Chủ trương của Đảng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng lãnh đạo xây dựng đội ngũ trí thức ở miền bắc từ năm 1954 đến năm 1975 (Trang 38 - 46)

6. Kết cấu của luận án

2.1. Những yếu tố tác động đến sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng đội ngũ trí

2.1.2. Chủ trương của Đảng

Sau tháng 7-1954, số lượng trí thức ở miền Bắc rất hạn chế, hầu hết họ được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Vì thế, một trong những chủ trương lớn của Đảng LĐVN với trí thức ở miền Bắc giai đoạn 1954-1964 là sử dụng có hiệu quả các nguồn trí thức khác nhau đó để bổ sung, làm cơ sở xây dựng một ĐNTT phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc.

Ngay từ ngày 5-9-1954, Đảng đã chỉ rõ âm mưu của địch định đưa từ 50 vạn đến 1 triệu dân, trong đó có cả thanh niên, công chức, giáo viên, trí thức ở miền Bắc vào miền Nam tiếp tục làm việc phục vụ Pháp, gây khó khăn cho miền Bắc trong công cuộc xây dựng CNXH. Đảng chủ trương “tuyên truyền và thi hành đúng chính sách về việc sử dụng và trả lương nguyên như cũ đối với công chức, giáo viên” [47, tr.269]. Điều này có ý nghĩa quyết định trong việc tranh thủ công chức và giáo viên ở lại miền Bắc, khiến họ tin tưởng và yên tâm ở lại miền Bắc. Bên cạnh đó, Đảng còn chủ trương “mở trường Đại học nhân dân”, “thu hút rộng rãi những phần tử trí thức có trình độ văn hóa từ trung học trở lên để họ có thể tham gia các công cuộc kiến thiết” [4,7 tr.269], “kêu gọi thanh niên học sinh, nói rõ chính sách giáo dục của Chính phủ ta và giải đáp những thắc mắc của họ (như sợ ta không mở trường, sợ bằng cấp cũ không có giá trị, số có bằng cấp cũng không được trọng dụng, không có tiền đồ, v.v.), gây phong trào thanh niên ở lại miền Bắc học tập và tham gia kiến thiết nước nhà” [47, tr.269].

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục củng cố niềm tin, vận động trí thức trong điều kiện các thế lực thù địch chống phá ác liệt cũng như phát triển khối đại đoàn kết toàn dân,

trong đó có tầng lớp trí thức, Nghị quyết của Bộ Chính trị Về tình hình mới, nhiệm vụ

mới và chính sách mới của Đảng (ngày 7-9-1954) đã chú trọng việc mở rộng mặt trận

dân tộc thống nhất, tranh thủ mọi phần tử có thể hợp tác và vận động họ đi theo cách mạng. Với trí thức, Đảng chủ trương “củng cố sự ủng hộ của phần tử trí thức cách mạng đối với Đảng”, “tranh thủ sự cộng tác của các phần tử trí thức” [42, tr.301].

Để nâng cao trình độ của cán bộ và quần chúng lao động, để phát triển khả năng kiến thiết nước nhà, Đảng chủ trương chú trọng đúng mức công tác văn hóa giáo dục, “không có văn hóa không thể nâng cao được trình độ chính trị, không có cán bộ, không

thể kiến thiết nước nhà” [49, tr.505]. Trọng tâm của công tác văn hóa giáo dục được

Đảng xác định là đào tạo nhiều cán bộ mới, đồng thời bồi dưỡng những cán bộ cũ để

kiến thiết miền Bắc. Đảng chú ý tập trung vào những định hướng lớn như:

Xây dựng các trường đại học khoa học, văn khoa, sư phạm, y dược, bách khoa kỹ thuật và các trường chuyên nghiệp trung cấp; gửi học sinh ra các nước bạn; mở rộng hệ thống giáo dục phổ thông, đồng thời mở rộng trường bổ túc văn hóa cho cán bộ công nông; thanh toán nạn mù chữ trong ba năm; xây dựng những cơ sở nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng những nhà khoa học vốn có, đào tạo những nhà khoa học mới; phát triển công tác văn học nghệ thuật, bồi dưỡng và đào tạo văn nghệ sĩ, làm cho nền văn học nghệ thuật ở miền Bắc phát triển phong phú. Cần có chính sách đãi ngộ thích đáng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ trí thức để khuyến khích họ sáng tác phát minh [49, tr.505]. Trước những tác động của tình hình quốc tế và trong nước, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 của Đảng LĐVN đã thừa nhận những sai lầm trong cải cách ruộng đất và kêu gọi “mở rộng dân chủ, đảm bảo quyền tự do dân chủ và tăng cường chế độ pháp trị dân chủ nhằm phát huy tính tích cực và khả năng sáng tạo của nhân dân trong công cuộc xây dựng chế độ” [49; tr.573].

Một trong những văn kiện thể hiện rõ nhất quan điểm xây dựng ĐNTT ở

miền Bắc của Đảng giai đoạn này là Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam với

trí thức được công bố tại Hội nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(8-1957). Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng vì lần đầu tiên Đảng có một chính sách riêng xác định vị trí của trí thức và xác định những nhiệm vụ của các cấp ủy đảng đối với việc xây dựng ĐNTT, đồng thời hướng ĐNTT vào phục vụ sự nghiệp xây dựng những cơ sở đầu tiên cho nền kinh tế XHCN ở miền Bắc. Chính sách của Đảng với trí thức năm 1957 là sự tiếp nối và hoàn thiện quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh với trí thức đã được đề ra và thực hiện trong thời gian trước đó.

Trong văn kiện này, Đảng đã chỉ ra những đặc điểm của trí thức Việt Nam và nhấn mạnh vai trò của trí thức. Trước hết, trí thức Việt Nam nói chung có tinh thần yêu nước và cầu tiến bộ, đa số trí thức có tinh thần cách mạng. Tuy nhiên, do sinh trưởng ở một nước nông nghiệp, lại bị phong kiến, thực dân thống trị thời gian dài

nên trí thức cũng bộc lộ một số hạn chế như số lượng ít, trình độ hiểu biết về kinh tế cũng như về KHKT rất có hạn, kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu khoa học còn nghèo nàn, ít chịu đi sâu nghiên cứu thực tế…

Từ thực tiễn lịch sử, Đảng khẳng định, sự hiểu biết của trí thức rất cần thiết cho

xã hội và cách mạng. Tư tưởng trọng dụng trí thức, đánh giá cao vai trò của trí thức

trong sự nghiệp cách mạng thể hiện ở quan điểm: “trí thức là vốn quý của dân tộc” [39, tr.8], “không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới sẽ không hoàn thành được” [39, tr.8].

Nhận thức được tầm quan trọng của tri thức, vai trò của trí thức cách mạng,

Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam với trí thức còn nhấn mạnh: “Đảng rất quý

mến trí thức và hết lòng, hết sức tạo điều kiện cho trí thức công tác và học tập, phát huy tài năng của mình để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân ngày thêm đắc lực và trở thành những người trí thức chân chính của chế độ ta, những người trí thức XHCN” [39, tr.8].

Đây là lời tuyên bố dứt khoát, rõ ràng quan điểm của Đảng với trí thức, giúp cho toàn Đảng, toàn dân hiểu rõ hơn tình cảm, thái độ của Đảng với trí thức. Hơn nữa, những nhận thức này là cơ sở để trí thức ở miền Bắc thấy và hiểu đúng các chính sách với tầng lớp mình, giảm đi sự e dè, nghi ngại, từ đó ra sức cống hiến cho công cuộc xây dựng CNXH, đấu tranh giải phóng miền Nam.

Nhằm xây dựng ĐNTT ở miền Bắc lớn mạnh, phục vụ cho công cuộc xây

dựng CNXH, Đảng chủ trương: “Cải tạo trí thức cũ, đào tạo trí thức mới; không

ngừng nâng cao trình độ và mở rộng hàng ngũ của giới trí thức” [39, tr.16]. Cải tạo

trí thức cũ, đào tạo trí thức mới là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Việc đào tạo trí thức mới phải nhằm phục vụ công cuộc phát triển sản xuất và phát triển văn hóa, phù hợp với yêu cầu của kế hoạch Nhà nước, phát triển số lượng phải đi đôi với bảo đảm chất lượng. Nguồn cung cấp trí thức mới chủ yếu là nhân dân lao động.

Những chính sách của Đảng nhằm xây dựng ĐNTT, phát huy vai trò của trí

thức được xác định khá đầy đủ, cụ thể. Trước hết, Đảng cần “đoàn kết rộng rãi giới

trí thức, huy động mọi lực lượng trí thức làm tròn những nhiệm vụ cách mạng trong

giai đoạn mới” [39, tr.16]. Để thực sự đào tạo được một ĐNTT đông đảo phục vụ

cho công cuộc xây dựng miền Bắc XHCN, điều đầu tiên là phải xóa bỏ nạn mù chữ trong nhân dân, phát triển nền giáo dục mới, đào tạo thế hệ mới và nâng cao dần

trình độ văn hóa phổ thông của quần chúng nhân dân. Văn học, nghệ thuật, KHKT cần được chú trọng đầu tư. Trong tình hình khó khăn của cả hai miền Nam, Bắc, Đảng chủ trương vận động giới trí thức trong cả nước tích cực đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, tích cực ủng hộ và tham gia cuộc đấu tranh của toàn dân nhằm củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ.

Sử dụng trí thức đúng tài năng, sắp xếp công tác cho hợp lý theo nguyên tắc

có tài có đức, có chức có quyền” [39, tr.16] là chủ trương thể hiện sự coi trọng trí

thức và tạo điều kiện cho trí thức phát triển. Sử dụng đúng tài năng của trí thức, chủ yếu là sắp xếp công tác xứng đáng và hợp lý, nhằm bảo đảm cho trí thức đem hết sức mình ra phục vụ Tổ quốc và có thể nghiên cứu, sáng chế, phát minh, sáng tác, phát huy mọi tài năng có ích cho nước nhà. Sự đánh giá đúng đắn, lòng tín nhiệm của nhân dân, của Đảng và Chính phủ đối với trí thức là một điều rất quan trọng. Điều đó khuyến khích trí thức càng phấn khởi hoạt động, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tin tưởng ở sức mình, tin tưởng ở lực lượng của toàn dân, tin tưởng ở sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ.

Là lực lượng lao động trí óc, Đảng và Nhà nước cần “bảo đảm cho trí thức

những phương tiện làm việc cần thiết, đãi ngộ trí thức một cách xứng đáng và hợp

với khả năng nước nhà” [39, tr.8]. Bảo đảm cho các nhà KHKT, giáo dục, văn học

và nghệ thuật những phương tiện cần thiết và hợp với khả năng để cho họ có đủ điều kiện làm việc và nghiên cứu. Cần quy định rõ tỷ lệ thời gian cho công tác chuyên môn và công tác xã hội để bảo đảm hoàn thành tốt công tác chuyên môn của giới trí thức. Tùy theo khả năng của nền kinh tế mà cải thiện dần dần đời sống của trí thức để trí thức có đủ điều kiện làm tốt công tác chuyên môn, cống hiến tài năng của mình cho Tổ quốc. Chế độ biểu dương và khen thưởng đối với những công trình nghiên cứu, sáng tác, sáng chế và phát minh xuất sắc cần được quy định cụ thể và đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần cho lao động trí óc.

Để chính sách của Đảng với trí thức được hiện thực hóa, Ban Bí thư ra Chỉ

thị 56 CT/TW (ngày 21-10-1957) Về việc thực hiện chính sách của Đảng đối với trí

thức nhằm động viên lực lượng trí thức, phát huy mọi khả năng và gia tăng phần

cống hiến của trí thức đối với công cuộc củng cố miền Bắc, tiến dần lên CNXH, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Hơn nữa, mục đích của Chỉ thị còn để tăng thêm tình đoàn kết giữa công nông và trí thức, khắc phục những tư tưởng thành kiến, hẹp hòi, suy bì đãi ngộ với trí thức. Chỉ thị chủ trương:

Đối với quần chúng công nông, cần giải thích cho mọi người nhận rõ vai trò và tác dụng của trí thức trong công cuộc xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa, nhận rõ vị trí của trí thức dưới chế độ dân chủ nhân dân tiến lên CNXH là những người cán bộ phục vụ nhân dân chứ không phải là những người thuộc giới “thượng lưu”, những “ông quan” thống trị nhân dân [50, tr.673].

Mặc dù trong điều kiện miền Bắc còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng Đảng vẫn chủ trương:

Giúp đỡ trí thức những phương tiện làm việc cần thiết trong phạm vi khả năng để anh chị em trí thức có điều kiện nghiên cứu, sáng chế, phát minh, sáng tác, phát huy mọi tài năng cống hiến cho công cuộc xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa ở miền Bắc và cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà [50, tr.676].

Bên cạnh đó, đời sống của trí thức cũng được quan tâm, đặc biệt là những trí thức cao cấp, trí thức xuất sắc mà tuổi già, sức yếu.

Có thể thấy rằng, Chỉ thị 56 của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của trí thức trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng đối với vấn đề xây dựng ĐNTT ở miền Bắc trong hoàn cảnh lịch sử mới. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những khó khăn, thử thách trong công tác trí thức vận, khi mà song song với quá trình cải tạo trí thức cũ là quá trình đào tạo trí thức mới, khi mà những tư tưởng hẹp hòi, thành kiến với trí thức vẫn còn tồn tại.

Trong giai đoạn 1954-1964, cải tạo, bồi dưỡng trí thức cũ, đào tạo trí thức

mới là chủ trương được Đảng xác định rất rõ ràng và cụ thể qua Báo cáo chính trị

của BCH Trung ương Đảng tại Đại hội III (tháng 9-1960):

Cải tạo và bồi dưỡng trí thức cũ, đào tạo trí thức mới là một công tác quan trọng của Đảng và của Nhà nước trong cách mạng XHCN. Thông qua cải tạo và nâng cao tư tưởng, Đảng, Nhà nước sẽ giúp cho những người trí thức yêu nước có thể phát huy vai trò tích cực của mình trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Đồng thời, Đảng và Nhà nước rất coi trọng việc đào tạo những trí thức mới xuất thân từ công nông, từ nhân dân lao động, làm cho hàng ngũ trí thức của giai cấp công nông ngày càng đông đảo. Đảng và Nhà nước luôn chú ý khuyến khích những

người trí thức trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, sáng tác, phát minh và cố gắng tạo cho họ những điều kiện cần thiết để làm việc [53, tr.606].

Để xây dựng số lượng ĐNTT, Đảng chủ trương tập trung vào phát triển các

hình thức giáo dục - đào tạo khác nhau, coi giáo dục - đào tạo là cơ sở then chốt đẩy mạnh về số lượng đội ngũ. Trước hết, các trường chính quy học ban ngày được mở song song với hình thức học tại chức, học ban đêm, học hàm thụ, mở lớp học tại cơ sở sản xuất. Về đại học, rút ngắn thời hạn học tập và có kế hoạch tiếp tục bồi dưỡng sau khi ra trường. Nhiều lưu học sinh, nghiên cứu sinh, thực tập sinh được tuyển chọn đi Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác, chủ yếu nhằm đào tạo cán bộ giảng dạy đại học, cán bộ nghiên cứu KHKT, cán bộ lý luận cơ bản có trình độ cao, v.v.

Chất lượng ĐNTT cũng được Đảng hướng đến các tiêu chí: chuyên môn,

chính trị và văn hóa; để họ thực sự trở thành người trí thức “vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn” [53, tr.181], “trung thành với Tổ quốc, với CNXH và chủ nghĩa cộng sản, sẵn sàng mang hết nhiệt tình của tuổi trẻ tham gia xây dựng xã hội mới” [53, tr.607].

Phương hướng xây dựng ĐNTTvề ngành, nghề, lĩnh vực được xác định tổng

quát là, đào tạo “hàng vạn cán bộ chuyên môn về các mặt khoa học tự nhiên, kỹ thuật và KHXH” [53, tr.554]. Tuy nhiên, trước mắt cần “đào tạo và bồi dưỡng theo quy mô lớn những cán bộ xây dựng kinh tế”, “cần mở rộng một hệ thống trường kỹ thuật và nghiệp vụ để đào tạo cấp tốc và lâu dài hàng loạt cán bộ trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy lợi, giao thông, kiến trúc, kế hoạch, thống kê, tài vụ, kế toán” [53, tr.457].

Một nhiệm vụ lớn lao của miền Bắc trong giai đoạn 1954-1964 là thực hiện đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng KHKT và cách mạng văn hóa - tư tưởng. Để thành công, toàn thể nhân dân miền Bắc phải nỗ lực và cố gắng hết mình trên nhiều phương diện dưới sự lãnh đạo của Đảng LĐVN.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng lãnh đạo xây dựng đội ngũ trí thức ở miền bắc từ năm 1954 đến năm 1975 (Trang 38 - 46)