2.1.1 .Nguyên tắc xác định thiện và ác trong Kinh Qur'an
2.1.4. Quan niệm về công bằng trong Kinh Qur'an
Kinh Qur'an đề cập đến công bằng theo nghĩa rộng: vừa theo nghĩa phán xét, vừa theo nghĩa đức độ thanh liêm của con người. Công bằng là trả lại cho mỗi người những gì là của họ hay họ có quyền được hưởng.
Cũng như với các quan niệm về giá trị đạo đức khác trong Kinh Qur'an, Allah cũng chính là hệ chuẩn, sự quy chiếu của đức Công bằng. Một trong các đặc tính thể hiện qua các danh xưng của Allah được xướng lên nhiều lần trong Kinh Qur'an là chỉ về sự công bằng, chính trực của Allah. Ngài là Đấng Công Minh Chính Trực, Đấng Vô Tư khi xét xử, Ngài không thiên vị nam hay nữ trong phần thưởng [x. Q. 16:97]. Ngài tạo dựng người nam và người nữ cách công bằng, Ngài đã chất vấn kẻ cư xử thiếu công bằng về sự phân biệt nó tạo ra: “Phải chăng nam giới (con trai) thuộc về các ngươi còn nữ giới (con gái) thì thuộc về Ngài (Allah)? Một sự phân chia như thế thật chẳng công bằng! Quả thật, đó chẳng qua chỉ là những tên gọi mà các người và cha mẹ của các người đã gán đặt cho chúng chứ Allah không ban xuống một chút thẩm quyền nào. Chúng chỉ làm theo điều chúng tưởng tượng và theo điều mà bản thân chúng mong muốn trong lúc chắc chắn có một chỉ đạo từ Rabb của chúng đã đem đến cho chúng”[Q. 53:21-23]. Sự công bằng nằm trong quyền bính và thượng trí của Allah trong quá trình tạo dựng, và Ngài đã mặc khải chân lý toàn vẹn làm chỉ đạo cho con người; con người được yêu cầu phải dùng “Sự thật và dựa vào sự thật mà đối xử công bằng (với người khác)”[Q. 7:181]. Như vậy, sự công bằng đến từ Allah, và chỉ có Ngài mới có quyền dùng sự công bằng để xét xử con người. Ngài sẽ xét xử con người theo các chiều hướng của việc thực thi đức công bằng đã được ban xuống qua Kinh Qur'an. Sự công bằng đi liền với cái thiện, thực thi đức công bằng tức là làm tăng trưởng nhân phẩm để đến độ viên mãn, đem lại những giá trị tốt đẹp cho mỗi cá nhân và cộng đồng trên con đường đến với Allah. Công bằng là sự khẳng định về một giá trị đạo đức thể hiện nhân tính của con người. Kinh Qur'an đã đề cập đến công bằng trên nhiều phương diện ứng xử cũng như các hệ quả của nó.
Vì Allah tạo dựng con người cách công bằng (mặc dù Ngài không bỏ qua yếu tố đặc thù), nên Kinh Qur'an đòi hỏi tín đồ phải công bằng trong ứng
xử với các mối quan hệ. Islam rất chú ý đến đời sống hôn nhân gia đình, vì thế các quy tắc đạo đức áp dụng cho lĩnh vực này chiếm vị trí quan trọng. Vậy nên, đức công bằng được Kinh Qur'an đề cập đến cho các mối quan hệ như cha mẹ với con cái, con người với xã hội… không nhiều bằng quan hệ chồng - vợ. Mặc dù thừa nhận và cho phép chế độ đa thê tồn tại trong xã hội Islam (mỗi người đàn ông có thể lấy đến bốn vợ) nhưng Kinh Qur'an đòi hỏi người chồng phải đối xử công bằng với các bà vợ. Allah cho phép người đàn ông có thể “cưới những người đàn bà mà các ngươi vừa ý hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn. Nhưng nếu các ngươi sợ không thể (ăn ở) công bằng với họ (vợ) thì hãy cưới một bà thôi… Điều đó thích hợp cho các ngươi hơn để may ra (vì thế) các ngươi tránh được bất công [Q. 4:3]. Nếu người đàn ông không đủ điều kiện để cưới một phụ nữ tự do, có thể cưới nữ nô lệ có đức tin và cũng phải đối xử công bằng với vợ mình, không được dựa theo nguồn gốc xuất thân mà coi người ta như đồ vật [x. Q. 4:25]. Sinh thời, Mohammed có nhiều vợ và ông đối xử rất công bằng với các bà đúng như sự công bằng mà ông đang rao giảng.
Sự công bằng phải được thực hiện trong ứng xử với các vấn đề của đời sống cộng đồng. Khi được bầu làm trọng tài để giải quyết các tranh chấp, không được thiên vị giúp kẻ khác làm điều sai quấy [x. Q. 11:113]. “Nếu có hai nhóm tín đồ đánh nhau, hãy hoà giải hai bên. Nhưng nếu nhóm này áp bức và lấn át nhóm kia, hãy đánh nhóm áp bức…, nếu họ chiêu hồi, hãy hoà giải hai nhóm một cách công bằng và vô tư. Quả thật, Allah yêu thương những người công bằng, vô tư”[Q. 49:9]. Và phải đứng vững, kiên định trong việc làm chứng, cũng như không được làm chứng điều mình không biết [x. Q. 17:36; 70: 33], như thế là thực thi đức công bằng.
Khía cạnh thứ hai của công bằng thể hiện trong ứng xử với vấn đề của cải. Của cải vốn là vật ngoài thân, nhưng nó lại là phương tiện hữu dụng để thử sự thanh liêm của con người. Người công bằng thì biết kiềm chế bản thân
để không tham lam tài sản của người khác. Sự tham lam tài sản của người khác được Kinh Qur'an mô tả rất phong phú như: cho vay ăn lãi gấp đôi hoặc nhiều hơn [x. Q. 3:130], gian lận trong cân đong đo đếm [x. Q. 7:85; 11:84; 17:35], lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của kẻ khác [x. Q. 4:29], nhập chung tài sản của trẻ mồ côi vào của mình để đánh tráo vật xấu lấy vật tốt của chúng [x. Q. 4:2]… Người đứng ra chia tài sản thừa kế phải công bằng ngay chính, và kẻ làm chứng cho việc chia tài sản theo di chúc cũng phải công bằng không được thiên vị mà bóp méo sự thật [x. Q. 4:9; 5:106]. Cũng vậy, kẻ làm ăn buôn bán không được dùng sức mạnh kinh tế ưu trội hơn mà chèn ép người cùng làm ăn với mình. Như vậy, sự công bằng là một đòi hỏi nghiêm khắc của luân lý, nó không chỉ bảo vệ quyền lợi vật chất, mà nó còn bảo vệ phẩm giá làm người cho con người.
Theo Kinh Qur'an: trả thù đúng mức cũng là công bằng. Nếu Đức Kitô đề xuất quan điểm tha thứ vô hạn cho kẻ thù: “Không phải tha thứ đến bảy lần mà là bảy mươi lần bảy”[Mt 18,22]; thì Kinh Qur'an cho phép được trả thù trong giới hạn, nhưng cũng khuyến khích sự tha thứ như là biểu hiện của đức bác ái. Giống như Luật Cựu Ước, Kinh Qur'an cho phép: “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, mũi đền mũi, tai đền tai, răng đền răng và thương tích đền bằng thương tích theo luật công bằng”[Q. 5:45]. Mỗi người được trả thù kẻ làm nhục mình, nhưng trong giới hạn cho phép [x. Q. 2:190-191], bởi vì “ai tự vệ sau khi bị áp bức thì sẽ không có con đường (lý do) nào khiển trách họ” [Q. 42:41].
Tuy vậy, không ít lần Kinh Qur'an cho phép trả thù nhưng lại biểu dương người biết tha thứ cho kẻ làm hại mình: “Nếu các ngươi trả miếng thì hãy trả đũa bằng với miếng mà các ngươi đã bị đòn nhưng nếu các ngươi kiên nhẫn chịu đựng thì chắc chắn đó là điều tốt nhất cho những ai kiên nhẫn” [Q. 16:126]. Lấy oán báo oán, tuy oán oán không chất chồng “nhưng ai lượng thứ và giải hoà thì phần thưởng của y nằm nơi Allah”[Q. 42:40]. Tuy luật đạo
đức trong Kinh Qur'an là bước ngoặt vĩ đại trong việc thực thi nhân tính của dân chúng trên bán đảo Ả rập, nhưng nó cũng phải được diễn đạt cho phù hợp với văn cảnh đương thời và nó cũng cần có lộ trình để cải biến tâm hồn con người thời đó. Vậy nên, sự công bằng trong việc trả thù cũng phải được hiểu trong bối cảnh lịch sử cụ thể.
Luật công bằng là một giá trị đạo đức, và kẻ đạo đức giả là sự vi phạm đức công bằng. Công bằng vốn là một giá trị được thiết lập trên sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, giữa cái sâu xa trong tâm hồn với những biểu hiện bên ngoài. Kinh Qur'an đã nhiều lần lên án “những kẻ dùng sự sắc bén của miệng lưỡi để ăn không tài sản của người khác, áp bức kẻ khác dưới chiêu bài nhân nghĩa. Kẻ đạo đức giả trong mọi tình huống luôn bao biện cho mình, tìm kiếm lợi lộc trong khi không chấp nhận sự thật. Những kẻ đó nói: “Chúng tôi tin nơi Allah”. Nhưng khi vì Allah mà họ chịu khổ thì họ lại cho cảnh người áp bức người là một hình phạt của Allah. Và nếu có sự trợ giúp đến từ Rabb (Đấng Chủ Tể) thì họ (những người đạo đức giả) lại nói: “Quả thật chúng tôi luôn sát cánh với anh em””[Q. 29:10]. Kẻ đạo đức giả luôn cố tình đánh tráo bản chất, gây ra sự hiểu lầm, và như thế, vi phạm nghiêm trọng đạo đức công bằng. Chẳng khác gì như Đức Giêsu nói về những kẻ đạo đức giả thời Người, chúng được ví “như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế… bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn giả hình và gian ác”[Mt 23, 27-28]. Kinh Qur'an cũng lên án mạnh mẽ kẻ đạo đức giả như vậy, và đồng nhất kẻ đạo đức giả với kẻ không tin nơi Allah, phải “quyết liệt chống lại những kẻ đạo đức giả và hãy cứng rắn đối với chúng, bởi vì nhà ở của chúng là Hoả ngục, một nơi cư ngụ tồi tệ nhất”[Q. 9:73]; chúng sẽ bị nguyền rủa và trừng phạt đến muôn đời [x. Q. 9:68]. Sở dĩ kẻ đạo đức giả bị lên án nặng nề như vậy là do hậu quả của nó gây ra. Đạo đức giả cũng đồng nghĩa với chống lại sự thật, làm trái với chính đạo, phá huỷ giá trị của bản thân, chạy theo thị dục
trần thế, khước từ tiếng gọi của lương tâm, chống lại ý định tốt lành của Allah; không những thế, kẻ đạo đức giả còn làm băng hoại đời sống đạo đức của cộng đồng, làm hại đến tha nhân. Kết cục mà kẻ đạo đức giả phải nhận là xứng hợp và cần thiết.
Để khuyến khích tín đồ sống công bằng ngay chính, Kinh Qur'an tiếp tục triển khai giá trị của công bằng thể hiện nơi mối liên hệ nhân quả tự thân. Con người sống từng phút giây hiện tại cũng chính là đang dệt nên đời mình, con người sẽ trở nên như thế nào là tuỳ thuộc vào tính chất của việc suy nghĩ, nói và làm. Con người tuy nhỏ bé trước Thượng Đế và vũ trụ bao la nhưng nó vẫn là một thế giới - khép kín nhưng sống động. Trong mọi tình huống, con người luôn có khuynh hướng xây dựng thế giới riêng cho mình, và luật nhân quả là một định hướng cho việc con người phải xây dựng thế giới ấy như thế nào. Vì bản thân Kinh Qur'an có nhiều điểm mâu thuẫn, nên nó đề cao đức tin để tín đồ biết chấp nhận sự mặc khải của Allah.
Những điểm mà lý trí con người cho là mâu thuẫn ấy được thần học Islam lý giải là do sự hạn chế của lý trí con người trong việc tiếp thu sự Mặc khải đến từ Đấng Thượng Trí. Và trong quan niệm về nhân quả tự thân cũng vậy. Nhiều câu trong Kinh Qur'an nói về sự tiền định tuyệt đối của Allah cho số phận của mỗi con người như thể con người không thể tự dệt nên đời mình, mọi nỗ lực của con người cũng không làm thay đổi căn bản số phận của họ. Nhưng trong quan niệm về đức công bằng, Kinh Qur'an lại trình bày nó dưới dạng nhân quả tự thân. Mỗi con người có quyển sổ ghi phúc và tội để đến ngày phán xét họ sẽ nhận được phần thưởng hay bị phạt tùy theo cán cân tội phúc. Trước toà phán xét “mỗi người (linh hồn) sẽ được trả lại đầy đủ về điều (phước và tội) mà y đã thu hoạch. Và họ sẽ không bị đối xử thiệt thòi”[Q. 3: 25]. Kinh Qur'an khuyên răng: “chớ đối xử bất công với người khác và các ngươi sẽ không bị đối xử bất công trở lại”[Q. 2:279]. Mọi phúc và tội mà mỗi con người tạo ra được lưu giữ lại cho đời sau. Việc thiện con người tạo ra sẽ
không bị quên lãng, Allah lưu giữ nó nơi mình [x. Q. 2:110]. Kinh Qur'an khẳng định, không ai phải chịu tội thay cho ai, và cũng không ai được lãnh phần thưởng thay cho người khác: “Nếu các ngươi làm điều lành, thì bản thân các ngươi sẽ hưởng lành; và nếu các ngươi làm ác thì sẽ chuốc dữ vào thân”[Q. 17:7].
Như vậy, Kinh Qur'an đã đề cao sự trưởng thành của nhân cách trong đời sống đạo đức. Bởi, một nhân cách trưởng thành thì luôn biết tự chịu trách nhiệm về những gì mình đã thực hiện. Luân lý trong Kinh Qur'an, dưới hình thức tôn giáo - sự mặc khải của Allah, đã rèn luyện và xây dựng phẩm tính cho những con người mà nó chi phối. Mặc dù nhiều câu trong Kinh Qur'an đề cao sự tiền định, nhưng có lẽ chúng ta nên hiểu quan niệm về sự tiền định trong những tình huống, bối cảnh và dụng ý nhất định. Những chiến sĩ ra chiến trường họ cần có niềm tin vào sự tiền định của Allah cho sự sống chết, để dũng cảm và hiên ngang trước hiểm nguy; đối với những kẻ luôn tranh đoạt để thoả mãn những thị dục trần thế, cần phải biết đến sự tiền định để an nhiên tự tại mà sống, biết tôn trọng mình và người khác… Nhưng, niềm tin vào sự tiền định trong đạo Islam nhiều khi bị lạm dụng thái quá khiến cho đời sống của thế giới Islam trở nên khô khan, mất sinh khí.
Sự diễn tả về công bằng trong Kinh Qur'an không chỉ đáp ứng được bởi đòi hỏi của bối cảnh xã hội đương thời, mà còn tham gia vào bảng giá trị của nhân loại. Một xã hội muốn có trật tự buộc nó phải được vận hành trên cơ sở tôn trọng một nguyên lý chung, nguyên lý ấy phải được đảm bảo được tính công bằng, tức là nó phải bảo vệ được quyền lợi chung của cộng đồng cũng như từng cá nhân. Phẩm giá con người được nhìn nhận dưới ánh sáng công bằng buộc mỗi cá nhân phải tôn trọng cá nhân khác, cũng như tôn trọng sở hữu của họ đặc biệt về tài sản. Khi mỗi cá nhân trên bán đảo Ả rập không còn sống trong các cộng đồng với tính cách là các bộ lạc, họ đã gia nhập vào một cộng đồng rộng lớn dưới ngọn cờ Islam, thì tính chủ động tích cực của mỗi
thành viên trong cộng đồng mới này cần phải được phát huy trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc chung của cộng đồng. Và như thế một quốc gia mới trên bán đảo Ả-rập được hình thành và bước những bước tuy chập chững nhưng đầy nội lực.
Không nghi ngờ gì, quan niệm về công bằng trong Kinh Qur'an chứa đựng nhiều giá trị có tính phổ quát. Phẩm giá người phụ nữ trên bán đảo Ả- rập thời tiền Islam không được coi trọng, họ gần như một vật sở hữu của đàn ông, thậm chí trẻ em gái có thể bị chôn sống. Nhưng Kinh Qur'an đề xuất tư tưởng công bằng về nguyên lý tạo tác người nam và người nữ dưới bàn tay của Allah. Như thế, về nguyên tắc phẩm giá của người nam và người nữ là như nhau. Đây là một giá trị nhân bản không chỉ cần thiết trong bối cảnh xã hội trên bán đảo Ả-rập thời đó, mà nó còn đúng và cần thiết cho tất cả những nơi mà phẩm giá người phụ nữ chưa được tôn trọng đúng mức. Tuy vậy sự thực thi giá trị đạo đức tốt đẹp đó cũng như cuộc đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ trong các nước Islam vẫn rất khó khăn và cần có những nỗ lực bền bỉ. Khi phẩm giá con người cần được nhìn nhận cách công bằng thì những yếu tố để đảm bảo phẩm giá con người cũng cần phải được tôn trọng. Nơi đâu còn cảnh người áp bức bóc lột người thì ánh sáng của công bằng cần được chiếu soi mạnh mẽ. Để thành Con Người thì mỗi người cần phải sống dưới ánh sáng của công bằng để dần hoàn thiện nhân cách của mình, để sự hiện sinh của mỗi nhân vị không đi kèm tiếng “thở dài”.
Một trong những yếu tố then chốt mà tôn giáo đem lại cho con người đó là niềm hy vọng, và Islam qua Kinh Qur'an đã thổi vào tâm hồn tín đồ của mình niềm hy vọng lớn lao. Suy tư về lẽ công bằng khiến tâm hồn tín đồ Islam tràn đầy hy vọng. Người sống theo lẽ công bằng hy vọng và tin tưởng