Một số nguyên tắc cho đời sống xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu tư tưởng đạo đức trong kinh Qur''an (Trang 81 - 87)

2.1.1 .Nguyên tắc xác định thiện và ác trong Kinh Qur'an

2.2. Một số chuẩn mực đạo đức trong Kinh Qur'an

2.2.2. Một số nguyên tắc cho đời sống xã hội

Vấn đề căn bản của một nền tảng luân lý là trước hết phải làm cho sự hợp tác giữa người với người, người với vạn vật trở nên tốt đẹp; sau đó xác định sự hợp tác đó nên rộng lớn đến đâu. Một nền luân lý hoàn hảo tất phải nhắm tới sự hợp tác tối cao của một phần tử với đại thể, sự tương tác trong một cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau. Kinh Qur'an đã xác lập một nền luân lý không chỉ áp dụng cho đời sống cá nhân, gia đình, mà còn cho đời sống cộng đồng, xã hội. Đời sống xã hội được Kinh Qur'an đề cập đến trên nhiều phương diện; nhưng dưới đây, chúng tôi xin trình bày hai lĩnh vực cơ bản là những nguyên tắc đạo đức áp dụng trong cộng đồng Islam và giữa Islam với cộng đồng các tôn giáo khác.

Nền luân lý do Mohammed tuyên khải tuy đã vượt ra khỏi bộ lạc của ông, nhưng còn bị hạn chế trong nhóm tín đồ ông đào tạo. Sau lần thắng ở La Mekka, ông giảm bớt chứ không bỏ hẳn những vụ cướp bóc giữa các bộ lạc. Ông muốn tạo cho toàn bán đảo Ả-rập, toàn thể tín đồ Islam một ý nghĩa mới về sự thống nhất, một khu vực rộng lớn cho sự hợp tác và trung thành. “Chỉ những người có đức tin mới là anh em với nhau trong đạo”[Q. 49:10]. Nhờ cùng theo một tôn giáo mà sự phân biệt về huyết thống và chủng tộc trước kia rất mạnh trong các bộ lạc, nay giảm đi nhiều. Ranh giới về sắc tộc đã được hạn chế, tạo điều kiện cho sự thống nhất xã hội dưới ngọn cờ Islam.

Tình thân ái trong cộng đồng Muslims không chỉ được biểu lộ bằng thái độ tôn trọng, yêu nhau như anh em, mà Kinh Qur'an còn đòi hỏi một sự tương trợ cụ thể và hữu hiệu qua hành vi bố thí. Bố thí có hai hình thức là bố thí tự nguyện và bố thí theo luật định. Bố thí là một trong Năm Trụ cột của Islam. Bố thí được chỉ ra bằng từ “Zakat” nghĩa là sự tẩy uế, nó nhằm thanh lọc những của cải của thế giới này, và người ta chỉ được phép hưởng thụ với điều kiện phải hoàn lại một phần của cải ấy cho Allah qua việc tương trợ cho cộng

đồng. Zakah là một hình thức Jihah (đấu tranh) chống bản ngã vị kỷ của con người.

Mohammed mạt sát người giàu có cũng kịch liệt gần như Đức Giêsu. Có nhiều người nghĩ rằng mới đầu ông là một nhà cải cách xã hội do bất bình vì sự tương phản giữa sự xa hoa của những thương gia quý phái và sự nghèo khổ của quần chúng. Một trong những hành động đầu tiên của Mohammed ở Medina là đánh một thứ thuế hằng năm trên các động sản của mọi công dân để cứu trợ người nghèo. Kinh Qur'an mà ông truyền khải không ngớt động viên tín đồ hãy lưu tâm đến những khó khăn trong cuộc sống của đồng đạo, thậm chí khẳng định: “Các người sẽ không bao giờ đạt đến mức Đạo Đức (Al - Birr) trừ phi khi nào các người chi dùng cho Chính Nghĩa của Allah những vật mà các ngươi yêu thích nhất”[Q. 3:92].

Hành vi bố thí chỉ thực sự trở nên tốt đẹp đối với người cho cũng như người nhận khi nó phù hợp với thánh ý của Allah. Trước hết đối với người bố thí, Kinh Qur'an yêu cầu phải thực hiện điều đó với tất cả sự khiêm nhường trong sự tuân phục Allah. Sự khiêm nhường trước hết thể hiện ở thái độ bố thí. Sự bố thí phản ánh khao khát nên hoàn thiện, tăng trưởng nhân phẩm của bản thân; vậy nên không được coi việc bố thí như sự ban ơn, sự thương hại đối với người nhận; không được dùng bố thí như một hình thức làm tổn thương danh dự của người nhận [x. Q. 2:263]. “Chớ làm cho việc bố thí của các ngươi trở thành vô nghĩa bằng cách nhắc khéo về lòng rộng rãi của các ngươi và với lời lẽ làm tổn thương danh dự của người khác giống như (việc làm của) những kẻ chi dùng của cải của mình phô trương cho thiên hạ thấy chứ không tin nơi Allah và Ngày Sau. Bởi vì hình ảnh của người như thế giống với hình ảnh của tảng đá trơn láng có một lớp bụi phủ lên trên; khi mưa rào đổ trên nó, (nước mưa) quét sạch lớp bụi ấy đi bỏ nó nằm trơ trọi một mình”[Q. 2:264]. Đó là hành vi của kẻ đạo đức giả mà Kinh Qur'an đã nhiều lần lên án. Người bố thí khiêm hạ là người chỉ mong tìm sắc diện Allah cũng

như sự an lạc và phần thưởng đời sau. Do đó, bố thí cách kín đáo là hành vi của người khôn ngoan đích thực; người đó cũng là người luôn biết bố thí trong mọi hoàn cảnh. Vì sự trân trọng đối với người nhận, nên những vật được dùng được bố thí phải là những thứ còn tốt, tức còn sử dụng được chứ không phải những thứ phế phẩm [x. Q. 2:267]. Bố thí là một trong những con đường đến với hạnh phúc viên mãn, vậy nên Omar (làm calife từ 634-644) nói: “Nhờ cầu nguyện, chúng ta đi được nửa đường tới Thượng Đế, nhờ trai giới chúng ta tới được cửa Thiên cung của Ngài, nhờ bố thí chúng ta vào được Thiên cung”[dẫn theo 47, 142].

Như vậy, sự tương trợ trong cộng đồng là một nguyên tắc đạo đức được đề cao. Đây không chỉ là một phương án đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc xây dựng một cộng đồng Muslims thống nhất, xoa dịu những mâu thuẫn và sự phân biệt đối xử giữa các thành phần trong xã hội; mà nó còn chứa đựng ý nghĩa luân lý cao đẹp, thể hiện sự trân trọng đối với sự sống, tình liên đới sâu xa giữa người với người. Vậy nên vẻ đẹp của nghĩa cử này ta không chỉ gặp nơi Islam mà còn thấy nơi các tôn giáo lớn khác.

Làm cho mọi quốc gia trên thế giới họp nhau thành một dân tộc, đó là ý niệm cao thượng và là vinh dự chung của Kitô giáo và Islam. Nhưng trong cả hai tôn giáo đó, ngoài tình thương siêu việt đó, Islam còn hơn cả Kitô giáo về sự đối kháng kịch liệt với những kẻ ngoại đạo. Kinh Qur'an chia những kẻ ngoại đạo làm hai bộ phận là: Dân tộc của Kinh Sách (chỉ về cộng đồng Do Thái giáo và Kitô giáo) và những kẻ thờ đa thần.

Đối với Do Thái giáo và Kitô giáo, Kinh Qur'an đưa ra những ứng xử khá mềm dẻo, bởi giữa hai tôn giáo đó có mối quan hệ rất đặc biệt. Mối quan hệ này không chỉ thể hiện qua việc Islam đã tiếp thu rất nhiều yếu tố của Do Thái giáo và Kitô giáo mà chúng tôi đã nêu ở những phần trên, mà nó còn gắn với những tình huống lịch sử trong Islam. Khi Mohammed thuyết giáo công khai và lớn tiếng đả phá việc sùng bái ngẫu tượng tại Kaaba, ông gặp phải sự

chống đối kịch liệt của những người Qoraishite. Những người nghèo cải giáo theo ông bị họ ngược đãi, Mohammed cho phép và khuyên những người ấy di trú qua Abyssinie, ở đây họ được vua Abyssinie theo Kitô giáo tiếp đãi tử tế. Khi Mohammed đứng chân ở Mêdia, nơi đây có rất đông tín đồ Do Thái giáo, phần lớn họ không phục tùng ông, vẫn giữ tôn giáo của mình và tiếp tục buôn bán với người Qoraishite ở La Mecca. Mohammed lập một điều ước hoà hảo rất tế nhị với họ: “Người Do Thái nào quy phục cộng đồng chúng ta thì được che chở khỏi bị sỉ nhục, phiền nhiễu; họ cũng có quyền được chúng ta giúp đỡ như dân tộc chúng ta vậy, họ… cùng với các người Islam họp thành một quốc gia phức hợp duy nhất; họ được tự do theo tôn giáo của họ y như chúng ta… họ sẽ hợp lực với chúng ta để chống đỡ Yathrib, chiến đấu với mọi kẻ thù… Mọi sự tranh chấp sau này giữa kẻ chấp nhận hiến chương này sẽ do vị Tiên tri, sứ giả của Thượng Đế, phán đoán quyết định” [dẫn theo 47, 38].

Kinh Qur'an kêu gọi sự đoàn kết giữa dân tộc của Kinh Sách với cộng đồng Muslims để tôn thờ Allah cách phải đạo: “Hỡi người dân của Kinh Sách! Hãy đến cùng với một lời phán giống nhau… để chỉ thờ phụng riêng Allah thôi, và không tổ hợp bất cứ ai (cái gì) với Ngài (Allah), và không ai… thờ các vị chủ nào khác ngoài Allah cả”[Q. 3:64]. Kinh Qur'an khuyên tín đồ Islam phải tôn trọng những người dân của Kinh Sách, và “chớ tranh luận với họ trừ phi với thái độ nhã nhặn và trừ phi với những ai trong họ làm điều sai quấy và bảo họ: “Chúng tôi tin nơi điều đã được ban xuống cho chúng tôi và nơi điều đã được ban cho quý vị”. Và Ilâh (Thượng Đế) của chúng tôi lẫn Ilâh (Thượng Đế) của quý vị là một””[32, 46]. Ngay sau khi xích mích với người Do Thái, Kinh Qur'an vẫn khuyên Muslim phải khoan dung với dân tộc của Kinh Sách, không nên tàn bạo về tôn giáo.

Islam tuy cũng nhiệt liệt với tinh thần “duy ngã độc tôn” như nhiều tôn giáo khác, nhưng cho rằng những kẻ ngoại đạo cũng có thể được cứu rỗi, và khuyên tín đồ tôn trọng “Luật” tức Kinh Cựu Ước, Kinh Phúc Âm và Kinh

Qur'an, vì cả ba đều là “Lời của Thượng Đế”. Tinh thần khoáng đạt đó thật là tươi mới, tuy nó thổi không mạnh trong lịch sử Islam. Kinh Qur'an yêu cầu tín đồ Do Thái giáo tuân “Luật” của họ, người Kitô tuân lời trong Phúc Âm. Nhưng theo quan điểm trong Kinh Qur’an, những lời khải thị đó bị lệch lạc đi khi qua tay dân tộc của Kinh Sách, vậy nên Kinh Qur'an khuyên họ coi Kinh Qur'an là lời khải thị cuối cùng và trọn vẹn, có mục đích đoàn kết họ lại, giải tội cho họ và cho toàn nhân loại một tín ngưỡng tạo ra sinh lực và sự thống nhất.

Ba Kinh đó: Kinh Thánh Kitô giáo, kinh điển Do Thái giáo và Kinh Qur'an của Islam đã tạo nên “thời đại tín ngưỡng” (Thời Thượng cổ và Trung cổ), có một nền đạo đức mang mầu sắc siêu nhiên do Thượng Đế khải thị, mới lập được trật tự trong xã hội và trong tâm hồn con người. Cả ba kinh đó đều là của các dân tộc Simite, đặc biệt là dân tộc Do Thái. Bi kịch trong lịch sử (phương Tây) thời Trung cổ có lẽ là sự tương tranh về tinh thần của ba tín ngưỡng đó và sự xung đột đổ máu giữa các tín đồ của các tôn giáo đó.

Nhưng, đối với những người không có đức tin (nơi Allah), Kinh Qur'an khuyên Muslims phải nỗ lực truyền giáo cho họ, nếu họ không nghe thì phải nghiêm khắc với họ. Đối với những người thờ đa thần, làm ngơ trước lời khải thị của Thượng Đế, Kinh Qur'an hô hào dùng “Thánh chiến”, và cho rằng đó là bổn phận vinh quang, Allah dùng để thử thách lòng trung thành của tín đồ, và là sự trừng phạt đối với kẻ dị đoan [x. Q. 47:31-32]. Đối với những kẻ đã phủ nhận Allah, Kinh Qur'an yêu cầu tín đồ tuyệt giao với chúng; đối với những kẻ bội giáo hay có nguy cơ chống Islam cũng sẽ bị giết. Khi tháng hưu chiến đã qua rồi, Kinh Qur'an cho phép “đánh và giết những kẻ thờ đa thần ở nơi nào các người tìm thấy chúng”[Q. 9:5]. Nhưng “nếu có một người thờ đa thần nào đến xin ngươi cho tị nạn thì hãy che chở giúp y mãi cho đến khi y thấm nhuần lời Răn của Allah rồi hộ tống y đến nơi an toàn”[Q. 9:6]. Đối với người già, trẻ con và đàn bà thờ đa thần nhưng không chiến đấu được thì được

tha mạng nhưng sẽ mang thân phận nô lệ. Những nam tín đồ khoẻ mạnh đều có nghĩa vụ tham gia cuộc thánh chiến. Allah tỏ ra yêu mến những kẻ chiến đấu cho chính nghĩa của Ngài, và cho rằng đi suốt ngày để chiến đấu vì tôn giáo còn thích hơn là suốt ngày tụng niệm sáu chục năm ở nhà. Nhưng luân lý chiến tranh đó không phải để xúi giục chiến tranh, Kinh Qur'an yêu cầu Muslims chiến đấu theo cách của Allah với những người tấn công mình, nhưng không được khai hấn, Allah không ưa gì quân xâm lăng.

Nhiều người lại xem nghĩa vụ thánh chiến là cột trụ thứ sáu của đạo Islam. Đây là một nhiệm vụ nhất thời, không thường xuyên như năm nghĩa vụ trước, vì nó chỉ bắt buộc khi Islam bị lâm nguy, cần được bảo vệ. Thực ra ý nghĩa chính của từ Jihah trong Kinh Qur'an là “nỗ lực”, tín đồ phải hùng tâm gắng nhân văn hóa bản chất của mình, tránh được lỗi lầm để trở thành người thiện. Về sau, người ta ghép cho từ này ý nghĩa chiến đấu vũ trang, vì theo Kinh Qur'an, phải chiến đấu để bảo vệ hay tấn công, chiến đấu để dẫn dắt mọi người tiến lên trên con đường phục tùng Thượng Đế. Các cuộc thánh chiến đầu tiên xảy ra khi Mohammed lãnh đạo tín đồ chống lại các cuộc tấn công và bao vây của Mekka. Về sau, khi bị Thập Tự quân Kitô giáo đến chiếm vùng Đất Thánh, các giáo chủ Islam cũng ban sắc lệnh Thánh chiến, và trong những thế kỷ gần đây, cuộc chống trả chiến tranh thuộc địa của các nước phương Tây cũng là một thánh chiến mới. Những thập niên cuối thế kỷ XX lại đây, nhiều phần tử Islam cực đoan cũng kêu gào “Thánh chiến”.

Tóm lại, những nguyên tắc áp dụng cho đời sống xã hội được Kinh Qur'an đề cập đến rất phong phú và nhiều chiều, từ các quan hệ dân sự đến đời sống tôn giáo, từ quan hệ trong cộng đồng Muslim đến ứng xử với cộng đồng các tôn giáo khác… đã tạo nên phong hóa rất đặc trưng trong thế giới Islam. Ta có thể nhận thấy tính thống nhất cao trong thế giới Islam (mặc dù tôn giáo này không có một giáo hội hoàn vũ), tính quyết liệt trong tinh thần truyền giáo, sự hoà quyện giữa lý tưởng tôn giáo với đời sống xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu tư tưởng đạo đức trong kinh Qur''an (Trang 81 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)