Kết hôn của người Chăm Bani ở tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân và gia đình người chăm bani hiện nay (qua khảo cứu tại tỉnh ninh thuận và tỉnh bình thuận) (Trang 36 - 46)

7. Kết cấu của Luận văn

2.1. Thực trạng về đời sống hôn nhân của người Chăm Bani ở tỉnh Ninh Thuận

2.1.1. Kết hôn của người Chăm Bani ở tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận

Thuận hiện nay

Nếu như Luật Hôn nhân và Gia đình cho rằng: “Kết hôn là việc người nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn” [41, tr. 12]. Thì việc kết hôn của người Chăm Bani ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận cũng vậy. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò người phụ nữ cùng những nguyên tắc của Islam giáo mà người Chăm Bani đã đặt ra những điều kiện kết hôn, đăng ký kết hôn mang tính đặc thù riêng..

2.1.1.1. Điều kiện kết hôn của người Chăm Bani ở tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận hiện nay

Luật tục Chăm Bani quy định, người nam và người nữ muốn kết hôn với nhau phải tuân theo những điều kiện cơ bản sau:

Thứ nhất, hai người phải đủ tuổi kết hôn.

“Con gái chưa đầy mười tám tuổi. Con trai chưa đầy đôi mươi

Không được kết hôn với nhau” [57, tr. 221].

Đây cũng là độ tuổi kết hôn mà luật pháp ta quy định: “nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên” [41, tr. 14]. Mặc dù vậy nhưng hiện nay trong cộng đồng người Chăm Bani ở tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số trường hợp tảo hôn. Tuy nhiên, những trường hợp này phải là người đã trải qua nghi lễ thành niên. Chính vì vậy mà các chàng trai, cô gái người Chăm Bani khoảng 12 đến 14 tuổi sẽ được gia đình họp lại để tổ chức nghi lễ. Nghi lễ thành niên được coi là lễ nhập đạo dưới sự chứng kiến của Allah và cộng đồng chức sắc, đồng thời cũng là nghi lễ đánh dấu cho sự trưởng thành của các chàng trai, cô gái. Nếu như các tín đồ Islam coi trọng nghi lễ thành niên dành cho các chàng trai (Karơh) thì

người Chăm Bani lại tổ chức rầm rộ và trang nghiêm nghi lễ thành niên dành cho các thiếu nữ hơn (Katat). Bởi họ chịu sự tác động của nhiều nhân tố, nhất là chế độ mẫu hệ đề cao vai trò người phụ nữ. Trong lễ Katat, người Chăm Bani dựng một cái rạp trang trí giống Thánh đường và quay về hướng Tây đến Thánh địa Mecca. Thầy Cả hoặc thầy Imưm cắt của mỗi cô một nhúm tóc ở giữa đỉnh đầu và hai bên trái đào hơ ngang qua lửa. Qua lửa nhang, Allah cùng các vị thần linh sẽ chứng giám cho lời thề nguyện và lòng thành kính của cô gái. Trước khi kết thúc buổi lễ, thầy Cả đọc kinh “Thánh tẩy” và ban cho mỗi cô một tên thánh. Nhân buổi lễ này, cô gái được cha mẹ, họ hàng trao tặng tiền vàng làm của hồi môn. Kể từ đây, cô gái chính thức được coi là một tín đồ, một người phụ nữ Bani thực thụ và có quyền đi “bắt chồng”. Các chàng trai cũng phải thực hiện nghi lễ Karơh, nhưng nghi lễ của họ chỉ mang tính tượng trưng chứ không khắt khe như nghi lễ của các tín đồ Islam.

Thứ hai, hai người muốn kết hôn với nhau phải là người độc thân, không đang có vợ hoặc đang có chồng. Nếu đã từng có vợ, có chồng thì phải hoàn tất thủ tục ly hôn và chấm dứt tình cảm mới được phép lập gia đình khác. Aymonia có nói: “Người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận thường là những người nghèo nên không có ai dám theo chủ nghĩa đa thê. Đối với những người khá giả thì lấy nhiều vợ là một trò xa xỉ” [84, tr. 32]. Mặc khác, với chế độ mẫu hệ nên sau khi kết hôn, người chồng sẽ cư trú ở nhà vợ. Nếu lấy nhiều vợ thì người chồng sẽ không biết về ở nhà người vợ nào. Điều này dễ làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn và rạn nứt gia đình. Luật tục Chăm cũng chỉ ra rằng, muốn hôn nhân hạnh phúc thì chỉ nên có một vợ một chồng:

“Một vợ một chồng Gia đình giàu sang sung túc

Một vợ hai chồng đói khát triền miên” [57, tr. 222].

Vì vậy trong cộng đồng người Chăm Bani ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay hầu như không tồn tại hình thức hôn nhân theo chế độ đa thê giống như các tín đồ Islam (người đàn ông được phép lấy không quá bốn vợ). Mà chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã được thiết lập chặt chẽ trong gia đình người Chăm Bani theo đúng quy định pháp luật Việt Nam. Thứ ba, hai người kết hôn phải là người không có cùng dòng họ, không cùng huyết thống. Nhất là giữa các anh, chị, em ruột; anh em cùng cha khác mẹ; anh em cùng mẹ khác cha; bố chồng với con dâu; mẹ vợ với con rể; cha mẹ với con nuôi; cháu với chú, dì, bác, mợ thuộc họ hàng bên dòng họ mẹ hay các con của anh, chị, em bên mẹ. Giữa con nuôi với bố, mẹ nuôi, bà con bên mẹ nuôi cũng không được phép kết hôn với nhau. Luật tục Chăm Bani có nhấn mạnh: “Con cháu trai hay gái mà người đàn bà sinh ra tức là về bên nội, dù xa mấy mươi đời cũng không được cùng nhau kết hôn làm vợ chồng” [57, tr. 279]. Còn đối với dòng họ ngoại (dòng họ bố), chỉ được phép kết hôn làm vợ chồng khi người đó thuận vai phải lứa, nghĩa là bằng vai anh em hoặc chị em mới được. Nếu vai trên mình như chú, bác, cô thì không được phép lấy nhau. Tuy nhiên, những trường hợp này phải cách nhau ít nhất ba đời [57, tr. 280].

Để tránh vi phạm các nguyên tắc trên, khi con cái lớn lên, cha mẹ có trách nhiệm chỉ bảo các mối quan hệ trong dòng tộc để tránh trường hợp bà con xa không biết. Nếu chẳng may hoặc cố tình kết hôn với người cùng dòng họ, cùng huyết thống thì người đó sẽ bị gán vào tội loạn luân và phải tạ tội với Allah tại thánh đường, đồng thời chịu tội trước tổ tiên tại nghĩa địa Ghor.

Người Chăm Bani còn quy định, giữa chồng hoặc vợ không được phép kết hôn với con ghẻ: “Cấm người chồng không được lấy con riêng của vợ

mình, do lấy chồng trước sanh ra con gái, gọi mình bằng cha ghẻ. Người quả phụ cũng không được lấy con của chồng mình, do lấy vợ trước đẻ ra con trai gọi mình bằng mẹ ghẻ” [57, tr. 279]. “Người anh chết hay li dị vợ thời người em không được lấy vợ của anh mình. Người em chết hay li dị vợ thì anh ruột cũng không được lấy vợ của em mình. Cũng như chị em gái khi chồng của chị hoặc em chết thì chị hoặc em không được lấy chồng của chị hoặc em mình”[57, tr. 280].

Thứ tư, hai người kết hôn phải cùng tôn giáo với nhau. Đây là một trong những nguyên tắc của giáo luật Islam. Khi đến với cộng đồng người Chăm Bani, nó đã trở thành điều kiện cơ bản để kết hôn. Nếu ai kết hôn với người khác tôn giáo thì người đó sẽ bị cộng đồng xem là “người ngoại lai, người uế tạp”, là người con bất hiếu, bị cha mẹ chối từ, cộng đồng loại bỏ [57, tr. 141]. Nặng hơn nữa sẽ bị Luật tục Chăm tước đi quyền lợi và nghĩa vụ trong cộng đồng. Theo quan niệm của người Chăm Bani, nếu kết hôn với người khác tôn giáo sẽ không biết phải tiến hành hôn lễ theo nghi thức của tôn giáo nào. Con cái sinh ra không đảm bảo được tính thuần khiết về dòng giống, sẽ không được hóa thân ở nghĩa địa Ghor khi chết. Mặc khác, người Chăm Bani muốn bảo lưu tôn giáo, sợ kết hôn với người khác tôn giáo sẽ làm mất đi tôn giáo mình. Kể cả kết hôn với người Chăm Balamon cũng bị coi là điều cấm kỵ. Do đó, nếu không phải là người Chăm Bani thì không được lấy nhau. Ariya Chăm viết:

“Chăm Balamon, Chăm Bani khác tôn giáo Do đó không được phép kết hôn với nhau

Kết hôn với nhau bị làng xóm cười chê Phạt đòn roi cho đến chết” [57, tr. 142].

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số trường hợp người Chăm Bani kết hôn với người khác tôn giáo mà vẫn được cộng đồng công nhận. Chỉ cần

người khác tôn giáo biết tiếng và chữ Chăm cổ truyền; chịu nghi lễ thành niên trước khi tổ chức nghi thức cưới hỏi: lễ Katat (nếu là con trai) và lễ Karơh (nếu là con gái); và tuân thủ đầy đủ các nghi lễ Bani; khi chết không được chôn chung vào nghĩa địa Ghor của dòng họ mà phải chôn riêng [30, tr. 25].

Thứ năm, hai người kết hôn phải là người đồng tộc, tức đều là người Chăm, nhằm tránh trường hợp xung đột văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, ngôn ngữ,…ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân. Nhưng điều kiện này không khắt khe như điều kiện kết hôn đồng tôn giáo. Cụ thể là trong lịch sử, có nhiều cuộc hôn nhân khác tộc của vua Jaya Sinhavarman III (Chế Mân) cưới Huyền Trân công chúa vào thế kỷ thứ XIV; vua Po Rome cưới công chúa Ngọc Khoa vào thế kỷ thứ XVII [65, tr. 105]. Tiếp nối lịch sử, ngày nay hôn nhân ngoại tộc còn phổ biến hơn, đa số là tầng lớp trí thức Chăm vì họ có điều kiện đi học, đi làm và giao tiếp rộng rãi. Tuy nhiên, việc kết hôn với người khác tộc, khác tôn giáo ít được cộng đồng Chăm Bani ủng hộ và họ xem đó là điều không hay.

Mặc dù vẫn còn một số trường hợp chưa đủ điều kiện kết hôn nhưng nhìn chung, người Chăm Bani đã chấp hành nghiêm chỉnh Luật Hôn nhân và Gia đình mà Nhà nước ta ban hành. Và dường như họ cũng đã làm mềm hóa, giản lược đi những nguyên tắc cứng nhắc, khắt khe của giáo luật Islam. Bởi trong lịch sử của Islam cũng như hiện nay, vẫn chưa có một cuộc hôn nhân ngoại tộc, ngoại tôn nào được phép lấy nhau.

2.1.1.2. Đăng ký kết hôn của người Chăm Bani ở tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận

Tiêu chuẩn trên chỉ là một trong những điều kiện cơ bản, đôi nam nữ Chăm Bani phải đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hay cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký kết hôn thì cuộc hôn nhân đó mới

được xem là chính thức. Đăng ký kết hôn là thủ tục pháp lý, là cơ sở để luật pháp bảo vệ quyền lợi và sự ràng buộc về nghĩa vụ của mỗi người. Nếu như không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận. Luật tục Chăm Bani cũng không chấp nhận trường hợp kết hôn không có sự chứng kiến của cha mẹ, họ hàng hai bên, đặc biệt là dưới sự chứng giám của Allah và ông bà tổ tiên. Như vậy, việc đăng ký kết hôn của người Chăm Bani ngoài sự công nhận của pháp luật còn phải thực hiện những lễ nghi cưới hỏi mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng.

Trước hết là lễ dạm hỏi, là lễ tiếp xúc đầu tiên, được xem là thủ tục cần thiết để gia đình hai bên thưa chuyện với nhau trước khi quyết định tiến tới việc kết hôn của đôi nam nữ.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của Islam giáo, nhưng do sống trong môi trường mang đậm chế độ mẫu hệ của Balamon và tín ngưỡng bản địa nên trong vấn đề hôn nhân, người con gái Chăm Bani luôn giữ vai trò chủ động. Sau khi đôi trai gái tự do tìm hiểu và ưng ý nhau thì nhà gái nhờ cậy ông mai, bà mối mang trầu cau sang nhà trai hỏi chồng cho con. Theo tiền lệ, vai trò của ông mai, bà mối đối với người Chăm Bani khá cần thiết. Tục ngữ Chăm có câu: “Trên trời không có mây thì không có mưa, dưới đất không có mai mối thì không thành thân” [72, tr. 97] hay câu: “ Hôn nhân ngàn dặm một dây nối”. Những câu tục ngữ này tuy có phần hơi tuyệt đối nhưng cũng đã phản ánh được phần nào vai trò của ông mai bà mối trong hôn nhân người Chăm Bani hiện nay.

Giống như quan niệm của người Chăm Balamonn, người Chăm Bani ở Ninh Thuận, Bình Thuận cho rằng đây là giai đoạn hoạt động khó khăn. Mọi việc được tiến hành âm thầm bí mật, càng kín đáo càng tốt. Nếu gia

đình và dòng họ nhà trai đồng ý, ông mai, bà mối sẽ báo lại cho cha mẹ cô gái để mang lễ vật đến nhà trai ấn định thời gian làm đám hỏi.

Lễ hỏi của người Chăm Bani là giai đoạn mọi việc tiến hành bán công khai. Theo cổ tục, tới ngày ấn định nhà gái sửa soạn lễ vật bao gồm các loại bánh truyền thống như sacada; pei nung, bánh “nònya”; “pei mang” và một số trái cây như chuối, xoài, nho v.v..., một ít rượu, đựng trong một cái “ciết” mang qua nhà trai.

Cùng đi với cha mẹ, cậu, dì còn có ông mai, bà mối và một số người họ hàng gần nhất. Bên nhà trai cũng mời họ hàng thân tộc đến tiếp chuyện. Khi bằng lòng nhận trầu cau, bánh trái của nhà gái nghĩa là nhà trai đã hứa hôn, nếu nhà trai bãi hôn không lý do chính đáng sẽ bị quy vào tội bội ước. Theo tục lệ, bên nhà trai sẽ chịu phạt và bồi thường danh dự vì đã làm “lỡ duyên” của cô gái và làm “xấu mặt” dòng họ.

Sau khi lễ hỏi được hai bên thống nhất, nhà gái nhờ ông mai, bà mối đến gia đình đàng trai bàn bạc ngày giờ cưới hỏi. Lễ cưới của người Chăm Bani cũng giống như lễ cưới của người Chăm Balamon, thường được tiến hành sau lễ hỏi ít ngày, nhưng tối đa không được quá bốn tháng để tránh trường hợp bị dèm pha. Thầy Cả sẽ là người giúp đỡ cha mẹ hai bên tính chọn ngày lành, tháng tốt và hợp tuổi với hai vợ chồng.

Nếu như người Chăm Islam có thể chọn bất cứ ngày giờ nào trong năm để tổ chức lễ cưới thì lễ cưới của người Chăm Bani được ấn định đúng ngày giờ, bất di bất dịch. Theo lịch Chăm, tổ chức lễ cưới vào tháng 3 (tương đương với tháng 7 dương lịch), 6 (tháng 10 dương lịch), 10 (tháng 2 dương lịch), 11 (tháng 3 dương lịch) được coi là những tháng phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp lễ cưới đã được gia đình hai bên thống nhất ngày giờ, nhưng không may một trong hai bên gia đình có tang ma hoặc vừa tổ chức các nghi lễ lớn thì hôn lễ phải tạm dừng. Điều này được

thể hiện rõ trong điều thứ mười chín, Luật Chăm: “Phàm lấy nhau làm vợ chồng không được lấy nhau trong tang ông bà, cha mẹ hoặc chồng đương để tang cho vợ hay vợ đương để tang cho chồng, thời hạn để tang là mười hai tháng. Nếu lấy nhau làm vợ chồng trong tang mà thân tộc tố cáo ở tòa, thời sự kết hôn ấy không có giá trị, phải bỏ lỡ” [57, tr. 283]. Ngược lại, mọi chuyện suôn sẻ không có gì xảy ra thì gia đình hai bên tiến hành lễ cưới cho đôi trẻ.

Lễ cưới của người Chăm Bani thường được tổ chức ở nhà gái và diễn ra trong ba ngày:

Ngày thứ nhất, bên nhà gái sẽ mời họ hàng, bạn bè đến giúp cho chủ nhà. Nam giới sẽ dựng một cái rạp trước ngôi nhà của cha mẹ cô gái. Cái rạp này là nơi phụ nữ trong gia đình và họ tộc chuẩn bị đồ ăn, thức uống phục vụ trong ngày cưới. Đây cũng là nơi để chủ nhà tiếp khách khi đến mừng cưới.

Vào ngày thứ hai, tất cả những công việc chuẩn bị đã hoàn tất xong. Đến ngày thứ ba, là ngày tổ chức lễ cưới chính thức (đại lễ). Trước kia hôn lễ của người Chăm Bani cũng được cử hành ở thánh đường với sự chứng kiến của Allah giống như các tín đồ Islam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Balamon giáo và những tín ngưỡng bản địa nên hôn lễ của người Chăm Bani ở Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay không tổ chức ở thánh đường mà tổ chức tại nhà lễ. Nhà lễ là một căn nhà được dựng lên theo hướng Đông – Tây, quay về thánh địa Mecca. Nhà lễ được dựng lên với một lòng thành kính, thay thế cho thánh đường, là nơi ngự trị linh thiêng của Allah và các vị thần linh. Các Đấng thiêng liêng này sẽ là người chứng giám cho hôn lễ của đôi vợ chồng.

Đến giờ đã định, bà con dòng họ và bạn bè thân thiết của chàng trai tập trung đông đủ. Hôn lễ của người Chăm Bani không giới hạn số người

đến tham dự như người Chăm Balamon. Nhà gái chuẩn bị cho các thành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân và gia đình người chăm bani hiện nay (qua khảo cứu tại tỉnh ninh thuận và tỉnh bình thuận) (Trang 36 - 46)