khoa học
Sinh con theo phương pháp là việc sinh con được thực hiện bằng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. [22.Khoản 1 Điều 3]
Khoản 2 điều 63 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: “việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học do chính phủ quy định”. Ngày 12/02/2003 chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học. Như vậy, pháp luật đã kịp ban hành các văn bản pháp luật theo kịp với sự tiến bộ về y học nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cặp vợ chồng vô sinh, những phụ nữ độc thân có hy vọng được có con thông qua phương pháp khoa học. Nghị định này đã dành hẳn chương V quy định về việc xác định cha, mẹ, con sinh ra bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản gồm 2 điều:
Điều 20 Nghị định 12/2003/NĐ-CP quy định: “1. Trẻ ra đời do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ độc thân. 2. Những người theo quy định tại khoản 1 điều này được xác định là cha, mẹ đối với trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”.
Điều 21 Nghị định này cũng quy định: “con được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi”.
Như vậy, đối với cặp vợ chồng vô sinh thì căn cứ xác định cha, mẹ, con cũng được xác định trên nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con được quy định tại Điều 63 Luật HN&GĐ năm 2000, nhưng không hoàn toàn giống như việc sinh con theo chu trình tự nhiên.
*Nội dung của nguyên tắc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học
Việc sinh con theo phương pháp khoa học đã đặt ra một thực tế là có sự khác biệt giữa người cha, người mẹ về mặt pháp lý với người cha, người mẹ về mặt huyết thống. Theo bản chất sinh học thì sự thụ tinh là sự kết hợp giữa trứng của người phụ nữ và người đàn ông khi họ có quan hệ sinh lý với nhau. Nhưng có thể một trong hai người hoặc cả hai người do bệnh tật, tai nạn,...nên không có khả năng thụ tinh, do đó họ phải nhờ đến các phương pháp khoa học như thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trong ống nghiệm.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam thì chỉ có luật thực định quy định về vấn đề xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học. Bởi lẽ đây là vấn đề khá mới mẻ với nước ta. Luật HN&GĐ có đề cập tới vấn đề sinh con theo phương pháp khoa học và xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con trong trường hợp này. Tại khoản 2 Điều 63 của Luật có quy định: “việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học sẽ do chính phủ quy định”.
Từ cơ sở pháp lý này Điều 20 Nghị định 12/CP đã cụ thể hóa điều luật này:
“1. Trẻ ra đời do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân.
2.Những người theo quy định tại Khoản 1 điều này được xác định là cha, mẹ đối với trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”.
+ Đối với cặp vợ chồng vô sinh
Cặp vợ chồng vô sinh là cặp vợ chồng sống gần nhau liên tục, không áp dụng biện pháp tránh thai nào mà không có thai sau 1 năm.[22.Khoản 4, Điều 3]
Điều kiện để được áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản phải là cặp vợ chồng hợp pháp. Cơ sở này xuất phát từ nguyên tắc chung về việc xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ có hôn nhân hợp pháp “ con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng” [30.Khoản1,Điều 63]. Đây được xem là điều kiện quan trọng để xác định quan hệ cha, mẹ, con. Tuy nhiên,
Nghị định số 12/2003/NĐ-CP mới chỉ đưa ra khái niệm “cặp vợ chồng vô sinh” mà chưa quy định rõ đây phải là cặp vợ chồng hợp pháp, điều này đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, pháp luật cần có những hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp vợ chồng vô sinh áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Gắn với thời kỳ hôn nhân là sự kiện sinh đẻ của người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh cũng là cơ sở phát sinh mối quan hệ cha, mẹ, con. Dựa trên sự kiện sinh đẻ thì quan hệ giữa mẹ-con là tất yếu. Con sinh ra nhờ biện pháp hỗ trợ sinh sản trong thời kỳ hôn nhân sẽ mặc nhiên được pháp luật thừa nhận mối liên hệ cha-con. Ngoài việc sinh con theo phương pháp khoa học chỉ được thực hiện khi có sự tự nguyện của cặp vợ chồng vô sinh. Theo đó, người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh được xác định là mẹ của đứa trẻ trong mọi trường hợp kể cả người mẹ nhận noãn hoặc phôi của người khác.Người chồng hợp pháp của mẹ đứa trẻ chính là cha của đứa trẻ, ngay cả trong trường hợp người chồng không phải là người cho tinh trùng. Trường hợp họ không muốn nhận con thì cũng không được yêu cầu xác định lại vì theo pháp luật quan hệ cha, mẹ, con là quan hệ tất yếu, không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vướng mắc nảy sinh đó là nếu trong quá trình đang thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản các chủ thể thay đổi ý chí có được chấp nhận không?Hoặc người chồng trong cặp vợ chồng vô sinh chết, mất tích, muốn ly hôn thì có tiếp tục thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nữa hay không? Đây là một vấn đề rất quan trọng mà pháp luật chưa dự liệu tới, vì điều đó liên quan mật thiết tới việc xác định cha, mẹ, con. [12.Tr130].
+ Đối với người phụ nữ độc thân:
Đối với trường hợp phụ nữ độc thân sinh con theo phương pháp khoa học sẽ không áp dụng căn cứ xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp. “xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp, tính đương nhiên chỉ được dùng để xác định cho quan hệ mẹ con. Quan hệ cha con không thể xác định một cách đương nhiên. Bởi vì giữa người mẹ của đứa con và cha của đứa con do người mẹ sinh ra không tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp. Do đó không thể dùng tính chất bắc cầu qua quan hệ mẹ con để xác định quan hệ cha con được. Đối với trường hợp này sự tự nguyện được coi là căn cứ quyết định việc xác định cha con”[12.Tr45]. Còn người phụ nữ sống độc thân sinh con theo phương pháp
khoa học thì việc xác định cha, mẹ, con chỉ căn cứ vào sự tự nguyện và sự kiện sinh đẻ của chính người đó.
Pháp luật quy định chỉ cho phép phụ nữ độc thân nhận tinh trùng mà không được nhận phôi, nhận noãn.Theo chúng tôi, quy định này xuất phát từ việc nhận noãn và phôi không đảm bảo cho đứa con được sinh ra có cùng mã gen với người phụ nữ độc thân. Mà thông thường khi có nhu cầu sinh con theo phương pháp khoa học thì họ muốn có con cùng huyết thống cho riêng mình. Ngoài ra, việc nhận phôi có nhiều nét giống với hành vi mang thai hộ. Bởi xét về việc chuyển vào tử cung của người đàn bà một phôi thai không phải là của mình và nuôi dưỡng nó tới lúc nó chào đời. Do vậy quy định trên của pháp luật là nhằm ngăn chặn hành vi người phụ nữ độc thân lợi dụng việc nhận phôi thai để mang thai hộ.
Điều 6 nghị định số 12/2003/NĐ-CP đã nghiêm cấm hành vi “mang thai hộ”.Lý do các nhà làm luật cấm việc “mang thai hộ” là xuất phát từ quan niệm “mang nặng để đau” vốn vẫn được trân trọng từ xưa đến nay và về tâm sinh lý thì trong suốt thời gian mang thai, người mẹ (dù mang thai hộ) vẫn có một sợi dây tình cảm với đứa trẻ. Mặt khác, quy định này cũng nhằm đảm bảo sự ổn định cho các mối quan hệ gia đình và xã hội, tránh những tranh chấp có thể xảy ra. Tuy nhiên thực tế cho thấy hiện nay chưa có trường hợp nào yêu cầu xác định cha, mẹ cho con sinh bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng như bằng việc mang thai hộ và cũng chưa có tranh chấp nào đòi quyền thừa kế, quyền nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn cho phôi (Bộ y tế năm 2011, dự thảo báo cáo đánh giá 8 năm thi hành nghị định số 12/0/2003 về sinh con theo phương pháp khoa học”).
Hiện nay có ý kiến cho rằng không nên cấm việc mang thai hộ.Vì thực tế cho thấy, ngày càng nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn con vì nhiều nguyên nhân. Giải pháp đặt ra cho các cặp vợ chồng là xin con nuôi, tuy nhiên nhiều người cho rằng việc xin con nuôi chỉ là giải pháp bất đắc dĩ, vì trong thâm tâm họ vẫn khát khao có đứa con mang dòng máu của họ. Do đó, việc mang thai hộ vẫn diễn ra lén lút, âm thầm và ngày càng nhiều. Mặc dù Luật cấm, nhưng thực tiễn đang xảy ra nhiều trường hợp mang thai hộ. Như vậy, theo chúng tôi nên chăng pháp luật cần dự liệu điều chỉnh việc mang thai hộ. Luật hóa việc mang thai hộ cũng là cách giúp tòa án dễ dàng giải quyết tranh chấp liên quan đến việc mang thai hộ. Hơn nữa, hiện nay, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ của nước ta đã đầy đủ, nhu cầu có con của những
đối tượng trên là hoàn toàn chính đáng và nhà nước nên tạo điều kiện để người dân được hưởng tiến bộ khoa học này chứ không nên cấm đoán. Tuy nhiên, nếu cho phép mang thai hộ thì cũng cần quy định về điều kiện của người mang thai hộ. Chỉ cho phép “mang thai hộ” đối với một số đối tượng có chỉ định để đảm bảo quyền làm mẹ cho mọi phụ nữ, đồng thời có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và có sự đồng ý của một Hội đồng gồm các chuyên gia về chuyên môn và pháp luật. Quy định nghiêm các điều kiện để đảm bảo sức khỏe và tránh xảy ra các tranh chấp phát sinh sau này như đối với người mẹ đứa trẻ chỉ có thể yêu cầu người khác mang thai hộ trong trường hợp vì lý do sức khỏe không có khả năng mang thai và phải có kết luận chính thức của cơ quan y tế. Đối với người mang thai hộ cần thiết phải là người hội đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe theo kết luận của cơ quan y tế, phải có sự đồng ý của người chồng trong trường hợp mang thai hộ là người đang có chồng; số lần mang thai tối đa để bảo vệ sức khỏe và không biến người mang thai hộ thành cái “máy đẻ”, hay một nghề kiếm sống; cũng như điều kiện của người nhờ mang thai; quyền và nghĩa vụ của người mang thai, người nhờ mang thai; hình thức thỏa thuận...Những quy định này cần nghiên cứu hết sức chặt chẽ, hợp tình hợp lý để tránh tình trạng thương mại hóa, dịch vụ mang thai sẽ nở rộ không kiểm soát được. Qua đó có thể thấy, việc quy định vấn đề xác định cha,mẹ, con theo phương pháp khoa học theo quy định tại chương V Nghị định 12/2003/NĐ-CP đã tạo ra hành lang pháp lý giúp cho Tòa án có thể giải quyết tốt hơn về các loại án kiện này. Tuy nhiên, quy định của pháp luật vẫn còn tồn tại một số vướng mắc liên quan tới việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học đó là: + Đối với trường hợp, người được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản lớn lên, có thể xảy ra việc họ sẽ kết hôn với người cùng huyết thống. Chẳng hạn, khi lấy vợ, lấy chồng, người này gặp và kết hôn với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi để tạo ra mình; hoặc người được sinh ra từ biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đó kết hôn với con của người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi chính là cha, mẹ ruột của người được sinh ra bằng phương pháp khoa học. Theo đó, con của họ sẽ là anh, chị, em ruột với người được sinh ra bằng phương pháp khoa học.Việc kết hôn như vậy sẽ mang tính chất loạn luận.Nên chăng, pháp luật cần xây dựng giải pháp riêng dành cho những người được sinh ra bằng phương pháp khoa học khi họ kết hôn.
+ Do phải phụ thuộc vào quá trình thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, nên thời gian đến khi đứa bé ra đời sẽ lâu hơn so với việc thụ thai tự nhiên. Nếu lấy thời gian 300 ngày là thời điểm hôn nhân chấm dứt để xác định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của căp vợ chồng vô sinh là không hợp lý. Vì vậy, cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề này.