Hơn 30 năm qua, UNICEF tại Việt Nam đã góp phần cải thiện cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em, đảm bảo quyền trẻ em được thực thi, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em sống và phát triển, hỗ trợ Việt Nam tạo dựng các điều luật cho trẻ em. UNICEF bắt đầu triển khai chương trình hợp tác trên phạm vi toàn quốc với Việt Nam ngay sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975 và đã tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cải thiện cuộc sống và phúc lợi cho trẻ em kể từ đó đến nay. Trong hơn ba thập kỷ qua, hoạt động của UNICEF tại Việt Nam đã chuyển từ cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ tái thiết đất nước sang hỗ trợ phát triển dài hạn, trong đó tập trung chủ yếu vào giáo dục, y tế và dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường.
Hình 3.1. Bà Rima Salah - Phó Tổng giám đốc điều hành UNICEF và Bà Lê
Thị Thu - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban DSGD&TE cắt băng khai mạc triển lãm ảnh Kỷ niệm 30 năm UNICEF hoạt động tại Việt Nam.
Trong những chu kỳ hợp tác gần đây của UNICEF với Chính phủ Việt Nam, với chủ đề “Kế thừa và đổi mới”, UNICEF tiếp tục hỗ trợ các lĩnh vực phát triển truyền thống nói trên. UNICEF ngày càng có nhiều chương trình trợ giúp trẻ em nông thôn nghèo, hỗ trợ các em trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cung cấp nước sạch. Đồng thời UNICEF cũng bắt đầu triển khai những chương trình giúp giải quyết các vấn đề mới nảy sinh, nổi cộm đối với trẻ em Việt Nam như: bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, ngăn ngừa tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, hạn chế ảnh hưởng của HIV/AIDS, buôn bán trẻ em và hỗ trợ các vấn đề của thanh niên.
Trong chương trình hợp tác 2006-2010, UNICEF tham gia nhiều hơn vào việc vận động chính sách mang tính chiến lược cũng như góp phần xây dựng các khuôn khổ và hệ thống pháp lý hỗ trợ việc thực hiện các quyền trẻ em nói chung. Chương trình này bao gồm bảy nội dung trọng tâm: Y tế và dinh dưỡng; Nước sạch, môi trường và vệ sinh môi trường; Phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em; Giáo dục; Bảo vệ trẻ em; Chương trình thân hữu với trẻ em; Lập kế hoạch và chính sách xã hội.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thực hiện quyền trẻ em từ khi phê chuẩn Công ước quốc tế Quyền Trẻ em. Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới năm tuổi giảm rõ rệt. Trong khoảng thời gian từ năm 1990 cho đến năm 2009, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ dưới năm tuổi giảm xuống còn một nửa. Tỉ lệ tiêm chủng luôn đạt mức cao đã giúp Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và uốn ván bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005. Trẻ em Việt Nam ngày nay được hưởng nền giáo dục tốt hơn. Khoảng 95% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường. Các cơ hội tăng cường sự tham gia của trẻ em ngày càng được mở rộng. Việt Nam ngày càng quan tâm tới việc xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh cho mọi trẻ em cũng
như ngăn ngừa và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em. Cách tiếp cận dựa trên các quyền cơ bản của trẻ em ngày càng được chú trọng.
Có thể thấy sự hỗ trợ của UNICEF là hết sức toàn diện. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực đó, có những lĩnh vực UNICEF đã đạt được thành công rõ rệt, có lĩnh vực sự hỗ trợ chưa được nhiều. Trước câu hỏi: trong 3 lĩnh vực chính là sức khỏe, giáo dục và bảo vệ trẻ em, lĩnh vực nào UNICEF đã đạt được lợi ích thiết thực nhất, bà Caroline Dendulk –đại diện của UNICEF tại Việt Nam đã cho hay: “Đây là một câu hỏi khó trả lời, nhưng tôi nghĩ rằng, chương trình có hiệu quả nhất là chương trình sức khoẻ cho trẻ em, đặc biệt là sự phát triển của trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi. Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi đã giảm thiểu rất nhiều. Đây là điều rất tốt. Tuy nhiên, về mặt dinh dưỡng cho trẻ em thì vẫn còn hạn chế. Một điều nữa là vấn đề giáo dục. Chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam cũng đã đạt kết quả tốt trong việc giúp cho trẻ em đến trường. Con số trẻ vào trường tiểu học cũng như hoàn tất bậc tiểu học rất cao. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp trẻ em bỏ học, nhưng theo tôi, điều này còn liên quan đến các mặt khác như về kinh tế xã hội, làm ảnh hưởng đến đời sống gia đình của các em. Một lĩnh vực khác mà chúng tôi cũng đang quan tâm đến là vấn đề bảo vệ trẻ em mà tôi đã nhắc tới. Đó là việc ngăn ngừa trẻ em khỏi chết đuối, ngay ở nơi cư ngụ hay trên sông ngòi. Tôi nhận thấy con số các trẻ em bị tử vong vì chết đuối càng ngày càng tăng. Vấn đề này mới xảy ra nhiều tại Việt Nam. Chính vì thế, mà chúng tôi cần phải chú ý về tình trạng này.” [23]
Các chương trình hợp tác của UNICEF được xây dựng dựa trên sự hiểu biết và các phân tích, đánh giá về các vấn đề quan đến phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng như những kinh nghiệm của UNICEF trong việc hỗ trợ Chính phủ trong các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, nhằm bảo vệ và thực hiện
xu hướng hội nhập ngày càng tăng của Việt Nam. Các chương trình phản ánh các lĩnh vực được ưu tiên trong khuôn khổ hỗ trợ phát triển Liên Hợp Quốc. Chương trình sau là sự kế thừa những thành quả và khắc phục những khiếm khuyết của chương trình trước.
UNICEF mang đến những ý tưởng và kinh nghiệm về thực hiện quyền trẻ em ở nước khác để bàn bạc với Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi nước có một hoàn cảnh, điều kiện riêng, nên cần nghiên cứu để có một chính sách riêng phù hợp. Sau đó UNICEF cùng Việt Nam sẽ xây dựng chương trình hành động, thử nghiệm với quy mô nhỏ. Nếu thành công sẽ nhân rộng rồi đưa lên quy mô quốc gia, xây dựng thành chính sách như lĩnh vực giáo dục, sức khỏe, nước sạch môi trường...
UNICEF thường làm việc với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em - cơ quan nhà nước có nhiệm vụ về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ và các cơ quan của Quốc hội… Đây là những tổ chức có chức năng giám sát và thực hiện quyền trẻ em.
Các chương trình hỗ trợ của UNICEF được triển khai ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước nhất là những vùng còn khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa và chủ yếu là dành cho phụ nữ, trẻ em.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác giữa UNICEF và Việt Nam, bà Lê Thị Thu - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em Việt Nam đánh giá cao mối quan hệ lâu dài, chân thành và bền vững giữa UNICEF và Việt Nam, mối quan hệ hợp tác được xây dựng trên quan điểm chung là dành ưu tiên cho những nhu cầu của trẻ em. “Trong 30 năm qua, Việt Nam và UNICEF đã xây dựng, thực hiện bảy Chương trình hợp tác Quốc gia. Các chương trình của UNICEF ở Việt Nam đều phát triển, điều chỉnh theo những đổi thay của đất nước và dựa trên các yêu cầu của sự hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác một
cách có hiệu quả với UNICEF và các tổ chức quốc tế khác trong việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em và thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ở Việt Nam” [89]
Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, đến nay, UNICEF và các đối tác đã phần nào đạt được mục tiêu sau: luật pháp và chính sách quốc gia vì phụ nữ và trẻ em phù hợp với các chuẩn mực và cam kết quốc tế; tăng cường tác động của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đối với trẻ em dễ bị tổn thương, bao gồm trẻ em dân tộc thiểu số; có các hệ thống theo dõi và giám sát quyền phụ nữ và quyền trẻ em ở các cấp; các điều khoản quy định về sự tham gia của người chưa thành niên và thanh niên được xây dựng; năng lực lập kế hoạch, giám sát và đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và các Mục tiêu phát triển của Việt Nam ở địa phương được nâng cao; xây dựng và phổ biến những mô hình bạn hữu trẻ em trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. “Có thế nói một cách không hoa mỹ rằng UNICEF là người bạn quốc tế chung thủy của Việt Nam. Ngay khi chiến tranh kết thúc chúng tôi đã có mặt ở đây, ở thời điểm có thể nói là khó khăn nhất của các bạn. Năm nay các bạn kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước thì chúng tôi cũng kỷ niệm ngần ấy năm chúng tôi có mặt tại Việt Nam, và có thể nói rằng chúng tôi vô cùng tự hào về những gì làm được ở đây trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, phụ nữ Việt Nam. Nếu các bạn nhìn vào các số liệu thì có thể thấy những thay đổi đầy ấn tượng trong đời sống và phụ nữ, trẻ em Việt Nam trong vòng 30 năm qua” – Đó là trả lời của Quyền Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam - ông Christian Salazar với Báo Thanh Niên nhân kỷ niệm 30 năm tổ chức này hoạt động ở Việt Nam [26]
Sự hợp tác giữa UNICEF và chính phủ Việt Nam trong suốt thời gian qua có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
+ Thuận l i.
Thuận lợi lớn nhất đó là sự ủng hộ, phối hợp có hiệu quả của Chính phủ Việt Nam. “Nếu như so với thế giới thì cam kết của Chính phủ các bạn là mạnh mẽ hơn nhiều khi nhìn vào những lĩnh vực như giáo dục, y tế, giảm nghèo đã được đầu tư như thế nào. Việt Nam không chỉ thể hiện cam kết bằng lời, chính phủ các bạn còn thể hiện qua việc cùng với UNICEF hợp tác một cách thành công trong việc nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là trong việc nâng cao sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, việc kiểm soát bệnh tật như thanh toán uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, phòng tránh bệnh sởi, giảm các bệnh do thiếu vitamin A, thiếu sắt và thiếu i-ốt gây nên”[26] “Theo tôi, Chính phủ Việt Nam đã và đang làm việc rất chặt chẽ cũng như rất ủng hộ công việc cuả UNICEF. Họ đã có những thay đổi về chính sách nhằm tôn trọng quyền trẻ em nhiều hơn. Đây là điểm khởi đầu rất tốt. Việt Nam đã tham gia và Công ước Quốc tế Bảo vệ Trẻ em, cho nên, đó là điều quan trọng nhất để tổ chức UNICEF dễ dàng làm việc tại Việt Nam” [23] Hay như lời phát biểu của ông Jesper Morch - trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, tại Đại hội lần thứ nhất Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: “Về phía UNICEF, với nền tảng là Công ước về Quyền trẻ em được thực thi tại hơn 190 quốc gia trên thế giới, những thành tựu và những thay đổi nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích của trẻ em, dưới sự lãnh đạo của một Chính phủ quyết tâm mang đến cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất, chính là một nguồn động viên to lớn đối với chúng tôi khi hoạt động ở Việt Nam” [61]
Cùng với cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng cũng đã tích cực tham gia trợ giúp và chăm sóc đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn: trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ…
Hơn thế nữa, Việt nam được đánh giá là nước có môi trường chính trị và xã hội ổn định so với các nước khác trong khu vực. Tổ chức Tư vấn Rủi ro Kinh tế và Chính trị tại Hồng Kông xếp Việt nam ở vị trí thứ nhất về khía cạnh ổn định chính trị và xã hội sau sự kiện 11/09. So với các nước ASEAN khác Việt Nam có ít các vấn đề liên quan đến tôn giáo và mâu thuẫn sắc tộc hơn. Tính theo thang điểm từ 0 (độ rủi ro thấp nhất) đến 10 (độ rủi ro cao nhất), VN được 5,36 điểm [34]. Đảng cộng sản Việt Nam giữ vững, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân dân đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước.
+ Khó khăn - thách thức.
Khó khăn đầu tiên đó sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trẻ em và bất bình đẳng giới tính tại Việt Nam. Việc giảm nghèo tại Việt Nam trong vòng mấy năm trở lại đây đã có kết quả khả quan nhưng sự khác biệt giữa trẻ sống tại nông thôn đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số với trẻ sống tại đô thị ngày càng tăng. Sẽ ngày càng khó khăn trong nỗ lực giúp ngày càng nhiều trẻ em thoát khỏi đời sống nghèo nàn bởi các gia đình nghèo còn lại đang ở những vùng rất hẻo lánh và nằm tại các địa bàn khó có thể tiếp cận. Để giải quyết vấn đề này cần một chiến lược dài hơi và tổng thể, không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Ví dụ vấn đề giảm nghèo tại các khu vực nông thôn, miền núi hay vấn đề thay đổi nhận thức của xã hội về bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn từng bước xây dựng một hệ thống tổ chức mạng lưới bảo vệ trẻ em từ trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống toàn diện để phòng ngừa và ứng phó đối với trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt.
Hiện nay Việt Nam cũng chưa có đội ngũ cán bộ xã hội được đào tạo bài bản ở cơ sở để ứng phó kịp thời với những trường hợp bảo vệ trẻ em. Đội ngũ cán bộ chuyên
trách làm việc với trẻ em, gia đình và cộng đồng ở tất cả các cấp vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực, công tác xã hội vẫn chưa được công nhận là một nghề. Cả nước hiện có hơn 12.000 cán bộ (đa phần là cán bộ kiêm nhiệm) và khoảng 7.000 cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác BVCSTE. Nếu như trước năm 2007, cả nước có khoảng 160.000 cộng tác viên ở cấp thôn, bản thì hiện nay chỉ còn trên 7.000 người. [103] Năm 2008, Việt Nam có khoảng 35.230 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội. Tuy nhiên, 81,5% đội ngũ này chưa qua đào tạo công tác xã hội hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau, chưa được học những kỹ năng khoa học cần thiết. Ở cấp xã trước đây, nhiệm vụ BVCSTE do cán bộ dân số gia đình và trẻ em đảm nhận, thì hiện nay do cán bộ lao động thương binh và xã hội kiêm nhiệm, song công việc vừa mới mẻ vừa quá tải nên ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả chung. Tình trạng này xảy ra ở ngay những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Ví dụ, Hà Nội có 9 văn phòng tư vấn gia đình và trẻ em, mỗi nơi có từ 1 đến 2 cán bộ thường trực thì chủ yếu là cán bộ kiêm nghiệm. Họ làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và lòng nhiệt tình, các kỹ năng, phương pháp tiếp cận trẻ em còn kém.
Bên cạnh đó, bản thân các em cũng như những người giám hộ cũng chưa hiểu về các quyền mà bản thân các em được hưởng. Nhận thức của trẻ em về quyền trẻ em có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi trẻ em, nhất là trẻ em nông thôn vốn được dạy dỗ một chiều, áp đặt khiến cho nhiều em thiếu tự tin,