Quan niệm về lao động và của cải trong Kinh Qur'an

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu tư tưởng đạo đức trong kinh Qur''an (Trang 63 - 70)

2.1.1 .Nguyên tắc xác định thiện và ác trong Kinh Qur'an

2.1.5. Quan niệm về lao động và của cải trong Kinh Qur'an

Lao động vốn là hoạt động tự nhiên của con người, tự thân nó cũng chứa đựng giá trị đạo đức. Thái độ đối với lao động và của cải do lao động

làm ra, ứng xử trong quan hệ lao động như thế nào phải dựa trên nguyên tắc đạo đức. Kinh Qur'an đề cập đến lao động và của cải như một thành tố trong chương trình của Allah, Đấng tối cao sử dụng lao động như một công cụ để trong lao động và qua lao động con người hoàn thiện nhân cách, để vươn tới hạnh phúc viên mãn.

Kinh Qur'an cho rằng, lao động không phải là một hình phạt do tội lỗi gây ra, mà nó nằm trong kế hoạch tạo tác của Allah. Allah là Đấng tạo tác vũ trụ, muôn loài muôn vật và không ngừng dẫn dắt nó đến chỗ hoàn thiện như ý định của Ngài. Để hoàn thành ý định tốt đẹp đó, Allah muốn con người cộng tác đắc lực với Ngài. Ngay từ đầu khi tạo dựng con người và muôn vật, Allah đã đặt để con người đứng đầu mọi loài thọ tạo. Adam - con người đầu tiên đuợc Allah dạy cho tên gọi của tất cả vạn vật [x. Q. 2:31], tức con người được ban cho quyền thống trị vạn vật; không những thế, con người còn cao hơn thiên thần một bậc [x. Q. 2: 33]. Thượng Đế đã trang bị kiến thức tri vật để giúp con người hành xử vai trò của một người cai trị (Khalifa) trong thời gian con người được ở trong Vườn Địa Đàng; khi đủ điều kiện để con người bắt tay vào cải tạo thế giới, Allah tạo ra một cớ, Ngài phán: “Này Adam! Ngươi và vợ của Ngươi hãy ở trong Thiên Đàng và tha hồ ăn (hoa quả) dồi dào của nó ở bất cứ nơi nào tuỳ ý hai ngươi muốn, nhưng chớ đến gần cái Cây này bởi vì (nếu ăn Trái của nó) hai ngươi sẽ trở thành những kẻ làm điều sai quấy”[Q. 2: 35]. Kinh Qur'an không nói rõ “cây” mà Allah cấm hai vợ chồng Adam lại gần là loại cây gì. Có thể hiểu đó là “cây” thử thách, Allah dùng để thử thách xem Adam và vợ có nghe lời Ngài hay không. Mục đích của Allah tạo hoá Adam là để cho ông cộng tác với Ngài, với tư cách đại diện để cai quản trái đất. Adam và vợ sống trong Thiên Đàng rất sung sướng, không muốn đi nơi khác. Để có lý do đưa họ xuống trần, Allah cấm họ đến gần cây đó. Allah biết trước rằng vì tò mò, thế nào họ cũng phạm giới cấm. Đúng với kế hoạch của Allah, hai ông bà Nguyên tổ đã nghe lời dụ dỗ của Shaytân - kẻ thù của loài

nguời, đã phạm giới cấm và bị đuổi ra khỏi Thiên Đàng, phải xuống trần lao động kiếm sống. Như vậy, lao động là một hoạt động của con người, nó nằm trong chương trình của Đấng Tạo hoá. Con người chỉ nên giống với Đấng Tạo hoá khi biết lao động như Thượng Đế đã lao động và không ngừng hoạt động để hoàn thiện thế giới.

Lao động, hiểu theo Kinh Qur'an, không chỉ tạo ra của cải vật chất nuôi sống con người, làm đẹp thế giới; mà thông qua lao động, Allah muốn con người hoàn thiện nhân cách của mình, vươn đến những giá trị siêu vượt khỏi thế giới vật chất. Bảo vệ sự sống - cái quý nhất mà Allah ban tặng, bằng cách cung dưỡng cho nó những điều kiện cần thiết, không chỉ là nhu cầu tự nhiên, mà còn chứa đựng ý nghĩa luân lý. Khi sáng tạo con người, Allah tự do tuyệt đối; nhưng để con người tồn tại và trở nên hoàn thiện, Allah ban cho con người tự do để cộng tác với Ngài nhằm bảo tồn và phát huy sự sống; đó không chỉ là vấn đề của cá nhân, mà cần có sự liên đới, nói cách khác, mỗi người không chỉ có bổn phận bảo vệ và phát huy sự sống của mình, mà cũng phải có trách nhiệm với sự sống của người khác như vậy. Đó là giá trị luân lý ẩn sâu trong thánh ý của Allah và Ngài phán: “Ta (Allah) đã tạo hoá con người để làm lụng (phấn đấu) cực nhọc”[Q. 90:4].

Cũng như các nền luân lý tôn giáo khác, Kinh Qur'an không để cho những hoạt động của con người quanh quẩn trong thế giới vật chất, vậy nên Allah phán: “Này hỡi con người! Quả thật, ngươi làm lụng vất vả để hướng về (gặp) Rabb của ngươi; thật sự vất vả nhưng nguơi sẽ gặp Ngài (Allah)”[Q. 84:6]. Như vậy, con người có thể tìm gặp Allah trong lao động và qua lao động. Yêu mến lao động cũng là cách thể hiện tình yêu đối với Thượng Đế, bởi đó không còn là hành vi của sự tuân phục mà nó còn thể hiện tình yêu đối với bản thân va tha nhân.

Một trong những mục tiêu của lao động là tạo ra của cải để phục vụ cuộc sống của con người, Kinh Qur'an yêu cầu con người phải hướng việc sử

dụng của cải do mình tạo ra về Allah. Nhiều người thường cảm thấy mình được vinh dự và quyền lực khi có nhiều tài sản, vì thế để gia tăng điều đó, họ không ngừng tìm cách làm cho kho tài sản của họ ngày càng đầy lên. Và khi đó, đúng như lời Đức Giêsu đã nói: “Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó”[Mt 6, 21]. Kinh Qur'an nguyền rủa những kẻ “yêu của cải giàu sang mê muội quá đáng”[Q. 89:20]. Con đuờng đúng đắn nhất trong ứng xử với của cải là “dùng của cải mà Allah đã ban cho các ngươi để tìm kiếm một Ngôi nhà ở Đời sau”[Q. 28:77]. Kẻ dùng tài sản của mình để phô trương cho thiên hạ thấy, nhằm tìm kiếm quyền uy và sức mạnh ở đời này, được Kinh Qur'an ví như bè bạn của Shaytân [x. Q. 4:38]. Cám dỗ từ phía của cải đối với con người quả là không nhỏ, vượt lên khỏi sự cám dỗ đó là con người đi được nửa đường giải thoát, nó đòi hỏi một tinh thần quảng đại.

Một tinh thần quảng đại bao giờ cũng là sự cho đi. Kinh Qur'an đã gián tiếp thừa nhận quyền sở hữu đối với tài sản mà mỗi người làm ra, nhưng xét đến cùng thì tài sản đó là của Allah ban cho con người do lòng nhân từ của Ngài. Ngài để con người tự do trong ứng xử với của cải, nhưng cũng không quên chỉ ra con đường đúng đắn nhất cho việc ứng xử đó. Đối ngược với quảng đại là hà tiện - keo kiệt, Kinh Qur'an lên án kẻ keo kiệt; theo đó, kẻ keo kiệt và xúi thiên hạ làm theo mình sẽ gặp tai họa [x. Q. 2: 195; 4: 37; 57: 24]. Kẻ keo kiệt tìm kiếm sự giàu có nhưng nó thật nghèo khó trước mặt Allah - Đấng rất mực giàu có [x. Q. 47:38], bởi nó không tích trữ được gì cho kho tàng trên Thiên Đàng. Người tôi tớ đẹp lòng Allah chính là người biết chi dùng của cải của mình cho chính nghĩa của Allah.

Người công chính trước mặt Allah phải là người biết dùng tài sản của mình để giúp đỡ người khác với tấm lòng khiêm hạ. Sau khi chi dùng cho những nhu cầu tối thiểu của bản thân và gia đình, của cải còn lại phải được sử dụng để làm việc thiện. Sự giúp đỡ người khác phải đi kèm với sự tôn trọng nhân phẩm người nhận, vì thế phải chi dùng những thứ còn tốt chứ không

phải phế phẩm. Kinh Qur'an yêu cầu người làm việc nghĩa phải chân thành, không mong tìm danh lợi ở đời, cũng không cầu tiếng khen của người khác [x. Q. 2:262-264], đó là kẻ cho đi mà “không đòi hỏi một người trả ơn về ân huệ đã ban cho, và chỉ mong tìm Sắc Diện Hài - lòng của Rabb”[Q. 92:19- 20]. Đó là những người tặng tài sản cho người khác với mục đích tìm kiếm Allah [x. Q. 30:39]. Mọi người đều được kêu gọi mở lòng ra đối với những người khốn khó, người giàu phương tiện thì chi theo phương tiện của mình, kẻ nghèo thì chi theo phương tiện của mình, Allah chỉ bắt mỗi người chịu gánh nặng phí tổn tùy theo phương tiện Ngài ban cho [x. Q. 65:7]. Và Kinh Qur'an kêu gọi mỗi người hãy mau mắn “chi dùng một cách kín đáo hay công khai (để làm việc thiện) trước khi xảy ra Ngày sẽ không có sự đổi chác cũng sẽ không có tình bạn hữu (giúp đỡ) nào trong đó”[Q. 14:31]. Như vậy, của cải một mặt quyến rũ con người khiến con người có thể không ngẩng mặt lên trời được, mặt khác, nó lại là một phương thế tốt đẹp để con người đến với Allah, hưởng hạnh phúc bất diệt.

Lời hứa về hạnh phúc dành cho những người biết chi dùng tài sản theo ý của Allah, luôn vang lên bên tai những tín đồ biết sống tuân phục. Kinh Qur'an cho hay, của cải do lao động làm ra khi được chi dùng đúng, nó sẽ không biến mất, mà được biến thể và tồn tại trong thế giới mới. Vậy nên, ứng xử đúng đắn với của cải sẽ làm cho nó sinh hoa trái dồi dào “giống như một hạt lúa trổ ra bảy bông lúa, mỗi bông lúa trổ ra một trăm hạt lúa”[Q. 2:61]. Và kẻ có tấm lòng quảng đại sẽ gặt hái dồi dào, với vụ mùa bội thu nơi Thiên Đàng. Mỗi Muslim được khuyến khích dùng của cải chóng qua ở đời này để mua lấy nước Thiên Đàng, đó mới chính là hành động khôn ngoan đích thực.

Sự giàu có là dấu chỉ Thiên lộc Allah ban cho con người do lòng quảng đại của Ngài. Sự giàu có không chỉ nơi của cải mà còn bao hàm các giá trị của ân sủng. Giàu có vừa là một phần thưởng, vừa là một thử thách cho lòng quảng đại của con người. Để được giàu có, con người phải tuân phục Allah

trong sự siêng năng và tiết kiệm, biết trân trọng giá trị sức lao động đã bỏ ra. Kinh Qur'an kết án “những kẻ phí phạm là anh em của Shaytân”[Q. 17:27], đó cũng là một hành động bội ơn Allah. Con người phải sử dụng của cải cách hợp lý, tức là “không phung phí cũng không keo kiệt khi tiêu dùng mà giữ mức trung bình giữa hai thái cực đó”[Q. 25:67]. Đây là một đòi hỏi không dễ thực hiện, phàm tính người ta, ít người giữ được quân bình.

Kẻ nghèo khó có thể do họ là nạn nhân của kẻ phi nghĩa, cũng có thể do lười biếng, phung phí. Ở một góc độ, Kinh Qur'an cho rằng kẻ nghèo có thể bị coi là sự trừng phạt của Allah; nhưng mặt khác, lại được coi là sự thử thách đối với lòng trung tín của tín đồ. Kẻ nghèo khó về tinh thần được đề cao; đó là lòng khiêm hạ, vâng phục, ý thức về sự lệ thuộc vào Allah và một sự siêu thoát của cải từ nội tâm.

Tóm lại, khi xem xét quan niệm về lao động và của cải trong Kinh Qur'an dưới góc độ giá trị đạo đức, tức là xem xét những đòi hỏi về thái độ đối với lao động và của cải do mình làm ra. Một tín đồ hết lòng tuân phục Allah, cũng phải là người biết yêu Allah trong lao động, biết dùng của cải do lao động làm ra cho chính nghĩa của Allah. Giá trị đạo đức của việc yêu lao động và lòng quảng đại trong ứng xử với của cải không chỉ phản ánh yêu cầu bức thiết của xã hội trên bán đảo Ả-rập thời đó, mà nó còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn to lớn. Kinh Qur'an đề cập đến của cải vật chất với tính cách là phương tiện, là yếu tố nhất thời, chóng qua; tự thân nó không chứa đựng giá trị sâu bền; và khuyến cáo tín đồ không nên cho của cải vật chất là cùng đích, mà mọi nỗ lực phải hướng đến giá trị vĩnh cửu. Quan niệm này chứa đựng một lẽ sống rất đẹp.

Không thể phủ nhận được rằng, trước hết con người cần phải tồn tại và phải có những điều kiện để đảm bảo cho sự phát triển bình thường của bản thân, rồi mới tính đến việc tạo lập giá trị và sống theo hệ giá trị. Nhưng, các giá trị luôn xuất hiện trong một trật tự tôn ti nhất định, có cái cao hơn, có cái

thấp hơn. Cũng như trong các nền luân lý tôn giáo khác, Kinh Qur'an luôn khẳng định tính ưu trội của những giá trị tinh thần. Sự nhận thức về thang giá trị tạo nên nhân cách của con người. Thị dục của con người thường xui khiến con người chạy theo những giá trị vật chất đến độ chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Khi con người dùng của cải vật chất làm thước đo nhân phẩm thì sẽ phân biệt kẻ cao người thấp, kẻ quí người tiện. Và khi đó, một hệ quả xấu sẽ xảy ra: kẻ có nhiều của cải thì coi thường người nghèo khó. Và đây, dù chỉ vang lên một lần, nhưng sự cảnh báo của Kinh Qur'an vượt thời gian: “Không được cười chê và khinh bỉ nhau, biết đâu phẩm giá của ngươi chỉ là ngộ nhận” [Q. 49:11]. Một sự ảo tưởng tương đối phổ biến rằng giá trị của con người ở nơi sự vật nhiều ít của nguời ấy tích trữ như danh vọng, tiền bạc… chứ không phải nơi các giá trị thật có của họ. Nguời ta nghĩ như thế nên đua nhau giành tiền bạc, thế lực để tăng giá trị cho mình, bất chấp luân thường đạo lý. Khi cái “chúa” thế tục lên ngôi thì Chúa với tính cách là hệ giá trị nhân văn dễ bị đày đoạ; và như vậy, đời sống đạo đức của xã hội không tránh khỏi có những biến động sâu sắc. Vậy nên, khi cho rằng của cải vật chất là tạm thời, không phải cùng đích; Kinh Qur'an muốn nhắn nhủ rằng phải biết sử dụng của cải với tính cách là một phương tiện cho việc làm gia tăng nhân phẩm của mình và người khác.

Như vậy, qua việc xem xét quan niệm về một số giá trị đạo đức cơ bản trong Kinh Qur'an, chúng ta thấy rằng những giá trị đạo đức đó không chỉ là sự phản ánh của tồn tại xã hội đương thời trên bán đảo Ả-rập, mà nó còn chứa đựng nhiều giá trị có tính phổ quát. Từ góc độ triết học, tôn giáo không chỉ là một hình thái ý thức xã hội với những đặc trưng của nó, mà còn tồn tại với tính cách sự xác lập hệ giá trị nhân văn. Sự thống nhất hệ giá trị nhân văn được Islam tập trung nơi biểu tượng Allah. Theo đó, một lẽ sống được thiết lập cho tín đồ, bao gồm một hệ thống những giá trị đạo đức có tính cách định hướng cho sự chọn lựa. Với tự do của mình, tín đồ muốn nên hoàn thiện và

hưởng hạnh phúc viên mãn thì phải lựa chọn và sống theo những giá trị đạo đức đã được chỉ ra trong Kinh Qur'an. Quan niệm về thiện và ác, hạnh phúc, lương tâm, công bằng, lao động và của cải…trong Kinh Qur'an đã chỉ cái mà mỗi Muslim đã tạo ra cho mình một diện mạo của đời sống văn hoá rất đặc trưng mà vẫn hoà vào dòng chảy của nhân loại. Không khó để có thể chỉ ra nhiều điểm tương đồng nơi quan niệm về giá trị đạo đức trong Kinh Qur'an với quan niệm đó nơi các tôn giáo lớn khác. Điều đó khẳng định tính chất phổ quát và sức sống lâu bền của nhiều quan niệm về giá trị đạo đức nơi Islam, bất chấp những biểu hiện lệch lạc mang danh nghĩa tôn giáo này.

Những giá trị đạo đức trong Kinh Qur'an với tính cách là cái tín đồ Islam phải hướng tới từ trong tư tưởng, lời nói và hành động. Nhưng để đạt đến những giá trị đạo đức đó, mỗi Muslim phải làm theo những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức áp dụng cho từng tình huống cũng như các mối quan hệ cụ thể.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu tư tưởng đạo đức trong kinh Qur''an (Trang 63 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)