Thứ nhất, Luật HN&GĐ năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành có sử dụng các khái niệm “con trong giá thú” và “con ngoài giá thú”, nhưng lại không đưa ra định nghĩa về các của từ này. Mặc dù quyền và nghĩa vụ của “con trong giá thú” và “con ngoài giá thú” là không có sự khác nhau và không có sự phân biệt đối xử, nhưng việc xác định như thế nào là “con trong giá thú”, “con ngoài giá thú” lại có ý nghĩa trong việc quản lý dân số và hộ tịch, từ đó áp dụng căn cứ để xác định cha, mẹ, con khi cần thiết. Theo chúng tôi, Luật HN&GĐ cần đưa ra khái niệm thế nào
là “con trong giá thú” và “thế nào là con ngoài giá thú” nhằm tạo ra một cách hiểu thống nhất trong việc nghiên cứu và áp dụng pháp.
Thứ hai, hiện nay Luật HN&GĐ năm 2000 và các văn bản hướng dẫn chủ yếu quy định về việc xác định cha, mẹ, con trong giá thú. Còn đối với việc xác định cha, mẹ, con ngoài giá thú chỉ quy định về quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con. Mà trên thực tế các tranh chấp về xác định cha, mẹ, con ngoài giá thú diễn ra nhiều hơn so với việc xác định cha, mẹ, con trong giá thú. Do đó, pháp luật cần có những nghiên cứu sửa đổi để quy định rõ hơn về căn cứ xác định cha, mẹ, con ngoài giá thú.
Thứ ba, mặc dù Luật HN&GĐ đã đưa ra nguyên tắc suy đoán pháp lý để xác định cha, mẹ, con trong giá thú nhưng cần có những quy định rõ ràng hơn về thời gian mang thai tối đa và thời gian mang thai tối thiểu của người phụ nữ để xác định cha, mẹ, con được chính xác. Trong trường hợp xác định cha, mẹ, con ngoài giá thú thì pháp luật cũng cần quy định thời gian mang thai tối đa và thời gian mang thai tối thiểu, điều này có ý nghĩa quyết định để tính khoảng thời gian có thể thụ thai đứa. Từ đó, có thể xác định chính xác quan hệ cha-con. Hiện nay, theo quy định của Nghị định 70/2001/NĐ-CP thì thời gian mang thai tối đa là 300 ngày, tuy nhiên lại không quy định về thời gian mang thai tối thiểu. Việc này có thể dẫn việc xác định sai cha của đứa trẻ vì có thể người mẹ cùng một thời điểm có quan hệ sinh lý với nhiều người khác nhau. Vì lẽ đó theo quan điểm của chúng tôi pháp luật cần quy định cụ thể về thời gian mang thai tối thiểu. Có thể theo thông lệ sau: thời gian mang thai tối thiểu là 180 ngày. Quy định này sẽ giúp chúng ta áp dụng để xác định mối quan hệ cha, mẹ, con chính xác hơn trong việc giải quyết các tranh chấp về xác định cha, mẹ, con
Thứ tư, cần quy định cụ thể hơn về các trường hợp được xác định là con chung của vợ chồng. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP mới chỉ quy định ba trường hợp được xác định là con chung của vợ chồng : con sinh ra sau khi tổ chức đăng ký kết hôn cho đến trước khi chấm dứt quan hệ hôn nhân; con sinh ra sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân, nhưng người vợ đã có thai trong thời kỳ hôn nhân; con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn nhưng được cả vợ chồng thừa nhận. Tuy nhiên, theo phân tích ở trên, có tất cả năm trường hợp được xác định là con chung của vợ chồng. Do đó
pháp luật cần có những sửa đổi, bổ sung để quy định đủ năm trường hợp được xác định là con chung của vợ chồng đó cụ thể là:
+ Con do người vợ thụ thai và sinh ra trong thời kỳ hôn nhân;
+ Con do người vợ thụ thai trước thời kỳ hôn nhân và sinh ra sau thời kỳ hôn nhân;
+Con do người vợ thụ thai và sinh ra trước thời kỳ hôn nhân và được cha mẹ thừa nhận;
+Con do người vợ thụ thai trong thời kỳ hôn nhân và sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt trong thời gian luật định là 300 ngày;
+Con do người vợ thụ thai trước thời kỳ hôn nhân và sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt trong khoảng thời gian luật định.
Thứ năm, Luật quy định khi có tranh chấp trong việc xác định cha, mẹ, con thì phải có chứng cứ và được Tòa án chấp nhận. Tuy nhiên Luật lại chưa dự liệu những chứng cứ đối với việc xác định cha, mẹ, con ngoài giá thú. Do đó, Luật HN&GĐ và các văn bản hướng dẫn có liên quan cần bổ sung thêm quy định về chứng cứ nhằm xác định cha, mẹ, con được chính xác và khách quan hơn. Theo chúng tôi, pháp luật cũng có thể tham khảo hướng dẫn tại thông tư số 15/DS ngày 27/09/1974 của Tòa án nhân dân tối cao về một số chứng cứ để xác định quan hệ cha- con ngoài giá thú, sau đó căn cứ vào tình hình thực tiễn xã hội hiện nay để quy định chứng cứ sao cho phù hợp.
Thứ sáu, đối với trường hợp xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học:
+ Pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp vợ chồng vô sinh áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản thì phải là vợ chồng hợp pháp. Quy định này nhằm về quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa vợ với chồng cũng như với việc thực hiện biện pháp sinh con theo phương pháp khoa học. Đồng thời, quy định đó cũng hạn chế được tình trạng lợi dụng việc sinh con theo phương pháp khoa học để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
+ Khi bày tỏ ý chí tự nguyện sinh con theo phương pháp khoa học bằng văn bản, thì vợ chồng vô sinh cũng như người phụ nữ độc thân cần tuân thủ đúng các điều kiện và các quy định nghiêm ngặt về y tế. Đối với trường hợp người chồng trong cặp vợ chồng vô sinh bị chết, mất tích mà trước đó họ đã thể hiện rõ ý chí tự
nguyện. Nếu tinh trùng của người chồng vẫn được lưu giữ và người vợ muốn tiếp tục thực hiện việc sinh con đó. Trường hợp này vẫn nên áp dụng biện pháp sinh con theo phương pháp khoa học để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
+ Pháp luật nên dự liệu một khoảng thời gian riêng trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học sau khi hôn nhân chấm dứt mà được xác định là con chung của vợ chồng vô sinh. Do phải phụ thuộc vào quá trình thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nên thời gian đến khi đứa bé ra đời sẽ có thể lâu hơn nếu so sánh với việc thụ thai tự nhiên. Vì vậy, thời hạn là 300 ngày kể từ khi hôn nhân chấm dứt trước pháp luật có thể kéo dài thêm trong một phạm vi nhất định
+ Pháp luật nên áp dụng điều kiện hạn chế ly hôn đối với trường hợp vợ chồng đang tiến hành quá trình sinh con theo phương pháp khoa học.
Bởi nếu đang thực hiện một trong các quá trình sinh con theo phương pháp khoa học mà vợ chồng ly hôn thì đứa con sẽ không được đảm bảo về cuộc sống, vì người mẹ sinh con theo phương pháp khoa học sẽ phải được đảm bảo bằng một điều kiện tốt nhất để đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh. Việc ly hôn sẽ ảnh hưởng đển sức khỏe, thể chất, tinh thần của bà mẹ, vì thế sẽ đe dọa sự phát triển bình thường của em bé.
Thứ bảy, đối với quyền yêu cầu, thẩm quyền giải quyết và thủ tục xác định cha, mẹ, con
+ Hiện nay Ủy ban dân số, Gia đình và Trẻ em không còn tồn tại do đó cần có qui định cụ thể về chủ thể khởi kiện thay thế tư cách của Ủy ban này. Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em là đơn vị thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong phạm vi cả nước. Vì vậy, để quyền lợi của trẻ em được bảo vệ một cách tốt nhất trong việc xác định cha, mẹ, con, pháp luật nên quy định cho cơ quan bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thực hiện quyền yêu cầu thay thế tư cách của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đã giải thể.
+ Pháp luật cần có hướng dẫn thế nào được coi là “có tranh chấp” và “không có tranh chấp giữa những người có quyền và lợi ích liên quan” để xác định đúng thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định cha, mẹ, con được tiến hành theo thủ tục hành chính hay thủ tục tư pháp. Điều này sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền không còn lúng tùng khi có yêu cầu và quá trình giải quyết cũng diễn ra nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao hơn.
+ Đối với quy định tại Điều 35 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về thủ tục cải chính mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện chứng minh quan hệ huyết thuyết trong trường hợp này.Xét về bản chất đây là quan hệ xác nhận lại cha, con chứ không phải đơn thuẩn là quan hệ đăng ký sửa đổi về hộ tịch. Do đó, không chỉ dựa vào lời khai hay sự thỏa thuận của các đương sự, mà việc xác nhận quan hệ huyết thống còn phải thông qua một kết luận một kết luận khoa học như kết luận giám định gien. Vì vậy kể cả trong trường hợp mở rộng thẩm quyền của Ủy ban đối với vấn đề cải cách về hộ tịch theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, pháp luật nên có quy định người đưa ra yêu cầu phải có chứng cứ khoa học về quan hệ huyết thống để xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này để đảm bảo tính chất pháp lý của quan hệ cha, mẹ, con và đề cao nghĩa vụ chứng minh không chỉ trong thủ tục tư pháp mà còn ở thủ tục hành chính.