Nghĩa trong thời đại ngày nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng nhân văn của nguyễn trãi trong tác phẩm quân trung từ mệnh tập (Trang 65 - 81)

7. Kết cấu luận văn

2.2. Ý nghĩa tƣ tƣởng nhân văn của Nguyễn Trãi qua tác phẩm “Quân

2.2.2. nghĩa trong thời đại ngày nay

Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi đặt lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết thảy thực sự có ý nghĩa to lớn làm lay động tâm hồn của mỗi con dân Việt Nam, khuyến khích cá nhân mỗi người dân hành động vì lợi ích của cộng đồng, của quốc gia dân tộc.

Trước Nguyễn Trãi, các cuộc chống ngoại xâm như Lê Hoàn chống Tống lần thứ nhất 981, Lý Thường Kiệt chống Tống lần thứ 2 (1075-1077), ba lần chiến thắng quân Nguyên- Mông (1258, 1285, 1288) của nhà Trần tuy là đuổi được giặc, bảo vệ đất nước nhưng người lãnh đạo vẫn còn tư tưởng đặt nặng quyền lợi dòng tộc, tôn thất lên trên những lợi ích của nhân dân. Bản thân họ lo nghĩ cho dòng tộc của mình trước rồi mới lo nghĩ đến dân.

Đặc biệt nhà Trần rất đề cao quyền lợi dòng tộc. Vua Trần Thái Tông nhắc nhở anh em con cháu họ Trần phải luôn bảo vệ sự đoàn kết trong họ tộc để bảo vệ quyền lực của nhà Trần. Ông từng nói: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc” [20, tr.180].

Sử sách phong kiến có ghi lại câu chuyện nổi tiếng về việc Trần Hưng Đạo trước khi lâm chung trả lời vua Trần Anh Tông về kế sách giữ nước muôn đời khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Tuy vậy trong quan điểm của Trần Hưng Đạo cũng còn mang nhiều hạn chế của lối tư duy quý tộc của chế độ điền trang thái ấp nhà Trần vì lợi ích của bộ phận giai cấp thống trị. Trần Hưng Đạo cũng lấy quyền lợi vật chất ra chiêu dụ tướng sĩ chống giặc để bảo vệ quyền lợi của dòng tộc tôn thất. Với ông thì quyền lợi của dòng tộc ở trên quyền lợi của dân, của tướng sĩ: “chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền. Mà bổng lộc các ngươi cũng suốt đời tận hưởng; Chẳng những gia thuộc ta được ấm êm giường nệm, Mà vợ con các ngươi cũng trăm tuổi sum vầy; Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu. Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng; Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí, Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm; Chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, Mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền” [62, tr. 392]. Cho nên, nếu trong Hịch tướng sỹ có thể thấy lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc của Trần Hưng Đạo nhưng lại không hề xuất hiện phạm trù nhân dân. Còn Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nói thẳng khi trả lời vua

Trần Anh Tông về đạo làm tướng:“Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?” [20, tr. 207].

Cuộc tranh giành quyền lực giữa hai dòng họ Trần- Hồ giai đoạn cuối thế kỉ XIV là minh chứng rõ nét nhất cho việc bảo vệ quyền lợi dòng tộc. Cha con Hồ Quý Ly vừa phải đem quân chống giặc Minh vừa vấp phải sự chống đối, làm nội ứng cho giặc Minh của các thế lực tôn thất nhà Trần. Trần Ngỗi vì nghe lời dèm pha của kẻ nịnh thần đã giết chết hai chủ tướng đắc lực Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Dị đã gây mất đoàn kết nội bộ, tướng sĩ nghi ngờ lẫn nhau gây ra nhiều bất lợi và khởi nghĩa nhanh chóng bị giặc Minh dập tắt…Vì lợi ích dòng tộc, các tập đoàn phong kiến tiến hành thanh trừng lẫn nhau, không chăm lo đến đời sống nhân dân, không đoàn kết được toàn dân, không chú trọng đến vận mệnh dân tộc để rồi cuối cùng ngoại bang vào xâm lược, nhân dân phải chịu khổ cực trăm bề, đất nước rơi vào cảnh đen tối.

Nguyễn Trãi sinh vào thời buổi nhiễu nhương, tận mắt chứng kiến cảnh thối nát của xã hội, sự tàn bạo của bọn lũ giặc, tình cảnh thảm thương của dân tộc, thất bại khi cùng nhà Hồ chống giặc Minh xâm lược, cảnh cha bị bắt đưa sang Trung Quốc, bản thân bị giam lỏng ở Đông Quan buộc ông phải nhận thức lại con đường mình phải làm. Ông chọn chủ tướng Lê Lợi để phò tá bởi cuộc khởi nghĩa do Bình Định Vương lãnh đạo phù hợp với mong muốn của ông, phù hợp với lợi ích dân tộc. Tinh thần yêu nước đã thúc đẩy ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn bảo vệ đất nước, bảo vệ sinh mạng người dân vô tội, đem lại cho họ cuộc sống ấm no. Nguyễn Trãi nhất quán trong tư duy và hành động cứu nước, thể hiện tinh thần yêu nước mãnh liệt. Và hành động yêu nước của con dân Việt luôn được đặt trong mối quan hệ không tách rời với vận mệnh gia đình, dòng họ, quốc gia xã tắc.

Có thể nói, tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi đã tác động đến ý thức của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội dựa trên tiêu chí lấy lợi ích dân

tộc nhân dân làm trọng. Cho đến thời đại Hồ Chí Minh sau này, lý tưởng vì dân tộc, vì nhân dân phục vụ vẫn là lý tưởng cách mạng trong sáng và khoa học nhất. Nó có sức cổ vũ, động viên con người phấn đấu vì một xã hội độc lập, tự do, hạnh phúc, một xã hội của dân, do dân và vì dân và một quốc gia muốn làm bạn với tất cả các nước trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn về lãnh thổ, phong tục, tập quán và văn hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Bước vào thời kỳ Đổi mới, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bản lĩnh, nhân cách con người Việt Nam vừa được thử thách, tôi luyện, vừa được bổ sung, bồi đắp để ngày càng thích ứng với yêu cầu phát triển đất nước và nhịp sống của thời đại. Xây dựng con người Việt Nam mới trong giai đoạn hiện nay luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm hàng đầu. Bởi con người là nhân tố quyết định cho mọi sự phát triển của đất nước. Định hướng về phát triển con người

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Con người

là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi; sống có văn hoá, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính” [10, tr. 76-77].

Trong những tiêu chí mà Đảng cộng sản Việt Nam đề ra về xây dựng con người Việt Nam mới, chúng ta thấy xuất hiện dấu ấn đặc sắc tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi như gắn quyền con người với quyền và lợi ích của

dân tộc, đất nước; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, sống có văn hoá, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính. Chính vì vậy, tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi thực sự có giá trị bồi dưỡng tư tưởng cộng đồng, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam mới.

Tinh thần hiếu sinh, trân quý sinh mạng mỗi con người vì nền hòa bình chung luôn là gốc rễ của tư tưởng nhân văn quốc tế vì con người. Trong tính

triệt để này, có thể thấy rõ giá trị bồi dưỡng tư tưởng cộng đồng, định hình tư duy và hành động ở đây đã không còn giới hạn trong một phạm vi hay một khuôn khổ một quốc gia dân tộc, mà đã vươn tầm nhân loại. Chính Nguyễn Trãi đã đóng góp không chỉ cho lịch sử dân tộc mà ông còn đóng góp cho lịch sử tư tưởng chính trị thế giới vào nửa đầu thế kỷ XV.

Tinh thần hiếu sinh, tha chết cho kẻ thù, bình thường hóa quan hệ với chính kẻ thù trên cơ sở hòa bình là bài học lớn lao mà Ức Trai để lại cho thế hệ sau thực sự là cẩm nang thần kì. Bởi cái được lớn nhất đó là mạng người được bảo toàn, đất nước, nhân dân có điều kiện hòa bình để phát triển: “Thần võ chẳng giết, Đức lớn hiếu sinh, Nghĩ đến kế lâu dài đất nước, Thả cho về mười vạn tù binh, Nối hai nước tình hòa hiếu, Tắt muôn đời chiến tranh, Đất nước vạn toàn là thượng cách, Cốt sao cho dân được an ninh” [55, tr.117]

Trong giai đoạn hiện nay, xung đột vũ trang, chiến tranh tôn giáo, sắc tộc giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ diễn ra ở khắp nơi trên thế giới cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân luôn hiện hữu, đe dọa hủy diệt nền văn minh của loài người. Việt Nam cũng nằm trong điểm nóng trong tranh chấp đất đai lãnh thổ- khu vực biển Đông và châu Á Thái Bình Dương: “Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau vẫn tồn tại và phát triển. Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn; nhưng đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn

giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á phát triển năng động, nhưng cũng tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định” [10, tr.67- 68].

Xung đột vũ trang có thể nổ ra bất cứ lúc nào nếu các quốc gia không giải quyết được mâu thuẫn và bất đồng bằng con đường ngoại giao, hòa bình. Chính vì vậy, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh bảo vệ sinh mạng con người, văn minh nhân loại là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Chỉ có cùng nhau hành động trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích của từng quốc gia thì nền hòa bình thế giới mới được duy trì, con người mới có cơ hội phát triển trong môi trường tự do và đầy đủ nhất. Trong cuộc đấu tranh chung của nhân loại, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam vinh dự góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi chiến tranh, xung đột, đói nghèo…bảo vệ nền hòa bình, giữ vững môi trường phát triển.

Tư tưởng nhân nghĩa- nền tảng trong tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi, bao giờ cũng thể hiện vị trí riêng có, đặc biệt của nó trong tiến trình lịch sử tư tưởng Việt Nam. Cũng ở nội dung này, giá trị bồi dưỡng tư tưởng cộng đồng, hình thành nhân cách người Việt Nam mới thể hiện rõ nét hơn cả. Không những thế, nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã ghi một dấu mốc quan trọng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam để từ đó về sau nhân nghĩa trở thành biểu tượng của nếp sống Việt. Nói cách khác, tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi, giá trị thẩm thấu tự thân của nó được tiếp nhận vào sinh hoạt thường ngày và trở thành một bộ phận trong tư duy hành động của người Việt: “Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với xã hội phong kiến đương thời,mà còn tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư

tưởng Việt Nam. Nó tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến thực tiễn chính trị của đất nước trong thời đại ngày nay” [5, tr. 153].

Cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Trãi là minh chứng cho ý chí và nghị lực vươn lên không ngừng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Ức Trai vẫn giữ được bản lĩnh và nhân cách cao cả của mình, vẫn một lòng trước sau như một, lo nghĩ cho dân, cho nước. Chính điều đó đã tạo nên một Nguyễn Trãi- con người thời đại mang tầm vóc to lớn trong lịch sử dân tộc. Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi trên cơ sở tiếp thu giá trị nhân văn truyền thống đã làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị truyền thống dân tộc từ đó tạo nên đời sống tinh thần tình cảm tốt đẹp của dân tộc, ngày càng được phát triển phù hợp với đời sống hiện đại, càng tạo nên nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc cổ vũ dân tộc vươn lên bắt kịp với các quốc gia phát triển. Mai Quốc Liên trong lời đề tựa xuất bản Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập 1 năm 2001 đã đánh giá rất xác đáng về tư tưởng nhân văn Nguyễn Trãi: “Dù sao thì đem so sánh với các “bậc thầy” ở Trung Hoa, ở phương Tây vào thời đại của ông, Nguyễn Trãi có một vị trí xứng đáng trong văn hóa nhân loại. Con người ấy về mặt tư tưởng triết học, lần đầu tiên tổng kết chủ nghĩa nhân ái Việt Nam từ thực tiễn chiến đấu; “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chính nhân thay cường bạo”, “nhân nghĩa cốt ở an dân” và dân số đông thì “manh lệ” là “dân mọn trong các làng”… Quả vậy, lòng thương dân, mong ước sự ấm no, công bằng cho dân, chiến đấu cho “nền thái bình muôn thuở” của nhân dân và Tổ quốc, những điều có vẻ đơn giản bình dị ấy chính là cái cao cả của tư tưởng nhân văn Nguyễn Trãi” [54, tr.8].

Tiểu kết chƣơng 2

1- Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi ra đời và phát triển đã phản ánh trực tiếp bối cảnh lịch sử dân tộc lúc bấy giờ. Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi qua tác phẩm “Quân trung từ mệnh tập” thể hiệp tập trung trong các nội dung: tư tưởng về quyền được sống trong một quốc gia độc lập, tự chủ với phong kiến phương Bắc; tư tưởng coi trọng sinh mệnh con người; tư tưởng coi trọng nhân nghĩa trong đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc và trị nước. 2- Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi có ý nghĩa hành động to lớn thôi thúc ông tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tính mạng phẩm giá co người, đấu tranh bảo tồn văn hóa của người dân Việt. Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi với nền tảng tư tưởng nhân nghĩa kế thừa quan điểm nhân nghĩa Nho giáo, nhưng đã được mở rộng, phát triển hơn, tạo nên dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.

KẾT LUẬN

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách cai trị của giặc Minh đầu thế kỉ XV do chủ tướng Lê Lợi lãnh đạo, bên cạnh các tướng lĩnh thiện chiến như Nguyễn Chích, Trịnh Khả, Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú…thì Nguyễn Trãi nổi lên là văn thần đầy mưu lược. Với tấm lòng yêu nước thương dân, nhãn quan chính trị nhạy bén, Nguyễn Trãi đã góp công lớn trong việc hoạch định đường lối chiến lược, chiến thuật cho Lê Lợi đưa cuộc kháng chiến chống giặc Minh đến thắng lợi cuối cùng: “Vả lại, Nhân Chú là con đẻ của tôi, Nguyễn Trãi là mưu sĩ của tôi, tất cả mọi chuyện phá thành đánh trận đều là công của hai người ấy” [54, tr. 618].

Nguyễn Trãi là con người tài năng, một nhân vật lịch sử kiệt xuất, đã để lại dấu ấn đặc biệt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Thời đại của Nguyễn Trãi là thời đại có nhiều biến chuyển trong lịch sử của dân tộc. Chính thời đại ấy đã quy định và đưa ra yêu cầu về đường lối giải phóng đất nước, dân tộc khỏi áp bức bóc lột của giặc xâm lược phương Bắc, đưa đất nước, dân tộc vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển đi lên. Thực tiễn lịch sử dân tộc,

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng nhân văn của nguyễn trãi trong tác phẩm quân trung từ mệnh tập (Trang 65 - 81)