Một số giá trị tích cực trong hôn nhân và gia đình người Chăm Bani ở

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân và gia đình người chăm bani hiện nay (qua khảo cứu tại tỉnh ninh thuận và tỉnh bình thuận) (Trang 74 - 76)

7. Kết cấu của Luận văn

3.1. Đánh giá chung về đời sống hôn nhân và gia đình của người Chăm Bani ở

3.1.1. Một số giá trị tích cực trong hôn nhân và gia đình người Chăm Bani ở

Chăm Bani hiện nay ở tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận hiện nay

Hôn nhân và gia đình của người Chăm Bani ở tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận được coi là hôn nhân tiến bộ, gia đình bền vững khi những quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình mà Nhà nước ta ban hành được họ thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Đây chính là tiền đề cơ bản để góp phần xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh với lối sống đạo đức chuẩn mực. Hôn nhân của người Chăm Bani trước hết được dựa trên tình yêu, lòng chung thủy và tự nguyện. Mặc dù chịu ảnh hưởng của Islam giáo đi kèm với chế độ đa thê (người đàn ông được phép lấy không quá bốn vợ) nhưng ở cộng đồng người Chăm Bani, chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã được thiết lập chặt chẽ trong gia đình. Người đàn ông hay người phụ nữ phải hoàn tất thủ tục ly hôn và chấm dứt tình cảm với người vợ (hoặc chồng) của mình mới có thể lập gia đình mới. Bởi theo quan niệm của người Chăm Bani cho rằng kết hôn một vợ một chồng thì cuộc sống sẽ giàu sang sung túc. Việc kết hôn của người Chăm Bani, ngoài sự đồng ý của cha mẹ, họ hàng hai bên, của Allah còn phải được pháp luật công nhận. Do vậy mà khi đăng ký kết hôn, ly hôn, người Chăm Bani ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay đã tới ủy ban hay nơi ban hành pháp luật gần nhất để đăng ký. Bên cạnh đó, luật tục Chăm quy định, người nam phải từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được phép kết hôn với nhau. Quy định này không những tuân thủ theo quy định của Nhà nước mà còn tránh

được tình trạng rạn nứt gia đình do chưa suy nghĩ chính chắn và chưa đủ trưởng thành của cặp đôi.

Về gia đình, qua việc phân tích các mối quan hệ trong gia đình bao gồm mối quan hệ vợ - chồng, mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, mối quan hệ ông bà, anh, chị, em và nuôi dưỡng, có thể khẳng định rằng, gia đình của người Chăm Bani không những là gia đình bền vững mà còn là một thiết chế có tôn ti, trật tự. Gia đình đóng vai trò độc đáo và không thể thay thế được trong việc dạy dỗ con cái, là cái nôi giáo dục, hình thành nhân cách đầu tiên cho con trẻ khi bước ra xã hội. Gia đình dạy cho các con tình thương yêu, đoàn kết, trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau và nhất là sự hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Nếu một người sống trong gia đình biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thì khi ra ngoài xã hội cũng sẽ yêu thương và tôn trọng người khác. Sự hiếu thảo ấy luôn gắn liền với những lời nói, hành động cử chỉ hằng ngày. Và hơn hết, khi ông bà, cha mẹ mất đi, lòng hiếu thảo của con cháu còn thể hiện qua việc thờ cúng. Thờ cúng tổ tiên từ xưa đến nay vẫn còn được lưu giữ, truyền từ thế hiện này sang thế hệ khác. Thờ cúng tổ tiên không chỉ thờ cúng ông bà đã mất mà còn thờ cúng những vị thần có công với làng xã, với cộng đồng. Vào tháng chay Ramanda, dịp lễ tết, đám cưới, tang ma hay những nghi thức cúng tế trong gia đình, các thành viên trong gia đình sum vầy, cùng chuẩn bị sắm sửa mâm lễ tinh khiết để dâng cúng. Những văn hóa tín ngưỡng này đã trở thành thói quen, đi vào nề nếp và góp phần tô đậm, làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc. Gia đình không chỉ là nơi truyền đạo, dạy bảo các lễ nghi phép tắc, các nghi thức thờ cúng mà còn trở thành trường học đầu tiên giáo dục về đạo đức. Với mục đích hướng con cháu đến “Chân – Thiện – Mỹ”, thế hệ đi trước luôn muốn con cháu tránh làm việc ác, năng làm việc thiện. Với thông điệp đó, ông bà cha mẹ đã để lại những câu ca dao, tục ngữ sinh động

hay âm nhạc, điệu múa uyển chuyển. Song song với những chức năng đó, gia đình còn là nơi truyền thụ các giá trị văn hóa, đạo đức, tôn giáo, những kinh nghiệm lao động sản xuất đã được đúc kết trong cuộc sống hằng ngày.

Người phụ nữ Chăm Bani luôn có vị thế dù ở xã hội hay ở đời sống tinh thần. Họ có thể đến những nơi linh thiêng như thánh đường, nghĩa địa Ghor. Nghi lễ thành niên dành cho các thiếu nữ cũng tổ chức rầm rộ hơn nghi lễ dành cho chàng trai. Người phụ nữ được quyền chủ động cưới hỏi, nắm giữ “chìa khóa” gia đình, được quyền nuôi con và nhận phần tài sản nhiều hơn chồng sau ly hôn. Một số người phụ nữ Chăm Bani hiện nay có trình độ tri thức cao, là nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng, được tham gia hội hè, đình đám mà không bị cộng đồng lên án. Có thể thấy, chính trong hôn nhân và gia đình người Chăm Bani đã khuyến khích, khơi dậy vị thế quan trọng của người phụ nữ.

Như vậy, giá trị trong đời hôn nhân và gia đình người Chăm Bani có nhiều điểm tương đồng, phù hợp với đạo đức, văn hóa truyền thống dân tộc. Những giá trị ấy có tác dụng to lớn đến việc xây dựng hôn nhân tiến bộ và gia đình hạnh phúc trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động như hiện nay. Thiết nghĩ, trong công cuộc xây dựng đất nước, những giá trị đó nếu được giữ gìn và phát huy sẽ góp phần vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi gia đình và tiến tới xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, văn minh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hôn nhân và gia đình người chăm bani hiện nay (qua khảo cứu tại tỉnh ninh thuận và tỉnh bình thuận) (Trang 74 - 76)