những người đỗ đạt ở địa phương, đó là “phép tắc của lễ” [66]. Mở đầu văn bia tại các văn chỉ, người soạn thường dành những lời ca ngợi Khổng Tử. Ví dụ như, văn bia Hương hiền bi ký tại văn chỉ xã Giá Sơn, huyện Gia Viễn, phân phủ Yên Khánh (nay thuộc Ninh Bình) có ghi: “ân huệ giáo hóa của bậc thầy Tiên Thánh (Khổng Tử) thấm nhuần khắp cả, ý nghĩ của ngài thật sâu rộng, còn kinh sách của người thì thật lớn lao” [7]. Văn bia Đông Sàng văn từ bi ở xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) ghi: “đạo học của Khổng giáo là một nước văn hiến ở phương Đông, học đạo Khổng sẽ biết rõ đạo quân dân, thần thần, phụ phụ, tử tử, phu phu, phụ phụ, cương thường sáng tỏ làng xóm. Đương kim phong phí

ngày càng cao, nhân tâm đồng thử lý” [6]. Bài ký ghi lại việc tu sửa từ vũ xã Cao Xá (Vĩnh Phúc) nêu: “đạo của Thánh nhân to lớn, công rộng bao la, từ đế vương cho đến sĩ nhân, không ai không tôn kính vậy” [29, tr. 283]. Văn bia

Bồ Vi văn chỉ bi ký ở tỉnh Ninh Bình nêu: “đạo của thánh nhân sáng mãi như mặt trời mặt trăng” [5].

Các bậc Nho sĩ, khoa hoạn của địa phương cũng được phối thờ ở văn chỉ các làng xã. Thông thường, các vị đỗ đạt được thờ tại văn chỉ được chia làm ba hạng, hạng 1 là những người đỗ đại khoa (Tiến sĩ), hạng 2 là những người đỗ trung khoa (Hương cống, Cử nhân) và hạng 3 là người đỗ tiểu khoa (Sinh đồ, Tú tài). Văn bia văn chỉ phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có ghi: “thôn xã thờ cúng các vị Tiên hiền trong làng là theo lễ xưa. Người đời sau tôn trọng lễ ấy, nhằm làm cho phong tục tốt đẹp” [66]. Tên tuổi, thứ hạng của các vị đỗ đạt khoa bảng còn được khắc vào bia đá, ví dụ như các tấm bia: Đại khoa Tiên hiền bi ký, Trung khoa Tiên hiền bi, Tiểu khoa Tiên hiền bi của văn chỉ huyện Mỹ Lương (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội); văn bia Tiên hiền bi chí, Trung khoa bi ký, Tiểu khoa bi chí của văn chỉ thôn Trung (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Văn bia từ vũ tổng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi (nay là xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) khắc: “Lại mời thợ chọn đá khắc bia, trên ghi hiến danh các vị đỗ đại khoa, thứ đến ghi rõ đường quan nghiệp của họ, dưới là khắc tiếp hậu sinh bản quận, đều lần lượt có tên khiến có thể truyền mãi về sau” [64, tr. 222]. “Những người trúng tuyển (khoa giáp) có bia ghi tên… há chẳng phải chỉ trưng bày cho đẹp mắt đâu! Bia phải dựng ở nhà quốc học, chính là để khuyến khích học trò” [73]. Do đó, các tấm bia ghi chép về đại khoa, trung khoa, tiểu khoa sẽ “khiến cho mọi người nhìn những tấm bia mà thấy sung sướng tự hào” [74].

Tên gọi “Văn miếu” thường được dùng cho công trình từ cấp phủ trở lên, ví dụ như Văn miếu phủ Tam Đới (Vĩnh Phúc), Văn miếu phủ Kinh Môn (Hải Dương), Văn miếu phủ Khoái Châu (Hưng Yên), Văn miếu phủ Xuân Trường (Nam Định)… Thông qua nội dung bia trụ có tiêu đề Tu tập từ vũ bi/

Hưng công/ Công đức, diện mạo Văn miếu phủ Tam Đới thuộc thừa tuyên Sơn Tây được miêu tả khá chi tiết. Bia đá này được dựng vào ngày tốt, tháng Giêng, năm Chính Hòa thứ 23 (1702) do Tiến sĩ Nguyễn Công Đổng soạn. Văn miếu nằm ở xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), thờ Khổng Tử, phối thờ Tứ phối, phối hưởng Thập triết. Văn miếu phủ Tam Đới được hình thành dưới triều Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) [29, tr. 173]). Từ năm 1697 đến năm 1701, Văn miếu được tu sửa, mang đến diện mạo khang trang. Văn bia Tu tập từ vũ bi

ghi lại như sau: “Năm gian chính điện, sơn dùng son, để thêm lộng lẫy. Ba gian Tiền đường, chắp hình dải quạt, dùng gỗ thay tre. Làm hai dải vũ ở bên tả hữu, mỗi dải ba gian, là do tạo mới. Tạo một chiếc cầu bắc qua ao, cầu gồm bảy gian, là do tạo mới. Điện đường trong ngoài, lợp bằng ngói, sửa lại những chỗ bị dột. Tường bao trong ngoài, xây bằng gạch, là do làm mới. Nghi môn làm trước đây vốn gần ao, nay đưa sát gần đường, tu sửa thêm. Còn hai cánh cửa, chạm trổ vẽ rồng cho thêm lộng lẫy. Lại đắp và tô tượng Thánh hiền, dáng tượng từ cũ mà được làm mới. Thiết lập thêm mười tòa Thập triết mà trước đây chưa có. Tái tạo một biển đại tự, đề ba chữ Văn miếu điện, biển sơn son, chữ thếp vàng, treo ở giữa Tiền đường” [29, tr. 177]. So với Văn miếu Thăng Long, kiến trúc của Văn miếu phủ Tam Đới có sự tương đồng gồm nghi môn, hai nhà Tả vu, Hữu vu, Tiền đường và Hậu cung theo kết cấu chữ “Nhị”. Như vậy, giữa Văn miếu cấp trung ương với địa phương không có sự khác biệt nhiều về tổng thể kiến trúc, hoạt động thờ tự, từ đó, làm mẫu số chung cho việc định hình về các Văn miếu cấp phủ trước thế kỷ XIX.

Ở cấp huyện, công trình văn hóa này thường gồm 2 tòa Bái đường và Hậu cung với số lượng từ 3 gian đến 5 gian, hai tòa Tả Hữu vu hai bên và nhà bia. Văn từ huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) gồm: “chính đường 3 gian chuyên để thờ các vị Tiên hiền trong huyện, Tiền đường 5 gian dùng để đồ thờ và rượu cúng cho các vị quan bản huyện, được xếp đặt theo thứ tự các năm. (Văn từ) vốn được dựng bằng cỏ tranh, vẫn giữ được nét cổ kính nhưng do mưa gió tàn phá nên có chỗ phải vá víu, sửa chữa, có chỗ bị thấm dột. Vì thế các vị thân hào, Cai tổng, Lý trưởng… trong bản huyện đã quyên tiền mua gỗ lim, gạch xây tường, ngói lợp, đá và tiền công xây dựng lại văn từ. Bắt đầu từ Cai tổng Nguyễn Trí người vùng Hành Vĩ coi sóc công việc (xây dựng), làm xong chính đường, sau đến Cử nhân Lê Huy Kế người Mỹ Đà đôn đốc việc xây cửa và tường bao quanh nhưng việc xây dựng cũng chưa hoàn tất” [8]. Văn chỉ huyện Thọ Xương (nay thuộc Hà Nội) là một trong những văn chỉ hàng huyện hiện còn. Theo văn bia Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký, văn chỉ trước đây tọa lạc trên khu đất rộng tới 8 mẫu 7 sào 10 thước nhưng về sau chỉ rộng chừng 100m2, gồm 2 nếp nhà 5 gian, xây theo kiểu chữ “Nhị”. Trước đây, ruộng của văn chỉ được giao cho người trong phường thu hoa lợi dùng vào việc tế vào mùa xuân và mùa thu. Ở tỉnh Bắc Ninh, kiến trúc của văn chỉ cấp huyện có khác biệt, trong đó văn chỉ huyện Võ Giàng, từ chỉ huyện Yên Phong được xây bệ lộ thiên. Tuy nhiên, toàn bộ văn từ, văn chỉ hàng huyện của tỉnh Bắc Ninh đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn một số ít bia đá hay thác bản văn bia hiện vẫn được lưu trữ tại các bảo tàng địa phương hoặc Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Đối với cấp tổng, xã, tùy điều kiện mỗi địa phương mà có thể xây dựng văn từ/ văn chỉ. Văn từ hàng tổng thường được xây dựng theo kết cấu chữ “Nhị”, trong đó Tiền tế vừa sử dụng làm học đường và tế lễ, ví dụ như văn từ tổng Đỗ Xá (Bắc Ninh), văn từ tổng Hào Kiệt (Nam Định).

Để duy trì ảnh hưởng của Nho giáo đến từng làng xã, hội Tư văn được thành lập, chủ trì các buổi tế Đức Thánh Khổng, hậu hiền tại văn từ, văn chỉ ở các địa phương. Thành phần tham gia Hội này thường chủ yếu bao gồm các hạng: chức sắc (những người khoa trường, chức tước), chức dịch (các tân, cựu Chánh và Phó cai tổng, Chánh và Phó lý, Hương trưởng…), khóa sinh (những người từng tham gia khoa cử, đậu nhất, nhị trường) và những người có tiền bỏ ra trở thành thành viên của hội. Tuy nhiên, Hương ước của một số làng quy định người tham gia Hội Tư văn bắt buộc phải trải qua khoa trường. Điều 6 của Hương ước làng La Khê (nay thuộc Hà Đông, Hà Nội) qui định: “Vị hậu tiến nào thi đỗ tam trường được gia nhập bản hội, cần phải chọn ngày sắm sửa lễ vật gồm trầu cau, kính biếu triều quan mỗi vị 1 khay có 10 khẩu, các vị trong bản hội mỗi vị 1 khẩu. Trước tiên đem đến yết bái các bậc Tiên hiền. Lễ vật gồm 2 con gà, 2 mâm xôi, 2 vò rượu, 2 khay trầu mỗi khay 50 khẩu. Sau khi lễ xong đem đến nhà đương cai, tất cả các vị có mặt ở đó cùng uống rượu. Cỗ bàn theo như lệ cũ đều châm chước, cho nộp thay bằng tiền, mỗi mâm 3 mạch. Triều quan mỗi vị 1 mâm, trùm xã 2 vị một mâm. Bản hội 4 vị một mâm. Tất cả đều chiếu theo sổ nhận lấy. Theo lệ phải nộp 1 quan 2 mạch tiền cổ” [35, tr. 65]. Việc vọng vào Hội Tư văn được ghi trong Khoán ước xã Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội) như sau: “Trong làng ai đỗ Tú tài Tây, Tú tài bản xứ, năng tham biện trở lên mà vọng vào Tư văn thì phải nộp trả hội riêng của hội thì cho đủ. Còn người nào mua ngôi Tư văn thì đã lệ của ấy. Nhưng hội Tư văn bán cho ai cũng phải làng thỏa thuận mới được” [35, tr. 275]. Hay Hương ước làng Tam Tảo (Bắc Ninh) có qui định về lễ vọng Tư văn như sau: “1 cơi giầu, 10 quả cau, 1 mâm xôi, 1 gà sống, 1 chai rượu, 1 số tiền là 11 đồng” [28, tr. 66]. Số tiền đóng góp cho lễ vọng sẽ được sung vào công quỹ của hội Tư văn, dùng vào tế lễ hàng năm. Đứng đầu hội Tư văn là Hội trưởng hoặc Trưởng văn, Trùm Tư văn. Giúp việc cho Hội trưởng là hai

vị đảm nhiệm chức Điển văn và Tả văn. Một trong những nhiệm vụ của Điển văn và Tả văn là viết văn tế. Những người này từng đỗ đạt khoa cử, “Cử nhân Tú tài trở lên, kể đến Khóa sinh nhất nhị trường, tiếp đến Chánh phó tổng, Chánh phó lý. Tất cả phải là những người có văn phong sáng sủa” [36, tr. 271]. Theo Văn hội ước của làng La Khê, lễ tế Tiên Thánh diễn ra vào hạ đinh tháng 2 và tháng 8. Làng Ba Lăng tổ chức tế vào ngày thượng đinh tháng 2 và ngày hạ đinh tháng 8. Phường Hà Khẩu (quận Hoàn Kiếm) tế Khổng vào ngày 20 tháng 2 và 12 tháng 8 âm lịch. Bên cạnh đó, các gia đình có con em theo nghiệp học hành sẽ đem lễ vật ra văn từ, văn chỉ. Lễ kỳ khoa được tổ chức dành cho các Nho sinh trước khi họ bắt đầu kỳ thi quan trọng. Trường hợp thi đỗ sẽ làm lễ tạ với các bậc Thánh hiền đã phù hộ để công thành danh toại.

Hệ thống văn từ, văn chỉ xuất hiện phổ biến ở một số tỉnh vốn có truyền thống khoa bảng tiêu biểu như Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa.

Bảng 3.1. Thống kê hệ thống văn miếu, văn từ, văn chỉ, từ chỉ tại 4 tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa1

STT

Tỉnh Cấp

hành chính

Hải Dương Bắc Ninh Hưng Yên Thanh Hóa

1. Tỉnh 1VM 1VM 1VM 1VM 2. Phủ 1VM 0 1VM 0 3. Huyện 1VT, 1TC, 2 VC 1VM, 5VT, 2VC 1VT, 1VC 1VM, 1VT 4. Tổng 2VT, 4VC 2VT, 5VC 2VT, 1TC, 1VC 2TC, 4VC 5. Xã 2VT, 13TC, 1VM, 2VT, 2VT, 2TC, 3VT, 4TC, 1

11VC 2TC, 24VC 15VC 19VC

6. Thôn 1TC, 1VC 4VC 1VT 2TC, 10VC

Cộng: 40 49 28 47

(Nguồn: Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (1998);Lê Viết Nga (chủ biên) (2012))

Có thể nói, các triều đình quân chủ ở Việt Nam luôn chọn Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống nên sự tồn tại của văn miếu, văn từ, văn chỉ là điều cần thiết. Sự khác biệt giữa qui mô kiến trúc của văn từ, văn chỉ ở các cấp hành chính, đến thành lập hội Tư văn nhằm tôn sùng đạo học đã khẳng định vai trò của các công trình này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn miếu và hệ thống văn từ, văn chỉ ở tỉnh nam định (1802 1919) (Trang 65 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)