Mục tiêu của chính sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách an ninh của mỹ đối với khu vực đông nam á dưới thời tổng thống barack obama (2009 2012) (Trang 44 - 49)

1.2.2 .Can thiệp quân sự nước ngoài

2.1. Mục tiêu của chính sách

Hoa Kỳ là một quốc gia có những lợi ích lâu dài tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngay từ những ngày đầu thành lập, quốc gia này đã có những hoạt động buôn bán với châu Á, đánh dấu bằng chuyến tàu Empress of China (Nữ hoàng Trung Hoa) rời cảng New York tháng 2 năm 1784, cập bến Maccao trên bờ biển Trung Quốc vào tháng 8 và trở về Mỹ tháng 5 năm sau với hàng hóa của Trung Quốc. Lợi ích trong buôn bán với châu Á đã đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại quan trọng của Nhật Bản, với sự ra đời của Hiệp ước Kanagawa 1854 cho phép Mỹ tiếp cận thị trường của nước này và đảm bảo sự bảo vệ cho các thủy thủ Mỹ bị đắm tàu69. Với lịch sử quan hệ hơn hai trăm năm, các lợi ích của Mỹ đã mở rộng hơn nhiều so với thời kỳ tàu Empress và thời kỳ mở cửa Nhật Bản. Duy trì hệ thống đồng minh và đối tác truyền thống rộng khắp khu vực, các lợi ích chiến lược của Mỹ hiện nay xuyên suốt một vùng rộng lớn, trải dài từ quần đảo Aleutia tới Guam70.

Các văn kiện chính thức định hình các lợi ích của Mỹ tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương qua 6 khía cạnh như sau:71

1. Bảo vệ vùng nội địa Mỹ, chống chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ các cư dân Mỹ và các đồng minh

69 Jame J. Przystup (2009), “The United States and the Asia-Pacific Region: National Interests and Strategic Imperatives”, Strategic Forum, April 2009

70 Phát biểu của Bộ trưởng Robert Gates tại Diễn đàn đối thoại Shangri-la 2008,tldd

71 CSIS (2009), The United States and the Asia-Pacific Region: Security Strategy for the Obama Administration, Pacific Forum CSIS, January 2009

2. Đảm bảo ổn định khu vực và ngăn chặn sự nổi lên của bất kỳ nhà nước bá quyền hay nhóm các cường quốc nào sẽ ngăn cản các quyền tiếp cận chính trị và kinh tế của Mỹ ở khu vực

3. Duy trì sự thịnh vượng khu vực, thúc đẩy tự do thương mại và tự do tiếp cận thương mại

4. Ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo

5. Đảm bảo an ninh hàng hải

6. Thúc đẩy các nguyên tắc và các giá trị Mỹ

Nhằm đảm bảo các lợi ích chiến lược lâu dài tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Obama đã thúc đẩy chính sách Đông Nam Á tích cực và có nhiều thay đổi so với chính quyền Tổng thống G.W.Bush. So với chủ trương của chính quyền tiền nhiệm, các mục tiêu chiến lược được điều chỉnh để đối phó với các thách thức mới nảy sinh, bao gồm:

Ổn định khu vực nhằm mục tiêu chiến lược duy trì trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương do nước Mỹ lãnh đạo

Mỹ là một cường quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự tập trung phân khúc tại các khu vực truyền thống khiến chiến lược tiếp cận khu vực của Mỹ bị đánh giá là một chiến lược không hoàn chỉnh. Cách tiếp cận của Mỹ đối với châu Á chủ yếu tập trung ở một số khu vực nhất định như Đông Bắc Á - Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Hiệu quả của chính sách bị phân tán tại các cứ điểm ít có sự chú ý như khu vực Đông Nam Á.

Các thách thức an ninh mới nảy sinh khiến nhiều ý kiến cho rằng Đông Nam Á sẽ là nơi dễ xảy ra các cuộc xung đột mới và rộng lớn hơn tại châu Á.

Những thay đổi địa chính trị gắn với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc tại khu vực dẫn đến quan điểm mới về phạm vi quy hoạch trong chính sách châu Á của chính quyền đương nhiệm. Chủ trương thúc đẩy can dự châu Á của Tổng thống Obama cho thấy Đông Nam Á sẽ là một điểm gia cố mới của kết cấu kiến tạo an ninh do Mỹ lãnh đạo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bảo vệ lực lượng đồng minh và duy trì một cán cân quyền lực để ngăn chặn sự nổi lên của bất kỳ nhà nước bá quyền hay nhóm các cường quốc nào sẽ ngăn chặn quyền tiếp cận chính trị và kinh tế của Mỹ ở khu vực

Trong Báo cáo chiến lược quốc phòng 2012, sự tiếp cận và quyền tự do hoạt động của Mỹ xác định gặp thách thức ở những khu vực nơi các quốc gia như Trung Quốc và Iran theo đuổi những biện pháp không tương xứng để chống lại các khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ. Do đó, quân đội Mỹ sẽ được đầu tư như yêu cầu nhằm đảm bảo khả năng hoạt động hiệu quả trong những điều kiện chống tiếp cận và ngăn chặn xâm nhập khu vực (A2/AD).

Với sự điều chỉnh “không nhiều hơn hai cuộc chiến tranh một lúc”, báo cáo chiến lược quốc phòng mới đặt ra yêu cầu đối với các lực lượng Mỹ đảm bảo khả năng ngăn chặn và đánh bại xâm lược từ bất kỳ đối thủ tiềm tàng lợi dụng cơ hội ở khu vực thứ hai đạt được mục tiêu. Hệ thống đồng minh và các lực lượng liên quân được coi là giúp Mỹ duy trì cán cân quyền lực ổn định tại khu vực, bằng khả năng phối hợp tác chiến bất cứ khi nào để các lực lượng Mỹ duy trì tính nhanh nhậy cần thiết cho việc tiếp tục sẵn sàng tại một số khu vực nơi những xung đột như vậy có thể xảy ra.

Đảm bảo tự do hàng hải và bảo vệ các tuyến đường biển

Với lợi thế ba mặt giáp biển, Mỹ đã dựa vào việc kiểm soát các đại dương để phát huy sức mạnh toàn cầu. Hạm đội Thái Bình Dương là hạm đội

lớn nhất của Mỹ tại nước ngoài, bao quát một vùng rộng lớn từ bờ biển phía Tây nước Mỹ đến ngoài khơi phía Đông châu Phi. Sự cộng tác của các đồng minh và các lực lượng quân sự có khả năng đã duy trì ưu thế vượt trội của Mỹ tại khu vực này.

Tuy nhiên, sự hiện diện bấy lâu nay của người Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương đang bị thách thức bởi một “Trung Quốc đang trỗi dậy”. Trong chiến lược quân sự biển Trung Quốc, biển Đông và Hoa Đông được xác định là những mục tiêu chiến lược. Thay đổi cục diện ở những vùng biển trọng yếu này cho phép Trung Quốc một quyền tiếp cận không giới hạn và thực hiện các mục đích lớn lao của Trung Quốc tại vùng biển Thái Bình Dương. Vì vậy, các tuyến đường biển như eo biển Malacca và biển Đông, về cơ bản đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế trong khu vực, nhưng cũng là các nhân tố địa chính trị tạo ra phần lớn các nguy cơ với an ninh quốc gia và quốc tế, quy định một vai trò lớn hơn mà các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ đang có ở đây72.

Chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

Ngoài những thách thức từ Trung Quốc, Mỹ còn lo lắng về vấn đề phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở châu Á. Trong bản chiến lược an ninh quốc gia 2010, Tổng thống Obama đã đánh giá việc chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt là một trong mười ưu tiên hàng đầu trong quyền và trách nhiệm quốc gia của Mỹ. Mỹ đặc biệt lo ngại đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và Iran. Việc phổ biến vũ khí hạt nhân không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định khu vực mà còn kích thích các đồng minh châu Á của Mỹ (Nhật Bản và Hàn Quốc) theo đuổi quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, thế lực khủng bố Hồi giáo ở Nam Á và Đông Nam Á tiếp tục là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ. Dưới thời chính quyền tiền nhiệm G.W.Bush, việc mở rộng hợp tác quân sự đối với các quốc gia như Thái Lan, Philippines, Singapore, Indonesia đã hình thành nên những mắt xích quan trọng trong liên minh chống khủng bố do Mỹ thiết lập tại Đông Nam Á. Mặc dù có những thành công, chiến lược Quốc gia Chống khủng bố của Mỹ (2011) đánh giá khu vực Đông Nam Á vẫn còn có khả năng trở thành nơi dung dưỡng cho các tổ chức khủng bố địa phương có chung hệ tư tưởng và nguyện vọng với Al-Qaeda. Tuy nhiên, chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ sẽ được lồng ghép vào một chiến lược tổng thể về tăng cường liên kết kinh tế và chính trị với Đông Nam Á nhằm thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và dân chủ trong khu vực.

Thúc đẩy dân chủ và nhân quyền

Thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở nước ngoài là một trong ba trụ cột trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ, gắn với các điều kiện thúc đẩy an ninh và thịnh vượng. Trong chiến lược an ninh Quốc gia 2010, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ tiếp tục mở rộng dân chủ và nhân quyền ở nước ngoài để thúc đẩy một môi trường chính trị “ổn định, an toàn và thành công hơn”, vì lịch sử cho thấy rằng “sẽ hiệu quả hơn trong việc giải quyết các thách thức chung khi làm việc với các chính phủ phản ánh ý chí và tôn trọng quyền của người dân hơn là những chính phủ vì quyền lực cá nhân của tầng lớp lãnh đạo”. Phát biểu trước Quốc hội Úc tại Canberra ngày 17 tháng 11 năm 2011, Tổng thống Obama tuyên bố chiến lược can dự châu Á không nằm ngoài các nỗ lực “thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và phẩm giá của con người trên toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, vì theo ông “thịnh vượng mà không có dân chủ chỉ là dạng thức khác của sự nghèo khó”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách an ninh của mỹ đối với khu vực đông nam á dưới thời tổng thống barack obama (2009 2012) (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)