2.1.1 .Nguyên tắc xác định thiện và ác trong Kinh Qur'an
2.2. Một số chuẩn mực đạo đức trong Kinh Qur'an
2.2.1. Một số chuẩn mực đạo đức áp dụng cho đời sống gia đình
2.2.1.1. Đối với đời sống hôn nhân
Có thể nói, Kinh Qur'an đầy ắp những qui định cho đời sống hôn nhân. Đời sống hôn nhân trở thành mối quan tâm hàng đầu trong những ứng xử luân lý giữa con người với con người. Chỉ khi Islam đã trở thành lẽ sống, thì những cư dân trên bán đảo Ả-rập khô cằn mới cảm nhận sâu sắc rằng đời sống hôn nhân chứa đựng những giá trị thiêng liêng cao quý. Việc kết hợp người nam và người nữ trong đời sống hôn nhân không chỉ là thuận theo lẽ tự nhiên mà còn là hành vi của sự hợp tác giữa con người với Thượng Đế trong công cuộc hoàn thiện thế giới. Cũng giống với trình thuật trong “Sáng thế ký”, Kinh Qur'an mô tả việc Allah tạo ra Adam, từ Adam tạo ra Eva; qua sự kết hợp giữa hai ông bà, Allah tạo ra toàn thể nhân loại [x. Q. 4:1]. Như vậy, mục đích đầu tiên của hôn nhân là phương thức chính đáng để duy trì và phát triển sự sống; vậy nên, cũng như Do Thái giáo, Islam coi sự độc thân là tội, hôn nhân là bổn phận làm vui lòng Thượng Đế.
Mặt khác, cho dù được tạo ra cách bình đẳng, Allah vẫn duy trì sự khác biệt nhất định giữa người nam và người nữ. Vậy nên, người nam và người nữ có xu hướng kết hợp với nhau để bổ sung cho nhau, cùng nhau vươn đến sự hoàn thiện. Mục đích của sự kết hợp đó đem lại hạnh phúc cho cả hai, vì Allah “tạo ra người vợ…. để cho Người (Adam) sống yên bình với nàng”[Q.7:189]. Và sự kết hợp đó là dấu chỉ tình yêu Allah dành cho con người, Ngài muốn người nam hiểu rằng “Ngài đã tạo từ bản thân của các nguời những người vợ cho các người để các người sống an lành với họ và Ngài đã đặt giữa các người tình yêu thương và lòng bao dung”[Q. 30:21]. Để đời sống hôn nhân đi theo chính đạo và trở nên hạnh phúc, Allah đặt ra một loạt các qui tắc ứng xử giữa vợ chồng với nhau.
Kinh Qur'an vẫn duy trì chế độ đa thê, nhưng giới hạn ở con số bốn. Người đàn ông theo Islam có thể lấy đến bốn vợ, nhưng phải ăn ở công bằng
với các bà vợ, nếu không làm được điều đó thì nên lấy một vợ thôi. Người đàn ông được phép cưới những trinh nữ tự do có đức tin, những trinh nữ tự do trong số những người của Kinh Sách (dân Kitô giáo và Do Thái giáo), những phụ nữ độc thân trong đạo, những người đức hạnh trong số những người giúp việc; nếu không đủ điều kiện để cưới phụ nữ tự do thì được cưới nữ nô lệ và phải đối xử công bằng với họ [x. Q. 4:25; 5:5; 24:32]. Đối với những người không có đủ điều kiện để cưới vợ, Kinh Qur'an an ủi: “Những ai không tìm ra phương tiện để kết hôn, hãy kiềm chế (và giữ mình trong sạch) cho đến khi Allah sẽ làm cho họ giàu với Thiên lộc của Ngài”[Q. 24:33]. Kinh Qur'an cấm nam tín đồ kết hôn với phụ nữ thờ đa thần [x. Q. 2:221], “mẹ, con gái, chị (em) ruột, cô, dì, cháu (gọi bằng bác hay chú, hay ông), mẹ nuôi, chị (em) nuôi cùng bú một vú, mẹ vợ, con ghẻ dưới quyền giám hộ của các người và là con của người vợ mà các người đã ăn nằm, phụ nữ đã có chồng ngoại trừ (những nữ tù binh) nằm trong tay các người” [Q. 4:23-24]. “Và chớ cưới một phụ nữ nào mà cha của các người đã cưới làm vợ ngoại trừ việc đã lỡ xảy ra (trong quá khứ) bởi đó là một điều ô nhục và là một tập tục đáng ghê tởm”[Q. 4:22].
Kinh Qur'an giương cao khẩu hiệu tự do trong hôn nhân. Cha mẹ không có quyền ép buộc con cái trong việc kết hôn. Người nam và nguời nữ được tự do tìm hiểu và quyết định đến với hôn nhân trong sự tự do ưng thuận của hai người. Và họ phải hiểu rằng hôn nhân không phải là cách để thoả mãn dục tính. Họ phải ý thức đầy đủ giá trị cao quý của đời sống hôn nhân. Có như vậy, đời sống hôn nhân mới là một bản tình ca đẹp mà hai người cất lên theo giai điệu và sự chỉ huy của Allah. Đời sống hôn nhân bắt đầu khi người nam trao và người nữ nhận quà cưới (có thể bằng tiền, có thể bằng vật phẩm) dưới sự chứng kiến của Thượng Đế và cộng đồng. Quà cưới không chỉ là biểu hiện của giao ước, mà còn là yếu tố ràng buộc trong đời sống hôn nhân và cũng là điều kiện đảm bảo cho vị trí của người phụ nữ.
Hình thức gia trưởng vẫn được Kinh Qur'an duy trì theo truyền thống văn hoá Ả-rập, nhưng cũng đưa ra nhiều đòi hỏi luân lý để đảm bảo một sự hài hoà nhất định trong đời sống hôn nhân. Do những yếu tố đặc thù mà Thượng Đế đã tạo ra giữa người nam và người nữ, nên Ngài cũng trao cho “đàn ông (có trách nhiệm) trội hơn đàn bà một bậc”[Q. 2:228]. Trong gia đình, “đàn ông là trụ cột trên đàn bà vì Allah ban cho người này sức lực hơn người kia và bởi vì họ chi dùng tài sản của họ vào việc cấp dưỡng gia đình” [Q. 4:34]. Đàn ông có trách nhiệm đi làm lấy tiền nuôi gia đình, đàn bà phụ trách công việc nội trợ. Vị trí của đàn ông trên đàn bà không phải bởi phẩm giá của họ cao hơn, mà bởi nét đặc thù Allah tạo ra nơi họ, trao cho họ vai trò cao hơn trong đời sống hôn nhân gia đình và xã hội. Nhưng cũng do vai trò cao hơn, nên Allah cũng đặt nơi họ những thẩm quyền lớn hơn trong đời sống hôn nhân, để họ dẫn dắt đời sống hôn nhân đến bến bờ hạnh phúc.
Một trong những nghĩa vụ mà người chồng phải thực hiện là cùng với vợ hợp tác với Allah trong việc tạo sinh. Người vợ là mảnh đất trồng cho người chồng gieo giống [x. Q. 2:223], và như thế từ chối vợ là một điều xấu xa [x. Q. 2:226]. Người chồng phải tôn trọng thiên chức làm mẹ của người vợ, phải chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của vợ ở mức độ cao nhất có thể, “không được phép cưỡng bức vợ để thừa hưởng gia tài của họ, cũng không được nhốt (hành hạ) họ để lấy lại một phần tiền cưới mà các người đã tặng họ ngoại trừ trường hợp họ công khai phạm tội thông gian; ngược lại hãy sống chung với họ một cách tử tế bởi vì nếu các người ghét họ thì có lẽ các người ghét một (sinh) vật mà Allah đã ban nhiều cái tốt lành”[Q. 4:19]. Nhưng, người chồng có quyền cảnh cáo vợ từ nhẹ đến nặng nếu nghi ngờ vợ hư hỏng, và có quyền thay những người vợ mất nết bằng những người vợ đức hạnh.
Người phụ nữ được Kinh Qur'an đặt lên vai những qui tắc luân lý rất nghiêm ngặt. Sự trinh tiết là đòi hỏi đầu tiên của đức hạnh. Người phụ nữ khi
chưa kết hôn phải giữ mình trong sạch. Người chồng được quyền đuổi vợ mà không mắc tội, cũng không phải trả lại quà cưới nếu phát hiện vợ không còn trong trắng. Người vợ phải chung thuỷ tuyệt đối với chồng, và phục tùng chồng được coi là biểu hiện của đức hạnh [x. Q. 4:34]. Người vợ phải kính trọng chồng và phải thừa nhận rằng chồng thông minh tài giỏi hơn mình, và do đó, phải phục tùng chồng; nếu phản kháng thì sẽ bị đánh bằng roi và bắt ngủ riêng. Nhưng người vợ nào làm vui lòng chồng thì khi chết sẽ được lên Thiên Đàng. Kinh Qur'an cho rằng đàn bà là cái hoạ ghê gớm nhất cho đàn ông, và cho rằng đại đa số phụ nữ sẽ phải xuống Hoả Ngục. Nếu người chồng xấu số qua đời, goá phụ phải ở vậy bốn tháng mười ngày, và sau đó có quyền định liệu việc tương lai. Mặc dù phải thực hiện những quy tắc luân lý nghiêm ngặt, nhưng Kinh Qur'an cũng không quên đưa ra những qui định nhằm bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ đặc biệt trong vấn đề ly dị.
Kinh Qur'an cũng như Pháp điển Do Thái cho phép ly dị rất dễ dàng, gần như vì lý do gì cũng đựơc; vợ có thể ly dị chồng sau khi trả sính lễ. Tuy Kinh Qur'an theo cổ tục của Ả-rập cho phép chồng ly dị vợ như vậy, nhưng lại cho rằng Thượng Đế không ghét gì bằng sự ly dị, nên mọi người đều e dè; bên chồng bên vợ đều cử người làm trọng tài và hai bên kiếm mọi cách hoà giải. Phải tuyên bố hai lần trong thời gian ba tháng, thì sự ly dị mới hợp pháp [x. Q. 2:229]. Sau khi ly dị, người vợ phải ở vậy trong vòng ba tháng, và khi sắp hoàn tất thời hạn ở vậy, người chồng “hoặc giữ họ lại một cách tử tế hoặc trả tự do cho họ một cách tốt đẹp, và chớ giữ họ lại để làm khổ họ”. Trong thời gian ở vậy ba tháng, nếu người phụ nữ đã mang thai, thì họ “không được giấu (bào thai) mà Allah đã tạo dựng trong bụng của họ… Và chồng của họ có quyền ưu tiên lấy họ trở lại trong thời gian đó, nếu hai người hoà thuận lại với nhau”[Q. 2:228]. Người mẹ ly dị sẽ phải cho con cái bú suốt hai năm tròn nếu người cha muốn cho con họ bú đủ thời hạn, và trong thời gian đó, người cha phải chịu mọi phí tổn. Thời gian hai năm có thể sẽ giảm đi nếu hai bên
thoả thuận được, họ cũng có thể nhờ vú nuôi và cung dưỡng cho họ. Người vợ ly dị sẽ không còn hợp pháp với người chồng cũ nữa, trừ khi người chồng mới của bà ta bỏ bà ta và bà ta có thể quay lại với chồng cũ mà không mắc tội [x. Q. 2:230]. Người chồng vừa bị ly dị không được ngăn cản họ quay về với chồng cũ nếu họ hoà thuận tái hợp, cũng như không được lấy lại tiền cưới đã tặng cho vợ. Nếu khó khăn trong đời sống vật chất, người phụ nữ bị ly dị có quyền đòi chồng chu cấp. Để đảm bảo quyền lợi về mặt pháp lý cho người vợ, Kinh Qur'an yêu cầu người chồng, khi hết thời gian ở vậy của người vợ, “hãy mời hai người công bằng trong các người đến làm chứng và hãy vì Allah mà thiết lập chứng cứ rõ ràng”[Q. 65:2].
Ly dị sẽ không có tội nếu người đàn ông ly dị vợ trước khi động phòng, hoặc chưa định cho vợ một tặng phẩm nào, nhưng phải tặng cho họ một món quà nào đó tuỳ gia cảnh. Trong trường hợp này, người phụ nữ không phải ở vậy ba tháng, họ không phải chịu một sự ràng buộc nào về mặt hôn nhân. Nếu chồng ly dị vợ sau khi động phòng, thì một nửa tặng phẩm định cho vợ sẽ thuộc về vợ, trừ khi người vợ đó khước từ, và hành động từ khước đó gần với việc sợ Allah [x. Q. 2:236-237]. Kẻ nào không vì những lý do chính đáng mà ly dị vợ, bị Kinh Qur'an coi là kẻ ác đức: “Ai trong các ngươi mắng vợ: “Mày đối với tao như cái lưng của mẹ tao” để thôi vợ…(thì nên biết) họ (các bà vợ) không thể là mẹ của họ được… Chắc chắn họ đã thốt ra lời lẽ ác đức và sai ngoa (để đạt cho được mục đích của họ)”[Q. 58:2]. Những ai thôi vợ theo cách đó, muốn rút lại lời mình tuyên bố sẽ phải chịu phạt bằng cách giải phóng một nô lệ hoặc phải nhịn chay hai tháng trước khi hai người trở lại ăn nằm với nhau.
Như vậy, theo quan điểm thần học Islam, với những qui định trong Kinh Qur'an áp dụng cho đời sống hôn nhân, hôn nhân đã mặc lấy những ý nghĩa cao cả. Nó là cuộc giao duyên giữa trời và đất, giữa Allah với con người, nó thể hiện tình yêu của Thượng Đế nơi con người. Và những đối
tượng tham gia vào đời sống hôn nhân là tham dự vào một sứ mệnh đặc biệt, sáng tạo và hoàn thiện thế giới. Ẩn sâu trong ý nghĩa thần học đó, là những giá trị nhân bản to lớn. Không gì lớn hơn là ý thức thiêng liêng về việc giữ gìn và phát huy sự sống; là bảo vệ phẩm giá con người. Kinh Qur'an đã cải thiện đáng kể địa vị của nguời phụ nữ so với trước kỷ nguyên Islam, mặc dù dưới cái nhìn của chúng ta hay của người phương Tây, người phụ nữ vẫn chìm nghỉm trong thế giới Islam, nhưng xét cho cùng, mỗi qui định luân lý lại phải tuỳ thuộc vào điều kiện của sự thực thi cũng như văn cảnh đương thời. Mọi sự xét đoán về thế giới Islam sẽ là thiếu công bằng nếu chúng ta không hiểu được tâm thức của họ, cũng như chúng ta chưa đứng vững trên nền tảng giá trị chung của nhân loại.
Kinh Qur'an không chỉ đề cập đến những đòi hỏi luân lý trong ứng xử vợ - chồng, mà còn nêu lên những nguyên tắc cho việc ứng xử cha mẹ - con cái và vấn đề nô lệ trong gia đình.
2.2.1.2. Những nguyên tắc ứng xử cha mẹ - con cái và vấn đề nô lệ trong gia đình
Kinh Qur'an đặc biệt đề cao vai trò của cha mẹ với tư cách là cộng sự của Allah. Người nam và người nữ khi bước chân vào đời sống hôn nhân, họ phải ý thức rằng họ gánh vác một trách nhiệm nặng nề và vinh quang là cộng tác với Đấng Tạo hoá để sinh sản và nuôi dạy con cái. Con cái không phải là gánh nặng đối với bậc làm cha mẹ, mà là niềm hạnh phúc, là ân huệ Allah ban cho [Q. 11:73]. Để con cái thực sự trở thành triều thiên cha mẹ đội trên đầu, Allah mong muốn cha mẹ phải hết sức nuôi dưỡng cả thể xác lẫn tinh thần cho con cái. Đặc biệt, cha mẹ phải là tấm gương sáng về đời sống đạo đức cho con cái noi theo; phải dùng đức tin vững mạnh của mình để dẫn đường chỉ lối cho con cái, cho chúng có một đức tin vững mạnh nơi Allah, và như thế gia đình sẽ lại được đoàn tụ trên Thiên Đàng [x. Q. 52:21]. Mohammed đã từng nói: “Thiên Đàng ở dưới chân các bà mẹ”.
Trước kỷ nguyên Islam, trẻ em gái có thể bị chôn sống khi mới oe oe cất tiếng khóc chào đời; nay Kinh Qur'an cấm cha mẹ giết con vì bất kỳ lý do gì. Việc tạo ra một sinh linh không giống như cách người ta làm ra đồ vật. Mỗi con người ra đời là do Allah tạo tác, Ngài phán: “Ta tạo hoá Nutfah (tinh dịch) thành một hòn máu đặc, sau đó Ta tạo hoá hòn máu đặc thành một miếng thịt, tiếp đó Ta tạo hoá miếng thịt thành xương, rồi Ta lấy thịt bao xương lại rồi ta làm cho nó thành một tạo vật khác”[Q. 23:14]. “Ngài hoàn chỉnh y (con người) và hà vào cơ thể của y (linh hồn) do Ngài (làm ra cho người đó); và Ngài làm ra cho các người thính giác (tai) và thị giác (mắt) và tấm lòng (trái tim)”[Q. 32:9], rồi Ngài âu yếm nâng đứa trẻ ra khỏi lòng mẹ. Như vậy, cha mẹ chỉ là cộng tác viên của Allah, chỉ có Allah mới có quyền định sự sống chết, nên “chớ vì nghèo mà giết con của các ngươi. Ta cung cấp lộc ăn cho chúng và cho cả các ngươi nữa. Chắc chắn, việc giết con là một trọng tội”[Q. 17:31].
Do đặc thù của đời sống kinh tế trên bán đảo Ả-rập nên vai trò của đàn ông trội hơn đàn bà, và như thế cha mẹ thường mong muốn có con trai hơn con gái. Kinh Qur'an đòi hỏi cha mẹ phải đối xử công bằng với con trai lẫn con gái [x. Q. 53, 21:22]. Nhưng vì nam giới được giao trách nhiệm chính trong đời sống kinh tế, nên “Allah ra lệnh cho các người về việc con cái của các người hưởng gia tài (như sau): phần của con trai bằng hai phần của con gái” [Q. 4:11]. Cha mẹ phải dõi theo từng bước trưởng thành của con cái, đặc biệt phải huấn luyện đức tin cho con cái. Để giữ được đức tin, cha mẹ không được cho con trai và con gái kết hôn với kẻ thờ đa thần [x. Q. 2:221], bởi chúng tạo ra nguy cơ chống lại Allah, sẽ mất đi sự thuần khiết trong đời sống tôn giáo cũng như xã hội. Nếu con cái không nghe lời cha mẹ, đi ngược lại chính đạo, tức là nó chống lại mệnh lệnh của Allah, chạy theo tà thần thì lúc đó cha mẹ có thể khai trừ đứa con hư hỏng đó ra khỏi gia đình [x. Q. 11:46; 58,22].
Đối với kẻ làm con, phải hiếu thuận với cha mẹ theo chỉ dẫn của Allah. Kinh Qur'an luôn nhắc nhở con cái hãy nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và Thượng Đế “truyền cho con người nên hiếu thuận và ân