Văn miếu Nam Định trước thế kỷ XIX

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn miếu và hệ thống văn từ, văn chỉ ở tỉnh nam định (1802 1919) (Trang 52 - 54)

Chương 2 : VĂN MIẾU NAM ĐỊNH DƯỚI THỜI NGUYỄN

2.1. Văn miếu ở Việt Nam và Văn miếu Nam Định trước thế kỷ XIX

2.1.2. Văn miếu Nam Định trước thế kỷ XIX

Theo sách Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục của Nguyễn Ôn Ngọc, từ thời vua Trần Thái Tông, triều đình đã cho dựng “nhà Văn miếu ở xã Hoa Nha, đắp tượng Thánh hiền, thân hành đến điện tế” [31, tr. 12]. Trang Hoa Nha thời Trần thuộc hương Tức Mặc. Năm 1239, vua sai quan lại về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện [23, tr. 17], coi đất Tức Mặc như “kinh đô thứ hai” [62, tr. 12]. Năm 1262, vua Trần cho xây dựng cung Trùng Hoa, chùa Phổ Minh, dinh thự của các vương, các hầu ở phủ Thiên Trường (trước là hương Tức Mặc). Về sau, các vua Trần sau khi nhường ngôi đều về ngự ở cung Trùng Hoa. Cung Hoa Nha nằm bên bờ Bắc sông Vĩnh, gần với hai cung Trùng Quang và Trùng Hoa. Ngọc phả đền Thái Vi (Hoa Lư, Ninh) chép lại: “làm nội cung để các hậu ở, làm nội khố để trữ tiền lương… phía sau cung ở bờ sông Vĩnh lập cung Hoa Nha và đặt Văn miếu” [4, tr. 108]. Như vậy, chúng ta có thể xác định được, thời Trần có hai Văn miếu lớn: Văn miếu chính ở kinh thành Thăng Long và Văn miếu ở xã Hoa Nha nằm ở phủ Thiên Trường. Văn miếu ở xã Hoa Nha được xây ở đây phần nào cho thấy vị thế phủ Thiên Trường đối với vương triều Trần. Văn miếu này tồn tại lâu đời, đến thế kỷ XIX vẫn còn được chép lại trong các sách Hoàng Việt nhất thống chí,

Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục, Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược… Lê Quang Định - tác giả của cuốn Hoàng Việt nhất thống chí khi ghi chép về diên cách, vị trí địa lý của các dinh, trấn của Đại Nam những năm đầu của triều Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX cũng nhắc tên Văn miếu ở phủ Thiên Trường. Theo đó, ông cho biết Văn Thánh miếu của trấn Sơn Nam Hạ nằm tại xã Hoa Nha, huyện Mỹ Lộc. Bên cạnh đó, ông cũng chép lỵ sở của trấn Sơn Nam Hạ nằm tại huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường. Xuân thu nhị kỳ, nhà nước đều cấp tiền để cúng tế [18, tr. 454]. Những năm đầu thế kỷ XIX, dưới triều vua Gia Long, việc tế lễ vẫn diễn ra ở đây khá thường xuyên [61, tr. 110]. Năm 1808, vua Gia Long đã ban hành quy chế Văn miếu ở các dinh trấn gồm “Chính đường ba gian bốn chái, Tiền đường năm gian hai chái… Phàm nhà cửa, biển ngạch, bài vị, đồ thờ, cho đếnnghi tiết tế tự, đều chép làm giáp lệnh để ban hành” [48, tr. 725]. Chiếu theo qui định của triều đình, Văn miếu của trấn Sơn Nam Hạ rất có khả năng đã được tu sửa trong giai đoạn này.

Sau khi Văn miếu tỉnh Nam Định được xây xong năm 1822, Văn miếu ở xã Hoa Nha (hay Liễu Nha) trở thành Văn miếu huyện Mỹ Lộc. Hiện nay, Văn miếu này thuộc thôn Liễu Nha, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Năm 2016, trên nền đất Tiền đường 5 gian cũ, chính quyền cùng nhân dân địa phương tiến hành xây nhà 3 gian 2 chái, đầu hồi bít đốc, tay ngai. Hai đầu hồi của Văn miếu là hai trụ biểu. Thân của hai trụ biểu này đắp nổi các đôi câu đối:

“Thánh đức văn phong, Trâu quận Hoa Nha danh thắng tích Hoàng ân tự điển Nam Định Đông Lỗ hiển anh thanh”.

Và: “Đạo quán cổ kim thùy vạn thế Đức đồng nhật nguyệt chiếu thiên bang”.

Không gian thờ tự của Văn miếu ở xã Liễu Nha (nay gọi là đền Khổng Tử) được chia làm 3 gian thờ. Ở chính giữa Văn miếu thờ Khổng Tử, gian

bên trái thờ Phục thánh Nhan Hồi và Thuật thánh Tử Tư, gian bên phải thờ Tông thánh Tăng Tử và Á thánh Mạnh Tử. Trên mỗi khám thờ đều treo những ảnh chụp Khổng Tử, Tứ phối ở Văn miếu Thăng Long. Hàng năm, vào ngày 17 tháng 2 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ dâng hương Khổng Tử và Tứ phối. Văn miếu ở thôn Liễu Nha cùng với đền Trần (cách đó khoảng 1,5km về phía Đông Nam) trở thành cụm di tích quan trọng của vương triều Trần trên đất Nam Định, là niềm tự hào của người dân địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn miếu và hệ thống văn từ, văn chỉ ở tỉnh nam định (1802 1919) (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)