*Đối với con trong giá thú
+ Thủ tục đăng ký khai sinh
Việc đăng ký khai sinh được tiến hành theo Nghị định 158 về đăng ký Hộ tịch và Nghị định số 06/2012/NĐ-CP của chính phủ ngày 02/02/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực.
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh là UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ hoặc nơi cư trú của người cha nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha, trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha thì UBND cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.[23.Điều 13]
Thời hạn đăng ký khai sinh là 60 ngày, người có trách nhiệm đăng ký khai sinh là cha, mẹ hoặc ông bà hoặc người thân thích khác.Nếu những người này không thể trực tiếp đi đăng ký khai sinh thì có thể ủy quyền bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực hợp lệ [23.Điều 10].
Giấy tờ phải có khi đăng ký khai sinh cho trẻ theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 158/NĐ-CP bao gồm hai loại: giấy chứng sinh và giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ (nếu có); trường hợp không có giấy chứng sinh có thể thay thế bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng thì người đi khai sinh làm giấy cam đoan về việc sinh là có thật. Nếu cán bộ tư pháp biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha, mẹ đứa trẻ thì không bắt buộc người đi khai sinh phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ đứa trẻ.Vì vậy, pháp luật cần hướng dẫn cụ thể như thế nào là biết rõ về nhân thân hoặc nơi cư trú của đương sự.
Có thể thấy, Nghị định này đã đưa ra thứ tự ưu tiên để xác định thẩm quyền nơi đăng ký khai sinh cho trẻ. So với các quy định trong Nghị định số 83/1998/NĐ-CP
ngày 10/10 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch thì các quy định của Nghị định này thể hiện bước tiến vượt bậc về mặt thủ tục, thẩm quyền cũng như nơi đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, gần đây Nghị định số 06/2012/NĐ-CP có bổ sung thêm “nộp tờ khai” vào phần các giấy tờ hợp lệ cần xuất trình. Quy định này đảm bảo nâng cao trách nhiệm của người khai về các thông tin cần thiết giúp cho việc đăng ký khai sinh được chính xác.
*Đối với con ngoài giá thú + Thủ tục đăng ký khai sinh
Về cơ bản thủ tục này tương tự như trường hợp khai sinh cho con trong giá thú. Tuy nhiên, trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú nếu không xác định được người cha, thì phần khai về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy chứng sinh của trẻ được để trống. Với trường hợp khi đăng ký khai sinh cho trẻ, đồng thời có người đứng ra nhận đứa trẻ là con thì UBND cấp xã sẽ kết hợp giải quyết đồng thời hai việc: đăng ký khai sinh cho trẻ và đăng ký nhận con[23.Khoản3,Điều 57]. Như vậy quy định này tạo điều kiện cho người nhận con có thể ghi tên luôn vào phần khai về người cha trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh của người con và có thể đặt họ cho con theo cha ngay từ khi đăng ký khai sinh.
+ Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
Thủ tục khai nhận này được pháp luật quy định chi tiết từ Điều 32 đến 35 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, Khoản 9 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP. Theo đó, thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con thuộc UBND cấp xã. Thủ tục đăng ký ngoài tờ khai, người làm thủ tục cẫn xuất trình giấy khai sinh của người con, các giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha, mẹ, con.
Điều 32 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP có nêu điều kiện để áp dụng thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con là “tự nguyện và không có tranh chấp”. Tuy nhiên, pháp luật lại không có quy định cụ thể và giải thích rõ về vấn đề này là tranh chấp giữa ai với ai.Tại khoản 8, Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP đã nêu rõ thêm là “không có tranh chấp giữa những người có quyền và lợi ích liên quan”.Nhưng cụ thể những người nào mới có quyền và lợi ích liên quan thì Nghị định mới vẫn chưa nêu rõ. Do đó, pháp luật cũng cần có những hướng dẫn cụ thể để áp dụng pháp luật trong vấn đề này.
Ngoài ra, thời hạn UBND xã giải quyết việc nhận cha, mẹ, con đã rút ngắn xuống còn 03 ngày (Nghị định 158/2005/NĐ-CP là 5 ngày) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ mà xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn nói trên kéo dài không quá 5 ngày (Khoản 9 Điều 1 Nghị định 06/2012/NĐ-CP).Quy định mới này thể hiện sự phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, hạn chế số lượng hồ sơ bị tồn đọng lâu ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể đi đăng ký khai nhận con ngoài giá thú.