Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục đại học việt nam 1986 2000 (Trang 33 - 38)

7. Kết cấu luận văn

1.6. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Nghiên cứu khoa học

Hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đào tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn giáo viên, học sinh:

“Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà” [1, tr. 324].

Trong những năm 1986–1990, các trường đại học đã được Nhà nước giao chủ trì 7 chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện trên 200 đề tài thuộc cấp Nhà nước và 350 đề tài thuộc cấp Bộ với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng và trên 2.000 đề tài cấp trường [19, tr. 249].

Để khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, tháng 9-1989, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã có quyết định đặt giải thưởng cho sinh viên về nghiên cứu khoa học. Số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng. Trong giai đoạn này, có 150 công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên được xét thưởng. Một số đề tài nghiên cứu của các trường Đại học đã được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trực tiếp ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ với giá trị lớn nhằm hỗ trợ vốn cho quá trình triển khai.

Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất giai đoạn 1986– 1990 trong các trường đại học đã được tổng kết nghiệm thu và được đánh giá rất cao, trong đó có 5/7 chương trình cấp Nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đạt mức xuất sắc, 2 chương trình đạt loại khá. Có 60% số đề tài nghiệm thu đạt mức xuất sắc trên tổng số 150 chương trình cấp Nhà nước,... 79 công trình khoa học đạt kết quả tốt có giá trị và triển vọng ứng dụng vào thực tiễn cao [21, tr. 192]. Đến cuối năm 1990, phần lớn các đề tài nghiên cứu khoa học đã kết thúc giai đoạn nghiên cứu và chuyển sang giai đoạn triển khai ứng dụng vào sản xuất.

Tuy nhiên, “việc chỉ đạo chủ trương hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học – lao động sản xuất còn nhiều sơ hở kể từ khâu duyệt cho đến các khâu quản lý cụ thể; nhất là về mặt quản lý tài chính” [57, tr. 304]. Các hình thức liên kết giữa nhà trường và xã hội còn giới hạn trong một số trường, chưa được mở rộng đến nhiều trường.

Hợp tác quốc tế

Trong giáo dục đại học, hợp tác quốc tế là hoạt động rất quan trọng, tạo điều kiện cho cán bộ giảng dạy, sinh viên các trường đại học tiếp cận với trào lưu tiến bộ của khoa học kỹ thuật thế giới.

Trong 3 năm từ 1987-1990, xuất phát từ những tư tưởng chỉ đạo chung của công cuộc đổi mới từ Đại hội VI và thực hiện 3 chương trình của ngành giáo dục đại học, hợp tác quốc tế đã được mở rộng và phát triển mạnh.

Mặc dù có một số khó khăn lớn do những biến động chính trị ở Đông Âu và Liên Xô (cũ), các nước này đã giảm hẳn quan hệ Việt Nam. Các nước tư bản chưa vào nhiều, trong khi một vài khu vực thì chưa có chủ trương hợp tác quốc tế, nhưng hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học được duy trì mức độ hợp tác của năm 1989.

Trong những năm 1991-1995, giáo dục đại học đã hợp tác với một số nước như: Liên Xô (cũ) và Đông Âu, Nhật Bản, Triều Tiên, Mông Cổ, Ba Lan, Ôxtrâlylia, v.v.. và các tổ chức của Liên Hiệp quốc như UNESCO11, UNICEF12,... Một số trường đã được tiếp nhận tài trợ của các dự án do UNICEF tài trợ như: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Quốc gia HN),...[12, tr. 125].

Từ năm 1988, Chính phủ Nhật Bản đã cấp học bổng để các nhà nghiên cứu và sinh viên Việt Nam đủ tiêu chuẩn có điều kiện sang học tập và nâng cao trình độ tại Nhật Bản. Sự hợp tác giữa các trường đại học của Việt Nam và Nhật Bản đã vun đắp thêm mối tình hữu nghị và tăng cường mối giao lưu văn hóa giữa hai nước. Năm 1989, WUS Cộng hòa Liên bang Đức (là một thành viên của WUS Quốc tế) có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đã hỗ trợ học sinh, sinh viên và giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng nhiều nơi ở

11. UNESCO: Tên viết tắt của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc.

12. UNICEF: Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc là cơ quan thuộc hệ thống Liên hiệp quốc, được thành lập sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai vào năm 1946. Ngay từ khi đất nước thống nhất năm 1975, Chính phủ Việt Nam và UNICEF đã bắt đầu hợp tác.

Việt Nam. WUS – Cộng hòa Liên bang Đức phối hợp với WUS – Việt Nam “tổ chức mỗi năm từ 1 đến 3 hội thảo khoa học cho các giáo viên, cán bộ quản lý và sinh viên trong các trường đại học như: Hội thảo về chuyển giao công nghệ, về kinh tế thị trường năm 1990, về quản lý khoa học trong trường đại học năm 1990” [123, tr. 230-231].

Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học trong giai đoạn này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và giao lưu hợp tác giáo dục đại học Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tiểu kết chương 1

Công cuộc xây dựng nền giáo dục đại học Việt Nam từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến trước đổi mới (năm 1985) trải qua ba cuộc cải cách giáo dục. Mặc dù trải qua hai cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ cùng với trình độ kinh tế chậm phát triển, nhưng giáo dục đại học Việt Nam vẫn được phát triển và đạt được những thành tựu đáng tự hào, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 năm 1986) đã mở ra cho ngành giáo dục Việt Nam một giai đoạn đổi mới tư duy về giáo dục đại học, - mà dấu ấn bắt đầu từ Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học toàn quốc năm 1987 tại thành phố Nha Trang với “4 tiền đề” về đổi mới giáo dục. Nhìn chung, giáo dục đại học Việt Nam những năm 1986 - 1990 đã được duy trì, có tác dụng thiết thực và đạt được hiệu quả rõ rệt, giải quyết được một số khó khăn, tồn tại đã từ lâu; tình trạng yếu kém cũng dần được khắc phục; mục tiêu, nội dung chương trình và phương pháp giáo dục đã có tiến bộ; phát triển được quy mô đào tạo với đa dạng các hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của người học và tạo việc làm cho sinh viên ngành sư phạm, cán bộ giảng dạy, quản lý.Đây là một thành tựu quan trọng mà giáo dục đại học đạt được trong thời kỳ này.

Mặc dù giáo dục đại học Việt Nam những năm 1986 - 1990 chưa đáp ứng được những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và còn nhiều bất cập chưa được giải quyết, nhưng những kết quả bước đầu ngành giáo dục đại học đạt được là vô cùng to lớn trong việc đổi mới tư duy để xây dựng được những quan điểm đổi mới và những chính sách, chương trình hành động, làm thay đổi căn bản diện mạo giáo dục đại học Việt Nam. Đây là tiền đề đặc biệt quan trọng để giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục đổi mới và gặt hái những thành quả quan trọng trong những giai đoạn tiếp theo.

Chương 2

GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 1995

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục đại học việt nam 1986 2000 (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)