Xây dựng hậu phương và chi viện cho tiền tuyến (1947 1950)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hậu phương thanh hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp (1945 1954) (Trang 25 - 60)

6. Bố cục luận văn

1.2. Xây dựng hậu phương và chi viện cho tiền tuyến (1947 1950)

1.2.1. Xây dựng và bảo vệ căn cứ hậu phương

Trước hành động gây chiến tranh xâm lược ra cả nước ta của thực dân Pháp, đêm 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cả nước đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến:

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, xuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. [46, tr.480]

Nhận rõ được bản chất xâm lược và tiềm lực hùng mạnh của thực dân Pháp cũng như thuận lợi và những khó khăn của ta, Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh đã sớm có những dự kiến đối phó với tình hình. Vì vậy, ngay sau khi phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, Đảng và Hồ Chí Minh đã kịp thời công bố đường lối, phương châm kháng chiến cho toàn dân thực hiện: tiến

hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài dựa vào sức mình là chính.

Để tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng nhiệm vụ xây dựng hậu phương, coi đó là một trong những nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh giải phóng dân tộc.

Thanh Hoá là một tỉnh thuộc vùng tự do Liên khu IV, có đủ điều kiện để xây dựng thành một hậu phương vững mạnh của cả nước. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, nghiên cứu hướng dẫn của cơ quan quân sự, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng các phương án tác chiến, tản cư, sơ tán, xây dựng, bảo vệ tỉnh với phương châm: mỗi người Thanh Hoá trở thành mỗi người lính đứng trong thế trận chiến tranh nhân dân. Ngày 20 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm Thanh Hoá. Nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hoá, Người phân tích và nêu rõ khó khăn của thực dân Pháp ở Đông Dương: rối ren về chính trị, sa sút về kinh tế, phải vay một triệu tấn lúa của Mỹ, mỗi tháng thiếu 1 tấn than, nhiều nhà máy đóng cửa, dân đói rét chứ tình hình không sáng sủa gì. Người trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, nhân dân tỉnh xây dựng Thanh Hoá thành tỉnh kiểu mẫu – căn cứ hậu phương chiến lược của kháng chiến chống thực dân Pháp. Người nhận định tình hình:

Thiên thời: ít tháng nữa, giới nóng nực, Pháp không chịu nổi khí hậu sẽ ngại dần, từ Nam chí Bắc đi tới đâu chỉ có tro tàn gạch vụn, Pháp đánh ngày nhưng ta lại đánh ban đêm.

Địa lợi: Ta ở nước ta, Pháp không quen đường đi.

Nhân hoà: Trừ một số việt gian, còn 25 triệu dân ta đều muốn tự do. Còn dư luận ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Dương, Miến Điện, Tân Gia Ba đều cho là chính nghĩa, mà đến Pháp cũng đa số ngả về ta.

Người nhấn mạnh: cần phải và có thể bảo vệ và xây dựng Thanh Hoá thành một vùng hậu phương vì ở đây “người đông, đất rộng, của nhiều”, “chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt”. Người nêu lên những vấn đề cần thực hiện để làm cho Thanh Hoá trở thành hậu phương là xây dựng và bảo vệ toàn diện cả về chính trị, hành chính, kinh tế, quân sự và xã hội. Người lưu ý Thanh Hoá cần phải làm tốt nhiệm vụ đón tiếp, giúp đỡ chu đáo cán bộ, đồng bào các nơi tản cư đến, từ 2,5 đến 10 vạn người.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đảng bộ Thanh Hoá đã tìm ra giải pháp phù hợp để chỉ đạo các vùng, miền trong tỉnh thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản là xây dựng, bảo vệ căn cứ, hậu phương Thanh Hoá. Đồng thời từng bước xây dựng Thanh Hoá trở thành một hậu phương chiến lược của cuộc kháng chiến toàn quốc.

- Về chính trị

Xây dựng hậu phương về chính trị là một trong những nhiệm vụ của công cuộc xây dựng và bảo vệ hậu phương trong kháng chiến. Vì vậy, việc củng cố và phát triển Đảng, hệ thống chính quyền các cấp và tổ chức quần chúng trở thành nhiệm vụ trước mắt hết sức khẩn trương.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: về chính trị, toàn dân đoàn kết, yêu nước chống Pháp. Chính quyền phải là đầy tớ của nhân dân, phải thanh khiết từ to đến nhỏ.

Trên tinh thần đó, ngày 20 tháng 12 năm 1946, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 1/SL về tổ chức bộ máy chính quyền trong thời kỳ đặc biệt. Thực hiện Sắc lệnh, cuối tháng 3/1947 Uỷ ban Kháng chiến (UBKC) tỉnh Thanh Hoá được thành lập, đồng chí Đặng Việt Châu – phái viên của Chính phủ được bổ nhiệm làm Chủ tịch. Trong tháng 4 và 5/1947, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cấp thành lập UBKC. Song song với UBKC thì Uỷ ban Hành chính (UBHC) cũng được thành lập do đồng chí Đặng Thai Mai làm Chủ tịch, ngày

4/4/1947 Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 41/SL về việc thành lập một Uỷ ban Hành chính đặc biệt miền Thượng du Thanh Hoá.

Nhiệm vụ của UBKC là giúp cấp uỷ thực hiện và đôn đốc công tác kháng chiến, giúp đỡ đồng bào tản cư, động viên nhân dân góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến. Xét thấy UBKC và UBHC đều có nhiệm vụ giống nhau, tháng 6/1947 Tỉnh uỷ Thanh Hoá tiến hành hợp nhất UBHC và UBKC thành UBHCKC, đồng chí Đặng Việt Châu được chỉ định làm Chủ tịch, đồng chí Đặng Thai Mai được Trung ương điều ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới.

Tháng 2 năm 1948, Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá Đại hội Đại biểu lần thứ nhất tại làng Thuần Hậu (xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân). Đại hội nhận định: cần phải đẩy mạnh mọi mặt công tác ở vùng Thượng du, “Thượng du thắng là Thanh Hoá thắng”, Đại hội đề ra nhiệm vụ: Xây dựng Thanh Hoá thành hậu phương vững mạnh để kịp thời cung cấp sức người, sức của cho chiến trường, đồng thời tổ chức chiến đấu tốt để bảo vệ hậu phương trong mọi tình huống.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ nói trên, Tỉnh uỷ đã điều động 200 cán bộ, đảng viên các huyện miền xuôi bổ sung cho các huyện miền núi nhằm củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Đảng và tổ chức quần chúng. Công tác phát triển đảng viên, xây dựng cơ sở Đảng ở Thượng du là một quá trình bền bỉ, lâu dài, liên tục và phải vượt qua nhiều khó khăn, cản trở, Tỉnh uỷ quyết định thành lập Đảng bộ Ban miền Tây, bước đầu là tổ chức Hội kháng chiến tập hợp những quần chúng tiến bộ tuyên truyền giác ngộ đường lối, chủ trương của Đảng.

Trong công tác xây dựng Đảng, mục tiêu của Đảng bộ nêu lên trong những năm 1947 – 1950 là tích cực phát triển đảng viên mới, nhanh chóng xây dựng cơ sở Đảng ở các ngành, các cấp, tổ chức chi bộ Đảng ở các xã,

thành lập Đảng bộ huyện để đảm bảo tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng. Qua thực tế phong trào xây dựng Thanh Hoá thành tỉnh kiểu mẫu, hàng ngàn quần chúng đã được kết nạp vào Đảng: năm 1946, Đảng bộ có 360 đảng viên, cuối năm 1947 có 2.800 đảng viên. Các huyện đồng bằng ven biển đã thành lập được chi bộ, hầu hết các xã đã có chi bộ; năm 1948 có 10.312 đảng viên và 82 chi bộ “tự động”, 12 chi bộ “tiến bộ”.

Tuy nhiên một bộ phận đảng viên trong Đảng còn mang nặng tư tưởng hẹp hòi, trình độ năng lực yếu song đã được khắc phục trong quá trình trưởng thành của Đảng, các huyện miền núi đã thành lập được các Đảng bộ như Ngọc Lặc, Lang Chánh…., nhiều Chi bộ vùng Công giáo đã được xây dựng và củng cố phát huy vai trò lãnh đạo của giáo dân tham gia phong trào cách mạng của toàn Đảng, toàn dân.

Xây dựng và củng cố hậu phương về chính trị là yếu tố hàng đầu, quyết định sự thành hay bại của cuộc kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần tận tụy, gương mẫu của tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên, với hệ thống tổ chức chính quyền và đoàn thể không ngừng được củng cố và ngày càng vững mạnh, sự ủng hộ và tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân, Thanh Hoá đã xây dựng được hậu phương vững chắc về chính trị. Sự vững mạnh về chính trị của hậu phương kháng chiến có ý nghĩa quyết định đối với các lĩnh vực xây dựng hậu phương về kinh tế, quân sự, văn hóa xã hội.

- Về kinh tế

Xây dựng hậu phương về kinh tế là một lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong vai trò của hậu phương đối với cuộc kháng chiến.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: Thực dân Pháp phá hoại kinh tế của ta, phong toả cả trong và ngoài. Ta phải làm tự cấp, tự túc, dù nó có phong toả 10 năm, 15 năm ta cũng không sợ.

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế, nhân dân Thanh Hoá đã không ngừng vượt qua mọi khó khăn, thách thức xây dựng kinh tế vững mạnh nhằm chi viện cho tiền tuyến.

Thực hiện lời dạy của Người, Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp vận động nhân dân thực hiện khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”, khuyến khích khai hoang phục hoá,…. UBHCKC tỉnh đã chỉ đạo các cấp thực hiện việc chia đất cho phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, vận động các chủ ruộng nhường bớt ruộng cho người nghèo cày cấy, nhiều hình thức tổ chức sản xuất tập thể trong nông nghiệp như tổ đổi công, hợp tác xã phát triển nhanh, những nơi có nhiều đồi núi thì cho lập những trại sản xuất dân quân. Do áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật, diện tích canh tác được mở rộng, năng suất, sản lượng lương thực tăng, năm 1947 thu hoạch được “26 vạn tấn thóc, 48.000 tấn khoai, 7.800 tấn ngô, 547 tấn bông” [7, tr. 52], năm 1948 toàn tỉnh có 15 vạn con trâu, hệ thống mương máng được sửa chữa và làm mới, hàng trăm héc ta ruộng đất của huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương được rửa mặn. Để đảm bảo người nông dân có ruộng đất cày cấy, Tỉnh uỷ đã kịp thời chỉ đạo việc chia lại công điền, công thổ và ruộng đất của bọn Việt gian phản quốc cho nông dân, vận động các gia đình có nhiều ruộng đất hiến điền. “Năm 1948 có 2.497 điền chủ thực hiện giảm tô trên diện tích 13.770 mẫu ruộng, năm 1949 tăng lên 23.770 mẫu ruộng được giảm tô, năm 1950 hầu hết các chủ đất phải thực hiện triệt để giảm tô 25%” [7, tr. 53]. Thông qua phong trào hiến điền, chính quyền cách mạng đã nhận được 1.799 mẫu. Năm 1949, nông dân tỉnh đã bán 7.936 tấn lúa khao quân và đóng góp hàng ngàn tấn để cung cấp cho bộ đội địa phương. Biểu dương tinh thần đóng góp nuôi quân, ngày 15/6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi 3 xã xuất sắc nhất là: Xã Tân Tiến đã ủng hộ 1.300.000 đồng, xã Hoằng Lộc đã ủng hộ 2.200.000 đồng, xã Đông Anh đã ủng hộ 3.800.000 đồng.

Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Để phù hợp với điều kiện kháng chiến, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo xây dựng các cơ sở công nghiệp quốc phòng theo quy mô nhỏ, phân tán và bí mật. Năm 1947, Tỉnh uỷ chủ trương thành lập công xưởng Đức Huấn, Cao Thắng, Phạm Hồng Thái sản xuất lựu đạn, súng, mìn và các loại vũ khí thô sơ cung cấp cho lực lượng vũ trang nhân dân địa phương, tháng 6/1947 Thanh Hoá đã chế tạo thành công súng cối 58 mm. Để phục vụ cho việc sản xuất vũ khí, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo xây dựng cơ sở sản xuất diêm tiêu, khai thác Ăngtynol, phốt phát, than bùn, xưởng sản xuất ca-phê-in ở chợ Thượng…. Năm 1949, có 3 điểm sản xuất các loại vũ khí để cung cấp cho chiến trường: “Tại núi Đa Nê (huyện Yên Định) có 2 xưởng đúc vỏ đạn moóc-chi-ê, mìn, lựu đạn; xưởng Phan Huy Thuấn sản xuất súng kíp; Thọ Long sản xuất đao, kiếm, lựu đạn” [22, tr.141]; “xưởng quân giới Chu Lễ là nơi đầu tiên chế tạo được axít sunphuríc bằng phương pháp thủ công” [54, tr. 289].

Các nghề thủ công truyền thống của địa phương như dệt vải, dệt lụa, đan lưới, đúc đồng. Mặc dù địch tăng cường đánh phá, bao vây kinh tế, năm 1950 toàn tỉnh Thanh Hoá có 13.000 khung dệt vải khổ hẹp, 180 khung dệt vải khổ rộng. Nghề dệt phát triển mạnh nhất ở các huyện như Hoằng Hoá, Thọ Xuân và thị xã Thanh Hoá. Năm 1949 cả tỉnh có 30 cơ sở sản xuất giấy đạt sản lượng 172 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và Trung ương. Ở các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoằng Hoá, Hậu Lộc, nghề đi biển và làm muối được mở rộng tạo thêm sản lượng phục vụ cho nhân dân trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh và nước bạn Lào.

Về tài chính

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chương trình cải cách chính sách tài chính và thuế của Nhà nước chưa được thực hiện, Chính phủ buộc phải dựa vào việc phát hành giấy bạc là chính. Số giấy bạc được phát hành

ngày một tăng đã đẩy giá cả lên cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của cán bộ, bộ đội và nhân dân. Vì vậy, để hạn chế số tiền phát hành quá mức, Nhà nước đã dùng hình thức phát hành công trái kháng chiến.

Hưởng ứng chủ trương nói trên của Chính phủ, các tầng lớp nhân dân tỉnh đã tích cực tham gia mua “công trái kháng chiến”. Hầu hết các huyện, thị đều nhiệt tình hưởng ứng, điển hình là năm 1949 huyện Hà Trung mua 2,1 triệu đồng, huyện Nông Cống mua 2,2 triệu đồng.

Thời kỳ đầu kháng chiến kiến quốc (1947 – 1950), kinh tế Thanh Hoá phát triển: diện tích đất nông nghiệp tăng, người nông dân có ruộng cày cấy, sức kéo được đảm bảo, hệ thống tưới tiêu được xây dựng góp phần giải quyết được vấn đề lương thực cung cấp cho tiền tuyến; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhanh chóng phát triển phục vụ nhu cầu của kháng chiến, tài chính được kiểm soát đúng đắn, nhân dân các dân tộc hăng hái thi đua đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng Thanh Hoá trở thành một tỉnh vững mạnh của hậu phương kháng chiến.

- Về quân sự

Sau kháng chiến toàn quốc bùng nổ, giặc Pháp ra sức tăng cường lực lượng, củng cố các đô thị và trục đường đã chiếm đóng, dần dần mở rộng chiến tranh đánh ra các vùng nông thôn, đồng bằng. Chúng bắt đầu cho quân đánh vào hậu phương Thanh Hoá theo 2 hướng ven biển và miền núi.

Ngày 6/3/1947, Pháp cho 60 tên đổ bộ lên Diêm Phố (Hậu Lộc), ngày 19 và 21/3/1947 đổ bộ lên Lạch Trường (Hoằng Hoá), ngày 8, 12/7 đến cuối tháng 8/1947 địch cho từ 40 - 60 tên biệt kích lên Du Xuyên, Ba Làng (xã Hải Thanh, Tĩnh Gia), Biện Sơn (xã Hải Thượng, Tĩnh Gia). Cùng lúc cho phi cơ oanh tạc nhà Dòng (thị xã Thanh Hoá), ném bom phố Vạn Hà (Thiệu Hoá), đập Bái Thượng (Thọ Xuân). Mục đích của địch là muốn thăm dò sự đề phòng của ta, uy hiếp tinh thần nhân dân, mặt khác là để chọn hướng chiến

lược trong Thu – Đông 1947. Tiến công Việt Bắc, căn cứ địa kháng chiến hoặc vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Miền Tây Thanh Hoá có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ tiếp giáp với nước bạn Lào, nối thông với tỉnh Nghệ An, Hoà Bình, Sơn La thành một hành lang phía Tây từ vùng tự do Liên khu IV lên Tây Bắc và Việt Bắc.

Với âm mưu dùng chiến thuật “vết dầu loang”, thực dân Pháp từ miền Thượng Lào cho nhiều toán quân theo sông Mã, sông Luồng, sông Lò tiến sâu vào các huyện Quan Hoá. Ngày 1/5/1947, địch chiếm đóng thị trấn Hồi Xuân (Quan Hoá), ngày 7/5/1947 địch tiến quân đánh chiếm xã Cổ Lũng (Bá Thước). Ở phía Tây Nam, địch kéo quân từ Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn, nước Lào) tràn vào chiếm đóng xã Yên Khương (Lang Chánh) và xã Bát Mọt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hậu phương thanh hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp (1945 1954) (Trang 25 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)