2.1.1 .Nguyên tắc xác định thiện và ác trong Kinh Qur'an
2.1.2. Quan niệm về hạnh phúc trong Kinh Qur'an
Theo Kinh Qur'an, Allah tạo dựng con người để con người được tham dự vào hạnh phúc viên mãn của Ngài. Thần học Islam cho rằng: hạnh phúc là trạng thái xúc cảm (tâm lý) khi con người đạt được sự hoà quyện giữa bản thân và Thượng Đế, do những nỗ lực vươn tới Thượng Đế của con người. Tuy nhiên một số thần học gia Islam theo chủ nghĩa tiêu dao lại nhấn mạnh hơn đến trạng thái an nhiên tự tại của hạnh phúc. Hạnh phúc được khẳng định là một giá trị - cái mà con người tìm kiếm trong cõi nhân sinh. Nếu các giá trị đạo đức khác liên quan đến sụ lựa chọn, thì hạnh phúc là mục đích. Đối tượng của sự lựa chọn bao giờ cũng là đường phải đi, còn hạnh phúc lại không phải là đường đi mà là đích của mọi con đường. Arixtôt đã hiểu như thế, Kinh Phúc Âm của Kitô giáo cũng hiểu như thế. Các nhà trí thức Islam tự hào rằng Kinh Qur'an đã diễn tả về hạnh phúc cũng theo hướng đó. Giống như quan niệm của nhiều tôn giáo lớn khác, Kinh Qur'an vì cho rằng cuộc sống trần thế chỉ là tạm thời, cuộc sống sau cái chết mới là vĩnh cửu, nên hạnh phúc của cuộc sống trần thế cũng chỉ là tương đối, tạm thời; hạnh phúc tuyệt đối chỉ có nơi Thiên Đàng.
Kinh Qur'an đề cập đến hạnh phúc như là phẩn thưởng cho những người tin nơi Allah và hành thiện. Hạnh phúc là ân huệ Thượng Đế ban thưởng cho “những ai tin tưởng (nơi Qur’an) và những ai là người Do Thái và những tín đồ Kitô giáo…, ai tin nơi Allah và Ngày (phán xử) cuối cùng và làm việc thiện thì sẽ có phần thưởng của họ nơi Rabb của họ; và họ sẽ không sợ cũng sẽ không buồn”[Q. 2:62]. Đối với những người làm điều thiện sẽ là những người bạn của Thiên Đàng, là nơi tốt đẹp vĩnh cửu [x. Q. 2:82], nơi
Thiên Đàng tốt đẹp và sung sướng khiến họ không muốn gì hơn [x. Q. 18:108]. Allah luôn ban ân phúc của Ngài xuống trên kẻ có đức tin và làm việc thiện như mưa tưới trên cây cỏ làm cho nó đâm chồi nảy lộc [x. Q. 7:42]. Kẻ làm điều tốt sẽ nhận phần thưởng về việc tốt họ đã làm, gương mặt họ luôn vui tươi, tâm hồn an bình phơi phới, họ là bạn của Thiên đàng [x. Q. 10:26]. Như vậy, hạnh phúc là một phần thưởng đến từ Allah, dành cho những người lương thiện.
Con người được tạo ra là để vươn tới hạnh phúc tuyệt đối. Hạnh phúc tuyệt đối là trạng thái con người thực sự cảm thấy viên mãn trong thân phận làm người, được trải qua tất cả những cảm xúc tốt lành, thánh thiện mà Allah muốn ban cho con người. Ở đó, vinh quang của Đấng Tối Cao khiến họ cảm thấy ngây ngất. Sự gặp gỡ và kết hợp trọn vẹn nơi Allah là hạnh phúc tuyệt đỉnh của con người. Hạnh phúc tuyệt đối được Kinh Qur'an thể hiện tập trung trong quan niệm về Thiên đàng.
Thiên đàng được Kinh Qur'an mô tả là nơi đầy tràn hạnh phúc. Mọi thứ trên Thiên đàng đều đầy đủ, viên mãn, không tì vết. Thiên đàng đáp ứng cách hoàn hảo tất cả các nhu cầu của con người (khi ta hiểu ở góc độ hạnh phúc là sự thoả mãn nhu cầu). Trước hết, Thiên đàng hiện lên như một vùng lạc viên nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất của con người. Ở xứ Ả-rập, con người luôn đối mặt với tự nhiên khắc nghiệt: sa mạc hoang vu, khô và nóng. Sản vật của cả vùng Ả-rập gom cả lại cũng không chứa đầy giáo đường Sainte Sophie (do Justinnien xây cất và hoàn thành năm 537 ở Contantinop - kinh đô của đế quốc Byzantin). Vì vậy, Thiên Đàng hiện lên là nơi bù đắp tối đa cho những thiếu thốn nơi dương thế. Thiên Đàng rất rộng rãi bằng các tầng trời và trái đất cộng lại [x. Q. 3:133], có các biệt thự cao sang, có các dòng sông nước trong vắt không hôi tanh, có những dòng sông sữa tươi mà mùi vị không thay đổi theo thời gian, có những dòng sông rượu mà người uống cảm thấy sảng khoái (thứ rượu không làm họ nhức đầu hay đau bụng, cũng không choáng
váng) - thức uống mà trên trần gian họ thèm khát nhưng không được dùng, có dòng sông mật; khi họ đói thì có đủ thứ hoa quả tươi ngon, mọi món ngon vật lạ làm thức ăn [x. Q. 47:15]. Họ sẽ được nghỉ trên những chiếc tràng kỷ, sẽ được mặc lụa là gấm vóc, được trang sức bằng vàng, ngọc trai [x. Q. 22:23]. Thiên Đàng có hạnh phúc đặc biệt dành cho đàn ông: những người đàn ông vì nghèo hoặc một lý do nào đó không có vợ nơi trần thế, sẽ “được kết hôn với những trinh nữ có đôi mắt to trữ tình”[Q. 44:54], đàn ông sẽ được các trinh nữ hầu hạ, những trinh nữ này tuyệt đẹp và trẻ hoài. Thiên Đàng quả là ưu ái cho đàn ông nhiều hơn phụ nữ. Người phụ nữ Islam bị thiệt thòi ở dưới đất, cũng bị “thiệt thòi” trên thiên quốc!
Sự hưởng thụ vật chất dù lớn đến đâu vẫn hạn định, sự thoả mãn tối đa chỉ có thể và phải kết hợp với những sự thoả mãn nhu cầu tinh thần. Trên Thiên đàng, con người không còn lo sợ, hãi hùng, không còn phải ưu tư, buồn phiền, họ sẽ được gặp người thân, họ được nhận lời chúc là sự bình an, sự bình an không phải là lời chúc suông, mà đến từ Allah, Đấng là nguồn mạch bình an [x. Q. 36:58]. Nơi Thiên Đàng, chỉ có vui tươi và hạnh phúc, họ nhìn nhau và nở nụ cười - nụ cười thân thiện chứ không phải nụ cười ẩn chứa nhiều toan tính nơi trần thế [x. Q. 22:23]. Một số người chính đại quang minh sẽ thích tụng Kinh Qur'an, và mọi người đều được hưởng thú vui tuyệt trần là ngắm mặt Allah.
Thiên Đàng trong quan niệm Kitô giáo, là nơi linh hồn con người được diện kiến Thiên Chúa, và sự toàn thiện toàn mỹ của Ngài không thể diễn đạt được; chỉ trông thấy Ngài thôi, linh hồn con người đã đạt đến hạnh phúc tuyệt đỉnh. Kinh Qur'an cũng diễn tả về hạnh phúc tuyệt đỉnh đó, nhưng hạnh phúc đó thật khó tưởng tượng cho tất cả mọi người, nên Kinh Qur’an nhấn mạnh hơn đến những hạnh phúc khác dễ cảm hội hơn. Vậy nên, Dominique Sourdel đã nhận xét rằng: “Một Thiên Đường như vậy làm thoả lòng mong muốn,
nhưng nó mang tính chất thời đại, một nét địa phương hơn là một sự độc đáo thực sự”[8, 44].
Không có sự mâu thuẫn giữa hạnh phúc tuyệt đối với hạnh phúc chính đáng nơi trần thế, vì đó cũng là Thiên lộc Allah ban cho con người. Trước kỷ nguyên đạo Islam, hạnh phúc đời sau cũng như sự sống sau cái chết là một ý niệm rất mơ hồ đối với phần lớn dân cư trên bán đảo Ả-rập; và ngay cả khi Islam đã thống trị tư tưởng, dần định ra phong hóa trên mảnh đất này, thì một số người Ả-rập vẫn cho rằng chết là hết, và mỉa mai những người tin thuyết linh hồn bất diệt, cho họ là lạc hậu như cổ nhân [x. Q. 23:83]. Kinh Qur'an đã đề cao việc chiêm ngưỡng và chiếm lấy Thiên Đàng, nhưng cũng dung hòa được với những bận tâm trần thế.
Kinh Qur'an dùng từ “Thiên lộc” để chỉ những ân huệ mà Rabb (Thượng đế) ban cho tôi trung của Ngài. Những kẻ trung tín nơi Allah thì họ không chỉ nhận được phần thưởng là Thiên Đàng, mà ngay trong cuộc sống trần gian, họ cũng được hưởng nhiều ân lộc. Hạnh phúc đầu tiên mà con người có thể nghiệm sinh được nơi trần thế đó là hạnh phúc được tồn tại - được sống là một con người. Kinh Qur'an cho rằng con người vốn từ một tinh trùng phất phơ đâu đó, và coi như chết; Allah đã dựng nên con người trong lòng mẹ, Ngài ban cho khả năng nghe, thấy và một tấm lòng, để con người nhận thấy thế giới tốt đẹp và ca tụng Ngài [x. Q. 16:78]. Nếu con người không biết trân trọng niềm hạnh phúc là có mặt trên đời - được sống thì đã phụ ơn Allah. Allah đặt con người vào thế giới và ban cho con người những điều kiện cần thiết để tồn tại và vươn lên đến Ngài. Tuy Kinh Qur'an không ngớt cho rằng hạnh phúc trần thế là tạm bợ, và cảnh báo nếu con người sa đà vào nó thì không có hạnh phúc đích thực. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ rằng hạnh phúc trần thế mặc dù tương đối nhưng là một thực tại.
Hạnh phúc trần thế được Kinh Qur'an diễn tả là một trạng thái cảm xúc khi nghĩa vụ đạo đức được thực hiện. Kẻ tin tưởng, phó thác nơi Allah và làm
việc thiện sẽ được sự bình an và thư thái trong lòng, họ không sợ cũng không buồn [x. Q. 2:62]. Ngày tận thế sẽ hãi hùng đối với kẻ làm điều ác, mà niềm hạnh phúc kẻ lành nhận được là niềm vui, họ không phải lo lắng khi đối diện với cái chết cũng như ngày tận thế [x. Q. 27:89]. Mỗi bước đi, mỗi ngày sống của họ sẽ là an lạc; họ sẽ được sống lâu trên mảnh đất mà Allah đã rộng ban cho họ [x. Q. 2:126]. Kẻ lành cũng sẽ nhận được hạnh phúc là nhiều con cái, là thiên lộc Allah ban tặng cho những bậc làm cha mẹ [x. Q. 74:13]. Đời sống vật chất của họ cũng được Allah chăm lo, họ sẽ có tài sản để đảm bảo cuộc sống, và để chi dùng cho việc từ thiện, bởi làm việc thiện cũng là một niềm hạnh phúc. Những tín đồ trung tín, được sống trong một cộng đồng thái bình thịnh trị - một cộng đồng biết yêu thương [Q. 49:12-13]. “Quả là Hồng ân của Allah “rơi xuống”, rồi như Ngài làm cho mưa rơi nhằm ai trong số bầy tôi của Ngài muốn thì này, họ vui mừng thoả thích”[Q. 30:48].
Mặc dù hạnh phúc tương đối nơi trần thế được Kinh Qur'an mô tả là một thực tại, nhưng sự mô tả đó không có ý đề cao hạnh phúc trần thế. Hạnh phúc trần thế vừa là ân huệ nơi Rabb, vừa là một sự thử thách đối với con người. Con người chỉ có thể cảm nhận hạnh phúc trong niềm quy hướng tuyệt đối về Allah. Sự cảnh cáo được Kinh Qur'an đưa ra cho những kẻ mải mê thế sự rằng: “Ai mong muốn mảnh đất trồng ở Đời Sau, Ta sẽ gia tăng mảnh đất của y cho y; và ai mong muốn mảnh đất trồng ở đời này, Ta sẽ ban nó cho y, nhưng y sẽ không có một phần nào cả ở đời sau”[Q. 42:20].
Kinh Qur'an cũng không bỏ qua một tình huống vẫn thường gặp trong nhân loại từ xưa đến nay: đó là kẻ làm điều tốt, kẻ trung tín nhưng cuộc sống trần gian gặp đầy bất hạnh. Có thể nói Kinh Qur'an là một bản tráng ca, ca ngợi và cổ vũ những Muslim chiến đấu và “hy sinh” cho chính nghĩa của Allah. Những tín đồ tuân phục Allah, làm theo công lý của Ngài nhưng lại gặp bất hạnh nơi cuộc sống trần thế thì họ sẽ được nhận phần thưởng nơi Rabb của họ ở đời sau. Đời sau họ sẽ được bù đắp tuyệt đối. Những kẻ xông
pha nơi hòn đạn mũi tên vì chính nghĩa của Allah thì họ sẽ nhận được phần thưởng là nước Thiên Đàng. Đặc biệt những người tử vì đạo sẽ được lên thẳng Thiên Đàng [x. Q. 3:140]. Trong định nghĩa đạo đức [x. Q. 2:177], kẻ hiền minh chính đại không chỉ là kẻ tin tưởng tuyệt đối vào Allah, biết yêu thương đồng loại; mà còn là người biết “kiên trì chịu đựng trong nghịch cảnh (đói khổ) và thiên tai (bệnh hoạn) và trong không gian xảy ra chiến tranh (bạo động)”. Những răn dạy đó không chỉ kích thích lòng tín ngưỡng và đức hy sinh của tín đồ Islam, mà nó còn thổi bùng lên nơi họ tinh thần quảng đại với cộng đồng, điều này có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng quốc gia, cố kết cộng đồng. Nếu Phật giáo đề cao tinh thần “vô ngã, vị tha” nơi các phật tử trên con đường giải thoát thì Kinh Qur'an cũng đòi hỏi một sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng, nhằm tiến tới hạnh phúc viên mãn cho bản thân và cộng đồng.
Kinh Qur'an đã ra đời trên mảnh đất Ả-rập nghèo khó, với điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt. Bản năng sinh tồn dạy cho mỗi người biết nó phải làm gì để tồn tại. Khi nhu cầu tồn tại trở nên bức thiết thì những lý tưởng cao xa trở nên mờ mịt và diệu vợi. Trong thời gian đầu của kỷ nguyên Islam, tôn giáo này đã giúp dân cư trên bán đảo Ả rập thành lập một quốc gia. Nhưng quốc gia đó mới chỉ được định hình về mặt chính trị, đời sống kinh tế hầu như chưa được cải thiện so với trước đây, mặc dù sự tương trợ giữa các thành viên trong cộng đồng đã trở thành một nghĩa vụ đạo đức. Nếu trước đây, tính mạng của mỗi thành viên trong các bộ lạc có thể bị đe doạ bởi bộ lạc khác, bởi hành vi cướp bóc, giết người; thì nay họ vẫn có thể bị thiệt mạng trong công cuộc bảo vệ và mở rộng tôn giáo (quốc gia). Như vậy nhu cầu được sống, được sung sướng hạnh phúc của cư dân trên bán đảo Ả-rập thời gian đầu của kỷ nguyên Islam vẫn là một khát vọng. Kinh Qur'an đã dồn hết khát vọng đó vào quan niệm về Thiên đàng - hạnh phúc tuyệt đối. Không lạ gì khi Thiên Đàng được mô tả là nơi con người sẽ được thoả mãn những cơn khát, là nơi râm
mát đối lập với cái nắng cháy da nơi sa mạc, là nơi đầy đủ quả ngon vật lạ, là nơi “được ở trong biệt thự (chứ không phải trong lều hay những ngôi nhà tạm bợ), là nơi được bình an, là nơi thoả mãn cả những… dục tình. Mặc dù coi việc được chiêm ngưỡng Allah là hạnh phúc tuyệt đỉnh, nhưng Kinh Qur'an cũng không mô tả cách sinh động, phong phú như những hạnh phúc do những yếu tố vật chất mang lại.
Lời mặc khải về hạnh phúc như vậy có sức động viên rất lớn, tạo ra một niềm hy vọng lớn lao cho tín đồ Islam giáo; làm cho những chiến sĩ ra trận quả cảm xông pha, cho con người biết đón nhận khổ đau với sự lạc quan, làm cho bi kịch của cuộc sống trần thế trở nên thi vị. Một niềm tin mãnh liệt đi liền với niềm hy vọng lớn lao vào sự bù đắp nơi Thiên Đàng đã làm cho tín đồ Islam qua bao thế hệ băng mình lên, làm kinh ngạc cả thế giới. Nhưng, điều đó cũng không ít lần kéo tụt sự phát triển của thế giới Islam trên phương diện kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật. Đặc biệt khi chính giáo không tìm được tiếng nói chung với thuyết duy lý và các trào lưu tư tưởng khác, nó phải gồng lên để chống lại, và như thế, kìm hãm sự phát triển của nhiều lĩnh vực trong đời sống thế tục.
Mặc dù như vậy, chúng ta không thể phủ nhận rằng quan niệm về hạnh phúc trong Kinh Qur'an chứa nhiều điều hợp lý về mặt nhân sinh. Không chỉ những người sống trên bán đảo Ả-rập thời xưa cũng như nay mà là toàn thể nhân loại đều có thể rút ra trong kinh nghiệm sống của mình rằng cái bi kịch của con người là một chân để ở cái hữu hạn, một chân để ở cái vô hạn. Khát vọng của con người là tìm kiếm hạnh phúc viên mãn nhưng đối lập với nó là một thực tế luôn luôn không hoàn toàn như ý. Chính vì cuộc sống trần thế luôn là một sự thiếu hụt (khi ta hiểu nó ở đầy đủ các phương diện) thì khát vọng đặt nơi một thế giới khác là điều tất yếu và cần thiết. Một thế giới, ở nơi đó con người được bù đắp tối đa sẽ giúp con người biết chấp nhận cái hạn định, khổ đau nơi trần thế, biết chấp nhận những điều không như ý, biết hy
sinh vì người khác, xả thân cho chính nghĩa. Cái chết không phải là hết làm cho con người biết an nhiên tự tại mà sống không tuyệt vọng khi cái chết đến gần, cũng như không giành giật sự sống bằng mọi giá. Như vậy, hy vọng vào hạnh phúc đời sau không thể làm cho con người trở nên nhu nhược, an phận; mà nó có vai trò to lớn trong việc làm cho con người biết lạc quan, thực hiện