Quán triệt và vận dụng linh hoạt đƣờng lối chiến tranh nhân dân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lực lượng biệt động thành phố đà nẵng trong kháng chiến chống mỹ, cứu nước, giai đoạn chiến tranh cục bộ (1965 1968) (Trang 71 - 78)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1. Quán triệt và vận dụng linh hoạt đƣờng lối chiến tranh nhân dân

dân của Đảng, xây dựng lực lƣợng biệt động phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình thành phố Đà Nẵng trong từng giai đoạn, từng nhiệm vụ cách mạng.

Đường lối kháng chiến của Đảng và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước là chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực, tự cường, thể hiện bằng những nét cơ bản là: cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, vũ trang quần chúng, xây dựng quân đội nhân dân, vận dụng cách đánh giặc bằng sức mạnh toàn dân, lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ

lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt. Đánh giặc bằng nghệ thuật: Dĩ đoản chế trường (lấy ít đánh nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông). Tư tưởng chiến lược, chiến dịch, chiến thuật tác chiến là tiến công, kết hợp chặt chẽ tiến công với làm chủ, làm chủ để tiến công thực hiện trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn - đồng bằng và đô thị). Căn cứ đặc điểm tình hình của từng vùng mà vận dụng cho phù hợp, ở vùng rừng núi lấy tiến công quân sự làm chính, ở vùng nông thôn - đồng bằng (nhất là vùng ven, vùng tranh chấp) kết hợp cả tiến công quân sự với tiến công chính trị, nổi dậy giành quyền làm chủ, còn thành phố, đô thị thì lấy tiến công chính trị làm chính, lấy tiến công quân sự làm đòn bẩy hỗ trợ cho đấu tranh chính trị. Vận dụng đẩy đủ, linh hoạt các yếu tố trên tạo nên sức mạnh tổng hợp để từng bước đánh lui dịch, đánh đổ từng phần, tiên đến đánh bại hoàn toàn bộ máy chiến tranh của địch.

Quán triệt và nắm vững những tư tưởng chỉ đạo trên đây, trong quá trình kháng chiến, cấp ủy, chỉ huy các cấp (Khu ủy Khu 5, Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Đà, Thành ủy Đà Nẵng và các Quận ủy) đã đề ra các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, biện pháp kịp thời, linh hoạt để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến ngay trong hậu phương của dịch. Trước hết là đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng, xây dựng cơ sở, tiến đến xây dựng lực lượng cách mạng, bao gồm lực lượng chính trị nòng cốt trong các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương (Đặc công, Biệt động, Tự vệ chiến đấu trong lòng địch). Kết hợp xây dựng lực lượng với xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân. Phát động phong trào nhân dân du kích chiến tranh ngay trong hậu cứ của địch, vận dụng chiến thuật, thủ đoạn, cách đánh, vũ khí trang bị để tiến công địch, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, tạo thế, tạo lực để lực lượng bên ngoài mở các trận đánh, các chiến dịch quy mô lớn. Đây là kinh nghiệm quý báu, thể hiện tư duy sáng tạo

trong nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân trong thành phố, đô thị do đối phương kiểm soát.

Hơn nữa, lực lượng biệt động là sản phẩm của của chiến tranh nhân dân phát triển đạt đến trình độ cao, bởi vậy mà quá trình xây dựng, phát triển và hoạt động của lực lượng này luôn gắn liền với quá trình phát triển của chiến tranh du kích, của thế trận chiến tranh nhân dân tại các đô thị. Biệt động cũng là dân, mà dân cũng là Biệt động; tổ chức các đơn vị vũ trang Biệt động không theo một khuôn mẫu cụ thể mà hết sức linh hoạt, sáng tạo, phong phú và đa dạng tùy theo tình hình từng thời điểm và phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương. Có đơn vị Biệt động được tổ chức khá bài bản, từ khâu tuyển chọn, huấn luyện cho đến công tác bảo đảm, xây dựng kế hoạch tác chiến; nhưng cũng có những tổ, nhóm Biệt động hình thành trên cơ sở một nhóm người có tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng tự tìm đến với nhau, tự đứng ra tổ chức, tự huấn luyện với nhau, tự lo công tác bảo đảm, tự tìm địch mà đánh, tìm mục tiêu mà tiêu diệt. Nhiều đơn vị Biệt động được hình thành và hoạt động dưới vỏ bọc của các nghiệp đoàn, các tổ chức xã hội, các hội, các cơ sở sản xuất ở nội thành, nội thị…tạo nên một "thiên la địa võng" làm cho địch khó bề theo dõi và kiểm soát. Nhiều đơn vị Biệt động sở dĩ bám trụ hoạt động được dài ngày ngay trong lòng địch chính là nhờ vào hệ thống hầm bí mật của các cơ sở chính trị được xây dựng trong lòng đô thị (220, 230). Cũng có những tổ, nhóm Biệt động nằm "lót ổ" ngay trong bộ máy các cơ quan đầu não của địch…

Thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển và hoạt động của lực lượng biệt động ở Đà Nẵng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho thấy dù ra đời trong hoàn cảnh nào, được tổ chức ở quy mô, cấp độ khác nhau; phương thức hoạt động, cách đánh dù biến hóa, đa dạng đến đâu thì mọi hoạt động xây dựng và tác chiến của lực lượng biệt động trước sau đều phải có sự chỉ

đạo, chỉ huy thống nhất, đều phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ huy của các cơ quan quân sự địa phương như tỉnh đội, thành đội, thị đội; sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức quần chúng như mặt trận, tổng hội, Thanh vận, Phụ vận,... Quá trình xác định mục tiêu, nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang Biệt động luôn phải quán triệt đầy đủ và sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nghệ thuật tác chiến trong đô thị. Chỉ có như thế và nhờ vào đó mà lực lượng Biệt động mới có thể tồn tại và tác chiến hiệu quả được ngay trong lòng địch.

3.2 Xây dựng thế trận lòng dân là nền tảng của hoạt động tác chiến biệt động ở thành phố Đà Nẵng

Dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử đã xây dựng nên truyền thống đấu tranh dựng nước đi đôi với giữ nước, thế trận chiến tranh nhân dân đã sẵn có trong truyền thống quý báu đó của dân tộc ta. Kế thừa truyền thống ấy, Đảng ta xác định: Tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, kết hợp tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” [51; tr. 502]. Trong mọi hoàn cảnh lịch sử, thế trận lòng dân vẫn luôn là nền tảng cho sự nghiệp cách mạng. Lực lượng biệt động ra đời, trưởng thành và phát triển ở Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn “Chiến tranh cục bộ” là lực lượng đặc biệt về tổ chức, trang bị và hoạt động tác chiến. Biệt động cũng là dân, mỗi người dân có thể là một chiến sĩ biệt động. Với Mỹ và chính quyền Sài Gòn, phân biệt giữa biệt động và thường dân không phải việc dễ dàng nếu như không có mạng lưới gián điệp, chỉ điểm. Do đó, để lực lượng biệt động hoạt động có hiệu quả thì yếu tố tiên quyết là xây dựng trận địa lòng dân, xây dựng các cơ sở cách mạng vững chắc, rộng khắp, xây dựng cơ sở nội tuyến kiên trung thực hành đánh địch từ bên trong. Nhân dân sẽ tạo thế hợp

pháp, nuôi dưỡng, nắm địch, nắm địa bàn, vận chuyển và cất giấu vũ khí, chỉ định mục tiêu cho biệt động thực hành tác chiến.

Thế trận lòng dân là nền tảng, là vấn đề đầu tiên và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hoạt động tác chiến nói chung, hoạt động tác chiến biệt động nói riêng. Nếu không được lòng dân, không được quần chúng nhân dân che chở, ủng hộ, đùm bọc, nuôi dưỡng thì lực lượng biệt động không thể bám trụ hoạt động tác chiến trong nội thành, nội thị được. Dưới sự kìm kẹp của địch, việc gây dựng cơ sở cách mạng cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có lòng dân ủng hộ, người dân cảm tình cách mạng, căm ghét chính quyền Sài Gòn nên họ “treo ảnh quốc gia” nhưng “thờ ma Cộng sản”. Điều cốt yếu là lòng dân hướng về Đảng, hướng về cách mạng. Ở Đà Nẵng có rất nhiều người dân là cơ sở cách mạng, nuôi dưỡng che giấu cán bộ, cất giấu vũ khí, tài liệu, cung cấp lương thực, thực phẩm, tiền bạc, thuốc men cho lực lượng biệt động, sẵn sàng bảo lãnh, tạo thế hợp pháp cho cán bộ, chiến sĩ biệt động hoạt động tác chiến.

Nhận thức được tầm quan trọng của thế trận lòng dân, ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến, mặc dù ta chưa có lực lượng vũ trang, chưa có lực lượng biệt động ở các thành thị, nhưng những cán bộ, chiến sĩ không đi tập kết được cài cắm ở lại đã tích cực thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ, vừa làm nhiệm vụ tác chiến diệt ác, trừ gian, vừa làm giao liên, thiết lập các đường dây bí mật giữa căn cứ với đô thị, vừa móc nối, xây dựng cơ sở... Để xây dựng cơ sở trong điều kiện địch bố phòng, kiểm soát chặt chẽ, khủng bố dã man, khống chế kìm kẹp quần chúng nhân dân trong đô thị rất gắt gao, cán bộ ta phải nhịn đói, nhịn khát, nằm hầm, ngủ bụi để tìm cách thâm nhập đô thị, tìm cách tiếp xúc nhân dân, gặp gỡ móc nối cơ sở cũ, xây dựng cơ sở mới, nhiều lần bị địch truy lùng, săn đuổi, không ít đồng chí đã hy sinh, nhiều đồng chí bị lộ, bị bắt, phải chịu mọi cực hình tra tấn dã man hoặc dụ dỗ, cưỡng ép

của địch. Mỹ và chính quyền Sài Gòn dù có lắm âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, tàn bạo nhưng cũng không thể chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân.

Nếu không có lòng dân ủng hộ thì biệt động không thể đánh địch được. Đây là thực tiễn lịch sử. Vì vậy, xây dựng cơ sở quần chúng, xây dựng cơ sở nội tuyến, thực hiện bám cơ sở, bám địa bàn, bám địch để đánh địch là yếu tổ đặc biệt quan trọng để lực lượng biệt động hoạt động tác chiến giành thắng lợi. Mỹ và chính quyền Sài Gòn biết rõ điều đó nên chúng tìm mọi cách kiểm soát, khống chế nhân dân, đảnh phá cơ sở của ta nhằm tách cán bộ, chiến sĩ ta ra khỏi nhân dân bằng thủ đoạn “tát nước bắt cá”. Nhưng nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, nhiều người dân dù không phải là cơ sở cách mạng, cũng tuỳ theo điều kiện và khả năng của mình, sẵn sàng làm những việc có lợi cho cách mạng. Trước sự kìm kẹp gắt gao của địch, bọn chỉ điểm lãng vãng khắp nơi, người dân đã âm thầm giúp đỡ lực lượng biệt động. Địch treo giải thưởng cho ai bắt giết cán bộ, chiến sĩ biệt động nhưng người dân không hề khai báo. Cuộc sống của người dân mặc dù rất khó khăn nhưng vẫn âm thầm tích góp tiền bạc cho các cơ sở để giúp đỡ biệt động tác chiến. Người dân cũng sẵn sàng bảo lãnh cho cán bộ, chiến sĩ biệt động, đánh lạc hướng địch, sẵn sàng hy sinh bản thân để đưa cán bộ, chiến sĩ biệt động đến nơi an toàn khi bị địch bao vây, bố ráp.

Một trong nhiều sự kiện về lòng dân ủng hộ lực lượng biệt động là: Ngày 15 tháng 4 năm 1965, chính quyền Sài Gòn tại Đà Nẵng đưa Đội trưởng biệt động Lê Độ ra xử bắn công khai tại sân vận động Chi Lăng trước sự chứng kiến của đông đảo người dân nhằm uy hiếp tinh thần họ. Chính địch cũng không ngờ rằng người dân hô vang “phản đối hành động giết người vô tội” [8; tr. 113]. Thấy tình thế bất ổn, viên chỉ huy cuộc hành quyết ra lệnh đưa Lê Độ

lên xe chạy ra khỏi sân vận động. Sau đó, chúng thủ tiêu anh ở nơi nào không rõ. Tấm gương dũng cảm của Lê Độ đã cổ động tinh thần yêu nước của nhân dân Đà Nẵng, đặc biệt là nhiều thanh niên tìm cách thoát ly tham gia cách mạng với quyết tâm đánh bại quân xâm lược Mỹ và chính quyền Sài Gòn, công cụ để thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.

Chính người dân cũng tuyên truyền, kịp thời phát hiện và cô lập những phần tử ác ôn, chỉ điểm, gián điệp của dịch, tạo thành lực lượng chính trị rộng khắp, hỗ trợ tích cực cho hoạt động tác chiến biệt động. Những đóng góp và sự hy sinh thầm lặng của người dân cho hoạt động tác chiến của lực lượng biệt động là vô cùng to lớn. Điều này tạo nên động lực cho từng cán bộ, chiến sĩ biệt động trong quá trình chiến đấu.

Vai trò của các cơ sở cách mạng, quần chúng nhân dân trong hoạt động tác chiến biệt động thể hiện cụ thể tại thành phố Đà Nẵng, lực lượng biệt động bám trụ và chiến đấu không thể thiếu các cơ sở cách mạng nội thành và các căn cứ lõm ở vùng ven; nổi bật là căn cứ Đa Mặn - Mỹ Thị, căn cứ nổi Sông Đà, lõm chính trị Hòa Đa, căn cứ Hồng Phước... Tại Hồng Phước, cơ sở Phạm Thị Miên có đến 7 hầm bí mật, hầm bí mật nhà cơ sở Hoài là nơi tổ chức nhiều cuộc họp quyết định nhiều cuộc tiến công của ta vào Đà Nẵng và cánh Bắc Hòa Vang; gia đình cơ sở Phạm Thị Dĩ có đến 4 hầm bí mật đồng thời là địa điểm “chong đèn” phát tín hiệu cho cán bộ, chiến sĩ ta về hoạt động; khi đêm về, mẹ Dĩ thắp ngọn đèn dầu trước nhà mình, đèn đỏ là không có địch, đèn tắt là có địch. Mẹ Dĩ là “ngọn đèn đứng gác” cho các con từ căn cứ về hoạt động cách mạng. Tại nội thành có nhiều nhà cơ sở, tiêu biểu như mẹ Nhu (Lê Thị Dảnh) đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cho các chiến sĩ biệt động quận Nhì (26 - 12 - 1968).

Xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu trong thành thị - nơi đóng các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn là nhiệm vụ vô cùng khó khăn

và hiểm nguy. Những cá nhân từng là cán bộ, chiến sĩ biệt động đều khẳng định: Không có nhân dân che chở thì biệt động không thể bám trụ tác chiến được. Đây là tiếng nói của những người trong cuộc, là sự thật lịch sử. Quân với dân như cá với nước, quân với dân một ý chí. Đó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Cho dù Mỹ và chính quyền Sài Gòn có trăm phương, ngàn kế thâm độc, quỷ quyệt đến đâu cũng không thể nào kìm kẹp được lòng dân. Lòng dân chính là nền tảng chiến tranh nhân dân địa phương nói chung, của hoạt động tác chiến biệt động nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lực lượng biệt động thành phố đà nẵng trong kháng chiến chống mỹ, cứu nước, giai đoạn chiến tranh cục bộ (1965 1968) (Trang 71 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)